Hé mở bức màn bí mật áo giáp da và xương

Tác giả Đông Nguyễn
Hé mở bức màn bí mật áo giáp da và xương

Áo giáp bằng da, xương là những vật phẩm cực kỳ phổ biến trong các sản phẩm văn hóa đại chúng như phim, game, truyện tranh… bối cảnh thời Trung cổ hoặc giả tưởng. Nhưng đó là trong văn hóa phẩm, còn ngoài đời, áo giáp bằng da, xương có tồn tại không? Và ai sử dụng chúng? Độ bảo vệ của chúng ra sao? 

Cần khẳng định: Hiện vật áo giáp bằng da và xương thực sự hiện diện trong các di chỉ khảo cổ, từ thời Tiền sử đến Cận đại. Tuy nhiên chúng không giống tẹo nào với các vật phẩm cùng tên trong tưởng tượng của các họa sĩ. Áo giáp da trong phim đa số là những tấm da bò thuộc, khâu lại với nhau như áo da hiện đại và nhà làm phim kỳ vọng như vậy là đủ để chống đỡ cho người mặc. 

Trong game, đây cũng là những loại áo giáp “cấp độ đầu”, với giá thành không quá đắt, bù lại độ bảo vệ chỉ trung bình, phù hợp với binh lính cấp thấp. Thực tế, một hay hai tấm da bò quá mỏng để có thể đương cự mũi nhọn. Và khi chúng bị đâm thủng, cả tấm áo coi như bỏ đi.

Thiết kế áo giáp da trong các sản phẩm văn hóa đại chúng như phim, game, truyện tranh...

Những hiện vật áo giáp da tìm thấy được chế từ những loại da dày, chắc hơn rất nhiều. Đa số là từ các loài như trâu hay cá sấu, thậm chí một số dân tộc thiểu số ở biên giới phía Nam Trung Hoa sử dụng cả da gấu, da voi. Độ dày của chúng có thể lên tới 1.5 cm. Nghệ nhân chế tác áo giáp không để nguyên cả tấm mà họ cắt miếng da thành các phiến nhỏ, đục lỗ để đan lại. 

Như vậy, các phiến chồng lên nhau theo từng hàng, lớp, gia tăng độ dày, đồng thời nếu chẳng may mỗi phiến bị đâm thủng, người ta có thể dễ dàng thay thế chứ không cần vứt bỏ cả bộ áo giáp.

Áo giáp đan bằng các phiến da trâu của người Tây Tạng. (Ảnh: Metropolitan Museum of Art)

Các phiến giáp không được “thuộc” (sử dụng hóa chất để thay đổi cấu trúc protein của da) mà thường cạo bỏ lông, thịt, phơi khô, sau đó phủ sơn vài lượt để tránh da bị phân hủy. Ngoài ra, sơn còn có một tác dụng khác cực kỳ quan trọng. Phân tử sơn len lỏi vào trong và lấp đầy các lỗ hổng trên da, liên kết các mô da, tạo nên một cấu trúc cực cứng tựa như sợi thủy tinh. Trong sách Lĩnh Ngoại đại đáp thời Tống, tác giả Chu Khứ Phi khen ngợi những loại giáp da như vậy của các dân tộc thiểu số, rằng cung tên không xuyên được, cả thép cũng chẳng bằng.

Giáp da trâu của người Hắc Miêu, Vân Nam.

Bên cạnh việc sở hữu độ bảo vệ thượng hạng, các hiện vật giáp da cũng thường được trang trí cực kỳ cầu kỳ, sử dụng sơn và đôi khi cả nhũ vàng để tạo các hoa văn trên từng mảnh giáp li ti. Chắc chắn những hiện vật này đã được các tướng tá sử dụng chứ không thể là trang bị đại trà của binh sĩ cấp thấp. Như vậy, áo giáp da ngoài đời có diện mạo, độ bảo vệ và đối tượng sử dụng khác hẳn với trên phim ảnh hay game.

Câu chuyện ngoài lề là Việt Nam cũng là một quốc gia sử dụng áo giáp da. Chẳng hạn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi lại rằng thời Lê Trung Hưng: “Ngoại binh thì áo mũ dùng da trâu sơn đỏ”. Thời Trần, khi tướng quân Hồ Tùng dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, nửa đường bị lũ hết lương, quân tướng phải nướng áo giáp da để ăn.

Phiến giáp da trâu của Triều Tiên được sơn và dập nhiệt các hoa văn Bát Bảo.

Tương tự, áo giáp bằng xương cũng thực sự tồn tại trong lịch sử, nhưng chúng không giống với văn hóa đại chúng mô tả. Trên phim ảnh và game, người ta để nguyên những mảnh xương, những chiếc sừng và đầu lâu để mặc lên người, với dụng ý hăm dọa đối phương nhiều hơn là bảo vệ cho người mặc. Ngoài đời, người ta cũng phải cưa các mảnh xương và sừng nguyên vẹn thành những phiến nhỏ để đan lại như cách chế giáp da, bởi chúng không có hình dạng và độ cứng đáp ứng được nhu cầu của áo giáp.

Ảnh 1: Giáp xương cá voi của người Eskimo.
Ảnh 2: Mũ trụ bằng răng lợn rừng của người Mycenaean.
Ảnh 3: Các mảnh áo giáp bằng xương - Triều Tiên.

Như vậy, áo giáp bằng da và xương đã thực sự tồn tại, nhưng chúng khác xa với những gì được thể hiện cho công chúng. Sự xa rời thực tế này có lẽ đến từ nhu cầu thẩm mỹ của các sản phẩm văn hóa đại chúng, nhưng một phần cũng bởi những lỗ hổng kiến thức của người sáng tạo và thiết kế. Manh áo giáp trên màn ảnh không còn là một vật phẩm bảo vệ, mà chỉ còn là một món trang sức.

Vô hình trung, khi các sản phẩm thiếu đi những nghiên cứu và tính thể hiện chuẩn xác, chúng sẽ chỉ là những bản rập khuôn thiếu chiều sâu, lãng phí những câu chuyện thú vị mà lịch sử và văn hóa đã để lại. Bất kể sản phẩm nào cất công “đào bới” những “tiểu tiết” chưa ai khai thác đó sẽ tạo được sự lôi cuốn bằng những bản sắc riêng biệt, mà có lẽ người xem lẫn người chơi đang vô thức thèm thuồng. 

Art Director Lê Minh
Thiết kế Hoàng Anh
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share