Hội thề Đồng Cổ vốn bắt đầu từ thời vua Lý Thái Tông, để sự kiện Loạn Tam Vương không xảy ra lần thứ hai, vua cho tổ chức hội thề bắt văn võ bá quan, hoàng thân quốc thích phải thề trung hiếu với vua. Hội thề được duy trì qua tới thời Trần.
Năm 1394, sau khi kết thúc hội thề Đồng Cổ, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cho gọi Lê Quý Ly vào cung, ung dung bảo rằng:
“Bình chương là họ thân thích nhà vua, mọi việc nhà đều trao cho khanh cả. Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, Quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua“.
Câu nói nửa đùa nửa thật của Thượng hoàng như đánh thẳng vào “tim đen” của Quý Ly. Ông ta nghe vậy liền bỏ mũ, rập đầu khóc lóc từ tạ, chỉ trời vạch đất thề rằng:
“Nếu thần không biết dốc lòng trung, hết sức giúp Quan gia để truyền đến con cháu về sau thì trời sẽ ghét bỏ thần“
Lúc bấy giờ, Lê Quý Ly đã ở đỉnh cao quyền lực, một tay nắm binh quyền cả nước. Hơn nữa, con gái ông ta còn là hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông, thật ứng với câu “dưới một người mà đứng trên vạn người“. Vậy nên mới có chuyện tôn thất nghi kỵ, đại thần lo lắng về việc Quý Ly sớm muộn cũng sẽ cướp ngôi nhà Trần.
Vua tôi nhà Trần cũng không hẳn không tính tới chuyện trừ bỏ Quý Ly. Trước thì có Trần Phế Đế, sau lại có Trang Định Đại Vương Trần Ngạc và tôn thất Trần Nhật Chương. Nhưng tất cả đều sớm để lộ phong thanh nên mới bị Quý Ly hại ngược lại.
Dường như Thượng hoàng cũng dần ý thức được chuyện Quý Ly mưu cướp ngôi, nhưng ngài lại không nỡ xuống tay nên cũng đã dùng phương pháp mềm mỏng để “nhắc nhở” ông ta.
Trước đó, vào tháng 2 năm 1394, Thượng hoàng sai thợ vẽ bức tranh Tứ phụ đem tặng cho Lê Quý Ly. Nội dung tranh vẽ Chu Công Đán giúp Chu Thành Vương, Hoắc Quang giúp Hán Chiêu Đế, Gia Cát Lượng giúp Thục Hậu chủ, Tô Hiến Thành giúp Lý Cao Tông. Thượng hoàng ban tranh này có ý mong Quý Ly cũng phò giúp Trần Thuận Tông như vậy.
Tuy nhiên, Thượng hoàng có lẽ là người duy nhất khiến Lê Quý Ly không thể bước một bước cuối cùng để chiếm lấy ngôi báu. Ba năm sau khi Thượng hoàng qua đời (1397), Quý Ly sửa soạn cho đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố ở động An Tôn, phủ Thanh Hóa.