Kiêu binh nổi loạn năm Nhâm Dần (1782): Họ là ai? – Kỳ 2

Tác giả Wong Trần
Kiêu binh nổi loạn năm Nhâm Dần (1782): Họ là ai? – Kỳ 2

Kiêu binh nổi loạn năm Nhâm Dần 1782 – ưu binh Thanh Nghệ 

Các đời chúa Trịnh dựa vào lực lượng ưu binh Thanh – Nghệ làm công cụ trấn áp chống đối bên trong, kháng cự xâm lấn bên ngoài, nhưng chính những binh sĩ này lại bị đối xử hết sức tàn tệ. Từ chỗ đấu tranh cho quyền lợi kinh tế của mình, ưu binh Thanh – Nghệ cuối cùng trở thành lực lượng chính trị hùng mạnh, có đủ sức thay chúa, đổi trữ quân.

Mầm loạn năm Nhâm Dần 1782: Trịnh Sâm phế trưởng lập thứ

Sau khi chúa Trịnh Sâm qua đời, ưu binh lại nổi dậy một lần nữa. Lần này là vì vấn đề phế trưởng lập thứ. 

Vốn khi còn là Thế tử, nội tần Dương Thị Hoan đã sinh cho Trịnh Sâm con trai trưởng là Trịnh Tông. Bấy giờ đã cho đốt ba tiếng ống lệnh và làm lễ tế cáo tổ tiên để khẳng định quyền con trưởng. Nhưng Trịnh Sâm thấy mình chỉ đi lại với Dương Thị Hoan có một lần mà đã thụ thai, nên trong lòng không thích Trịnh Tông (có lẽ Trịnh Sâm nghĩ Trịnh Tông không phải con mình). 

Đến khi lên ngôi vương, Trịnh Sâm lại sủng ái Đặng Thị Huệ, sinh một con trai đặt tên là Cán. Lần này Trịnh Sâm cũng sai quân Thiên Hùng đốt ống lệnh, như lệ con trưởng. Mới đốt được một tiếng, quốc sư Nguyễn Hoãn ở trong phủ nghe thấy, sai bắt quản cơ Thiên Hùng đem chém. Viên quan ấy van nài xin tha và thôi không đốt nữa.

kieu-binh-noi-loan-vua-le-chua-trinh-1872_ba-chua-trinh
Trịnh Sâm, Trịnh Tông và Trịnh Cán trong Trịnh gia chính phả

Trịnh Cán “tư chất thông tuệ”, được chúa Trịnh Sâm yêu quý. Trịnh Sâm bèn cho Hoàng Đình Bảo (con nuôi Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc) làm chức Chưởng phủ sự, nắm binh quyền, và dặn phải lập vương tử Cán làm chúa.

Kiêu binh nổi loạn Nhâm Dần 1782 

Vụ án năm Canh Tý 1780

Ý định phế trưởng lập thứ của Trịnh Sâm đã quá rõ ràng, vì vậy, công luận từ sớm đã đưa ý kiến phản đối. Năm 1780, Trịnh Sâm triệu các cống sĩ ở Thanh – Nghệ vào hỏi tình hình hai xứ. Viên ngoại lang Bùi Bật Trực liền làm bài điều trần, trong đó lấy chuyện Từ Phúc thời Hán cảnh báo họ Hoắc sắp mưu phản, cùng với tích “khúc đột, tỉ tân” (nắn cong ống khói, dời củi chỗ khác, để tránh nguy cơ cháy nhà) làm ví dụ. Bài điều trần rõ ràng nhắm đến Hoàng Đình Bảo, nên khiến ông ta rất bực tức. 

Cùng năm này, nổ ra vụ án Canh Tý. Vương tử Tông bị vu tội kết bè đảng để mưu phản, bị phế làm con út. Mấy chục người liên can đến Trịnh Tông đều bị xử tử. Đốc trấn Lạng Sơn là Ngô Thì Sĩ cũng vì chuyện này mà tự sát. Công luận hết sức bất bình với vụ án này. 

Khi đấy đang nóng nực, không có gió mây, bỗng mưa to như trút, mọi người đều cho là lạ. Lần này năm trước thì giết Đông cung [Lê Duy Vỹ - cha vua Chiêu Thống], sau đó bắt bỏ tù thế tử, giết đại thần, ngoài kinh thành bàn tán xôn xao

Khuyết danh - Lê quý dật sử

Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Khản, cựu Tri châu Lê Vỹ đến cửa khuyết dâng sớ kêu oan cho Trịnh Tông và các đại thần bị liên lụy. Trịnh Sâm phải ban chỉ dụ giải thích cho thiên hạ. Nhưng trong dân gian vẫn còn câu ca dao:

Tông chi do vị,

Cán tắc vô ký,

Trưởng bất khả thí,

Ấu bất khả thị

Bùi Dương Lịch - Nghệ An ký

Tông hãy còn đây,

Cán đừng hy vọng,

Trưởng không thể bỏ,

Út không thể cậy

Bùi Dương Lịch - Nghệ An ký (Dịch thơ)

Trịnh Sâm hết sức bực mình vì câu này. Kỳ thi Hội năm 1781, chúa Trịnh Sâm triệu các cống sĩ trong nước vào Quốc Tử Giám, ra đề bài hỏi về việc thời sự. Đề bài là: “Tại sao nho sĩ hay có thói nói phạm thượng và có tính phù phiếm khinh bạc”. Trịnh Sâm còn bảo Đặng Thị Huệ đem 500 quan tiền cho các cống sĩ để lấy lòng họ.

kieu-binh-noi-loạn-truong-thi-dang-ngoai
Một góc trường thi Đàng Ngoài

Trịnh Cán lên ngôi Thế tử và công luận phản đối

Cuối năm 1781, chúa Trịnh Sâm lập Trịnh Cán làm vương thế tử. Trong dân gian lại đặt ra câu ca dao để phản đối. Họ kháo nhau rằng:

Đục cùn thì giữ lấy tông,

Đục long cán gãy còn mong nỗi gì

Ngô Thì Chí - Hoàng Lê nhất thống chí

Bản thân các quan trong phủ liêu cũng khuyên can Trịnh Sâm. Đầu năm 1782, nhân có động đất, quan Bồi tụng Bùi Huy Bích dâng khải khuyên Sâm nhớ đến câu “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” trong Luận ngữ. Ý nói vua phải ra vua, bề tôi phải ra bề tôi, cha phải ra cha, con phải ra con. Trịnh Sâm đọc lại hai ba lần, tủm tỉm cười, hiểu ý, nhưng cũng không thay đổi.

Mùa hạ năm đó Bồi tụng Vũ Miên ốm nặng sắp chết, cũng tự tay viết tờ khải dâng lên, nói:

Quý tử [Trịnh Tông] vì huyết khí chưa vững vàng, bị bọn tiểu nhân làm mê hoặc, đến nỗi phạm tội nặng nề; thế tử [Trịnh Cán] khi trưởng thành nối ngôi trị vì, đấy là phúc muôn năm của tôn miếu xã tắc; vạn nhất mà biến cố xảy ra bất thường, thì họa hoạn sẽ không thể lường được. Việc này tôi vẫn áy náy lo thầm, đến chết cũng không nhắm mắt được. Lại xin vương thượng cắt đứt tình yêu nơi chăn gối, mà định thứ tự con lớn con trẻ cho được đúng đắn, thì may mắn cho thiên hạ lắm

Quốc sử quán triều Nguyễn - Khâm định Việt sử thông giám cương mục

Lời trăn trối của Vũ Miên cũng không khiến Trịnh Sâm đổi ý. Vũ Miên qua đời vào tháng 6. Đến tháng 9, đến lượt Trịnh Sâm ốm nặng. Ngay cả thần y Lê Hữu Trác cũng bó tay. Trịnh Sâm sai các đại thần Hoàng Đình Bảo, Phan Trọng Phiên gồm 7 người nhận di chúc, lập Thế tử Trịnh Cán lên làm Điện Đô vương. 

kieu-binh-noi-loan-vua-le-chua-trinh-1872_chua-trinh-thiet-trieu
Quang cảnh trong phủ chúa Trịnh

Việc bỏ trưởng lập thứ rốt cuộc chỉ là ý của Trịnh Sâm, Đặng Thị Huệ và Hoàng Đình Bảo mà thôi. Chúa Trịnh Sâm chết rồi, chỉ còn lại Hoàng Đình Bảo một tay chèo chống. Còn công luận thì vẫn cực lực chống đối, đặc biệt là trong giới ưu binh. Lê quý dật sử chép: “Đến khi Tĩnh vương [Trịnh Sâm] mất, lệnh cho con là Cán nối ngôi, quân sĩ hai xứ Thanh Nghệ đều ngấm ngầm phẫn uất kêu ca”. Đó là thời cơ tốt để những người ủng hộ Trịnh Tông phản kích.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này

Art Director Lê Minh
Graphic Designer Nhím 
Editor Phạm Vĩnh Lộc


 

Share