Kiêu binh nổi loạn năm Nhâm Dần (1782) – Kỳ 1: Họ là ai?

Tác giả Wong Trần
Kiêu binh nổi loạn năm Nhâm Dần (1782) – Kỳ 1: Họ là ai?

Quốc sử thường chú ý đến những nhân vật cấp cao trong bộ máy chính trị: hoàng đế, hậu cung, những người trong tôn thất, các đại thần, các vị tướng quân. Nhưng trong nhiều trường hợp, chính những nhân vật nhỏ bé cấp thấp lại đóng một vai trò quan trọng trong các biến cố lịch sử. Sử sách đã bỏ qua họ, nhưng vai trò của họ vẫn còn được lưu lại trong những sắc phong mà con cháu trân trọng gìn giữ qua nhiều thế hệ.

kieu-binh-noi-loan-vua-le-chua-trinh-1872-sac-phong-dinh-si-nham
Sắc phong "kiêu binh" Đinh Sĩ Nhâm

Khu vực hai trấn Thanh Hoa, Nghệ An xưa vẫn còn lưu giữ nhiều sắc phong cùng đề ngày 26 tháng 2 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Lời văn sắc này chia thành hai loại. Một loại ghi nhận người được phong vào năm Nhâm Dần (1782) “cùng chư quân trong ngoài dực đái có công”; loại kia ghi “vì giúp tự vương lúc mới nắm quyền, chuẩn cho hưởng công dực đái với chư quân”. 

Có những trường hợp một người được nhận cả hai loại sắc này, nhưng cũng có trường hợp chỉ có một loại sắc (không loại trừ trường hợp bản sắc kia đã mất). Đó là bằng chứng cho một sự kiện lịch sử mà chúng ta hằng quen thuộc khi còn ngồi trên ghế nhà trường: Sự kiện Kiêu binh nổi loạn.

Nguồn gốc kiêu binh và cuộc nổi dậy đầu tiên (1674)

Kiêu binh là cụm từ dùng để chỉ lực lượng binh lính mộ từ hai trấn Thanh Hoa và Nghệ An – vốn là địa bàn cũ của vua Lê chúa Trịnh trong cuộc nội chiến với nhà Mạc. Theo Phan Huy Chú, đầu thời Lê Trung Hưng, triều đình chỉ kén quân ở Thanh HoaNghệ An; còn lực lượng tàn quân của nhà Mạc đầu hàng thì được chia tan vào các đội ngũ. 

Từ niên hiệu Thận Đức và Hoằng Định (1600-1619) đời Lê Kính Tông trở về sau, quân Túc vệ ở kinh thành chỉ chọn trong số đinh tráng ở ba phủ Thanh Hoa (Thiệu Thiên, Hà Trung và Tĩnh Gia) cùng 12 huyện ở Nghệ An (thuộc bốn phủ: Đức Quang, Diễn Châu, Anh Đô và Hà Hoa). Còn ở hai phủ Tràng An, Thiên Quan và bốn trấn thuộc địa bàn nhà Mạc cũ chỉ chọn những người tình nguyện làm lính; lính cũ của nhà Mạc cũng bị thải hồi và chỉ giữ lại một số ít được lựa chọn kỹ. 

Số người sống trên địa bàn nhà Mạc cũ không được chọn làm lính nhưng vẫn có tên trong sổ; khi có việc cần dùng thì gọi ra, hết việc thì giải tán. Chỉ có quân Thanh – Nghệ là lực lượng quân đội thường trực.

Là lực lượng quân đội duy nhất được sử dụng thường xuyên, đồng thời lập được nhiều công lao, nhưng lính Thanh – Nghệ lại có một đời sống hết sức khốn khó. 

Vất vả, làm việc cật lực nhưng chẳng mấy ai khá giả. Một khi là lính họ mãi là lính. Trong số hàng nghìn người hiếm khi có được một người thăng tiến… Binh lính được nhận một khoản lương bèo bọt, không quá 3 đô-la một năm kèm theo một ít gạo. Lính gác được trả gấp đôi

(Samuel Baron - Mô tả về vương quốc Đàng Ngoài)
kieu-binh-noi-loan-vua-le-chua-trinh-1872-binh-linh-dang-ngoai
Binh lính Đàng Ngoài - tranh của Samuel Baron

Đời sống nghèo khó khiến quân lính tích tụ nhiều oán giận. Năm 1674, hai viên quan nhà Lê Trịnh là Phan Kiêm Toàn, Lê Hiệu bất mãn vì bị giáng chức, nên nhân đó kích động quân lính nổi dậy. Đây là cuộc đấu tranh quy mô lớn đầu tiên của binh sĩ Đàng Ngoài, còn lưu dấu trong nhiều ghi chép của người đương thời.

Một số lượng lớn quân sĩ, không dưới 40.000 người, ở kinh thành Kẻ Chợ, chiếm đóng mọi ngõ ngách của khu phủ Chúa, gây ra nỗi lo bạo loạn và huyên náo khắp nơi khiến dân chúng sợ hãi bỏ thành phố chạy về quê.

 

Bọn lính đến trước phủ Chúa kêu gào ầm ĩ nhưng không dám xông vào trong bởi một nỗi sợ hết sức bản năng. Họ không mang theo vũ khí, chỉ hoa múa chân tay và miệng thì gào thét. Họ cất lên những lời thô tục để trách Chúa bạc đãi binh sĩ, hoang phí đối với đám cung tần mỹ nữ của mình khiến cho ngân khố cạn kiệt trong khi dân thường thì cùng kiệt và đói khổ…

 

Họ kể lể công lao của họ khi phục vụ Chúa và đe dọa sẽ hành động quá khích nếu Chúa không tăng lương và phát chẩn ngay lập tức. Họ cũng tản ra vây lấy phủ Chúa, đóng trại tại những phố chính cứ như họ đang chuẩn bị vây hãm cung điện và thiết lập tình trạng giới nghiêm “nội bất xuất ngoại bất nhập” tại đây

(Samuel Baron - Mô tả về vương quốc Đàng Ngoài)

Trước tình hình căng thẳng, chúa Trịnh Tạc cùng các quan thân cận bàn bạc cách đối phó. Samuel Baron nói rằng có người đề xuất nên thỏa hiệp với quân lính và phát chẩn cho họ để dẹp cuộc nổi loạn. Nhưng Ong Trangdame – tức Bồi tụng Nguyễn Quốc Trinh, đỗ Trạng nguyên năm 1659 – lại chủ trương không nên nhân nhượng, mà phải dùng vũ lực trấn áp. Nguyễn Quốc Trinh hiến kế bắt một vài kẻ cầm đầu đem chém thị uy để đe dọa những người còn lại. Chúa Trịnh Tạc nghiêng về ý kiến này.

Điều không ngờ là trong phủ chúa có gián điệp của phe quân lính. Vì thế, phía quân nổi dậy biết được kế hoạch của chúa Trịnh. Họ đợi Bồi tụng Nguyễn Quốc Trinh rời phủ chúa về nhà, chặn đường, bắt giữ ông này. Quân lính đánh đập viên Bồi tụng đến chết, rồi kéo xác ông ra doi cát ngoài sông Hồng, gần kho quân nhu của triều đình để băm ra thành trăm mảnh. 

Quân lính còn xông vào phá nhà Tham tụng Phạm Công Trứ – là người ủng hộ ý kiến của Nguyễn Quốc Trinh. Viên Tham tụng này phải bỏ trốn. Các quan khác cũng tìm cách ẩn nấp, bỏ mặc chúa Trịnh Tạc đang lo lắng.

Kiêu binh bàn đổi ngôi chúa

Bên phía quân nổi dậy, một số người sáng suốt nhận ra rằng họ đã đi quá trớn. Họ bèn khuyên mọi người tôn một người khác lên ngôi chúa. Người được quân lính lựa chọn là Ninh quốc công Trịnh Toàn – con trai thứ 18 của chúa Trịnh Tráng. Trịnh Toàn từng là Tiết chế, có công chống cự quân Đàng Trong vào chiếm Nghệ An, nhưng lại bị Trịnh Tạc nghi ngờ và bị giam trong ngục từ năm 1657. 

Truyện thơ dân gian về Trịnh Toàn cho biết Trịnh Toàn lúc đó rất hiểu tình cảnh quân lính. Ông nhất quyết đòi chúa Trịnh phải trả lương cho quân lính mỗi tháng 7 tiền (tức 70 đồng). Nhờ việc này nên thanh thế quân sĩ Đàng Ngoài phấn chấn.

Bác còn tiếc của làm chi

Ba quân kêu khóc sớm khuya cơ hàn

Mấy đời lính phải việc quan

Chồng đi vợ lại gạo tiền gửi ra

(Khuyết danh - Ông Ninh cổ truyện)

Theo Samuel Baron, quân lính thấy trời đã tối nên đợi đến sáng hôm sau mới tiến hành giải cứu Trịnh Toàn. Tuy nhiên, chúa Trịnh Tạc được gián điệp cài cắm trong quân nổi dậy mật báo, bèn sai viên hoạn quan tin cẩn đem thuốc độc đến cho Trịnh Toàn uống. Còn theo gia phả họ Trịnh thuộc chi Trịnh Toàn, chính Trịnh Toàn đã cự tuyệt quân lính, không chịu rời khỏi ngục. Ngày mồng 9 tháng 5, chúa Trịnh Tạc sai Hán quận công mang rượu độc đến cho Trịnh Toàn.

kieu-binh-noi-loan-vua-le-chua-trinh-1872-chua-trinh
Minh họa chúa Trịnh Tạc trong sách Trịnh gia chính phả của Trịnh Như Tấu đầu thế kỷ XX

Cũng theo Samuel Baron, sáng hôm sau, chúa Trịnh Tạc ra lệnh mở kho phát chẩn cho quân lính để dẹp yên bạo loạn, “nhưng nhiều kẻ sau đó chết một cách bí ẩn, chẳng mấy ai biết rõ nguyên do”. Theo nhật ký của Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng Ngoài, số tiền phát chẩn nghe nói lên đến 400.000 sterling. Cuộc bạo loạn kéo dài từ ngày 2 đến ngày 9/6/1674. 

Sử liệu Đại Việt cũng thừa nhận sau này có ba người cầm đầu vụ giết Bồi tụng Nguyễn Quốc Trinh bị đem ra xử tử để tế Quốc Trinh. Chúa Trịnh Tạc còn thưởng vàng bạc để an ủi Tham tụng Phạm Công Trứ. Phan Kiêm Toàn và Nguyễn Hiệu bị trị tội vì kích động quân lính.

Kiêu binh nổi loạn lần thứ hai (1741)

Đến năm 1722 thời Lê Dụ Tông, bên cạnh quân Thanh Nghệ, triều đình Lê Trịnh bắt đầu bắt lính ở bốn trấn. Nhưng lính Thanh – Nghệ vẫn được ưu ái gọi là ưu binh; trong khi lính bốn trấn chỉ được gọi là nhất binh

Ưu binh có vai trò quan trọng trong việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy cuối thời Lê Ý Tông, đầu thời Lê Hiển Tông. Vì phải thường xuyên đánh dẹp, triều đình Lê Trịnh phải dùng đến quan tước để thưởng công cho quân lính, từ chức Thập trưởng trở lên đều được ban cho sắc phong. Điều này khiến ưu binh càng nhận thức rõ vai trò của mình.

Năm 1741, những người lính không được tính quân công bèn đề nghị ý kiến dựa theo số lượng xã mà họ được cấp khẩu phần để trao quan chức cho họ. Tham tụng Nguyễn Quý Cảnh là công thần của chúa Trịnh Doanh bác bỏ đề nghị này. Nguyễn Quý Cảnh nói rằng đó là đề nghị trái với thể lệ. Điều này chọc giận ưu binh. Họ mắng ngược lại Nguyễn Quý Cảnh: “Hương cống lên đến địa vị Thượng thư, thì thể lệ nào?

Ưu binh kéo nhau đến phá nhà Nguyễn Quý Cảnh, và lùng tìm ông này để giết. May cho Quý Cảnh, bấy giờ đã vào hầu trong phủ chúa. Chúa Trịnh Doanh giữ ông ở lại phủ, rồi cho điều tra, tìm bắt người cầm đầu nổi loạn giết đi; những binh lính khác cũng bị gò vào khuôn phép và cấm đoán nghiêm ngặt. Vụ bạo động bị dập tắt. Nhưng nguy cơ nổi dậy của ưu binh vẫn luôn còn đó.

Chân dung Nguyễn Quý Cảnh tại từ đường họ Nguyễn Quý

Những cuộc nổi loạn của kiêu binh được dập tắt nhanh chóng vì triều đình chúa Trịnh còn mạnh. Nhưng khi khủng hoảng chính trị xảy ra, khi nhà chúa không đủ bản lĩnh để chế ngự binh lính, tình thế sẽ trở thành không thể cứu vãn được nữa. Cũng giống như những người ở Lương Sơn bạc, nói về loạn kiêu binh lần thứ ba thì “trước tiên không nói về 108 người mà nói về Cao Cầu, là để chứng minh họa từ trên mà sinh ra“. Vậy mối họa đó là như thế nào? 

Chia sẻ câu chuyện này

Art Director Lê Minh
Graphic Designer Nhím 
Editor Phạm Vĩnh Lộc


 

Share