Kiêu binh nổi loạn năm Nhâm Dần (1782): Họ là ai? – Kỳ 4

Tác giả Wong Trần
Kiêu binh nổi loạn năm Nhâm Dần (1782): Họ là ai? – Kỳ 4

Trong cuộc chính biến thay đổi ngôi chúa ấy, kiêu binh chỉ được hình dung như một tập thể. Họ là tất cả nhưng không là ai cả. Phải nhờ đến tư liệu sắc phong, cuộc đời, sự nghiệp và kết cục của một trong số các kiêu binh này mới được hé lộ. 

Vua, chúa phong thưởng kiêu binh

Sau khi lật đổ chúa Điện Đô vương, ưu binh còn giải phóng ba người con của cố Thái tử Lê Duy Vỹ – người bị chúa Trịnh Sâm giết hại lúc trước. Vua Lê Hiển Tông thưởng cho các quân sĩ 2000 lạng bạc, nhưng quân sĩ xin nộp lại. Vua Lê bèn ban sắc thăng cho mỗi người lên một bậc (thứ). Người nào phẩm trật đã tột bực thì được phép nhường cho người khác, gọi là sắc dực đái tương nhượng.

Theo Lê quý dật sử, Đoan Nam vương Trịnh Tông cũng thưởng công cho quân sĩ có công tôn phò mình, cho Biện Bằng (tức Nguyễn Bằng) làm Thủ hiệu, quản quân doanh Trung Thắng; Biện Thọ (có lẽ là Biện Trù, người giữ thang cho Nguyễn Bằng lên đánh trống) làm Thủ hiệu ở Thị hầu Tả tượng cơ. Các quân sĩ khác đều được thăng ba bậc, mỗi người còn được cấp hai bản lệnh chỉ bổ các chức Cai hợp, Thủ hợp – cho phép nhường cho họ hàng thân thích và người ngoài để lấy tiền.

Vua Lê thiết triều - tranh của Samuel Baron

Các dòng họ vùng Thanh Hoa, Nghệ An xưa (nay là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) hiện vẫn còn giữ được nhiều sắc phong của những binh lính đã tham gia vào cuộc nổi dậy năm Nhâm Dần (1782). Tất cả các sắc phong này đều được ban vào ngày 26 tháng 2 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Thông qua những sắc phong này, ta biết thêm về những binh lính đã dự phần vào binh biến. Họ không còn là những binh lính chung chung nữa, mà là những con người cụ thể, có danh tính, quê quán và hành trạng.

Kiêu binh Thanh Hóa

1. Huyện Đông Sơn:

Xã Vạn Lộc có Bá hộ Nguyễn Trọng Tứ, là ưu binh Thị hầu Thắng Nhất đội. Năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Trọng Tứ “cùng chư quân trong ngoài dực đái có công”, được thăng hai thứ, nên được phong Kiệt Trung tướng quân, Hiệu Lệnh ty Kỳ Bài tráng sĩ, Vân Kỵ úy, Thiên hộ, trung tuyển.

Sắc phong Nguyễn Trọng Tứ

2. Huyện Hoằng Hóa:

Xã Phú Vinh có Đội trưởng bản thân (đội trưởng không chỉ huy ai cả, ngoại trừ bản thân mình) Hoàng Duy Văn là ưu binh Thị hầu Nghiêm Tả đội. Năm Nhâm Dần (1782), Hoàng Duy Văn “cùng chư quân trong ngoài dực đái có công”, được thăng hai thứ, nên được phong Tráng Tiết tướng quân, Hiệu Lệnh ty Suy Kim tráng sĩ, Thiết Kỵ úy, Phó thiên hộ, trung liệt.

Sắc phong Hoaàng Duy Văn

Kiêu binh Nghệ An

1. Huyện Hưng Nguyên:

Xã Mỹ Dụ có Nguyễn Thặng, là ưu binh thuộc Thị hầu Ưu Tiền thuyền. Năm Giáp Ngọ (1774), Nguyễn Thặng theo hầu chúa Trịnh Sâm trong chiến dịch đánh Đàng Trong, được thăng một thứ, lên chức Bá hộ. Năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Thặng “cùng chư quân trong ngoài dực đái có công”, được ban chỉ thăng hai thứ, nên được phong Kiệt Trung tướng quân, Hiệu Lệnh ty Kỳ Bài tráng sĩ, Vân Kỵ úy, Thiên hộ, trung tuyển.

Xã Hoàng Cần có Bá hộ Nguyễn Lam, là ưu binh ở Thị hầu nội Tả tượng. Năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Lam “cùng chư quân trong ngoài dực đái có công”, được thăng hai thứ, rồi lại thăng thêm một thứ nữa, nên được phong Trì Uy tướng quân, Thủ ngự Tổng Tri ty, Phi Kỵ úy, Thiêm tổng tri, trung chế.

Xã Bùi Khổng có Phó thiên hộ Trần Đăng Long là ưu binh của cơ Tiền Tiệp. Năm Nhâm Dần (1782), “vì giúp tự vương lúc mới nắm quyền, chuẩn cho hưởng công dực đái với chư quân”, Trần Đăng Long “một lòng suy đái”, được cho thăng một thứ, được phong Kiệt Trung tướng quân, Hiệu Lệnh ty Kỳ Bài tráng sĩ, Vân Kỵ úy, Thiên hộ, trung tuyển. Sau đó, Trần Đăng Long lại được thưởng thêm một thứ, được phong Trì Uy tướng quân, Thủ ngự Tổng Tri ty, Phi Kỵ úy, Thiêm tổng tri, trung chế. Hai sắc phong được ban cùng một ngày.

2. Huyện Quỳnh Lưu:

Xã Hoàn Hậu Đông có Nguyễn Văn Hạng, là ưu binh đội Tiền Thủy nhất. Năm 1774, Nguyễn Văn Hạng theo Phác Trung hầu đi đánh Đàng Trong. Vì công này, năm 1780, Nguyễn Văn Hạng được phong Phấn Lực tướng quân, Hiệu Lệnh ty Tráng sĩ, Bá hộ, hạ trật. Năm Nhâm Dần (1782), Nguyễn Văn Hạng “cùng chư quân trong ngoài dực đái có công”, được thăng một thứ, lại được thăng thêm một thứ, được phong Kiệt Trung tướng quân, Hiệu Lệnh ty Kỳ Bài tráng sĩ, Vân Kỵ úy, Thiên hộ, trung tuyển. Nguyễn Văn Hạng qua đời năm 82 tuổi.

3. Huyện Nam Đường:

Xã Hoa Ổ có Đội trưởng Đinh Sĩ Nhâm là ưu binh của quân doanh Trung Thống. Năm Nhâm Dần (1782), Đinh Sĩ Nhâm “cùng chư quân trong ngoài dực đái có công”, được thăng một thứ, lại được thưởng thêm một thứ, được phong Phấn Lực tướng quân, Hiệu Lệnh ty Tráng sĩ, Bá hộ, hạ trật. Về sau Đinh Sĩ Nhâm theo nhà Tây Sơn, làm Phó chiến ở cơ Trung Tá, đạo Tả Bật. Năm Quang Trung thứ 5 (1792), Đinh Sĩ Nhâm được thăng Anh Dũng tướng quân, Trung úy, tước Cận Tài tử.

Sắc phong Đinh Sĩ Nhâm

Xã Lưu Sơn có Thiên hộ Nguyễn Thúc Chá là ưu binh của đội Hậu Hãn. Nguyễn Thúc Chá lúc đầu lấy thân phận là Đội trưởng bản thân, từng theo Điệu Thọ hầu và Thái Nhạc hầu vận chuyển lương thực trong chiến dịch tấn công Lê Duy Mật, có tham gia trận đánh căn cứ Trình Quang, được phong chức Bách hộ. Đến khi Hoàng Ngũ Phúc vào đánh chúa Nguyễn, Nguyễn Thúc Chá đi theo đánh trận có công, được phong Phó thiên hộ. Năm Nhâm Dần (1782), “vì giúp tự vương lúc mới nắm quyền, chuẩn cho hưởng công dực đái với chư quân”, Nguyễn Thúc Chá từ chức Thiên hộ ở đội Hậu Hãn thăng lên Trì Uy tướng quân, Thủ ngự Tổng tri ty, Phi Kỵ úy, Thiêm tổng tri, trung trật; rồi lại thăng lên Kiệt Trung tướng quân, Hiệu lệnh ty Kỳ Bài tráng sĩ, Vân Kỵ úy, trung tuyển.

Kiêu binh Hà Tĩnh

1. Huyện Thiên Lộc:

Xã Nga Khê có Phạm Viết Sức là ưu binh quân doanh Ninh Trấn. Năm Nhâm Dần (1782), “vì giúp tự vương lúc mới nắm quyền, chuẩn cho hưởng công dực đái với chư quân”, Phạm Viết Sức “một lòng suy đái”, được thăng chức một thứ, lại được thưởng thêm một thứ, được phong Phấn Lực tướng quân, Hiệu Lệnh ty Tráng sĩ, Bá hộ, hạ trật. Phạm Viết Sức về sau theo Tây Sơn. Năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796), được phong Tráng Tiết tướng quân, Hùng úy, tước Diễm Tài nam; về sau được thăng Trung úy, tước Diễm Đức tử; năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797), lại thăng Chỉ huy sứ, tước bá.

2. Huyện Thạch Hà:

Xã Hà Hoàng có Trần Năng Chinh, làm Đội trưởng ưu binh ở đội Trung Tả tượng. Trần Năng Chinh từng theo Thống lĩnh Đoan quận công Bùi Thế Đạt đánh Lê Duy Mật ở Trấn Ninh. Năm 1775, vì công lao đó, Trần Năng Chinh được phong chức Phấn Lực tướng quân, Hiệu Lệnh ty Tráng sĩ, Bá hộ, hạ trật. Trần Năng Chinh lại cùng đội Trung Tả tượng theo Bình Nam thượng tướng quân Hoàng Ngũ Phúc đánh Đàng Trong. 

Vì vậy, năm 1780, Trần Năng Chinh được thăng Tráng Tiết tướng quân, Hiệu Lệnh ty Tráng sĩ, Phó thiên hộ. Năm Nhâm Dần (1782), Trần Năng Chinh là Phó thiên hộ ở đội ưu binh Thị hầu Trung Tả tượng, “cùng các quân trong ngoài dực đái có công”, được thăng chức một thứ, lại được ban thêm một thứ nữa, được phong Hoài Viễn tướng quân, Thủ ngự Tổng Tri ty, Kiêu Kỵ úy, Đồng tổng tri, trung tự. Trần Năng Chinh mất năm 1813, thọ 73 tuổi.

Sắc phong Trần Năng Chinh

3. Huyện Hương Sơn:

Xã Đồng Công có Phó thiên hộ Phan Hoàn là ưu binh đội thuyền Hậu Hãn. Năm Nhâm Dần (1782), “vì giúp tự vương lúc mới nắm quyền, chuẩn cho hưởng công dực đái với chư quân”, Phan Hoàn “một lòng suy tôn”, được thăng một thứ, lại được ban thêm một thứ, được trao chức Kiệt Trung tướng quân, Hiệu Lệnh ty Kỳ Bài tráng sĩ, Vân Kỵ úy, Thiên hộ, trung tuyển.

Sắc phong Phan Hoàn

Những thành phần khác tham gia cuộc nổi dậy năm Nhâm Dần

1. Nhất binh tứ trấn:

Cuộc nổi dậy năm Nhâm Dần (1782) thường được gắn liền với quân Tam phủ – tức ưu binh Thanh Nghệ. Nhưng tư liệu sắc phong cho thấy không chỉ có ưu binh Thanh Nghệ tham gia sự kiện, mà còn có cả nhất binh (lính bốn trấn Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương). Bằng chứng là sắc phong cho Nguyễn Kim Vân (ở xã Hoắc Sa, huyện Tiên Phong, trấn Sơn Tây) và Bùi Văn Xán (ở xã Quảng Nạp, huyện Yên Mô, trấn Sơn Nam) cùng đề ngày 26 tháng 2 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783).

Nguyễn Kim Vân là nhất binh của cơ Tả Oai. Năm Nhâm Dần (1782), “vì giúp tự vương lúc mới nắm quyền, chuẩn cho hưởng công dực đái với chư quân”, Nguyễn Kim Vân vì “bảo vệ kinh đô”, được thăng một thứ, lại được ban thêm một thứ, được phong Phấn Lực tướng quân, Hiệu Lệnh ty Tráng sĩ, Bá hộ, hạ trật.

Bùi Văn Xán là Bách hộ ở đội Hùng Hậu. Năm Nhâm Dần (1782), “vì giúp tự vương lúc mới nắm quyền, chuẩn cho hưởng công dực đái với chư quân”, Bùi Văn Xán “canh giữ phong cương, cũng đáng ghi công”, được thăng một thứ, được phong Tráng Tiết tướng quân, Hiệu Lệnh ty Xuy Kim tráng sĩ, Phó thiên hộ, trung liệt.

Sắc phong nhất binh Bùi Văn Xán

2. Những người có công khác:

Bên cạnh những người lính với vai trò chung chung “cùng chư quân trong ngoài dực đái có công”, còn có những sắc phong cho những nhân vật có vai trò cụ thể. Ở xã Dương Xá, huyện Hưng Nguyên, còn giữ sắc phong cho Siêu Lĩnh bá Hoàng Nghĩa Hoàng và Nho sinh trúng thức Hoàng Nghĩa Vĩ là những người như thế.

Siêu Lĩnh bá Hoàng Nghĩa Hoàng là Chánh đội trưởng xuất thân. Năm Nhâm Dần (1782), Hoàng Nghĩa Hoàng “vâng nhận chỉ truyền, bày tỏ lòng trung, hiệp lực tôn phò tự vương [Trịnh Tông] và ngày đêm túc trực”, nên được thăng hai thứ, được trao chức Phấn Lực tướng quân, Thiên Định Trung sở Thiết Kỵ úy Chánh võ úy, tước Siêu Lĩnh bá, trung liệt.

Hoàng Nghĩa Vĩ là Nho sinh trúng thức, vì là con cháu trung thần nên được phục vụ ở hiệu Thị Trung Nhị. Hoàng Nghĩa Vĩ “vâng nhận mật truyền túc trực các cửa, cùng với chư quân hiệp lực tôn phò” nên được Trịnh Tông đặc biệt ban cho chức Cẩn sự tá lang, Tri huyện Nam Đường, hạ ban.

Quan võ vinh quy - tranh thờ đền Độc Lôi

3. Người được “dực đái tương nhượng”:

Sắc phong là ân điển triều đình, nên mặc dù được phép nhường cho người khác, nhưng phần lớn những người được hưởng đều giữ lại cho bản thân. Trường hợp sắc phong “tương nhượng” khá hiếm. Hiện nay chỉ mới biết được một trường hợp sắc phong ở huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình của Nhiêu nam Phạm Đình Diệp ở xã Vị Khê, huyện Thanh Lan. Vì thuộc viên đội Thị hầu Nghiêm Nhất là Lê Đình Quản có công dực đái, được thăng hai thứ. Lê Đình Quản xin theo “nhượng điển” (quy định cho nhường), để nhường hai thứ đó cho Phạm Đình Diệp. Phạm Đình Diệp được trao chức Tiến Công thứ lang, Huyện thừa huyện Trung Sơn, hạ chế. Sắc phong đề ngày 25 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785) – muộn hơn nhiều so với các sắc phong cho chư quân có công “dực đái”.

Từ sau sự biến năm Nhâm Dầm (1782), binh lính trở thành một lực lượng mạnh mẽ trong nền chính trị nhà Lê Trung hưng. Ít lâu sau, ngôi Thái tử cũng bị thay đổi. Thái tử Lê Duy Cận do Trịnh Sâm lập ra trước đây, nay bị phế. Con trai cố Thái tử Duy Vĩ là Lê Duy Khiêm lên làm Hoàng thái tôn (tức là vua Chiêu Thống sau này). Vì có vai trò quan trọng trong việc lập chúa Trịnh, đổi Thái tử cho vua Lê, nên lính ưu binh ngày càng kiêu căng. Họ chiếm giữ các nguồn lợi tuần ty, bến đò, đầm ao, bãi bồi, cửa ải, chợ búa; sách nhiễu dân chúng. Mệnh lệnh của triều đình không thi hành được. Bùi Dương Lịch phải thừa nhận: “Lính và dân coi nhau như cừu thù”. Kiêu binh trở thành căn bệnh của Đàng Ngoài. Cho đến khi đoàn quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ vượt sông Gianh tiến ra Bắc Hà, lật đổ chính quyền chúa Trịnh.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Share