Bão táp Tây Sơn – Kỳ 1: Sinh Quyết binh bại, Chiêu Thống Bắc du

Tác giả Wong Trần
Bão táp Tây Sơn – Kỳ 1: Sinh Quyết binh bại, Chiêu Thống Bắc du

Sinh Quyết binh bại, Chiêu Thống Bắc du

Đêm 30 tháng Mười Một năm Đinh Mùi (1787) là một đêm vô cùng hỗn loạn ở Đàng Ngoài, vùng đất của vua Lê chúa Trịnh.

Cách đây không lâu, vị hoàng đế trẻ Lê Chiêu Thống còn tràn đầy tự tin, khi quân đội của Nguyễn Hữu Chỉnh đánh tan lực lượng ủng hộ chúa Yến Đô vương Trịnh Bồng ở lũy Đông Hồ. Hoàng tộc nhà Lê chịu sự kềm kẹp của họ Trịnh gần hai trăm năm, giờ đây đã lấy lại vị thế. Sự tin tưởng lan từ tầng lớp cao cấp trong triều đình xuống tận sĩ phu bên dưới.

Trong tâm trạng lâng lâng đó, Học Tốn Ngô Thì Chí bắt đầu viết những hồi đầu tiên của bộ tiểu thuyết mà ông gọi là Hoàng Lê nhất thống chí. Sở dĩ gọi là “nhất thống chí” vì nó ghi chép lại công cuộc xóa bỏ chế độ lưỡng đầu vua Lê – chúa Trịnh, gom quyền lực trở về một mối về dưới tay hoàng triều họ Lê.

Thắng lợi này giúp Lê Chiêu Thống thấy mình đủ mạnh để chuyển sang giải quyết vấn đề ở phía Nam. Khi từ Nghệ An kéo quân vào kinh đánh đuổi chúa Trịnh Bồng, Nguyễn Hữu Chỉnh đã cầu viện Bắc Bình vương Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ đã phái lực lượng của mình ra đóng ở Thanh Hóa và Nghệ An để làm thanh viện cho Nguyễn Hữu Chỉnh. Nhưng thời thế lúc này đã khác, Lê Chiêu Thống không còn muốn quân đội Tây Sơn trú đóng trong lãnh thổ của mình nữa. 

Tự thấy thời cơ vô cùng thuận lợi, vua Lê liền phái một sứ bộ vào Phú Xuân đòi lại đất Nghệ An. Đầu năm 1787, Nguyễn Huệ kéo quân vào Quy Nhơn giao chiến với anh mình là Nguyễn Nhạc. Bắc Bình vương đã phải rút lực lượng khỏi Thanh Hóa, chỉ còn Nguyễn Duệ đóng ở Nghệ An. Nguyễn Duệ lại là bề tôi trung thành của Thái Đức đế Nguyễn Nhạc.

Lo sợ cho bản thân, Nguyễn Duệ bèn thông đồng với thổ hào Nghệ An là Nguyễn Đình Viện, nhờ Viện làm trung gian để liên minh với nhà Lê chống lại Nguyễn Huệ, hứa hẹn khi việc thành sẽ trả đất Nghệ An. Lê Chiêu Thống nhanh chóng chấp nhận đề nghị đó, mặc kệ Nguyễn Hữu Chỉnh tỏ ra ngần ngại, không muốn đối đầu với Tây Sơn.

Lê Chiêu Thống tính tới tính lui, lại tính thiếu một Nguyễn Huỳnh Đức. Vị danh tướng này vốn là thủ hạ cũ của Nguyễn Ánh, bị Nguyễn Huệ bắt giữ và thu dùng. Tuy nhiên, Nguyễn Huỳnh Đức vẫn một lòng trung thành với chúa cũ. Thấy Nguyễn Duệ đang suy tính chống Nguyễn Huệ, Nguyễn Huỳnh Đức liền khuyên ông ta rút quân khỏi Nghệ An, theo đường thượng đạo về Quy Nhơn cần vương cho Nguyễn Nhạc. Trên thực tế, Nguyễn Huỳnh Đức chỉ đang tìm cơ hội rời khỏi Tây Sơn, học theo Quan Vân Trường ngàn dặm đi tìm chủ cũ. 

Nguyễn Duệ rời khỏi Nghệ An, nhưng thủ hạ của ông ta là Nguyễn Linh vẫn còn đóng lại. Việc Nguyễn Duệ rời đi khiến âm mưu của nhà Lê bị vỡ lở. Nguyễn Linh đem quân tấn công Nguyễn Đình Viện, tiêu diệt hoàn toàn lực lượng này.

Bắc Bình vương Nguyễn Huệ nghe tin Nghệ An có biến, liền phái Vũ Văn Nhậm đem quân ra để giải quyết vấn đề. Vũ Văn Nhậm củng cố lực lượng tại Nghệ An, rồi kéo thẳng ra Thanh Hóa, trực chỉ Thăng Long thành. Các tướng dưới quyền của Nguyễn Hữu Chỉnh như Nguyễn Trọng Duật, Nguyễn Như Thái đều bại dưới tay Vũ Văn Nhậm. Nguyễn Hữu Chỉnh đành phải thân chinh đem quân tới sông Sinh Quyết bày thế trận phòng thủ.

Sông Sinh Quyết còn gọi là sông Gián Khẩu, tức đoạn hạ lưu của hệ thống sông Đáy, nằm cách thành phố Ninh Bình chừng 10km. Qua bến đò Gián Khẩu, con đường cái quan dẫn thẳng về đô thành Thăng Long. Nhà thơ Nguyễn Du từng tả sông này: “Phù kiều tận xứ xuất bình điền. Lịch lịch thanh sơn tại nhãn tiền” (Chỗ cầu nổi kết thúc là ruộng đồng bằng phẳng, Núi xanh vòi vọi bày ra trước mắt); “Mang mang viễn thủy tam xuân thụ; Lạc lạc nhân gia lưỡng ngạn yên” (Nước thẳm mênh mông, có ba ngọn cây mùa xuân; Nhà dân lác đác, khói tỏa hai bên bờ).

Thế nhưng, Nguyễn Hữu Chỉnh không có tâm trạng để thưởng thức cảnh vật. Ông ta sai con trai là Nguyễn Hữu Du đắp lũy phòng thủ sông Sinh Quyết, bày thuyền ở bờ Bắc để phòng ngự. Trong lúc đang ngồi trong trướng, có một con ong bay đến chích vào cánh tay, Nguyễn Hữu Chỉnh bèn bày đồ ra để bói quẻ. Ông ta không tin vào mắt của mình. Quẻ bói cho thấy đó là điềm đại bại.

Phía bên kia sông, quân Tây Sơn không có vẻ gì là sẽ công kích. Cả ngày lẫn đêm, họ chỉ giương cờ gióng trống đi qua đi lại, chẳng có vẻ gì là sẽ vượt sông cả. Ít người nghĩ rằng trong những cánh rừng ở dọc sông, tướng Tây Sơn đang hăng hái chỉ huy quân đội đốn cây gỗ thả xuống sông. Họ định làm gì? Không ai biết được.

Đêm tháng Mười Một rất lạnh. Quân sĩ nhà Lê không có lều trại. Họ phải ngủ ngoài trời, tụ lại với nhau thành từng nhóm, đốt lửa để sưởi ấm. Chiến thuyền của Nguyễn Hữu Chỉnh đậu ở bờ Bắc, xoay mũi thuyền sang bờ Nam, sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào.

Khi nhận thấy bên địch đã chìm vào giấc ngủ, Tiết chế Vũ Văn Nhậm của Tây Sơn liền hạ lệnh. Những người lính giỏi bơi lội trong quân Tây Sơn liền ôm cây gỗ bơi sang bên kia sông. Họ lẳng lặng xoay mũi thuyền quân nhà Lê sang bờ Bắc. Vũ Văn Nhậm lại sai quân của mình kéo đại bác ra. Vũ Văn Nhậm thong thả ra lệnh:

– Nhắm vào chỗ đống lửa. Bắn!

Quân nhà Lê đang ngủ say thì bị đánh thức bởi một loạt tiếng súng rền trời. Quả đạn rít lên bay vọt tới, thổi tung đống lửa sưởi ấm lên thành muôn vàn những tàn lửa nhỏ bay lả tả. Quả đạn được đà vẫn tiếp tục nảy lên, lăn tròn trên đất. Quân lính của Nguyễn Hữu Chỉnh ở trên bờ choàng dậy. Tiếng cảnh báo vang lên khắp bờ Bắc. Ở bờ bên kia, Vũ Văn Nhậm chỉ chậm rãi buông ra một tiếng rất khẽ:

– Bắn!

Một loạt đại bác thứ hai nổ vang. Lần này không phải do quân Tây Sơn bắn. Thủy thủ trên thuyền của Nguyễn Hữu Chỉnh vội choàng tỉnh khỏi giấc ngủ. Họ nhanh chóng nạp đạn và bắn trả kẻ thù ở bờ Nam. Nhưng, lúc này mũi thuyền không còn hướng về bờ Nam nữa mà đang hướng về phía Bắc. Kết quả là họ bắn vào chính quân đội của mình. Quân nhà Lê ở bờ Bắc nhanh chóng trở thành một mớ hỗn loạn, từ hỗn loạn nhanh chóng trở thành tan rã. 

Nguyễn Hữu Chỉnh vẫn còn ở trong trướng, đã thấy đám bại quân chạy về bẩm báo tình hình nguy cấp:

– Quân ta đã tan! Quân giặc đuổi theo sau sắp đến rồi!

Thần sắc của Nguyễn Hữu Chỉnh lúc này bay biến hết cả. Ông ta không biết nên tiến lên hay nên rút lui. Tướng sĩ dưới cờ của Chỉnh cũng mất sạch khí thế. Họ chỉ đành bẩm báo với Chỉnh:

– Thế giặc rất mạnh, chưa thể cùng chúng tranh phong. Kinh thành ít quân, khó mà tự giữ. Chi bằng quay về, lùi giữ Kinh Bắc, vạch Nhị Hà để tự bảo vệ, rồi sau mới mưu đồ kế sách công thủ.

Đó là kế sách hợp lý nhất lúc này. Nguyễn Hữu Chỉnh đành cùng con trai và các tướng rút về Thăng Long. Lúc Chỉnh về đến nơi đã là đêm 30 tháng Mười Một. Nguyễn Hữu Chỉnh không dám đích thân báo cáo tin này, mà nhờ Tham tri chính sự Nguyễn Khuê vào báo với vua Lê.

Từ chiều ngày 30, tin tức bại trận đã bay về kinh thành. Lê Chiêu Thống cùng các bề tôi thân cận bàn bạc. Vị hoàng đế trẻ quyết định sẽ đi sang Sơn Tây, rồi theo đường thượng du trở về Thanh Hóa – nơi quê cha đất tổ. Ngày xưa Thái Tổ Cao hoàng đế cũng từng trải cảnh “khi Linh Sơn lương hết mấy tuần; khi Khôi huyện quân không một đội”, nhưng cuối cùng chẳng phải cũng nhờ đất Thanh Hóa mà dựng thành nghiệp lớn đó sao? Lê Chiêu Thống liền sai bề tôi là Nội hàn Cung phụng sứ Bùi Dương Lịch thảo chiếu chỉ gửi đi Sơn Tây, gọi hoàng hai là Thanh Nguyên hầu Lê Duy Thiều đem quân về hộ giá.

Nửa đêm, Nguyễn Hữu Chỉnh từ sông Sinh Quyết về tới. Vua Lê Chiêu Thống sai người đi gọi Chỉnh vào bàn bạc, nhưng Chỉnh không vào cung. Sứ giả đi giục đến ba bốn lần, Chỉnh mới sai Tham tri chính sự Nguyễn Khuê vào bẩm báo, xin nhà vua đi sang Kinh Bắc để nương nhờ Trấn thủ Nguyễn Cảnh Thước.

Nguyễn Cảnh Thước là dòng dõi công thần Trung hưng là Nguyễn Cảnh Mô. Cảnh Mô phò nhà Lê đánh lại nhà Mạc, bị quân Mạc bắt, không chịu khuất phục mà đành tử tiết. Nguyễn Cảnh Thước lại từng theo Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân vào kinh ủng hộ Chiêu Thống, có thể nói là một người rất đáng tin cậy. Vua Lê Chiêu Thống cũng bằng lòng.

Sứ giả qua lại thì đã sang trống canh năm, trời sắp sáng. Vua Lê Chiêu Thống sai em trai là Lê Duy Lứu hộ vệ mẹ mình, cùng với bà phi Nguyễn Thị Kim và người con trai nhỏ qua sông Hồng trước. Trời tảng sáng, Lê Chiêu Thống ngự ra điện Vạn Thọ. Lòng người lúc này đã tan rã.

Lính thị vệ trốn dần. Các bề tôi trọng yếu cũng từ từ lẻn đi. Trong điện không có một người nào túc trực. Các bề tôi nội thị cũng mạnh ai về nhà nấy thu xếp hành lý. Bên cạnh Chiêu Thống chỉ còn hoàng thân Lê Duy Đạt chỉ huy quân Hổ Bôn, cùng ngoại thích Hân Trung bá, Nội hàn Bùi Dương Lịch và viên tiến triều Nguyễn Khải đứng hầu. 

Lúc sắp bỏ kinh đô, vua Lê Chiêu Thống đi sang miếu tiên đế, khóc lạy. Lính Hổ Bôn thị vệ cũng len lén tan hàng. Mọi người nhìn nhau không biết phải làm gì. Nội hàn Bùi Dương Lịch tiến lên tâu với vua:

– Nay Chỉnh tuy tan rã lui về, nhưng thủ hạ của ông ta còn đông, lòng người còn biết kiêng sợ. Xin hãy tuyên bố đi tới nhà Chỉnh, sai Chỉnh theo hầu xa giá. Như vậy lòng người mới có chỗ ràng buộc được.

Vua Chiêu Thống bằng lòng. Bèn rao lớn rằng:

– Xa giá đi sang nhà Bằng công!

Đám lính thị vệ nghe nói như thế, bèn dần dần quay lại. Các bề tôi nội thị cũng lục tục đi theo. Vua Chiêu Thống ngồi trên lưng voi. Bọn Bùi Dương Lịch theo hầu. Ra đến cửa điện, số người đi theo đã lên tới mấy trăm người. Ngoài đường phố, đám bại binh của Nguyễn Hữu Chỉnh chạy về, đang loay hoay chế cờ trắng để chuẩn bị đón quân Tây Sơn. 

Nguyễn Hữu Chỉnh nghe tin vua Chiêu Thống tới nhà mình, vội vàng ra cửa đón lạy. Chỉnh khóc lóc, mời nhà vua vào trong. Vua Chiêu Thống ngồi trên giao ỷ ở chánh đường. Các bề tôi thị vệ cầm kiếm đứng hầu. Vua Chiêu Thống khuyên Chỉnh cùng mình đi lên phía Bắc, nhưng Chỉnh lại có thái độ rất lạ. Chỉnh xin để con trai mình là Nguyễn Hữu Du theo hộ vệ vua trước, nhưng Du cũng không đồng ý. Chỉnh thì do dự nhìn ngó sau lưng. Đến gần trưa, tình thế bức bách, vua Chiêu Thống đành lên đường. Nguyễn Hữu Du cũng đành phải đi theo.

Vua Chiêu Thống tới đình Kiên Nghĩa ở gần bờ sông thì đóng lại chờ. Hồi lâu sau, Nguyễn Hữu Chỉnh mới đến. Lúc này lực lượng đi theo đã đông tới mấy ngàn người. Lúc đó thuyền công đậu ở bến Thạch Hãn, không thể điều động được. Đoàn người phải dùng thuyền buôn để vượt sông. Hôm ấy là ngày mồng 1 tháng Chạp. Cũng ngày đó, quân lính còn lại ở kinh thành Thăng Long kéo nhau ra trạm Hoàng Mai, treo biển đón rước quân Tây Sơn. Vũ Văn Nhậm cho quân tiến vào thành.

Đoàn người của Chiêu Thống và Nguyễn Hữu Chỉnh tiến sang Kinh Bắc, tìm tới chỗ của Trấn thủ Kinh Bắc là Thước Vũ hầu Nguyễn Cảnh Thước. Thế nhưng Cảnh Thước lại đóng cửa không ra đón.

Nguyễn Cảnh Thước – hậu duệ trung thần – cáo bệnh không ra đón vua. Ông ta vừa nhận được thư của cha mình từ Nghệ An gửi ra. Trong thư nói rằng quân Tây Sơn cam kết nếu Cảnh Thước đầu hàng, sẽ cho làm chức Trấn thủ như cũ. Nguyễn Cảnh Thước chẳng những không ra, còn ngầm sai thủ hạ cướp bóc những người đi theo nhà vua. 

Đoàn người không còn cách nào, đành tiếp tục đi lên phía Bắc, dự định sẽ tới Xương Giang, nhưng khổ nỗi không có thuyền qua sông. Nguyễn Hữu Chỉnh phải đích thân vào nhà Nguyễn Cảnh Thước để thăm bệnh. Nguyễn Cảnh Thước không trốn tránh được nữa, phải xin lỗi, giả vờ như bệnh nặng nên không được biết tin vua tới. Lúc này, Cảnh Thước mới sai con trai mình đem năm chiếc thuyền ra, đưa đoàn người của nhà vua qua sông.

Trong khí đó, Vũ Văn Nhậm chia quân đi chiếm các trấn xung quanh, đồng thời sai Đô đốc Nguyễn Văn Hòa đi Kinh Bắc truy đuổi Lê Chiêu Thống. Quân Tây Sơn hành quân cả ban đêm. Họ di chuyển rất dễ dàng vì không hiểu sao trên đường lại có đặt đèn. Hóa ra đèn đó là do Nguyễn Cảnh Thước sai đặt để quân Tây Sơn đi cho tiện.

Đoàn người của Chiêu Thống không biết binh lính Tây Sơn đang đuổi theo sau. Tới xã Mục Sơn huyện Yên Thế, họ lại trông thấy một đám quân chặn ngang con đường trước mặt. Trước có quân chặn, sau có truy binh, rốt cuộc phải xử trí thế nào đây?

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share