Kỳ vĩ đường sắt Đông Dương – Kỳ 6: Tuyến xe lửa Tháp Chàm – Đà Lạt, vẻ thơ mộng bị lãng quên

Tác giả Long Tự
Kỳ vĩ đường sắt Đông Dương – Kỳ 6: Tuyến xe lửa Tháp Chàm – Đà Lạt, vẻ thơ mộng bị lãng quên

Đà Lạt là một đô thị đặc biệt của Việt Nam. Nằm ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, Đà Lạt không giống bất kỳ một đô thị nào từng có trước đó trong lịch sử Việt Nam. Lịch sử của nó chỉ mới bắt đầu hơn 100 năm trở lại đây, bởi những người Tây phương mà cụ thể hơn là người Pháp.  

Hơn 150 năm trước, bằng súng đạn và kĩ thuật tiên tiến của mình, người Pháp đã xâm chiếm toàn cõi Đông Dương và buộc giới cầm quyền nơi đây phải ký kết những hiệp ước bất bình đẳng. Tuy vậy, khí hậu nhiệt đới gió mùa của Đông Dương là một cực hình đối với người Pháp. Súng đạn của họ có thể dễ dàng chinh phạt xứ sở này nhưng thân thể họ thì lại không như thế. Do vậy, ngay từ sớm, người Pháp đã cho tiến hành khảo sát khắp Đông Dương để tìm kiếm một vùng đất mà hứa hẹn rằng sẽ cung cấp cho họ được một bầu không khí thân thuộc như ở quê nhà. 

Cao nguyên Langbiang được lựa chọn làm địa điểm khảo sát và họ sớm tìm ra một vùng đất đúng yêu cầu của mình mà về sau sẽ được đặt tên là Đà Lạt. Vậy là Đà Lạt – đô thị nghỉ dưỡng của người Pháp tại Đông Dương sắp được hình thành.

Nhà ga Đà Lạt

Năm 1898, khi Paul Doumer đặt chân đến Đông Dương cùng bản kế hoạch Transindochinois đầy tham vọng. Trong chuỗi đường sắt khổng lồ được lên kế hoạch xây dựng ở phía Nam, một tuyến đường sắt kết nối vùng đồng bằng với Đà Lạt đã được phác thảo trên bản vẽ. Tuyến đường này về sau sẽ chính là tuyến đường sắt răng cưa nổi tiếng, đồng thời cũng là cung đường sắt đẹp nhất Đông Dương.  

Trước đó, vào năm 1893, nhà khoa học nổi tiếng Alexandre Yersin đã dẫn đầu đoàn thám hiểm khám phá vùng cao nguyên Langbiang. Thời khắc ông nhìn những áng mây bay trên mảnh đất này, ông đã viết một bức thư cho Paul Doumer về vùng đất mà họ đang tìm kiếm. Một năm sau khi Paul Doumer trở thành Toàn quyền Đông Dương, cũng chính Yersin đã tháp tùng Doumer trong chuyến thăm và khảo sát Đà Lạt. Những cuộc thảo luận đã diễn ra về những vấn đề trong việc xây dựng tuyến đường sắt từ đồng bằng đến Đà Lạt. 

Trong bản kế hoạch ban đầu của Doumer, tuyến đường sắt này sẽ khởi đầu từ Bà Tá đến Tánh Linh, băng lên cao nguyên Langbiang và dừng chân tại Đà Lạt. Tuyến đường dự kiến sẽ dài 200km và là một nhánh của tuyến Sài Gòn – Khánh Hòa. Tuy vậy, bản kế hoạch đã không được chính phủ Pháp thông qua do vấn đề về kinh phí. 

Một giải pháp khác đã được đề xuất, theo đó con đường sẽ được rút ngắn xuống chỉ còn 100km, con đường lúc này sẽ bắt đầu tại Tháp Chàm băng qua Trường Sơn Nam và kết nối với Đà Lạt. Bản kế hoạch được thông qua và được chính Paul Doumer ký sắc lệnh xây dựng vào năm 1901. Tuy vậy, phải đến 10 năm sau, dưới thời Toàn quyền Albert Sarraut, dự án mới được thực hiện.

Một đoạn đường mới hoàn thành trên đường sắt Phan Rang

Tuyến đường sắt được hoàn thành vào năm 1932 và được mệnh danh là “con đường sắt đẹp nhất xứ Đông Dương”. Trong ngày khánh thành ấy, ngoài Toàn quyền Albert Sarraut còn có cả vua Bảo Đại tham dự. Vẻ đẹp của con đường được ca tụng và nhanh chóng đi vào nhiều tác phẩm nghệ thuật. 

Dẫu vậy, trái với vẻ đẹp đẽ và thơ mộng khi hoàn thiện, quá trình xây dựng con đường vô cùng gian nan. Có thể nói rằng máu của người Việt đã nhuộm đỏ từng cây số của nó. Để xây dựng con đường này, hàng vạn dân phu đã được huy động. Nhiều đoạn của tuyến đường này phải băng qua những khu vực rất nguy hiểm như ghềnh thác, vực sâu, núi cao,… trong khi dân phu chỉ được trang bị những dụng cụ rất thô sơ. 

Bên cạnh điều kiện lao động tồi tệ ra thì điều kiện sinh hoạt khổ cực lẫn khí hậu khắc nghiệt cũng khiến không ít dân phu mắc bệnh. Theo một số báo cáo, cứ trung bình 10 người lao động thì có hết 5 người phải bỏ mạng khi tham gia xây dựng tuyến đường này. Tiếng ai oán của những người phu thợ đã chuyển thành những lời vè:

Kể từ làm sở Sông Pha,

Làm hai cây số đục qua miệng hầm.

Bạc vàng không biết mấy trăm,

Nhân dân hao phí ăn nằm gió sương.

Kẻ sụp đất người nghiến xương,

Kẻ bị hột nổ tan xương nát đầu.

Nói ra kẻ thảm người sầu,

Bất đắc kỳ tử thác sâu linh hồn.

Người nào không giấy bổn thôn, 

Không hình căn cước bắt dồn lên quan.

Làm sao cho khỏi mang mền,

Làm ba bốn bữa trốn lên hòn Bồ.

Cây khô thì lá cũng khô,

Phận nghèo đi tới nơi mô cũng nghèo…”.

Xe lửa leo đèo trên tuyến đường Tháp Chàm - Đà Lạt

Con đường trải qua hơn 30 năm xây dựng, nhiều lần quá trình thi công con đường đã bị gián đoạn vì thiếu kinh phí và chiến tranh. Sau khi hoàn thành, con đường đã tiêu tốn của chính phủ Pháp gần 200 triệu francs đương thời, một con số khổng lồ khi so với các tuyến đường sắt khác ở Đông Dương. Con đường dài 84km, bắt đầu từ ga Tháp Chàm, chạy qua 9 ga: Tân Mỹ, Sông Pha (Krongpha), Cà Bơ (K’beu), Eo Gió (Bellevue), Dran, Trạm Hành (Arbre Broye’), Cầu Đất, Đa Thọ và kết thúc tại ga Đà Lạt. Bên cạnh đó, trên hành trình chông gai của mình con đường còn chạy qua 2 cầu lớn, 5 đường hầm xuyên núi và 2 đèo cao là Ngoạn Mục và Dran. 

Cũng là tuyến đường sắt khổ 1m như những tuyến đường sắt khác tại Đông Dương nhưng con đường này có một điểm đặc biệt đó chính là hệ thống răng cưa nằm ở giữa 2 ray tàu. Sở dĩ có sự tồn tại của những chiếc răng cưa này là bởi xe lửa phải thường xuyên đi qua những khu vực có độ dốc rất lớn. Những chiếc răng cưa này sẽ có tác dụng giữ cho đầu máy ổn định và không bị tuột dốc trong quá trình vận hành. 

Điều đặc biệt thú vị còn nằm ở đầu máy của tuyến xe lửa này. Đây là đầu máy hơi nước chuyên dụng HG 4/4 – mã hiệu của đầu kéo dùng cho đường sắt có đoạn có ray răng cưa do Công ty CFI ở Đông Dương đặt hàng công ty SLM (Schweizerische Lokomotiv) Winterthur Thụy Sĩ chế tạo. Loại đầu HG4/4 với 4 trục bánh vận hành đồng bộ là kiểu đầu kéo đặc biệt chế tạo riêng cho tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt và không đâu trên thế giới có, nhằm đáp ứng chạy tàu vùng có độ dốc trên 12% ở ba đoạn có ray răng cưa để leo núi có tổng chiều dài 16km.

Trong nhiều năm sau đó, việc vận chuyển du khách đến Đà Lạt nghỉ dưỡng vô cùng phát triển. Lượng khách đến qua ga Đà Lạt tăng mạnh theo từng năm, theo đó: năm 1933 có 13.279 lượt, năm 1936 tăng lên 50.850 lượt và năm 1937 là 79.415 lượt khách… Bên cạnh việc vận chuyển du khách, tuyến xe lửa Tháp Chàm – Đà Lạt còn đảm nhận thêm nhiệm vụ kết nối con đường vận chuyển tài nguyên và nông sản của Tây Nguyên với đồng bằng Duyên hải Nam Trung Bộ. Con đường là một trong những cửa ngõ quan trọng của Tây Nguyên ra đại dương. Tuy vậy, con đường này đến nay đã không còn tồn tại nữa… 

Những năm tháng chiến tranh tàn khốc đã tàn phá nghiêm trọng con đường, nhiều đoạn của tuyến đường bị hư hại hoặc bị bỏ hoang. Con đường ngưng hoạt động trong nhiều năm. Sau năm 1975, tuyến đường sắt được khôi phục nhưng nó chỉ còn chạy thêm 9 lần cuối cùng nữa trước khi bị tháo dỡ hoàn toàn vào năm 1979. Tuyến đường bị tháo dỡ để lấy nguyên liệu tiến hành sửa chữa tuyến đường sắt Thống nhất, những chiếc đầu máy được bán lại cho Thụy Sĩ, phần còn lại con đường bị mang đi bán sắt vụn. Con đường thơ mộng huyền thoại một thời của Đông Dương dần chìm vào quên lãng… 

Ngày nay, khi đến du lịch Đà Lạt, một trong những địa điểm nổi tiếng được rất nhiều du khách viếng thăm đó là ga Đà Lạt. Nó này đặc biệt bởi chẳng còn tuyến xe lửa nào chạy đến nữa. Nhà ga được thiết kế theo phong cách pha trộn giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa với ba chóp nhọn, cách điệu địa hình những ngọn núi của cao nguyên Langbiang. Phía trước nhà ga có mặt đồng hồ to ghi lại mốc thời gian mà bác sĩ Alexandre Yersin đã phát hiện ra cao nguyên Langbiang và Đà Lạt tức 15 giờ 30 phút ngày 21 tháng 6 năm 1893. 

Nhà ga này được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron cùng với một nhà thầu người Việt tên Võ Đình Dung với kinh phí xây dựng 200.000 francs. Đây từng là một trong những ga đẹp nhất Đông Dương. Khi đến đây du khách có thể chụp ảnh cạnh một chiếc đầu máy hơi nước được trưng bày như là một vật phẩm kỷ niệm cho tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt ngày xưa. Dẫu vậy, du khách có lẽ sẽ chẳng bao giờ hình dung được đường sắt tại nhà ga này sẽ đi đến nơi đâu và về những phương trời nào. Chỉ có những con người đã sống đủ lâu qua những thăng trầm của lịch sử và may mắn hơn là đã từng ngồi trên những toa xe của tuyến xe lừa huyền thoại này mới có những ký ức chính xác về nó mà thôi… 

Ngày nay, nếu đi dọc theo con đường bộ từ đồng bằng lên Đà Lạt, du khách có thể sẽ bắt gặp một số “di cốt” rải rác của con đường này. Dọc theo đó đến Đà Lạt là một loạt tàn tích của những khu nghỉ dưỡng, những căn biệt thự mà người Pháp đã xây dựng. Thông qua đó, chúng ta có thể hình dung được phần nào về một Đông Dương hoa lệ một thời. Còn với riêng những người đã từng chứng kiến hoặc trải nghiệm, có lẽ tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt vừa là vẻ đẹp nhưng cũng vừa là nỗi buồn của thuộc địa!

Chia sẻ câu chuyện này

Thiet ke Minh Hieu

Share