Vieseries Hồ Sơ W

Làn mây mờ che phủ vụ án giết vua Đinh – Kỳ 1

Tác giả Đỗ Minh Nhật
Làn mây mờ che phủ vụ án giết vua Đinh – Kỳ 1

Lịch sử vốn không có chữ nếu, thế nhưng giả sử năm đó Đỗ Thích không giết hai cha con Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn thì lịch sử sẽ rẽ theo một hướng thế nào?

Đỗ Thích thí Đinh Đinh

Vụ án giết vua nổi tiếng nhất lịch sử Đại Việt, cũng là một vụ án vô lý bậc nhất lịch sử nước ta. Chuyện gì đã thực sự xảy ra, có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ. Chúng ta hãy cùng quay ngược thời gian trở lại thời điểm xảy ra sự kiện chấn động lịch sử đó.

Đại Việt sử lược chép như sau: 

Năm Kỷ Mão, hiệu Thái Bình năm thứ 10 [979].Mùa xuân, Việt Vương Liễn sai người giết Thái tử Hạng Lang. Mùa đông, tháng 11, vua [Đinh Bộ Lĩnh] ăn yến ban đêm, bị tên phúc hầu hoành Đỗ Thích giết cùng với Việt Vương Liễn. Vốn trước Thích làm lại ở Đồng Quan, ban đêm nằm ở trên cầu, thấy sao rơi vào mồm. Thích cho là điềm tốt, bèn sinh lòng phản nghịch. 

Khi vua đã bị giết hại, Đỗ Thích ngầm vào trong cung, trốn ở dưới máng nước. Quá ba ngày, khát quá, Thích thò tay hứng nước mưa để uống, bị cung nữ trông thấy, báo với Định Quốc công Nguyễn Bặc bắt giết đi. Bặc cùng tướng quân Lê Hoàn phò Vệ vương Toàn lên ngôi hoàng đế“.

Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép tương tự, chỉ thêm một chi tiết là “vua ăn yến ban đêm, say nằm ở trong sân, Thích bèn giết vua, lại giết cả Nam Việt vương Liễn“.

Cả hai sách trên đều cho Đỗ Thích chính là hung thủ giết Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn. Bản thân việc đưa Đỗ Thích vào diện tình nghi đã cực kỳ vô lý, chứ đừng nói đến chuyện áp đặt ông ta là hung thủ. Nên nhớ, Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn đều xuất thân võ tướng, thân trải trăm trận. Cho dù Đỗ Thích có là thích khách vượt xa Kinh Kha, cũng khó có khả năng ra tay một cách nhanh gọn với hai cha con vua Đinh. Chưa kể, sự việc xảy ra ngay trong cung cấm, lẽ nào đó lại là chốn không người để mặc Đỗ Thích muốn làm gì thì làm?

Chúng ta tiếp tục xét đến thân thế của hung thủ, Đỗ Thích chỉ là một Chi hậu nội nhân (hoạn quan) nhỏ bé, không có thế lực trong triều đình, cũng không nắm trọng binh cả nước. Vậy mà, y lại đơn thuần suy nghĩ chỉ cần giết hai nhân vật lớn nhất của nhà Đinh thì bản thân sẽ lên được ngôi vua. Ở đâu có cái lý như thế? Thực tế đã chứng minh, sau khi giết hai vua thì Đỗ Thích chỉ trốn trong cung được ba ngày, rồi bị Định Quốc công Nguyễn Bặc bắt được và đem giết đi.

Vậy thì dựa vào đâu, lý do gì lại khiến Đỗ Thích có hành động tày trời như vậy? Chúng ta có thể suy đoán ra vài giả thuyết.

Báo thù rửa hận

Theo gia phả họ Đỗ ở xã Xuân Ninh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa thì Đỗ Thích là cháu đích tôn của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, người từng cát cứ vùng Đỗ Động Giang. Khi Đỗ Cảnh Thạc bị Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt, Đỗ Thích được Đinh Bộ Lĩnh thu nhận cùng với những người khác. Vì vậy, sau này Đỗ Thích mới tìm cách giết người để báo thù rửa hận. Trong sách Những nhân vật lịch sử thời Đinh Lê, tác giả Trương Đình Tưởng cũng nhắc đến giả thuyết này nhưng ông cho rằng Đỗ Thích là con trai của Đỗ Cảnh Thạc. 

Với giả thuyết có vẻ hợp lý này, Đỗ Thích đã đủ động cơ để bất chấp tính mạng mà thí cha con vua Đinh. Tuy nhiên, bản thân nó lại mâu thuẫn với nhiều tài liệu sử khác. Nếu có động cơ báo thù, tại sao Đỗ Thích lại không công khai khi bị bắt? Trả được thù cho cha là một điều đáng tự hào, cớ gì y lại ỉm đi không nhắc tới? Về quê quán của Đỗ Thích, sử sách chép rất khác nhau. Người thì nói y là người xã Đại Đê, huyện Thiên Bản (Nam Định), không hề cùng quê với Đỗ Cảnh Thạc. Nhưng cũng có thuyết nói Đỗ Thích không rõ lai lịch, ngụ ở làng Hạ Chẹo (Hoa Lư, Ninh Bình). 

Nhà nghiên cứu Đinh Công Vĩ trong cuốn Bên lề chính sử cho biết gia phả họ Đỗ ở Đại Đê và sự tích đền Thảo Mã (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) đều nói đến việc Đỗ Thích cõng Đinh Tiên Hoàng chạy trốn khi họ bị Nam Tấn vương Ngô Xương Văn truy đuổi. Ngày trước cứu vua, ngày sau lại ra tay giết cả hai cha con vua. Lẽ nào Đỗ Thích bị biến thái nhân cách?

Giả thuyết thứ nhất đã lung lay, chúng ta tìm hiểu thử giả thuyết thứ hai, giả thuyết mà rất nhiều người chấp nhận.

Tay sai cho kẻ khác

Xét diễn tiến của lịch sử, ngay sau khi Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị ám sát. Lê Hoàn cùng Nguyễn Bặc phò Vệ vương Đinh Toàn lên ngôi hoàng đế. Thế nhưng, sự việc chưa dừng lại ở đó. Đại Việt sử ký toàn thư chép:

Tháng 7, năm Thái Bình thứ 11 [980], Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu [vợ vua Đinh Tiên Hoàng] sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cự Lạng làm đại tướng quân. 

Khi [triều đình] đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng:

 “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”. Quân sĩ nghe vậy đều hô “vạn tuế“.

Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu, giáng phong vua [Đinh Toàn] làm Vệ vương“.

Như vậy là trong lúc triều đình còn đang nghị bàn kế hoạch chống quân Tống, đại tướng quân Phạm Cự Lạng đã dẫn bộ tướng xông thẳng vào nội phủ mà ép vua Đinh phải nhường ngôi cho Lê Hoàn. Vua khi đó mới 6 tuổi, binh quyền lại nằm cả trong tay Lê Hoàn, mẹ góa con côi đành chỉ biết tuân theo ý của Phó Vương nhiếp chính. Phạm Cự Lạng là ai? Tại sao lại tích cực đưa Lê Hoàn lên ngôi như vậy?

Ngay sau khi Lê Hoàn đưa Đinh Toàn lên ngôi, ông ta đã tự mình làm Nhiếp chính, tự xưng là Phó Vương. Bấy giờ, bọn Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Vệ úy Phạm Hạp nghi ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho ấu chúa. Cả ba cùng nhau dấy binh, chia hai đường thủy bộ, muốn tiến về kinh đô giết Lê Hoàn. Hoàn bèn chỉnh đốn quân lữ, đánh nhau với Điền, Bặc ở Ái Châu. Điền, Bặc thua chạy, lại đem thủy quân ra đánh. Hoàn nhân chiều gió mà phóng lửa đốt chiến thuyền, chém Điền tại trận, bắt được Bặc bèn đóng cũi đưa về kinh sư rồi đem chém. Phạm Hạp mất hết khí thế, tan chạy về hương Cát Lợi ở Bắc Giang. Hoàn dẫn quân đuổi theo, bắt sống được Phạm Hạp đem về.

Phạm Hạp chính là anh trai của Phạm Cự Lạng. Để chuộc tội cho anh, Cự Lạng càng phải cúc cung tận tụy với Lê Hoàn là chuyện hiển nhiên. Việc đưa Lê Hoàn lên ngôi chính là công trạng lớn nhất mà Phạm Cự Lạng có thể làm được. Như vậy, chúng ta có thể hình dung ra một kế hoạch phức tạp của Lê Hoàn. Bước thứ nhất, sai khiến Đỗ Thích hại vua. Bước thứ hai, thông đồng hoặc ép buộc Dương Thái hậu và văn võ bá quan trong triều cùng suy tôn mình lên ngôi hoàng đế thay thế nhà Đinh. 

Cứ cho Đỗ Thích là tay sai của Lê Hoàn đi chăng nữa, nhưng nên nhớ người bắt được y lại là Nguyễn Bặc, một trong tứ trụ triều đình khi đó. Hơn nữa, sau này khi Lê Hoàn chuyên quyền, chính Bặc là người khởi binh đánh Hoàn. Lẽ nào Nguyễn Bặc khi bắt được Đỗ Thích lại bao che âm mưu thí nghịch của Lê Hoàn? Lẽ nào Nguyễn Bặc bắt được Đỗ Thích lại giết luôn mà không tra khảo âm mưu? Có thể Nguyễn Bặc đã tra xét và Đỗ Thích thà chết không khai; hoặc y chỉ phun ra câu chuyện sao rơi vào miệng. 

Cũng có người đặt thêm một giả thuyết nữa, đó là Đỗ Thích chỉ là nhân chứng vô tình đi ngang và bị hung thủ thực sự đổ tội giết vua cho. 

Chỉ một vụ án, một nghi phạm mà qua sử sách đã có tới mấy giả thuyết khác nhau. Thế nhưng, cho dù là giả thuyết gì thì người được lợi cuối cùng cũng không phải là Đỗ Thích, mà chính là Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, người nắm trọn binh quyền cả nước trong tay. Vậy ông ta là người thế nào mà lại được trao cho quyền lực lớn như vậy?

[ Còn tiếp… ]

Nếu hứng thú với các âm mưu đen tối chốn triều đình, Phản gián là trò chơi dành cho bạn. Đặt mua tại đây.

Chia sẻ câu chuyện này

Minh hoạ Lê Lâm
Thiết kế
 Minh Hiếu

Share