Lô Tô, một trò chơi sôi nổi và thú vị được làm bằng giấy và gỗ, thịnh hành khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh từ những năm đầu thế kỷ 20. Bộ trò chơi dân gian quen thuộc với lối chơi không cầu kì nhưng lan tỏa niềm vui bằng sự kết nối thông qua lời ca và các con số ngẫu nhiên.
Trong quá khứ, những con thuyền Tây phương đã mang lên đất Việt bộ trò chơi Lô Tô gồm 90 con số. Lô Tô nhanh chóng hòa nhập vào văn hóa chơi bời của người Việt thông qua những lời kêu số bằng tục ngữ, ca dao, truyền ngôn dân gian.
Ngày nay, dò Lô Tô đã trở thành một giải trí dân gian đậm chất Nam bộ, một từ gắn liền với định nghĩa Tết Việt. Tình yêu của người Việt với Lô Tô cũng là cái tình với Tết cổ truyền và văn hóa dân gian. Những hoạt động của ngày xưa tháng cũ lắng đọng thành hồi ức, trở thành một phần tình cảm sâu nặng trong lòng người du xuân.
Lịch sử trò Lô Tô
Bước vào kỷ nguyên tàu buồm, những cánh buồm đầy tham vọng xuất bến Tây Âu, xuyên qua Ấn Độ Dương, dọc ngang Thái Bình Dương, đem những chuyến hải trình thập tử nhất sinh để cược lấy núi vàng núi bạc ẩn mình ở bờ bên kia lục địa.
Từ thế kỷ 16, những cánh buồm viễn dương lần đầu cập bến cảng thị nước ta, bánh răng lịch sử có thêm bàn tay thao túng của người Tây phương. Đồng thời họ cũng đem đến xứ xở mới kỹ thuật, tôn giáo và văn hóa của mình. Trò Lô Tô là một điểm sáng nhỏ trong những gì mà cánh buồm viễn phương chở đến.
Người Đức sử dụng trò chơi này trong thế kỷ 19 như một công cụ giáo dục để dạy cho trẻ em về cách làm toán, chính tả và thậm chí cả lịch sử. Tombola phổ biến tại Anh trong các cuộc vui cộng đồng như hội làng hay cà phê sáng, khi không phải lúc nào tất cả người chơi đều đủ mặt vào cuối buổi để nhận giải. Phiên bản tương tự ở Mỹ có tên là Bingo – trò chơi điểm mặt thường xuyên trong các hội chợ phù hoa vào thập niên 20 thế kỷ trước.
Ở Pháp, trò chơi còn được biết đến dưới tên gọi Le Lotto (hoặc Lô Tô) và là trò chơi của giới thượng lưu quyền quý. Tên gọi Lô Tô được dịch từ tiếng Pháp, vốn cũng bắt nguồn từ tiếng Ý – lotto, có nghĩa là rất nhiều, mà lot trong lotto của Ý lại bắt nguồn từ tiếng Pháp, có nghĩa là giải thưởng.
Theo cánh buồm viễn du, trò chơi này đặt chân lên đất Việt và nhanh chóng được đón nhận khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Tuy chưa xác định được thời điểm chính xác mà Lô Tô du nhập vào Việt Nam, nhưng từ một số ghi chép còn lưu cho thấy, Lô Tô đã xuất hiện từ cuối TK 18 đến nửa đầu TK 20, được xem là người anh em của một trò chơi dân gian đã điểm mặt trên đất Việt từ những năm xuôi Nam mở cõi – trò Bài Chòi.
Sự đón nhận của người dân Nam Bộ đối với Lô Tô phần nào phản ánh tính chất lịch sử của vùng đất mới phương Nam. Miền đất cổ xưa, rộng lớn và hoang sơ, náo nhiệt và đầy rẫy tội phạm. Nơi, những người khai hoang nghèo khó hy vọng giành được những khoản tiền cược nhỏ trong một trò chơi may mắn. Nơi, cộng đồng mới gồm nhiều mảnh đời tứ phương tụ hội, buông xõa cảm xúc và gắn kết thâm tình trong một thú vui người người chia sẻ.
Luật chơi hấp dẫn của Lô Tô
Luật chơi Lô Tô là cuộc đua của những con số, sự hồi hộp đến từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc tạo nên sức rù quến một thời. Tùy mỗi địa phương mà cách chơi đôi chút xê dịch, ngày nay thông dụng bộ Lô Tô gồm 90 con số. 90 con số đó sẽ được chia ngẫu nhiên trên các thẻ chơi, mỗi thẻ ít nhất 15 số, chia thành 3 hàng, mỗi hàng 5 số. Các thẻ đó do người chơi nắm giữ.
Người quản trò sẽ giữ bốc ngẫu nhiên 90 con số chủ. Tùy hình thức và địa điểm chơi mà 90 số chủ sẽ được in trên quả cầu trong lồng xổ số hoặc in trên nút gỗ (hoặc nhựa) giấu trong túi. Sau khi quản trò kêu số, người chơi nào có con số trùng khớp sẽ đánh dấu vào tờ chơi của mình.
Kinh! Đó là tiếng hô của người chiến thắng, ý chỉ “tôi tới rồi”. Ván chơi vỡ òa khi đã tìm được người tới – người đầu tiên đánh dấu đủ 5 số ngang hàng trên thẻ chơi của mình.
Tuy nhiên, sức mê hoặc của Lô Tô không chỉ nằm ở việc thắng bại trong cuộc đỏ đen. Sự kịch tính của ván chơi còn nằm ở lời kêu số nhấn nhá làm người chơi hồi hộp. Hòa vào xứ sở chân chất tình người, yêu lời ca tiếng hát, những con số được kêu lên bằng điệu lý, câu hò, bài vè,… ẩn nhẫn tình người. Chính lời kêu ấy khiến Lô Tô không nặng tính sát phạt đỏ đen mà mang chất văn nghệ vui tươi, đặc biệt những khi được kêu trong lễ Tết, hội xuân.
Những năm 1980, xứ sở gồng mình trước những vết thương mà chiến tranh để lại, kinh tế lụi tàn, vật chất thiếu thốn, tinh thần héo mòn. Từ nỗi trống rỗng trong lòng người, Lô Tô nở rộ và phát triển thành phiên bản hoàn chỉnh như ngày nay. Lô Tô được phép chơi tại nhà nhưng không mang hình thức ăn thua bằng tiền vào dịp Tết. Đồng thời, cũng có thể tổ chức kinh doanh Lô Tô dưới sự cho phép của chính quyền địa phương.
Các tổ chức kinh doanh Lô Tô hoạt động theo gánh. Những năm cực thịnh, gánh Lô Tô, gánh lên con số và tiếng hát lời ca len lỏi khắp những miền quê xa xôi hiu hắt. Bằng việc kết hợp trình diễn âm nhạc, tấu hài vào trò chơi, những chuyến lưu diễn đáp ứng được cả nhu cầu giải trí và thưởng thức văn nghệ cho người dân hiếm khi tiếp xúc với sân khấu chuyên nghiệp.
Gánh Lô Tô
“Một đêm duy nhất! Chỉ một đêm duy nhất!”
Tiếng rao đó của gánh Lô Tô có lẽ là một phần hồi ức của nhiều người Việt từng đi qua những năm 80, 90 gian khó. Không ai biết gánh Lô Tô đó đến từ đâu, đã lặn lội băng qua những đồng sâu xóm vắng nào, để rồi lại hội ngộ làng quê nghèo trong tiếng rao thân thuộc.
Mặt trời lặn, trăng ngoi lên, vạn vật bước vào chu kỳ nghỉ ngơi, thì trên bãi đất trống nơi đồng thẳm thôn sâu, ánh đèn của hội chợ Lô Tô như ánh lửa nhóm sáng đêm đen. Sau những lũy tre làng, trên bát ngát đồng xanh rộn ràng tiếng nói cười nô nức như trẩy hội.
Ngày xuân, đèn đuốc sáng rỡ, tiếng ca duyên dáng của các ca sĩ Lô Tô, tiếng cười đùa rộn rã của bà con, tiếng hô hoán trong các quầy chơi phi tiêu, ném vòng… tất thảy quyện nên một bầu không náo nhiệt, tràn trề sinh khí. Tưởng chừng như bao lận đận lao đao của một năm gian khó đều được trút lại hết nơi đây.
Giây khắc hội chợ hứng khởi nhất luôn là những lúc dò Lô Tô, trong niềm trông mong được thần may mắn lựa chọn và ra về với phần thưởng là nước yến, bánh quy, bò cụng… Nỗi trông mong ấy khiến người chơi chăm chú lắng tai theo câu hát mà ca sĩ Lô Tô nấn ná cất lên. Những câu hát mà âm cuối luôn trùng vần với con số xổ ra.
Dưới ánh đèn sân khấu, thơ ca dân gian, âm nhạc đồng quê được hòa phối duyên dáng bằng tài năng của các nghệ sĩ Lô Tô, thâm ngấm vào hồn người tham dự lúc nào chẳng hay. Đó là lúc những con số nhảy nhót trong lồng, những con số chạy đua trên thẻ Lô Tô. Những con số nỉ non tình đời.
Vòng quay Lô Tô cũng là vòng quay đời người. Người trên sân khấu, kẻ dưới đài đều có thể bắt gặp một mảnh đời mình sau lời ca mở đầu: “Con mấy gì đây, con mấy gì đây, cờ ra con mấy… ?”
Những con số kể chuyện
Con mấy gì đây, con mấy gì đây, cờ ra con mấy…? – Tóc mai sợi vắn, sợi dài Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm Con số năm (5), con số năm (5). – Đi đâu cho thiếp theo cùng. Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam Con số tám (8), con số tám (8).
Lời kêu Lô Tô là những lời ca gần gũi, lồng ghép trong các hoạt cảnh tươi vui. Lời ca ấy được kết tụ bởi tâm tình người Việt lưu chảy mấy ngàn năm, là nghĩa tình sâu nặng, là châm biếm thói tật, là niềm trông mong vào cái đẹp.
Những con số vừa chạy đua vừa kể chuyện chính là chiếc áo choàng bắt mắt làm nên sức hút và sức sống văn hóa của trò Lô Tô. Đồng thời, Lô Tô lưu hành, cũng là góp phần lưu truyền và gìn giữ văn học, văn nghệ dân gian một cách vừa tinh tế vừa sáng tạo.
Trên thẻ dò chi chít những con số, di sản văn học dân gian lại nảy thêm một nhánh sinh cơ, nối dài sinh mệnh và bộc bạch vẻ đẹp giữa dòng chảy lịch sử lắm biến thiên đổi dời của dân tộc.
So với bài chòi, điểm sáng của lời kêu Lô Tô là tính “cơ động”. Dường như trình diễn, âm nhạc và nội dung lời kêu Lô Tô không bị giam cầm trong quy chuẩn và giới hạn nào. Trong những năm Lô Tô thịnh hành ở nửa đầu thế kỷ 20, hàng loạt bộ kêu Lô Tô được sáng tác. Các ấn phẩm Lô Tô Hoa Nhựt chiến tranh, Lô Tô Sử ký, Lô Tô Kim Vân Kiều, Lô Tô Quan Công đại chiến… hiện vẫn còn được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp.
Đứa con sinh sau đẻ muộn trên sân chơi dân gian được đặc cách thâu gom hết những hay ho, lý thú của anh chị. Cùng sự tự do trong cá tính những người lưu diễn rày đây mai đó, lời kêu Lô Tô dù là phong cách gì cũng có thể được cất lên, miễn là nó hợp thị hiếu và khơi dậy tâm tình con người xứ sở.
Đâu đó, sự pha trộn này khiến Lô Tô một thời bị “ra rìa” vì không được xếp vào loại hình trình diễn dân gian nào. Nhưng sự linh hoạt đó cũng là sức dẻo, sức bền giúp Lô Tô trỗi dậy trên hành trình thịnh suy của mình.
Hành trình của trò Lô Tô
Bước vào thế kỷ 21, thế giới trải phẳng, đời sống ngày càng phát triển và hiện đại. Cùng nhiều ngành nghề bước vào một tầm cao mới, muôn hồng nghìn tía loại hình giải trí liên tục chào sân. Các sản phẩm giải trí mang văn hóa Nhật, Trung, Hàn xâm lấn lãnh địa ngàn năm của trò chơi truyền thống dân gian.
Trò Lô Tô náo nhiệt năm nào giờ thành cô “gái quê” với lối nam phẫn nữ trang lỗi thời và những bộ Lô Tô thiết kế đỏ xanh nhàm chán. Không bắt kịp dòng chảy của thời đại, Lô Tô rớt lại phía sau, bước nửa chân vào miền ký ức. Câu chuyện buồn của Lô Tô được đưa vào văn hóa đại chúng với bộ phim điện ảnh cùng tên, được lấy cảm hứng phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.
Vậy mà mảnh đất phương Nam sức trẻ tràn trề, luôn là nơi chứng kiến những sự hồi sinh bất ngờ. Mấy năm gần đây, lòng người tha thiết cùng tư duy sáng tạo của những người làm nghề, những người nặng lòng với văn hóa xứ sở đã chèo chống Lô Tô qua một cuộc lội ngược dòng.
Cùng sự trỗi dậy của các phong trào phục hưng văn hóa, Lô Tô được khoác lên một diện mới, lần nữa hòa mình vào đời sống thời đại. Giờ đây người nghệ sĩ Lô Tô bước lên sân khấu với trang phục chỉnh chu hợp thời, thường là những bộ áo dài thời thượng, hoặc phục trang được thiết kế theo chủ đề đêm diễn, hoặc thậm chí là cổ phục cùng sự đi lên của phong trào Việt phục.
Cân xứng với diện mạo của những người nghệ sĩ trên sân khấu, linh hồn của Lô Tô – bộ trò chơi cũng có một cuộc thay da đổi thịt với nhiều thiết kế mới mẻ. Những con số và tờ vé dò trở lại đường đua bằng chất liệu sang trọng và thiết kế kỳ công, giàu tính biểu tượng và đậm sắc dân gian.
Sự kỳ công được gầy lên từ tấm lòng yêu mến văn hóa dân tộc. Đâu đó là nỗi thiết tha với phồn hoa quá vãng, vì nghĩa nặng tình sâu nên không nỡ vứt đi thứ cũ kỹ mà vẫn lặn lội tìm về tân trang. RuNam, một thương hiệu với nguồn cảm hứng bất tận từ lời Ru của nước Nam, cũng cho ra mắt những bộ Lô Tô đậm sắc màu dân gian và hơi thở truyền thống như thế.
Những năm gần đây, bộ trò chơi Lô Tô của RuNam luôn lấy những chủ đề ngày Tết như phóng sinh, gói bánh, múa lân, giao thừa… làm cảm hứng. Để rồi không cần đến nơi hội chợ lao xao, hương sắc mùa xuân vẫn nồng nàn lưu trú trong bộ trò chơi nơi góc nhà dân. Ngày xuân, các thành viên trong gia đình tề tựu đủ đầy. Cả nhà chọn ra một người hoạt náo làm cái. Cái bốc số, nhanh nhảu đọc số bằng những câu thơ, câu tục ngữ ca dao mình thuộc, các thành viên còn lại hí hoáy dò theo.
Bánh mứt tràn mâm, câu chuyện gia đình đầm ấm, biểu tượng hồng phúc ngày Tết nhảy nhót trên thẻ dò Lô Tô như một lời cầu chúc ấm yên sum vầy. Không gian của cuộc chơi khi ấy ngập tràn niềm vui và những ý niệm tốt lành. Để rồi đại gia đình rộ lên tiếng cười khi có một thành viên “Kinh!”. Niềm hạnh phúc từ mái nhà dân tỏa ra khắp chốn.
Sức xuân tràn trề là đây.
Thông tin tư vấn và đặt hàng qua: Email: truc.tran@niso.com.vn Hotline: 0703 977 524 (Ms.Truc)
Writer Huyết Vy Art Director Lê Minh Artist & Designer Mỹ Thanh Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc