Vào mùa hè năm 2009, có một khóa học về khoa học xã hội và nhân văn với khoảng gần trăm học viên từ Sài Gòn, Hà Nội, Huế… Khóa học đó gồm các giảng viên từ Pháp qua, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu nhân học dày dạn kinh nghiệm ở châu Phi và các nước Đông Nam Á tham dự. Sau hai ngày nóng nực ở Hà Nội, lớp học được tổ chức tại Tam Đảo – lúc đó còn là một thị trấn nhỏ cách Hà Nội hơn 80 km.
Sống ở Hà Nội bao nhiêu năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi lên Tam Đảo. Hồi nhỏ có lần xem cái tranh vui: trên con đường núi dốc ngoằn nghèo, ông chồng hớn hở đi trước miệng tấm tắc: Tam Đảo thật là mát mẻ, thế nhưng phía sau là bà vợ tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Thị trấn Tam Ðảo rộng hơn 300ha, nằm gọn trong một thung lũng nhỏ của dãy Tam Ðảo, đồng thời cũng là một trong những vườn quốc gia lớn nhất miền Bắc. Ðầu thế kỷ 20 người Pháp phát hiện ra Tam Ðảo và xây dựng ở nơi đây thành nơi du lịch nghỉ dưỡng cho quan chức thuộc địa người Pháp với khoảng hơn 160 ngôi biệt thự nằm rải rác trên các sườn núi.
Thời gian trôi qua, đến cuối thế kỷ 20 những toà nhà Tây chỉ còn là phế tích trong hoang tàn, đổ nát, trơ ra những móng, tường, công trình ngầm nằm lẫn với cỏ cây, rêu phong, nắng mưa… Nhìn mà xót xa. Một thời gian dài chẳng ai biết đến và cần đến cái đẹp như thế…
Mười năm trước Tam Đảo còn là một thị trấn xinh xắn với những con đường lên xuống quanh co nho nhỏ, một dòng suối như vệt nước cắt ngang chảy suốt bốn mùa… Khí hậu ở đây rất độc đáo, bốn mùa trong một ngày. Buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nắng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá mùa đông.