Sang thế kỷ 21, những cải thiện trong nhận thức y khoa và hình hài mới trong các tác phẩm hư cấu đã xoa dịu nỗi ám ảnh Ma Cà Rồng. Con Ma Lai dần rút lui khỏi tâm trí người Việt, rúc vào thăm thẳm sơn lâm bên những câu chuyện thư ngải hư thực của đồng bào Jarai. Tuy nhiên không hiểu sao, Ma Lai lại hồi sinh kỳ lạ trong truyền thuyết đô thị quanh khu vực miền Tây vào những năm 2005.
Họ loan tin về một người đàn bà móc bụng xơi tái tim gan đứa con sơ sinh, để lại cho người chồng nỗi kinh hãi tột cùng với cái xác nhỏ tím ngắt trong vũng máu. Sau khi giết con, bà ta lẩn trốn rồi thoát ẩn thoát hiện ở nhiều vùng quê, gây ra nhiều vụ mất tích trẻ em trong sự truy bắt bất thành của chính quyền. Họ nói người đàn bà ấy là hiện thân của Ma Lai. Một đồn mười, mười đồn trăm, bầu không u ám phủ khắp một vùng, đến nỗi phụ huynh e ngại cho con em rời nhà đi học.
Cơn sốt Ma Lai rầm rộ một thời gian, để rồi nó bắt xuất hiện trên các tiêu đề báo chí với mục đích trấn an dư luận, trong câu chuyện người đàn bà mất con hóa cuồng, hoặc như một ẩn ý để nói về nỗi mông muội dị đoan còn ám lấy người dân thôn quê. Tra cứu lại báo chí hàng chục năm trước, sẽ thấy một vài con ma hút máu cũng được vinh dự lên báo với tình cảnh và mục đích tương tự.
Báo Lao Động số 2581, ngày 1 tháng 3 năm 1975, dùng con Ma Lai hoành hành ở Lăng Ông Bà Chiểu để ẩn ý về chính quyền Thiệu đang “rút ruột, hút máu” đồng bào. Nhẹ nhàng hơn, báo Khoa Học số 196, ngày 15 tháng 8 năm 1938, ví von Ma Cà Rồng là con muỗi lây truyền bệnh sốt rét qua đường máu. Như vậy, bên cạnh những vai diễn hư cấu đẹp đẽ, ta lại thấy một một vai trò khác của ma trong thế giới mới – hình ảnh ẩn dụ ví von để giật tin.
Thời đại kỹ thuật số ngày nay, dễ dàng kiếm được các loài Ma Cà Rồng Việt Nam trên nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội. Đồng tồn tại với chuyện kể lúc nửa đêm và truyền thuyết đô thị, thì những con ma này còn xuất hiện trên các trang nghiên cứu ma quái Việt Nam như Ma Quỷ Dân Gian Ký. Các tấm ảnh xiên lình – phương thức đuổi Phạm Nhan được đăng lên hội nhóm bằng góc nhìn thấu đáo tường tận những gì đã qua, mà vẫn cảm được nét đẹp một thời quá vãng.
Ở đó, nội dung cốt lõi có thiên hướng sưu tầm và lưu giữ văn hóa hơn là hù dọa giật gân và lan truyền mê tín dị đoan. Những bước đi đầu tiên, đưa yêu ma từ đêm đen bước ra ánh sáng hiện đại, như cách người Nhật liệt kê tất tần tật những con ma hiện diện trong tín ngưỡng dân gian nước mình rồi khéo léo nhét chúng vào các ấn phẩm kinh điển, thậm chí là dành cho thiếu nhi.
Nhưng có lẽ hành trình từ nỗi sợ tâm linh đi vào nét đẹp văn hóa của Ma Cà Rồng Việt Nam sẽ là một chặng đường trường. Có lẽ phải đến khi người Việt thấy ma “đẹp” thay vì sợ và các kịch bản điện ảnh kinh dị không còn phải nấp mình sau những cơn mơ chợt tỉnh lúc cuối phim.
Xem thêm:
Ma Cà Rồng Việt Nam – Kỳ 1: Phí Phông và Người Lạo đầu bay
Ma Cà Rồng Việt Nam – Kỳ 2: Ma Lai và Tà thần Phạm Nhan