Ma Cà Rồng Bản Địa Việt – Kỳ 3: Từ tín niệm bước ra ánh sáng

Tác giả Huyết Vy
Ma Cà Rồng Bản Địa Việt – Kỳ 3: Từ tín niệm bước ra ánh sáng

1. Ma cà rồng Việt Nam, đến từ nỗi mông muội và sợ hãi bệnh tật

Cách đây vài năm, một số trang báo đưa tin về một pháp sư, chủ trì một môn phái thiền dành cho người Việt, nhưng lại thi triển các nghi lễ ly kỳ trong buổi hầu giá, hầu đồng. Buổi hành lễ được nhà báo miêu tả sinh động và vô cùng kịch tính. 

Pháp sư lấy dây đai siết cổ, lấy sành rạch lưỡi, lấy “thanh đao” nhọn xuyên thủng má mà vẫn bình yên vô sự. Nghi lễ kỳ dị có phần kinh dị ngỡ là trò dị đoan gây chú ý nhưng thực chất đã tồn tại hàng trăm năm và không xa lạ gì với vùng dân bị ảnh hưởng sâu đậm bởi quyền lực họ Trần. Các trò thi triển này lần lượt được sách cổ gọi là “lên đai thượng”, “dấu mặn” và “xiên lình” trong hầu giá Trần triều.

Hầu giá Trần triều, một trong những nghi thức thực hành tín ngưỡng Đức Thánh Trần, mục đích hầu hết là chữa bệnh bằng sát quỷ trừ tà. Những hành động ghê rợn mà khoa học chưa có lời giải xác đáng chính là biển hiện uy dũng và siêu phàm của Đức Thánh. 

Bằng cách thị uy nạt nộ con tà, đặc biệt là Phạm Nhan, người ta tin rằng có thể đuổi nó ra khỏi xác thân người bệnh. Dần dà, dù là xuất phát từ tín ngưỡng dân gian hay có dàn xếp chính trị, thì cũng dễ dàng nhận ra quyền năng tà ác của Phạm Nhan không chỉ phát nguồn nỗi sợ hồn ma bất đắc kỳ tử mà còn từ nỗi ám ảnh bệnh tật – những thứ siêu hình nằm ngoài tầm hiểu biết và kiểm soát của con người bấy giờ. 

Không chỉ Phạm Nhan mà hầu như loài “ma cà rồng” Việt Nam đều là hiện thân của bệnh tật và cái chết. Nếu con ma Phạm Nhan được đem ra lý giải cho hiện tượng con ranh con lộn thì Ma Lai được réo gọi cho những cái chết nhanh chóng bởi thổ tả, còn những dấu chấm đỏ trên thân tử thi – dấu hiệu đặc trưng của sốt xuất huyết – được cho là dấu răng của Ma Cà Rồng. Để rồi dân bản dân làng luôn sống trong nơm nớp và nghĩ ra đủ cách chống chọi như tác động lên thân xác con ma lúc nó xuất đầu kiếm ăn, treo bùa chú, xương rồng hay đóng cọc nhọn quanh nhà,..

Phạm Nhan và Ma Lai
Phạm Nhan và Ma Lai

Không riêng gì đất Việt, mà khắp nơi trên thế giới, huyền thoại về các yêu ma hút máu thường được gầy dựng từ những trận đại dịch tiền vô khoáng hậu. Ở châu Âu, nỗi sợ ma cà rồng thường trùng khớp với sự bùng phát của dịch hạch

Năm 2006, các nhà khảo cổ ở Venice, Ý đã khai quật được hộp sọ có niên đại từ thế kỷ 16, được chôn cùng các nạn nhân bệnh hạch với một viên gạch trong miệng. Ở vùng đất đó, nhét đá vào miệng, trói chân vào dây xích hay vắt lưỡi liềm ngang cổ chính là phương thức chôn cất ma cà rồng, ngăn chúng đội mồ sống dậy.

3. Một ghi chép khác về “Ma Cà Rồng”: Người Lạo đầu bay

2. Từ tín niệm dân gian bước ra ánh sáng hiện đại

Có thể thấy, thuở ánh sáng khoa học chưa soi rọi tri thức, loài người không hiểu được cơ chế lây lan và tàn phá của bệnh tật nên đành đổ lỗi cho một thế lực hắc ám vô hình. Mà trăm phương ngàn kế tránh tà, diệt ma chính là cách chữa bệnh phổ biến nhất dù ở nền văn hóa nào. Tuy nhiên, bước vào kỷ nguyên mới, những sinh vật hút máu này đã dần bước ra khỏi truyền thuyết dân gian và nỗi sợ vô minh mà chễm chệ trong những hình dung và vai trò mới. 

Bước ra từ các tác phẩm kinh điển như The Vampyre (1819), Carmilla (1871-72) và Dracula (1897), sinh vật tà ác giấu mình dưới làn da trắng bệch, răng nanh đủ nhọn để có thể cắn ngập cổ và uống cạn máu bất kỳ nạn nhân xấu số nào chính là những hình dung cơ bản nhất của người hiện đại, kể cả lớp trẻ về Ma Cà Rồng Việt Nam.

 Bùng nổ trong những câu chuyện hư cấu đầy kịch tính từ phim ảnh, tiểu thuyết đến ngôn tình, chúng dần lột bỏ lớp vỏ xấu xí ghê rợn mà trở thành những quý tộc bất tử, lạnh lùng và mỹ lệ. Lẩn mình trong những lâu đài u tối quên lãng thế nhân, chúng ru ngủ nạn nhân bằng ái tình rồi nhẩn nha rút máu trong cuộc mây mưa nồng nàn.

Carmilla (1871-72)
Carmilla (1871-72)
The Vampyre (1819)
The Vampyre (1819)
Dracula (1898)
Dracula (1898)
ma cà rồng truyện
Dracula (1898) - The Vampyre (1819) - Carmilla (1871-72)

Sang thế kỷ 21, những cải thiện trong nhận thức y khoa và hình hài mới trong các tác phẩm hư cấu đã xoa dịu nỗi ám ảnh Ma Cà Rồng. Con Ma Lai dần rút lui khỏi tâm trí người Việt, rúc vào thăm thẳm sơn lâm bên những câu chuyện thư ngải hư thực của đồng bào Jarai. Tuy nhiên không hiểu sao, Ma Lai lại hồi sinh kỳ lạ trong truyền thuyết đô thị quanh khu vực miền Tây vào những năm 2005. 

Họ loan tin về một người đàn bà móc bụng xơi tái tim gan đứa con sơ sinh, để lại cho người chồng nỗi kinh hãi tột cùng với cái xác nhỏ tím ngắt trong vũng máu. Sau khi giết con, bà ta lẩn trốn rồi thoát ẩn thoát hiện ở nhiều vùng quê, gây ra nhiều vụ mất tích trẻ em trong sự truy bắt bất thành của chính quyền. Họ nói người đàn bà ấy là hiện thân của Ma Lai. Một đồn mười, mười đồn trăm, bầu không u ám phủ khắp một vùng, đến nỗi phụ huynh e ngại cho con em rời nhà đi học. 

Cơn sốt Ma Lai rầm rộ một thời gian, để rồi nó bắt xuất hiện trên các tiêu đề báo chí với mục đích trấn an dư luận, trong câu chuyện người đàn bà mất con hóa cuồng, hoặc như một ẩn ý để nói về nỗi mông muội dị đoan còn ám lấy người dân thôn quê. Tra cứu lại báo chí hàng chục năm trước, sẽ thấy một vài con ma hút máu cũng được vinh dự lên báo với tình cảnh và mục đích tương tự. 

Báo Lao Động số 2581, ngày 1 tháng 3 năm 1975, dùng con Ma Lai hoành hành ở Lăng Ông Bà Chiểu để ẩn ý về chính quyền Thiệu đang “rút ruột, hút máu” đồng bào. Nhẹ nhàng hơn, báo Khoa Học số 196, ngày 15 tháng 8 năm 1938, ví von Ma Cà Rồng là con muỗi lây truyền bệnh sốt rét qua đường máu. Như vậy, bên cạnh những vai diễn hư cấu đẹp đẽ, ta lại thấy một một vai trò khác của ma trong thế giới mới – hình ảnh ẩn dụ ví von để giật tin.

Thời đại kỹ thuật số ngày nay, dễ dàng kiếm được các loài Ma Cà Rồng Việt Nam trên nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội. Đồng tồn tại với chuyện kể lúc nửa đêm và truyền thuyết đô thị, thì những con ma này còn xuất hiện trên các trang nghiên cứu ma quái Việt Nam như Ma Quỷ Dân Gian Ký. Các tấm ảnh xiên lình – phương thức đuổi Phạm Nhan được đăng lên hội nhóm bằng góc nhìn thấu đáo tường tận những gì đã qua, mà vẫn cảm được nét đẹp một thời quá vãng.

Ở đó, nội dung cốt lõi có thiên hướng sưu tầm và lưu giữ văn hóa hơn là hù dọa giật gân và lan truyền mê tín dị đoan. Những bước đi đầu tiên, đưa yêu ma từ đêm đen bước ra ánh sáng hiện đại, như cách người Nhật liệt kê tất tần tật những con ma hiện diện trong tín ngưỡng dân gian nước mình rồi khéo léo nhét chúng vào các ấn phẩm kinh điển, thậm chí là dành cho thiếu nhi. 

Nhưng có lẽ hành trình từ nỗi sợ tâm linh đi vào nét đẹp văn hóa của Ma Cà Rồng Việt Nam sẽ là một chặng đường trường. Có lẽ phải đến khi người Việt thấy ma “đẹp” thay vì sợ và các kịch bản điện ảnh kinh dị không còn phải nấp mình sau những cơn mơ chợt tỉnh lúc cuối phim.

Xem thêm:

 Ma Cà Rồng Việt Nam – Kỳ 1: Phí Phông và Người Lạo đầu bay

Ma Cà Rồng Việt Nam – Kỳ 2: Ma Lai và Tà thần Phạm Nhan

 

Art Director Lê Minh
Artist Lê Lâm
Graphic Designer Nhím 
Editor Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share