Người viễn khách ngước trông mái đình làng Việt. Mái đình vút cong, dường như nơi đó ẩn chứa một sức mạnh to lớn xiên tận thiên thanh, lặng lẽ đo lường những nặng, dài của làng Việt.
Dưới mái đình làng Việt, giữa hành lang tĩnh mịch, những hoa văn uốn lượn thì thầm kể chuyện người xưa. Dưới mái đình làng Việt, khói hương bảng lảng, hậu bối đối diện tiền nhân trong một cuộc đối thoại tâm linh không lời. Khoảnh khắc ấy, xưa và nay không còn khoảng cách. Quá khứ biền biệt vẫn để lại dấu ấn, và hậu nhân lại phỏng theo mà bảo tồn những phong tục, tập quán đến tận ngày nay.
Thế gian chuyển vần, được bao thứ có thể sánh cùng tạo hóa. Cửu Trùng Đài vừa dựng xong đã hóa thành tro bụi. Phủ chúa Trịnh rụi hết phong quang trong biển lửa 10 ngày. Phật Tháp Đồng Dương hóa phế tích sau những trận đạn quét bom càn.
Vậy mà nơi đầu sóng ngọn gió, miền biên viễn – nơi chữ S được chấm những nét đầu tiên (1), một mái đình làng bền bỉ đứng suốt 600 năm ở Trà Cổ. Đời đời nằm giữa ngã ba giao thoa văn hóa vẫn không mất đi nét kiến trúc đặc trưng của đình làng thuần Việt. Để rồi 6 vị tổ tiên khai hoang, mở đất, hóa thần Thành hoàng vẫn được lớp lớp cháu con nhang khói thờ phụng chốn này.
Dưới mái đình làng nhuốm màu tháng năm, người nhạc sĩ cảm được cái tình của cổ nhân mà viết tặng đời những lời ca miên man, bất hủ trong bài Mái đình làng Việt (2). Cái cảm của nhạc sĩ mênh mang nhường nào, mà qua đôi lời ca, câu hát đã họa nên cái thói, cái tình của người Việt với đình làng xứ sở.
Mà từ mái đình Trà Cổ nơi làng biển trông ra khắp đất Việt này, đâu đâu cũng bắt gặp những ngôi đình cổ, chất chứa trăm ngàn chuyện xưa của làng Việt như thế:
Thi gan cùng tuế nguyệt
Bao lâu bao lâu rồi
Mái đình xưa làng Việt
Thanh thanh một góc trời
Trong hành trình chinh phục đất đai và hoàn thiện đường biên Tổ quốc, có những anh hùng nằm xuống đem xác thân hóa thành chiến lũy, thành hào. Cũng có những người con phải rời bỏ cố hương, khẩn đất khai hoang, lập làng mở ấp.
Họ chứng kiến những thịnh suy và làm nên lịch sử của vùng đất dưới chân. Họ nằm xuống, vùi thân, hồn tan vào đất, hóa thần bảo hộ cho vùng: Thành hoàng. Trong cái tên cũng đã trọn cái nghĩa của thần: Thành là tường thành; hoàng là hào nước. Dân làng thờ Thành hoàng, cũng là thờ tổ tiên của vùng đất, mà đình làng chính là trú sở của thần, cũng là ngôi nhà chung của cả làng.
Với vị thế quan trọng đó, mái đình làng Việt bao giờ cũng ở trung tâm. Không nhất thiết phải là điểm giữa theo khoảng cách địa lý, mà là nơi thuận lợi nhất cho các hộ dân tụ tập. Nơi đó thường hướng về Đông Nam, trông ra dòng sông uốn quanh mình, với quan niệm đất tụ thủy sẽ phất khởi việc làm ăn. Người Việt coi trọng phong thủy của ngôi đình và tin rằng nó sẽ ảnh hưởng đến vận khí của của làng:
Toét mắt là tại hướng đình
Cả làng cùng toét đâu mình riêng em.
Nếu cả làng gặp phải “họa vô đơn chí” như hỏa hoạn, dịch bệnh, lũ lụt thì các bậc lão làng sẽ nghiên cứu lại hướng đình và dịch chuyển theo hướng né tránh tai ương. Vì đình làng Việt được xây dựng từ những cột kèo thuần mộc, chất liệu lưu giữ khí chất và linh hồn của kiến trúc, nên dẫu có di dời địa điểm thì vẫn vẹn nguyên ngôi đình thuở đầu. Tuổi đời của ngôi đình được tính từ lúc những vì kèo được dựng lên lần đầu tiên, bất kể khu đất, bất kể bao lần đập gạch trùng tu.
Cũng nhờ lấy vì kèo gỗ làm cơ sở nên cổ nhân có thể dựng nên một kiến trúc đông ấm hạ mát với cột to, mái cao – chiếm đến hai phần ba chiều cao tổng thể. Mái đình là phần quan trọng mang tính biểu tượng của kiến trúc nên người xưa rất chú trọng tạo hình.
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
Câu ca dao thể hiện tình thương vô bờ với “mình”, nhưng qua đó cũng nói lên số lượng vô hạn của ngói đình, thể hiện quy mô của phần mái. Mái đình bằng gỗ, lợp ngói, bốn mái tiếp giáp nhau, diềm mái cong vút ở đuôi theo kiểu đầu đao lá mái.
Để có thể lợp ngói thẳng lên mái cong mà vẫn giữ được mặt phẳng chung, người xưa thường vận dụng kỹ thuật lợp thêm một lớp ngói phía trong. Hai lớp ngói trong – ngoài được kết dính bằng một lớp bùn, làm tăng khả năng tản nhiệt cho kiến trúc.
Có lẽ vì thế mà mái đình rất dày và ngốn nhiều gạch ngói. Theo ý các bô lão trong làng, thì đây cũng là cách để dành ngói cho những đợt trùng tu sau này. Mái ngói bề thế tung hoành, nhờ nét cong tài tình mà thoát thai khỏi dáng vẻ lụp xụp nặng nề, thanh thoát hòa mình vào trời đất, lẳng lặng mà mạnh mẽ cất lên khát vọng khám phá thiên không mênh mông của người Việt.
Nhìn từ xa, mái đình làng Việt mang dáng dấp một con thuyền, mà hàng cột thì tựa như những quai chèo. Những người con nặng lòng với văn hóa xứ sở cho rằng, hình ảnh mái đình gắn với con thuyền, hay cả ngôi đình là một con thuyền chính là bức mật thư ẩn chứa di sản của nền văn minh Lạc Việt.
Thực tế, nhiều di chỉ khảo cổ chứa những viên cuội khắc một mặt hình người, mặt kia là căn lều nhỏ với hai cột chống, mái cong. Phải chăng từ thời Văn hoá Hoà Bình – Bắc Sơn cách đây hàng vạn năm, nhà sàn mái cong, dáng dấp con thuyền đã là sản phẩm in dấu Việt cổ?
Ngược dòng dĩ vãng mù khơi, tổ tiên người Việt từng mưu sinh trên thuyền bằng săn bắt và thu hoạch ngũ cốc hoang dã trên vùng nước trũng. Rồi vật đổi sao dời, từ lần “chia đôi sơn hà” của cha Long Quân và mẹ Âu Cơ, người Việt đã dần dà từ chối Thủy Tinh mà tôn thờ Sơn Tinh.
Những ngư dân đánh cá trên biển dần trở thành nông dân trồng trọt. Họ xa dần nguồn gốc Nam Á hào sảng của những ngày lênh đênh không bến đỗ, để trở nên ngoan cường mỗi khi cần bảo vệ đất đai. Không như những người đi biển bất cần và tự do, họ không có chỗ rút lui vì đất đai là nguồn sống duy nhất. Dẫu vậy, con thuyền vẫn đi theo những người con Việt, là biểu tượng, hồn làng, là nỗi hoài vọng miên man về một miền quá khứ oanh liệt đã chìm vào đáy sông lịch sử.
Những thăng trầm thời gian
Đã ghi tạc hình dáng
Nét chạm trổ phượng long
Uốn lượn tựa mây sóng
Mái đình làng Việt cong cong, buông xuống bầu không cổ kính, khiến lòng người lắng đọng suy tư. Nếu ngôi đình là trái tim của làng Việt, thì những phù điêu chạm khắc trên cột kèo chính là linh khí của cả tòa kiến trúc. Vẻ đẹp của đình làng Trà Cổ cũng là vẻ đẹp của bao đình làng thấm đẫm trăm năm dâu bể muôn nẻo đất Việt.
Những long ly quy phượng, hoa lá, chim muông được nước thời gian tẩy trần mà toát lên nét phong trần không thuộc về thời đại. Chất gỗ lâu năm đã nhạt phai những sơn tô, bớt đi vài vẻ tươi thắm mà thêm vài nét loang lổ thâm trầm, mộc mạc nhưng ấm áp. Dưới bàn tay tinh khéo của người thợ dân gian, những đầu rồng chạm lộng (3) bên này nối với đuôi rồng uốn lượn bên kia cột, như thể xuyên thủng trụ cột nặng nề mà bay vút lên chốn thiên không.
Một thế kỷ sau khi đình làng Trà Cổ được dựng lên, sơn hà biến động (4), tạo điều kiện cho một cuộc cách mạng nghệ thuật ẩn mình dưới điêu khắc tôn giáo. Vẫn là những rồng bay phượng múa đại diện cho tín ngưỡng và quyền uy vua chúa. Nhưng dưới tâm tình của người nghệ sĩ dân gian, nó không còn vẻ cầu kỳ nghiêm trang mà toát lên khí chất riêng biệt. Nơi đó, Rồng mẹ, Rồng con quấn quýt, chan hòa (5); loài Phượng kiêu kỳ bỗng hóa gà mẹ ấp ủ đàn con (6).
Với cách nhìn ấy, tứ linh cũng không còn uy nghiêm, bức bách mà hóa dung dị, chan hòa như mọi con vật trong đời sống:
...Bốn cửa anh chạm bốn dê
Bốn con dê đực chầu về tổ tông
Bốn cửa anh chạm bốn rồng
Trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo
Bốn cửa anh chạm bốn mèo
Con thì bắt chuột, con leo xà nhà…
Chìm nổi trong ba thế kỷ nội chiến, khi mà bàn tay của các thế lực cai trị không còn vươn tới sinh hoạt thôn quê, nghệ thuật đình làng Việt đã có một thời kỳ dân chủ tự phát. Nó sinh trưởng, lưu truyền và tỏa sáng trong dân gian.
Nơi nó, những người thợ dân gian được phép thả trí tưởng tượng và phô diễn tài năng. Nơi nó, lối trang trí chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho – Lão – Phật không còn đắc dụng nữa mà phiêu lãng vào thế giới huyền thoại với những long, ly, quy, phượng biến thành mây mưa, hóa thành hoa lá.
Gửi vào đây vào đây
Vui buồn người Việt
Gửi vào đây vào đây
Tâm hồn người Việt
Người Việt cư ngụ trong làng xã, quây quần quanh mái đình. Sự tồn tại của đình làng là dư âm của nhân gian huyên náo. Bên những đề tài tôn giáo được biến thể gần gũi, người thợ đã khôn ngoan giấu những đề tài dân gian vào điêu khắc, hóa mái đình thành chiếc hòm báu đựng đầy chuyện xưa.
Đi dọc dưới những cột kèo xà ngang, năm tháng xa xôi như một thước phim chạy chậm, chẳng giấu diếm mà thành thật đem ký ức thân mang giao phó cho người cất công tìm tòi. Ở đó, những bức phù điêu vẫn khoác bên ngoài cái nhìn tín ngưỡng và Nho giáo, nhưng thấp thoáng bên trong đầy rẫy những hoạt cảnh thế tục.
Thước phim phù điêu ấy chảy dài từ miền huyền thoại xa xôi nơi rồng tiên vờn mây, mả táng hàm rồng, nghi thức tế lễ rồi kéo về nhân gian trong những cảnh mưu sinh nhà nông như cày trâu, cưỡi voi, đả hổ, đốn củi, gánh con,…
Rồi thước phim ấy sôi nổi kịch tính với những trò vui trong lễ hội dân gian như hát chèo, gảy đàn, chèo thuyền, đấu vật, chọi trâu, đánh đu, đánh cờ, chọi gà, bơi chải, đá cầu, chuốc rượu…
Rồi thước phim ấy uyển chuyển rót tình bằng tâm tư đôi lứa trong những cảnh thiếu nữ tắm ở đầm sen, nam nữ chòng ghẹo nhau hay tự tình…
Những phân cảnh ấy hồn nhiên và bản năng. Một bản năng sinh tồn nhuốm hơi thở của đời sống nguyên thủy vọng về sau luỹ tre làng. Nó đã thấm sâu vào máu, quẩn quanh trong tiềm thức và vô thức từng cư dân nông nghiệp từ xa xưa cho đến tận hôm nay. Một kho lưu trữ, theo ngôn ngữ tâm sinh lý – phân tâm học.
Suy xét sâu xa thần phả của làng, phù điêu đình làng tựa như cuốn dã sử về Thành hoàng, vốn xuất thân phàm trần, cũng từng đi qua một cuộc trần ai như bao người. Ở cái nhìn đó, những hoạt cảnh bình dân trên phù điêu đình làng trước là tường thuật lại truyền kỳ của Thành hoàng, sau là ghi lại một đời người làng nói chung.
Hơi thở dân dã tinh tế đi vào nghệ thuật, để rồi cuộc sống bách tính hiển hiện dung dị mà sinh động. Ẩn mình khôn ngoan giữa loạn thế, phù điêu đình làng thừa dịp nở rộ trong lòng giáo điều phong kiến suốt ba trăm năm mà không gặp trở ngại nào.
Khi hơi thở đời sống len lỏi vào, nghệ thuật được dịp thoát khỏi mẫu mực ước lệ, khiến những muông thú, con người, quang cảnh là “độc nhất vô nhị” dù thể hiện cùng một đề tài.
Người thợ có thể quen với việc đục chạm từ nhỏ nhưng vẫn là một anh nông dân một đời gắn bó đồng áng. Nhát chạm dứt khoát chắc tay nhưng nguồn cảm hứng lại chân chất hữu tình. Khởi nguồn từ những gắn bó và tình cảm sâu sắc, anh đem những cảnh tượng luân chuyển quanh đời, ngày này tháng nọ, in vào tâm khảm, khắc thành hiện vật.
Vậy nên, dẫu tác phẩm vô danh nhưng vẫn bộc bạch toàn vẹn cá tính và tâm hồn người Việt. Là những gì tự nhiên, xúc động và thuần Việt nhất, là những gì đẹp đẽ, trữ tình và phong vị nhất xứ sở này.
Ðâu trúc mai sân đình
Đâu dáng ai ưa nhìn
Ðộng lòng tôi câu hát
Người xinh
Người xưa chỉ dùng dùi đục là có thể chạm cả tâm hồn người Việt lên mái đình . Những người thợ vô danh vô tánh đó đều đã qua đời, nhưng tác phẩm của họ vẫn được lớp lớp hậu nhân trân trọng giữ gìn. Mái đình làng Việt còn, tâm huyết và tình cảm tiền nhân dốc ra còn. Mà giả như tất cả tan hoang trong chiến loạn và lãng quên thì làm sao chúng ta có thể thấu hiểu và kết nối với tổ tiên giữa biền biệt năm tháng?
Giả như tất cả tan hoang thì tâm hồn bao đời người Việt biết gửi gắm vào đâu, khi dường như tất cả mọi sinh hoạt cộng đồng cả vật chất và tinh thần của làng đều vây quanh mái đình. Đình làng Việt là một bóng hình thân mật, in khắc trong tâm khảm người nông dân, thân thuộc và hiển nhiên như thường nhật:
Đêm qua tát nước đầu Đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà…
Trúc xinh trúc mọc đầu Đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh
Dưới mái đình, dân làng lễ bái Thành hoàng, vị thần toàn thể dân làng chung thờ, bất kể tín ngưỡng riêng là gì, như P. Giran nhận xét:
“Thần bảo hộ hay Thành hoàng đại biểu linh động tổng số những kỷ niệm chung, những nguyện vọng chung. Ngài hiện thân cho tục lệ, luân lý và đồng thời sự thưởng phạt trừng giới; chính Ngài thưởng phạt khi nào dân làng có người phạm lệ hay tôn trọng lệ làng. Sau cùng Ngài còn là hiện thân đại diện cho cái quyền tối cao bắt nguồn và lấy hiệu lực ở chính xã hội nhân quần. Hơn nữa Ngài còn là môi giới của tất cả phần tử của đoàn thể, Ngài kết thành khối, như là một thứ nhân cách tinh thần mà tất cả thuộc tính cốt yếu đều có thấy ở mỗi cá nhân.”(7)
Bên cạnh vai trò tâm linh, mái đình còn chở nắng che mưa những ngày hội họp việc làng, bầu cử ngôi thứ trong ban kỳ mục – hội đồng cai quản tất cả công việc chung, từ việc sinh tử giá thú của cá nhân, cho đến việc phạt tạ, xử án vi cảnh. Nơi đây diễn ra hầu hết các hoạt động của làng xã như bảo vệ thuần phong mỹ tục của đoàn thể, từ việc an ninh trật tự đến việc phân chia điền địa hoa màu.
Có thể nói đình làng Việt đóng vai trò là công sở của làng như tòa đô sảnh của một đô thị ngày nay. Với đặc điểm của tính tự trị và tính cộng đồng của làng xã, hoạt động hành chính và quản lý của làng xã được thực thi nghiêm minh; mà đình làng Việt với tư cách là trụ sở hành chính đã trở thành biểu tượng của tính tự trị và sự cố kết cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử của mình.
Vậy nên có gì lạ đâu khi sân đình mòn lối chân viếng khách. Dưới mái đình, các bậc lão thành kỳ cựu tề tựu ấm tách bàn chuyện lớn nhỏ trong làng. Có gì lạ đâu khi cỏ cây cũng nhiễm linh khí của đình thiêng mà như thêm chất cảm, khiến người đứng chốn trữ tình cũng xinh đẹp động lòng.
Cứ thế mái đình làng Việt che chắn cho nhân sinh bình dị và mối tình quê trong trẻo. Từng cành cây ngọn cỏ, nhành mai ngọn trúc đều lưu khắc vào tâm khảm người làng. Bài vị hồi tưởng công đức Thành hoàng luôn đủ đầy lễ bái khói hương.
Người làng dùng phương thức đơn giản nhất để thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc cũng như lòng kính trọng thần quyền. Ngày bình đạm qua ngày, dân làng lại ngóng đến xuân, khi những hội, những lễ to nhất của mảnh đất này được tổ chức sau vụ mùa bội thu và một năm lao động tất tả.
Những ngày đó vui như tết, người nông dân quây quần dưới đình cho công việc chuẩn bị, lũ trẻ làng xúm xít chơi đùa dưới những tán cổ thụ sân đình, còn người có tình chỉ chực chờ được buông lời ước hẹn chôn giấu bấy lâu.
Vây quanh nhịp trống chèo
Ai trao duyên ai vô tình
Nên còn đây lời hẹn
Trăng non một góc đình
Những ngày này dân làng đến đình thắp hương tế lễ nhộn nhịp, cầu mong Thành hoàng cùng Trời Đất giúp cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi và gặp nhiều phúc lành.
Tùy theo đặc điểm của từng làng, làng tơ làng lụa hay làng gốm làng tranh mà nghi lễ cũng sinh biến hóa. Ví như vùng biển của đình làng Trà Cổ thì nghi thức hội làng cũng liên quan tới tín ngưỡng tâm linh của cư dân miền duyên hải như nghênh thần trên biển và hội thi ông Voi (8). Tựu trung, vẫn là những nghi thức có cờ quạt võng lọng, những đám rước quanh làng náo nhiệt với nào trống nào cờ. Kiệu được rước từ làng trên xuống xóm dưới, len lỏi vào từng ngõ ngách, mái nhà.
Suốt trong ngày hội, hàng ngày có tế lễ trên đình như tế Thần và rước sách linh đình. Cỗ bàn cờ quạt, các thứ giải trí được phô diễn trình bày. Hát bội, hát chèo, đánh vợt, chọi gà, đánh cờ, thi đua đủ thứ… Biết đâu đấy bên nhịp trống chèo dội vang, trái tim người tình si cũng đập rộn ràng mà dũng cảm nói nên lời hẹn ước. Từ đó đôi lứa giao duyên thề hẹn, cái tình non được chứng dưới vầng trăng tỏa.
Làng ta mở hội vui mừng
Chuông kêu, trống đóng vang lừng đôi bên
Lòng ngai thánh ngự ở trên
Tả văn, hữu vũ bốn bên rồng chầu
Sinh ra nam tử công hầu
Sinh ra con gái vào chầu thánh quân.
Từ cơ sở các lễ hội đình làng, lễ hội của cả một vùng cũng được hình thành. Cùng tôn thờ chung một hệ thống thánh thần, nhưng quy mô lớn hơn, tục cúng rước và vui chơi cũng được tổ chức quy củ hơn.
Đông qua xuân đến, lễ hội vẫn được duy trì thường xuyên vào một dịp nhất định trong năm, không chỉ hình thành và lưu giữ các ý niệm chung của cộng đồng mà còn thêm gắn kết những người con Việt với nhau.
Sau một năm tất tả, bốn phương lại tụ hội, cùng rạp mình cầu nguyện trước Thành hoàng và các vị tiền hiền. Cứ thế, ý niệm về một tương lai cộng đồng gắn kết, tốt đẹp ngày càng sâu sắc. Hàng năm, những người con tha hương lại tìm cách quay về cố thổ, ngồi dưới mái đình làng Việt, uống một chén rượu tế thần, tưởng nhớ ân tình và nghĩa lớn của đất.
Họ từng rũ bỏ một phần thời gian ở quê nhà, nên phải tìm lại dưới bóng mát của mái đình. Mái đình mang hồn cốt của làng, nối liền tình quê khó dứt của cháu con với hương ước nghiêm trang của làng xã. Tòa kiến trúc cổ xưa đó cất giấu lịch sử tông tộc của người làng, lưu giữ những lời dạy của tổ tiên. Nó cũng già nua trong lặng lẽ, nhưng mỗi một thịnh suy đã kinh qua đều xứng đáng để lớp lớp cháu con học hỏi.
Ơi vút cong mái đình
Ơi nước non ân tình
Hồn Việt Nam như thế
Thuở bình minh
Mái đình lành Việt kinh trải bao hưng vong triều đại, hợp tan tình đời, vẫn ôm ấp an ủi dân quê bằng tấm lòng đã quen với muôn vàn bể dâu. Vây quanh mái đình, dân làng chỉ sống một đời sinh dưỡng bình thường.
Ngày lặp ngày với trồng trọt chăn nuôi. Làng quê bé nhỏ là cả giang sơn. Lập gia đình, nuôi con cái chính là chủ đề sinh mệnh. Trải qua xuân thắm thu tàn, những ngày thường không lễ, ngôi đình toát lên nét thâm nghi và yên ả như mọi bụi trần đã lắng đọng.
Có người con quê nào ngồi dưới mái đình mà thắc mắc cớ sao mái đình cong cong, những tiền nhân nào đã nằm xuống và đứng lên mà dựng nên cột kèo, đường đi, làng mạc, bờ cõi.
Có người con Trà Cổ nào còn ghi nhớ và kể lại truyền kỳ về 6 vị tổ tiên dạt trôi đến vùng bán đảo quê hương, một lòng tin tưởng mảnh đất hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy vẫn có thể nuôi sống mình, đồng lòng cùng gia quyến bám đất, trồng trọt đánh cá, khai đất khẩn hoang, xây nhà dựng cửa, sinh con đẻ cái. Nhờ thế mà một làng quê trù phú nữa lại được khai sinh và kế tục.
Ngày nay muôn đường ngàn lối giăng giăng, nhà gạch cao tầng mọc lên chi chít, mái đình từng cao nhất làng lọt thỏm giữa những đổi dời. Thứ chẳng bao giờ thay đổi là những ngọn gió đem tâm tình người con xứ sở gửi về mái đình quê hương.
Ngày bước chân cháu con ghé đến, mái đình làng Việt không nằm lại quá khứ như một di sản của quá vãng xa xưa nữa. Nó hiển hiện trong thực tại, vẫn đang tiếp tục nhiệm vụ kim cổ của mình: phụng thờ tổ tiên, kết nối tiền nhân cùng hậu thế, kết nối kẻ tha phương với cố thổ, kết nối tình quê nghĩa xóm, bằng trọn cái tình với nước non.
Trời lấy đình để nuôi vật
Đất lấy đình để chứa muôn loài
Người ta lấy đình làm nơi tụ họp