Tổ chức làng xã tại Việt Nam: Cơ sở cho một nền văn hóa – Kỳ 1

Tác giả Tường Vân
Tổ chức làng xã tại Việt Nam: Cơ sở cho một nền văn hóa – Kỳ 1

Thoạt nhìn, có thể thấy văn hóa Việt Nam chia sẻ nhiều điểm chung với văn hóa Trung Hoa, nhưng nếu xét kỹ thì hai nền văn hóa này hoàn toàn khác biệt về bản chất. 

Nhà nghiên cứu Phan Ngọc từng nhận xét: “Gia đình Việt Nam không phải gia đình Trung Hoa hay gia đình châu Âu. Ở đấy nông nghiệp khô, ít cần nước, cho nên riêng một gia đình có đủ điều kiện để cày cấy kiếm sống. Do đó, sự gắn bó của gia đình với cái cộng đồng trong đó gia đình sống không chặt chẽ cho lắm (…) Nghề trồng lúa nước [ở Việt Nam] bắt người nông dân phải tát nước khi thiếu nước và tháo nước khi thừa nước. Trong hoàn cảnh này, một gia đình riêng rẽ không tài nào tự mình trồng lúa nước được (…) Do đó, phải có tổ chức đoàn kết gắn bó mọi người dân vào một thể cộng đồng chung, tức làng xã để điều hòa quyền lợi. Làng xã (…) do đó rất vững chắc (…) tồn tại hàng ngàn năm cho đến giờ”. 

Chính vì vậy, tổ chức làng xã, đặc biệt là làng xã tại miền Trung và miền Bắc Việt, đã in một dấu sâu đậm vào trong căn tính mỗi người Việt Nam, từ đó hình thành và phát triển bản sắc văn hóa riêng của toàn dân tộc. 

Tổng quan về làng và các chính sách lập làng

Bắt đầu từ chế độ thị tộc, nơi tập trung những con người cùng huyết thống xung quanh một người chủ gia đình, dần dần theo nhu cầu mở rộng lãnh thổ sinh sống mà các gia tộc liên kết với nhau thông qua hôn nhân, cùng xây dựng liên minh để khai khẩn đất đai và chống lại các thế lực láng giềng. Đây có thể được coi là hình thức sơ khởi nhất của làng; tùy theo quy mô dân số cùng nguồn gốc kinh tế của từng tập đoàn người mà có tên gọi khác nhau, từ thôn, xã, làng cho tới trại, ấp, trang, phường.

Trong những thế kỷ tiếp theo, làng được tổ chức chặt chẽ với tôn ty trật tự, thứ bậc và phương cách sinh hoạt riêng, gần như một đơn vị kinh tế độc lập. Ban đầu, các làng chỉ do một hoặc một số ít gia đình lập nên để canh tác đất hoang, rồi mở rộng phạm vi. Khi số dân cư trong một làng trở nên quá đông đúc, một người trưởng họ hoặc chủ gia đình nào đó sẽ đi tìm một mảnh đất hoang khác và xin lập làng mới, gọi là biệt triện (tách riêng con triện). 

Sau ba năm khẩn hoang được miễn thuế khóa, làng sẽ nộp thuế điền thổ theo đúng luật, chính thức trở thành đơn vị hành chính riêng. Không chỉ có vậy, tính chính danh của một làng còn được xác định thông qua việc thờ cúng Thành hoàng, thường là một vị thần có lai lịch truyền kỳ hay một vị anh hùng có công đánh giặc giữ nước. Một số làng lại thờ người khai canh, thờ ông tổ nghề hay một vị quan có ơn với dân chúng.

Làm nông khai hoang.

Ngoài những người tiên phong rời làng cũ lập làng mới, còn có nhiều người mạnh dạn rời làng đi làm ăn xa, thậm chí sinh con đẻ cái ở một nơi khác, nhưng vẫn tậu ruộng làng, đóng góp các khoản cho làng, hằng năm vẫn về tảo mộ, thăm viếng người thân, săn sóc đến bàn thờ tiên tổ. Đối với người Việt, cắt đứt mối liên hệ với làng chính là tự hủy hoại căn tính, thân phận của mình; khi đó, anh ta sẽ không thuộc về nơi nào cả, và bị gọi một cách khinh thường là dân tứ chiếng (hay dân tứ xứ). Ngay cả trong xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa ngày nay, nơi cuộc sống thành thị chiếm ưu thế, thì phần lớn người Việt vẫn giữ trong lòng một ngôi làng, một vùng quê để hằng tưởng nhớ và trở về khi đã già.

Mặc dầu tổ chức làng xã của người Việt có nguồn gốc từ lâu đời, nhưng nguồn tư liệu đầy đủ, xác thực nhất về quá trình lập làng lại là các tư liệu thời Nguyễn và Pháp thuộc. Bởi tác động của chiến tranhkhí hậu khắc nghiệt, tư liệu của các triều đại trước không còn lại bao nhiêu, đồng thời các bia ký cũng khó tin cậy được vì hầu hết đều có niên đại muộn vào khoảng thế kỷ 18 và 19. Do đó, các vấn đề về mở đất lập làng trong phạm vi bài viết này chủ yếu được khai thác thông qua các quy định và đạo dụ của nhà Nguyễn.

Ngay từ thế kỷ 18, các chúa Nguyễn đã có nhiều chính sách cởi mở nhằm khuyến khích người dân định cư và canh tác đất đai trên một vùng lãnh thổ rộng lớn, từ đó gián tiếp bành trướng quyền lực về phía Nam. Tại đây, người dân có quyền tự do đi lại và khai thác ruộng đồng ở bất kỳ nơi nào họ muốn, thậm chí người dân một tỉnh còn được phép lấn đất sang tỉnh khác và ngược lại. Khi chọn được mảnh đất ưng ý, người dân chỉ cần trình báo lên chính quyền là trở thành chủ sở hữu, có thể tạo lập xóm thôn, trồng rau cấy lúa, sinh hoạt cộng đồng

Không chỉ dễ dàng trong việc sở hữu, mà các sự vụ liên quan tới đất đai cũng phần nào buông lỏng: Khi sang nhượng hay mua bán đất, người ta không đo đạc cũng không phân loại tốt, xấu; khi nộp thuế điền thổ chỉ căn cứ vào diện tích đất, lại tùy ý sử dụng các hộc lớn hộc bé khác nhau khi nộp thuế thóc. Cho tới khi vua Gia Long chấn hưng gia tộc, thống nhất ba miền vào thế kỷ 19, quy định cụ thể về đất đai mới được ban hành.

Trong quá trình phục quốc, ngay khi chiếm lại được Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 18, vua Gia Long đã lệnh cho tất cả mọi người dân đều phải khai khẩn đất đai, thậm chí còn tuyển mộ thêm người từ nơi khác đến để góp sức. Những người nông dân này được gọi là điền tốt, nằm dưới quyền cai quản của quan điền tuấn, được cấp đất cùng trâu bò và nông cụ để canh tác tại vùng đồng bằng. Còn ở vùng núi, người ta lập ra các trang trại hay ấp nông nghiệp, gọi là đồn điền. Nơi này người dân có phần tự do hơn, họ có quyền chiêu mộ người làm; ai tuyển được hơn năm người thì được bổ làm cai và được miễn thuế thân cùng các nghĩa vụ lao dịch khác. 

Dưới thời vua Minh Mạng, chính sách khai hoang lại khá rộng rãi, với lời sắc năm 1830 rằng: phàm ruộng đất hoang vu, núi, rừng, gò, đống, bờ sông, bờ suối, bờ ruộng, bờ đường, tóm lại phàn những nơi hoang phế, ai xin trưng cũng được. Ở những nơi đất rộng người thưa, triều đình cho lập nên các dinh điền và đồn điền, bổ nhiệm quan lại để trông nom săn sóc. 

Tại miền Bắc, viên quan dinh điền xuất sắc nhất là Nguyễn Công Trứ, đã khai khẩn được hơn 18 nghìn mẫu ruộng tại bãi bồi Tiền Châu, lập ra hàng trăm xã thôn và cho định cư hàng ngàn hộ dân ở đó mà ngày nay đã trở thành huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Không chỉ có vậy, ông còn lập thêm 10 xã ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cùng 30 xã tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, tạo ra một vùng đồng bằng màu mỡ, trù phú, giải quyết được vấn đề an ninh lương thực tại khu vực các tỉnh ven sông Hồng. 

Đến triều vua Tự Đức, việc khuyến khích người dân lập làng giữ đất càng được đẩy mạnh. Vào năm 1864, một quy định được ban hành trong đó nêu rõ những ai tuyển mộ được 20 đến 30 người và khai hoang được 40 đến 50 mẫu ruộng sẽ được miễn thuế thân cùng lao dịch cả đời. Càng có nhiều người, càng có nhiều đất thì danh vọng càng cao: Người nào tuyển được 50 người, khai hoang được 100 mẫu ruộng thì được phong hàm tòng cửu phẩm; nếu gấp đôi số lượng này thì được phong hàm chánh cửu phẩm. Tuy nhiên, nếu sau ba năm được phong thưởng mà người đó tỏ ra bê trễ với công việc của mình đến nỗi số hộ dân canh tác giảm sút thì sẽ bị phạt trượng, tước phẩm hàm. Thậm chí các quan cai trị trực tiếp của tỉnh, huyện đó cũng sẽ bị liên lụy vì đã không ủng hộ và hướng dẫn người dân trong khai khẩn đất đai. 

Về các quan chức coi sóc việc khẩn hoang, vua Tự Đức cũng ban một đạo dụ với nội dung tương tự nhằm khích lệ họ lập nên làng mạc ở các vùng biên viễn, có vị trí chiến lược. Nếu các viên quan thành công trong việc ổn định dân cư, tạo thành các châu, huyện, tỉnh thì sẽ được cấp ruộng công để thờ cúng sau khi qua đời và con cháu họ được tập ấm. Ngược lại, nếu không hoàn thành nhiệm vụ, để cho ruộng bị bỏ hoang, dân cư xiêu tán, không chiêu mộ được di dân, viên quan đó sẽ bị giáng cấp, hoặc bị cách chức, cho đi làm lính lệ. 

Cũng như các tỉnh miền Bắc, việc khai khẩn đất đai ở miền Trung và miền Nam cũng theo chế độ dinh điền và đồn điền, xuất phát từ chính sách cũ của vua Gia Long như đã đề cập ở trên. Các đồn điền miền Trung và miền Nam phát triển mạnh dưới thời vua Minh Mạng, và đến thời vua Tự Đức, mạng lưới đã lan rộng khắp các tỉnh Nam kỳ nhờ công lao tổ chức của vị quan Nguyễn Tri Phương.

Không chỉ đơn thuần là các nông trang có dân cư sinh sống, mà hệ thống đồn điền này còn tương đương với các công sự châu Âu: Khi có lệnh điều quân, có thể tập hợp được hơn mười nghìn lính tinh nhuệ có trang bị vũ khí. Tuy nhiên, sự tồn tại của chúng khá ngắn ngủi khi đến năm 1867, theo lệnh của viên Thống đốc Nam kỳ thời bấy giờ là Pierre-Paul de La Grandière, các đồn điền bị giải thể và nhập vào các làng lân cận, còn những người chỉ huy quân sự trở thành thành viên Hội đồng kỳ mục.

Nhìn chung, việc lập làng dưới thời Nguyễn chủ yếu nhằm mục tiêu chính trị, và thường huy động những người di dân nghèo khổ, đồng thời chiêu mộ cả tội nhân bị phát vãng (lưu đày), binh lính và tù nhân chiến tranh đi khai khẩn đất hoang. Theo luật lệ, sau ba năm đầu khẩn hoang, triều đình bắt đầu thu thuế hoặc trừng phạt những ai lao động kém hiệu quả. 

Ở những vùng đất mới này, người nông dân có cơ hội làm lại cuộc đời, có nhiều quyền tự do hơn, và nhất là thoát được khỏi môi trường làng xã có phần khép kín, khắc nghiệt tại miền Bắc. Do đó, chế độ ruộng đất và cơ chế làng xã tại miền Trung Nam Bộ và miền Nam có nhiều điểm khác biệt, trong đó nổi bật nhất là việc người nông dân xứ này không gắn bó chặt chẽ với cộng đồng thôn xóm, đồng thời tính cá nhân cũng được thể hiện rõ nét hơn.

Mời bạn đọc tiếp Kỳ 2.

Thiết kế dàn trang Trần Văn Hậu

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Share