Napoleon Đại đế: Kẻ chinh phục cuối cùng trên lưng ngựa – Kỳ 1: Từ đảo nhỏ đến ngai vàng

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Napoleon Đại đế: Kẻ chinh phục cuối cùng trên lưng ngựa – Kỳ 1: Từ đảo nhỏ đến ngai vàng
Napoleon là một trong những nhân vật “from zero to hero” kinh điển trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên bạn có thắc mắc làm thế nào để cậu con thứ trong một gia đình quý tộc nghèo trên đảo Corsica lại khuynh đảo cả châu Âu?

Ta vẫn thường nói:
Riêng một mình Napoleon trên sa trường cũng giá trị như bốn vạn binh lính.

Quận công Wellington
 

Cậu trai nhỏ trên đảo Corsica

Napoleon là con trai của một gia đình gốc Ý. Thời thơ ấu, Napoleon tới Pháp học bị bạn bè trêu ghẹo nói giọng nhà quê.  Cha tìm đủ cách chạy chọt để cậu con trai có suất vào trường quân sự và Napoleon không làm ông thất vọng. Những năm tháng tuổi trẻ của Napoleon dành để dùi mài kinh sử trong những học viện quân sự hàng đầu của Pháp. Cậu ngưỡng mộ và thần tượng những anh hùng ngày xưa như Caesar hay Alexander, khao khát một ngày sẽ làm được những điều vĩ đại như họ. 

Có lẽ cậu đã từng đọc cả Binh pháp Tôn Tử. Xin nói thêm, quyển binh pháp này là một sợi dây kết nối các danh nhân khắp lịch sử thế giới khi rất nhiều người từng đọc, như Thiên Hoàng Minh Trị, Quang Trung, Napoleon… Thậm chí vua Wilhelm II của Đức sau khi bại trận ở thế chiến thứ nhất cũng than:

“Tiếc rằng 20 năm trước trẫm chưa được xem cuốn sách này.”

Gia cảnh nợ nần chồng chất sau khi cha mất, phải lo cho mẹ và đàn em nheo nhóc, nhưng điều đó không ngăn Napoleon Bonaparte trở thành kẻ chinh phục vĩ đại cuối cùng trên lưng ngựa.

Napoleon năm 23 tuổi

Thời Napoleon sống là một giai đoạn đầy biến động của xã hội Pháp. Mọi thứ như một thùng thuốc súng, chỉ chực chờ nổ tung. Nước Pháp áp dụng chế độ 3 đẳng cấp: 

– Cấp 1: tăng lữ. 

– Cấp 2: quý tộc. 

– Cấp 3: còn lại đưa hết vào đây. 

Đại Cách Mạng Pháp xảy ra khi đẳng cấp thứ 3 (vốn rất đông) cho rằng đẳng cấp thứ 1 và thứ 2 được hưởng quá nhiều quyền lợi mà chẳng phải đóng góp gì mấy. Họ hè nhau lật đổ và chém đầu nhà vua để dựng lên một xã hội mới. Giai đoạn hỗn loạn này tạo ra một môi trường tuyệt vời để Napoleon thoả sức vẫy vùng.

Năm 1795, ở thành Paris, chàng sĩ quan Napoleon Bonaparte được lệnh dập tắt cuộc bạo loạn của những người ủng hộ hoàng gia để bảo vệ chính quyền Cách mạng. Họ đang nổi điên lên kéo về cung điện Tuileries. Chàng không nhiều lời làm gì, lập tức cho phép binh sĩ oanh tạc vào đám đông. Cuộc nổi dậy ngay lập tức tắt lịm. Người ta tự hỏi: Chàng trai này là ai?

Napoleon là một người phi thường. Chàng trai trẻ này sở hữu đầu óc của một chính trị gia lão luyện và khả năng lãnh đạo, thứ mà đôi khi đào tạo bài bản cũng chưa chắc đã thành công. Napoleon cưới Josephine, dù cô nàng này từng có một đời chồng. Giá trị lớn nhất mà Josephine đem đến cho Napoleon chính là vốn liếng chính trị. Napoleon cần một người vợ có địa vị xã hội, còn Josephine thấy chàng sĩ quan quân đội này là người bảo trợ rất tiềm năng.

Thật ra xuất thân khiêm tốn của Napoleon cũng có thể xem là một lợi thế. Người ta nhìn thấy ở chàng trai này một tấm gương đáng để thần tượng, rằng chỉ cần bạn có tài, bạn cố gắng, bạn có chí thì cuối cùng bạn sẽ đạt được ước mơ, thậm chí còn vượt xa kế hoạch ban đầu.

Lật đổ hoàng gia Pháp

Con đường đế vương

Âm mưu đảo chính được tiến hành vào ngày 9 tháng 11 năm 1799. Napoleon cùng hai người còn lại đã thành lập một chính quyền mới thay cho Hội đồng Đốc chính. Chế độ Tổng tài mới này gồm ba người đứng đầu nước Pháp, với Napoleon là Đệ nhất Tổng tài.

Tới thời điểm này, ý định của Napoleon đã dần lộ rõ. Việc chia sẻ quyền lực trong chế độ Tổng tài chỉ là tạm thời. Ông tìm cách thu phục nhân tâm, củng cố quyền lực của mình. Khi Napoleon giao tiếp với các cá nhân, với binh lính hay với dân chúng đều toát ra một uy lực đáng nể cũng như sức hút không cưỡng lại được. Khả năng lấy lòng quần chúng của Napoleon đã khiến hai người còn lại hoàn toàn lép vế, mở ra con đường quang đãng cho một đích đến to lớn hơn nữa.

Trong một cuộc trưng cầu dân ý vào mùa xuân năm 1802, đại đa số người dân Pháp đã đồng ý thông qua hiến pháp biến chức Tổng tài thành nhiệm kỳ vĩnh viễn. Đồng nghĩa với việc biến Napoleon thành nhà độc tài trọn đời. Hơn 3 triệu phiếu ủng hộ, đè bẹp hoàn toàn 8 ngàn phiếu chống. Thật ra có người nghi ngờ đây là một cuộc dàn xếp có lợi cho Napoleon. Tuy nhiên, thật sự ở thời điểm đó, không có ai ở Pháp nổi bật như ông.

“Bonaparte tại Pont d'Arcole” được vẽ bởi Baron Antoine-Jean Gros, (1801), Musée du Louvre, Paris

Mặc dù Napoleon tham gia lật đổ chế độ vua chúa tại Cách mạng Pháp, nhưng ít ai ngờ rằng anh thiếu uý nhỏ bé đó về sau lại trở thành Hoàng Đế, người nhà anh cũng làm vua khắp châu Âu luôn. Chuyện là như thế này:

Thừa thắng xông lên, năm 1804, Napoleon đã bước lên nấc thang cao nhất mà sự nghiệp một con người có thể vươn tới: lãnh đạo quốc gia. Lấy lý do nhà Bourbon có thể tái lập nền quân chủ và lật đổ cuộc Cách mạng Pháp, Napoleon đã quyết định ra tay trước. 

Bản thân Napoleon nhắc đến Cách mạng Pháp và nền Cộng hòa rất thường xuyên. Bên ngoài Napoleon vẫn tỏ ra mình là một chiến binh và là người kế thừa hợp pháp của cuộc Cách mạng, nhưng trong lòng ông vẫn ấp ủ mưu đồ cá nhân. Thế là một dòng mới của hiến pháp có đoạn: “Nền Cộng hòa được ủy nhiệm cho một Hoàng đế.”

Lễ đăng quang của Napoléon được vẽ bởi Jacques-Louis David (1804)

Nói chung đây là một kiểu chế độ mới khá kỳ cục. Một nền Cộng hòa có Hoàng đế là kiểu gì? Những người phản đối thì cho rằng Napoleon là một tên bạo chúa hiếu chiến, thay vì là người thừa kế xứng đáng của cuộc Đại Cách mạng. Sau tất cả, người Pháp thấy rằng chế độ quân chủ đã quay trở lại bởi chính người đã lật đổ nó. Tuy nhiên, chính quyền Napoleon vẫn có nhiều điểm khác biệt so với thời trước.

Để giải đáp cho điều này thì phải nhìn thẳng vào bản chất của chính quyền Napoleon: hiến pháp, điều hành và đối nội. 

Bản Hiến pháp năm 1791 dựa trên chế độ phổ thông đầu phiếu. Người dân có quyền bỏ phiếu để bầu ra đại cử tri, rồi những người này sau đó lại bầu tiếp để chọn ra cơ quan lập pháp cuối cùng. Chế độ Napoleon rất cấp tiến so với thời đại ấy, mọi vấn đề trong nước đều thông qua bỏ phiếu toàn dân. Nhìn ra thế giới, có nước nào làm được như vậy. Người dân làm gì có cái quyền “đồng ý” hay “phản đối” chuyện quốc gia đại sự?

Bản hiến pháp năm 1791 - trang 01
Bộ Luật Dân sự Napoleon, một trong những văn bản quan trọng nhất mọi thời đại (Ảnh: Imprimerie nationale/Public Domain)

Trong số những di sản vĩ đại mà Napoleon để lại, chắc chắn phải nhắc đến Bộ luật Napoleon. Nó áp đặt một hệ thống tư pháp thống nhất lên nước Pháp. Không chỉ áp dụng tại chính quốc, bộ luật này còn áp đặt lên bất cứ nước nào quân Pháp đang chiếm đóng. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, cũng như không ai được miễn thuế. Tất cả dân Pháp đều phải chia sẻ gánh nặng tài chính với quốc gia.

Napoleon rất quan tâm đến hiến pháp. Đối với ông, dù gì Đại Cách mạng cũng xảy ra rồi, không thể nào đảo ngược lại bánh xe lịch sử được nữa. Ông cũng tin rằng sẽ chẳng thể nào được có một nhà nước chính danh hậu Cách mạng nếu không soạn một bản hiến pháp. Chế độ Napoleon lấy nền tảng từ hiến pháp và bầu cử toàn dân thực sự tiến bộ hơn hẳn những quốc gia đương thời.

Đây là những điểm sáng để chế độ Napoleon nhận được sự ủng hộ của dân chúng. Tuy nhiên, nó cũng nửa nạc nửa mỡ. Một mặt thì vẫn có một số yếu tố trung thành với cuộc Đại Cách mạng, mặt khác thì không. Kẻ thù của Napoleon vẫn luôn lên án ông là một tên độc tài. Một tên độc tài được ủng hộ, thế thôi. Để giữ yên chế độ, Napoleon buộc lòng phải sử dụng cảnh sát mật và một chế độ kiểm duyệt gắt gao.

Số lượng báo chí tại Paris rớt từ 73 đầu báo xuống 13, rồi xuống 4. Chúng ăn kiểm duyệt te tua tan nát. Các mật vụ của Napoleon giám sát kỹ càng báo chí và nghệ thuật. Tất nhiên kẻ thù thì càng phải bị theo dõi và bắt giữ. Một số đối thủ tiềm tàng của Napoleon không bị tống vào tù, thay vào đó là đi vào thẳng nhà thương điên. 

* Khuyến cáo: Bài viết này được trình bày theo thể loại Docu-Drama. Ngoài thông tin lịch sử, người viết cũng dẫn dắt cốt truyện như một bộ phim. Người đọc không nên trích dẫn với mục đích học thuật.

Chia sẻ câu chuyện này
Share