Ngọn nguồn câu chuyện Israel – Palestine – Kỳ 2: Máu đỏ và nước mắt nơi Bờ Tây

Tác giả La Gia Thịnh
Ngọn nguồn câu chuyện Israel – Palestine – Kỳ 2: Máu đỏ và nước mắt nơi Bờ Tây

Trong một lần đến ghi hình tại West Bank (Bờ Tây), khu vực tranh chấp nóng bỏng gay gắt của Israel và Palestine, một phóng viên người Mỹ có hỏi một người phụ nữ Israel rằng cô có cảm thấy an toàn khi ở đây. Trái với những gì anh chờ đợi, chị trả lời: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, con cái của chúng tôi hằng ngày đến trường trên những chiếc xe chống đạn.”

Đó là một vết cắt gây suy nghĩ cho nhiều người, làm thế nào mà người Israel lại có thể hạnh phúc và cảm thấy an tâm tại địa đầu chiến tuyến.

Nếu như phần 1 của câu chuyện Israel – Palestine đã cho mọi người thấy rõ ngọn ngành và gốc tích của “đứa con chung” Jerusalem, một điểm nóng tranh chấp đậm đặc khí thiêng tôn giáo với nhiều thành phần sắc tộc, thì phần 2 này sẽ giúp mọi người hiểu sâu hơn về West Bank, một miếng bánh to hơn mà Israel vẫn đang xâu xé từng ngày. Nếu như Jerusalem là câu chuyện của tôn giáo và sắc tộc, thì sự tranh chấp ở West Bank lại mang nặng tính chính trị, xã hội, một hình ảnh biểu trưng cho nước đi lạnh lùng và bất chấp của chính quyền Israel.

Phiên bản phân vùng của Liên hợp quốc Palestine 1947

West Bank là một vùng đất rộng lớn hơn và phức tạp hơn. Nếu như ở Jerusalem, dân Do Thái và dân Ả Rập được tách biệt thành từng khu vực riêng hẳn hoi để tránh xung đột thì tại West Bank, các khu định cư của hai sắc tộc này vẫn nằm đan xen nhau, và rất khó để kiểm soát. Tại sao lại có sự “oan gia” này? Để hiểu rõ vấn đề, ta hãy quay lại thời điểm mà người Do Thái vừa quay về miền đất hứa.

Sau Thế chiến thứ Nhất, vùng đất Ả Rập này đang nằm dưới ách cai trị của Anh (do đế quốc AnhPháp ăn chia nhau làm chủ vùng này). Ban đầu, người Anh cho dân Do Thái tự do trở về. Tuy nhiên, càng lúc càng thấy gai mắt vì bọn Do Thái đầu óc sáng suốt thông minh, liên tục mở rộng đất đai, thu mua đồn điền, nhà cầm quyền Anh thấy không ổn, liền hạn chế người Do Thái về nước. Điều này làm sôi máu những ai hồi hương và sẵn sàng chết cho dân tộc.

Người Do Thái mặc dù mới hồi hương chưa lâu, nhưng sẵn sàng chơi tay đôi với đám cầm quyền Anh, và cả những anh bạn Palestine đang kêu ca mất nước. Năm 1947, nhận thấy tình hình có nhiều căng thẳng, đế quốc Anh và Liên Hợp Quốc nghĩ cần phải làm nguội mấy cái đầu đang bốc hỏa bằng cách chia đất. Sự kiện nổi tiếng này sau đó được lịch sử ghi lại với cụm từ Partition Plan 1947.

Như vậy, đất sẽ được chia như trong bản đồ này. Phần màu cam bao gồm West Bank và Gaza được xem như Arab State (thuộc Palestine), còn phần màu xanh lục là Jewish State (thuộc Israel).

Có thể thấy người Ả Rập Palestine khá thiệt thòi sau vụ chia chác này. Họ khóc toáng lên cho rằng mấy ông Liên Hợp Quốc ăn hiếp mình, vì dỗ dành bọn Israel để đền bù vụ thảm sát Do Thái trong quá khứ. Do đó, người Palestine nổ súng đứng lên đánh người Israel. Kết quả là thua bẽ bàng, và còn bị mất đất, dân tình thì tháo chạy tán loạn. 

Mấy nước Ả Rập xung quanh đều đã nhiều lần “ăn nhậu” với Palestine, thấy chiến hữu bị gã Do Thái lạ mặt ức hiếp, nhịn không nổi. Cho nên năm 1967, một loạt liên quân 5 nước Ả Rập (bao gồm Jordan, Syria, Libya, Iraq, Lebanon) cùng Palestine nổ súng đánh hội đồng tên Do Thái Israel ngang tàng. Tuy nhiên kết quả là chỉ trong vòng 6 ngày (6-day War), Israel đánh sấp mặt cả bọn, chiếm không biết bao nhiêu là đất đai và tài nguyên. Lấy luôn cả thành phố Jerusalem, quản luôn cả dân Palestine ở West Bank không kịp trốn chạy. 

Hội đồng quốc tế thấy không ổn phải lên tiếng để rồi năm 1978, Israel ký kết với Mĩ, trả lại đất cho mấy anh em Ả Rập để đổi lấy sự yên ổn. Kể từ đấy, nhiều anh em Ả Rập dù không ưa nhưng phải nể anh chàng Do Thái. Nhiều nước trong khối Ả Rập kéo đến bắt tay, uống trà đàm đạo, kí nhiều hiệp ước với Israel. Phần lớn “họ đi cửa sau” hoặc làm việc trong âm thầm lặng lẽ, vì dù sao họ cũng là “anh em chí cốt” của Palestine.

6 ngày chiến tranh năm 1967

Sau trận thắng vang dội này, giới lãnh đạo Israel phải giải quyết một bài trắc nghiệm. Họ sẽ phải chọn một đáp án, và phải nhớ rằng bất cứ điều gì họ chọn đều sẽ rẽ hướng lịch sử mãi về sau. Lựa chọn A, toàn quyền kiểm soát West Bank, nuôi cơm luôn một triệu dân Ả Rập Palestine đang mắc kẹt trong đó, cấp cho họ quốc tịch và cả quyền bầu cử. Lựa chọn B, trả lại đất và giao quyền kiểm soát cho anh bạn Jordan vẫn chưa hoàn hồn sau khi ăn mấy tấn kẹo đồng. Lựa chọn C, trao lại quyền làm chủ và quyền tự quyết cho người Palestine. Đến đây, nhiều người sẽ nghĩ rằng với bản chất của người Israel, họ sẽ chẳng hề mảy may suy nghĩ mà chọn đáp án A. Tuy nhiên, đây thực sự đã gây ra một cơn nhức đầu nho nhỏ cho các vị lãnh đạo Israel.

Trong lúc các bậc “cha chú” lãnh đạo còn đang căng não trong các cuộc họp cấp cao để chọn cách giải êm đẹp nhất, con dân Israel lại nhốn nháo đứng ngồi không yên. Dân Israel cho rằng chiến thắng vừa qua còn hơn cả chiến công bom đạn bình thường, đó là do Thượng đế đã sắp đặt để họ trở về nhà! 

Chẳng chờ được mở cửa, dân Israel truyền tai nhau tinh thần đó, ùn ùn kéo đến West Bank chia đất, xây nhà, trường học, bệnh viện, thành lập cộng đồng, rồi thi nhau tăng dân số. Để dễ hình dung, giữa thời loạn lạc, có một gia đình nọ vừa dùng vũ lực vớ được một căn nhà to, nhưng lại có nhiều người đang ở trong đó. Trong lúc họ chẳng biết xử lý thế nào với căn nhà này, mấy đứa nhỏ đã chạy tọt vào chia phòng, tranh giành của cải trong đó. Trớ trêu thay, những người Israel với những hành động bộc phát này lại cứng đầu, khuyên răn thế nào cũng chẳng nghe. Điều này đẩy mấy ông lãnh đạo Israel vô thế không còn lựa chọn nào khác là phải “đuổi cổ” người Palestine đi, và ưu tiên ổn định an sinh xã hội cho những người Israel mới đến.

Lúc bấy giờ, cả thế giới nhận thấy rằng Israel cư xử không khéo, lộ rõ dã tâm chiếm đất của người Palestine. Nhiều chính quyền quốc tế lên tiếng đòi chính quyền Israel ngăn chặn làn sóng dân cư ùa đến West Bank, vì điều này là bất hợp pháp, đây vẫn là vùng tranh chấp. Đối với nhiều nhà nghiên cứu, họ cho rằng đây chẳng khác nào hành động chiếm đóng vùng West Bank và mở rộng lãnh thổ Israel. Tất cả đều biết rằng việc người Israel đến thành lập các khu định cư trong các khu của người Ả Rập Palestine là hoàn toàn trái luật và đe dọa trực tiếp đến an ninh chính trị khu vực. Những người định cư đáp trả, họ nói chỉ dọn vào những bãi đất trống, họ không chiếm gì của ai cả. Hoặc những vùng họ dọn vào chủ yếu là các khu vực có di tích của Do Thái giáo, họ không lấy đất của người Ả Rập. 

Để chiều lòng cộng đồng quốc tế, và hạn chế những mũi dùi đang hướng về mình, chính quyền Israel ban bố hàng loạt lệnh cấm: Không ai được tự ý đi lại, di dân, xây dựng, giao thương ở vùng này. 

Kết quả là, dân Israel ở West Bank ngày càng đông. Vì nghe đâu, mấy ông chỉ hô hào bên ngoài, sau lưng lại cho quân đội tháp tùng dân đến định cư ở West Bank, còn xây nhà cho dân ở, hỗ trợ lắp đặt mạng lưới điện, cải thiện nguồn nước, nâng cao chất lượng giáo dục và an sinh xã hội. Giới nghiên cứu địa chính trị gọi đó là những việc xảy ra on the ground, nó thường rất khác những tuyên ngôn phát biểu của các quan chức. Đương nhiên, những người Palestine mất đất không thể nào im lặng, và họ lại làm loạn. Để xoa dịu những trái tim vụn vỡ, cộng đồng quốc tế lại can thiệp.

Một cánh cửa được vẽ trên bức tường mà Israel đang xây dựng xung quanh các vùng lãnh thổ ở WestBank

Năm 1993, tại Washington, hiệp định hòa bình Oslo được kí kết. Danh sách hôm đó có những cái tên rất quan trọng, tổng thống Mỹ Bill Clinton, thủ tướng Rabin của Israel, và lãnh đạo Yasser Arafat (Palestine).

Hiệp định Oslo có ghi rõ, khu vực West Bank này từ đây được chia làm 3 vùng. Vùng một, chiếm khoảng 18% diện tích West Bank, sẽ do Palestine toàn quyền làm chủ, dân Palestine chủ yếu tập trung trong khu này. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau hàng chục năm tranh chấp, họ được trao quyền tự quyết. Vùng hai, rộng khoảng 22%, do chính phủ Palestine làm chủ nhưng quân đội Israel sẽ nắm quyền kiểm soát an ninh. Vùng ba, 60%, Israel toàn quyền tự quyết. Với diện tích rộng lớn, Israel phát triển cơ sở hạ tầng, xây các tuyến đường nối các thành phố. Các tuyến đường này, vốn rất hiện đại và được chính phủ rót vốn liên tục, được gọi là flyover vì nó giúp người Israel đi lại dễ dàng bằng cách vượt qua các khu vực của người Palestine.

Trái lại, người Palestine thì gặp nhiều khó khăn, họ phải xếp hàng dài ở các trạm kiểm soát, đôi lúc còn phải xuất trình giấy tờ. Khốn khổ cho Palestine là họ gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế vì chủ yếu khoán sản và tài nguyên thiên nhiên nằm ở vùng ba của hiệp định Oslo. Rõ ràng, Palestine bị mắc kẹt.

Năm 2005, trong một “nỗ lực” làm cho tình hình tồi tệ hơn, chính quyền Israel quyết định di dời hơn 8000 người định cư ở dải Gaza (cũng lại là một vùng tranh chấp khác) đến West Bank với lý do những người này gặp quá nhiều hiểm nguy ở Gaza. Rõ ràng, chính phủ Israel không hề giấu giếm ý đồ chiếm lấy West Bank, họ liên tục có những nước đi để gia tăng dân số Israel ở khu vực trên. 

Giờ đây, bất kì một giải pháp hòa bình và công bằng nào cho Palestine cũng sẽ rất khó thành hiện thực vì không dễ để di dời hơn nửa triệu dân Israel đã an cư tại đây. Vùng đất vốn trước đây có nhiều tranh chấp, giờ lại là một nơi mà người Do Thái đang từng bước khẳng định sự tồn tại và phát triển của mình. Trong các khu định cư Do Thái, chính phủ Israel liên tục cải thiện cơ sở vật chất, cho xây trường học, bệnh viện, nhà ở, tạo mọi điều kiện để dân Do Thái có thể an cư lạc nghiệp tại vùng này.

Palestine, West Bank, thuộc địa Do Thái gần Betlehem.

Giờ đây, ngay đến những người Palestine mơ mộng nhất cũng không thể nghĩ họ có thể “thuyết phục” được hết dân định cư Israel ra khỏi đây. Nhưng cũng đừng vì thế mà bỏ qua một sự thật rằng đây là vùng tranh chấp. Bom đạn vẫn nổ đều đặn hơn pháo hoa. Sâu thẳm trong tiềm thức của nhiều người Palestine, họ chưa từng muốn câu chuyện này ngủ yên, họ không muốn mất đất dễ dàng như vậy. Miếng bánh ngon giờ đã từng ngày thuộc về Israel, còn Palestine chỉ đang kêu gào trong nước mắt.

Quay lại với các khu tái định cư tại West Bank (the Israeli settlements). Có lần, Johnny Harris, một nhà báo/YouTuber nổi tiếng về địa chính trị, đã sang tận đây và nói chuyện với các gia đình Israel định cư. Trước khi khởi hành, anh nghĩ rằng sau chuyến đi, hai lỗ tai mình sẽ bị lấp đầy bởi những câu chuyện thảm khốc của chiến tranh trong vùng tranh chấp. Nhưng đây là những gì anh thu được:

Chúng tôi đang ở một trong những nơi có nền giáo dục bền vững và rất tiên tiến

Tôi và gia đình dọn đến từ ngoại ô New York, chúng tôi không tìm thấy lý do nào để hối tiếc cả

Tôi không phải đang cưỡi lạc đà hay sống trong lều như các bạn vẫn hay nghĩ, tôi đang ở một cộng đồng với đầy đủ tiêu chuẩn sống hiện đại, một nơi tuyệt vời để nuôi lớn lũ trẻ.

Những đứa trẻ của chúng tôi luôn an toàn, chúng đến trường trên những chiếc xe bus chống đạn!” 

Những chia sẻ như vậy của người Israel tại West Bank đã nói lên sự đầu tư và nghiêm túc của chính quyền Israel trong việc hỗ trợ những người định cư. Tới mức, giờ đây, nếu chính phủ có được 10 đồng, họ sẽ đầu tư 6 đồng vào các khu định cư chứ không phải các vùng đất thuộc lãnh thổ Israel. Mục tiêu lúc này của Israel là lấy toàn bộ đất, họ không quan tâm lắm đến dân Palestine.

Những người định cư Israel tại khu định cư Ofra , Bờ Tây do Israel chiếm đóng , năm 2012

Mấy anh ngoại quốc thì cứ la làng đòi công lý cho Palestine. Israel thì cứ di dân vào West Bank, Palestine thì sẽ lại kêu ca, cộng đồng quốc tế sẽ lại lên tiếng. Kết quả là, không có gì thay đổi. Sẽ lại có một flyover mới được đưa vào sử dụng, một ngôi trường khang trang được khánh thành, và một gia đình Palestine lại khóc cạn nước mắt vì đau lòng. 

West Bank hiện tại là nơi mà hơn 3 triệu người gọi là nhà. 20% trong số đó, tương đương hơn nửa triệu, là người Do Thái Israel. Họ được gọi với cái tên trìu mến là người đến định cư (Israeli settlers). Giới nghiên cứu đã nhận thấy rõ “mưu đồ” của Israel là không khác gì ngoài việc “cắt luôn” West Bank (thuật ngữ: West Bank Annexation), mặc cho số phận của người Palestine có ra sao đi nữa. 

Cho dù cộng đồng thế giới nhiều lần kêu gọi hòa bình nên được thiết lập, hai bên nên dừng bắn và ngồi xuống để tìm cách cho ra một giải pháp chia đất làm vui lòng cả hai bên (a two-state land), những người Palestine vốn bị chèn ép từ trước tới nay đã thừa biết rằng không đời nào Israel sẽ để yên cho họ. Nói cách khác, phía Israel sẽ vẫn tăng cường vũ trang và sử dụng bao lực, cho đến khi nào có được toàn bộ đất đai của vùng đất hứa này mà thôi.

Rào cản phân chia người Palestine và Israel được nhìn thấy ở ngoại ô Jerusalem.

Có thể thấy, vùng chiếm đóng West Bank là bức tranh với hai gam màu tương phản rõ rệt. Thật hoang đường, ngay tại tuyến đầu của một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới, người Israel vẫn đang hạnh phúc, ấm no, và câu chuyện tương lai vẫn được bàn tán rôm rả và đầy hứa hẹn. Trong khi đó, người Palestine thì thực sự bế tắc, họ chẳng biết nên an phận vào một nền hòa bình khiên cưỡng, hay là lại nổi nóng, đốt pháo bông bằng thuốc súng, mong  có ai đó nhảy vào với một cái hiệp định hay ho nào nữa. Làm sao có thể ăn ngon ngủ yên khi chẳng ai có thể biết được sẽ có bao nhiêu người định cư nữa kéo đến, bao nhiêu khu dân cư mới được dựng nên, rồi bao nhiêu cái hiệp định “chỉ ký cho vui” được ký kết. 

Người Palestine đang siết chặt tay nhau cầu cho Thánh Allah sẽ chứng giám lòng yêu tổ quốc của họ, và rồi ban cho họ một sức mạnh kì diệu để vùng lên giành độc lập. Và trước khi lời thỉnh cầu của họ tới tai Allah, chắc chắn binh sĩ Israel sẽ dựng thêm thật nhiều checkpoint (trạm kiểm soát an ninh) và kéo dài những bức tường bê tông.

Chia sẻ câu chuyện này
Share