Ngọn nguồn câu chuyện Israel – Palestine – Kỳ 1: “Hẹn năm sau ở Jerusalem”

Tác giả La Gia Thịnh
Ngọn nguồn câu chuyện Israel – Palestine – Kỳ 1: “Hẹn năm sau ở Jerusalem”

Hãy nói cho tôi biết về Israel và Palestine. Có ai nghĩ tới điều gì khác ngoài chiến tranh, bom đạn, và thù hận? Rõ ràng, bức tranh giữa hai quốc gia này đậm màu bi thương và đầy mùi thuốc súng.

 Từ sách báo, tin tức và những câu chuyện phiếm, vùng này nói riêng, và cả Trung Đông, luôn được khắc họa bởi mâu thuẫn, nổi dậy, và chiến tranh. Vậy chúng ta có bao giờ tự hỏi đâu là nguyên nhân khiến cho hai anh em láng giềng này không-đội-trời-chung. Ai là kẻ đã nhẫn tâm đốt que diêm rồi quăng vào kho chất nổ khổng lồ này? 

Và rồi, liệu sau khi tìm ra được nguyên nhân, biết đâu bạn có thể đề cử một giải pháp nào đó và nhận giải Nobel Hòa Bình của năm, hoặc ngược lại bạn sẽ thấy bình yên ở xứ này là xa xỉ, là thứ mà người ta chỉ có thể mơ về thôi. Có rất nhiều cách để tiếp cận và nói về vấn đề này, và tôi sẽ cho bạn thấy rõ câu chuyện bên trong ngôi nhà này từ hai chiếc cửa sổ cũ kỹ mà tốt nhất bạn chỉ nên nghe nói và đừng đụng vào, sắc tộc và tôn giáo.

Câu chuyện sắc tộc: Một nhà hai chủ

Hãy bắt đầu vấn đề sắc tộc từ một câu chuyện tôn giáo. Ở vùng đất này, đơn giản là bạn không thể tách rời hai vấn đề trên). Thuở xa xưa, cụ thể là xấp xỉ 3000 năm kể từ khi tôi đang gõ mấy dòng này, ở một vùng đất trên bán đảo Ả Rập, có một số tộc người sinh sống. Hai trong số đó đến từ Ur (tiền thân của người Israel) và Crete (ông tổ người Palestine). Họ tranh đấu giành quyền làm chủ vùng đất này, người Israel khôn ngoan và lọc lõi hơn nên giành nhiều lợi thế, bành trướng thế lực. Hơn thế nữa, theo như những gì được viết trong kinh Cựu Ước của người Do Thái, hay ngày nay là người Israel, đây là vùng đất mà Thượng đế hứa đã tặng cho họ.

Cuộc rước khải hoàn mang chiến lợi phẩm từ đền thờ Jerusalem.

Nghìn năm sau, cả vùng đất rộng lớn này lúc bấy giờ nằm dưới ngọn cờ thống trị La Mã. Dân Do Thái Israel thì vẫn cứ lớn mạnh, Hoàng đế La Mã thấy thế rất lấy làm không vui, bèn cho dẹp loạn dân Israel, đổi tên vùng này thành Palestine. Người Israel bị đuổi cùng diệt tận, họ lưu vong khắp nơi trên thế giới. Nhiều trong số họ vượt Địa Trung Hải và Biển Chết, đặt chân đến châu Âu xa xôi nơi mà cuộc sống lưu vong chứa đầy những khổ nhục. Họ bị áp bức và đối xử tệ bạc, khiến lòng hoài ngóng cố hương như chưa bao giờ nguội lạnh. Họ chỉ chờ ngày được quay về miền đất hứa năm xưa, rồi cùng nhau phục quốc, rửa mối hận này.

Đó cũng là lý do trước khi Israel được phục quốc, vào đầu năm mới người Do Thái thường chúc nhau: “Next year, in Jerusalem”, để thể hiện niềm mong ước khôn nguôi được trở về quê nhà. Trong lúc này, khi dân tộc Israel bị lưu đày khắp nơi, dân tộc Palestine, vốn theo Hồi giáo, lập quốc và cắm rễ ở đây.

Và ngày mà người Do Thái chờ đợi cũng đến. Năm 1897, một phóng viên Do Thái gốc Áo tên Theodor Herzl khởi động phong trào Zionism – chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Như cá gặp nước, hàng triệu người Do Thái khăn gói sẵn sàng cho cuộc hồi hương đẫm máu nhất lịch sử nhân loại. 

Trong vụ hồi hương này, nhiều người còn nhắc đến vai trò của Hitler. Chính cuộc diệt chủng Do Thái của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ Hai đã làm cho lòng căm phẫn của người Do Thái cao ngút trời. Họ làm náo động cả châu Âu đòi quyền được quay về nước. Khi quay về, họ tranh chấp đất với người Ả Rập Palestine vốn đã định cư từ rất lâu ở đây. Trong đó, mảnh đất mà họ thèm khát nhất là Jerusalem vì nơi đây có nhiều chứng tích và đền đài quan trọng của Do Thái giáo. 

Nói đơn giản, dân Israel, vốn luôn tin rằng Thượng Đế dành cho mình vùng đất này. Bằng mọi giá, họ phải lấy lại Miền đất hứa, dù có phải một mất một còn với dân Ả Rập Palestine. Một tình huống thật trớ trêu cho cả hai dân tộc.

Theodor Herzl (1860-1904).

Người Palestine vốn đang ở yên, tự nhiên mắc phải một kiếp nạn từ “trên trời rơi xuống”. Họ liên tục nổi dậy, với sự hậu thuẫn của anh em láng giềng Ả Rập, để đánh đuổi người Do Thái. Tuy nhiên, dân Do Thái nào phải dạng dễ bắt nạt, họ đáp trả lại không thương tiếc, chiếm thêm đất đai và liên tục mở rộng ảnh hưởng trong suốt chiều dài lịch sử. 

Xung đột liên tiếp xảy ra ở vùng này. Để làm nguội mấy cái đầu nóng, Liên Hợp Quốc quyết định chia thành phố nhỏ bé Jerusalem này thành 3 phần: Một cho mấy anh Do Thái Israel đầy kích động, một cho anh bạn tội nghiệp Palestine thua thiệt muôn phần, một phần Liên Hợp Quốc tự quản như một ông trọng tài đứng giữa.

Giờ đây, sau bao thăng trầm lịch sử, nằm giữa một rừng các nước Ả Rập, người Do Thái Israel chấp hết. Với tiềm lực vũ trang và trí lực của dân Do Thái, họ sẽ lầm lì thực hiện những kế hoạch của mình và cùng lúc đó xù lông lên bảo vệ từng mét vuông của Miền đất hứa. Anh chàng Do Thái tay cứ lăm le súng ống, mắt nhìn dáo dác, như chỉ đợi đụng-là-đập, anh ta biết rằng muốn yên ổn thì phải xù lông bặm trợn, chẳng có thằng nào tin được ở cái thời đại nhiễu nhương này. Mấy ông kẹ Ả Rập xung quanh thì có vẻ dè chừng, lúc nào cũng muốn giúp ông bạn Palestine tội nghiệp, nhưng biết phải làm gì đây khi thằng Do Thái ấy chẳng phải dạng hiền. Ở đây, hòa bình là thứ xa xỉ, Jerusalem chỉ có chỗ cho niềm tự tôn dân tộc và lòng tin tuyệt đối vào các Đấng Tối Cao.

Câu chuyện Tôn giáo: Huynh đệ hay kẻ thù

Tại sao Jerusalem bé nhỏ lại trở thành “thùng thuốc súng” vĩ đại về niềm tin của nhân loại? Điều gì đã khiến khu vực nhỏ bé này quan trọng như vậy trong lịch sử phát triển của không chỉ một, mà là ba tôn giáo lớn của loài người? Sơ lược, mọi thứ diễn ra như sau.

Như đã nói ở trên, người Do Thái đã định cư ở đây từ lâu. Ngay từ trước thế kỷ thứ 10, Jerusalem đã được xem là thủ đô tinh thần và là gốc rễ của Do Thái giáo. Dù ở đâu, người Do Thái luôn hướng về Jerusalem để cầu nguyện. Họ quan niệm rằng nơi này là trung tâm của vũ trụ, nơi Thượng Đế của họ đã từng hiện diện.  Một di tích quan trọng của người Do Thái ở Jerusalem chính là Bức Tường Than Khóc (The Wailing Wall hay là The Western Wall). Sở dĩ bức tường có tên như vậy bởi đây là nơi người Do Thái tới cầu nguyện và đôi lúc sẽ “khóc” với Thượng Đế cho số phận dân tộc mình khi luôn bị các nước khác xâm chiếm và trải qua chiến tranh triền miên.

Đối với Kitô giáo, Jerusalem cũng là nơi câu chuyện của họ bắt đầu. Theo sử sách ghi lại, một ngày nọ, có một thanh niên tên Jesus tiến vào thành trên lưng lừa. Tín đồ Do Thái giáo (Judaism) loan tin rằng anh là sứ giả do Thượng Đế gửi xuống hạ giới cứu rỗi loài người. Già trẻ trong thành đều hết mực ủng hộ anh, ngày ngày đều tập trung nghe anh giảng đạo. Tuy nhiên, những điều dạy của anh lại đi ngược với các nhà cai trị La Mã, dẫn đến việc Jesus bị đóng đinh vào thập giá sau đó. 

Người Do Thái gốc (Jews) không tin anh nữa, vì họ nghĩ sứ giả không thể ra đi đơn giản như vậy. Tuy vậy, vẫn có rất đông người đặt trọn niềm tin vào chàng trai trẻ, họ tin vào anh, tôn thờ anh và dần dần tách ra, thành lập Kitô giáo (Christianity). 

Jerusalem giờ đây là điểm hành hương mà bất kỳ người con Chúa nào cũng mơ ước được đến thăm. Khi tới đây, họ sẽ ghé qua Nhà thờ Mộ Thánh – Church of the Holy Sepulchre, nơi có hang đá mà các tín đồ tin rằng thi thể Jesus đã được chôn cất sau khi bị hành quyết, và rồi phục sinh.

Chưa dừng lại ở đó, theo kinh Quran của Hồi giáo, sau khi qua đời, sứ giả Muhammad được các tín đồ mang từ Mecca đến Jerusalem. Có thể nói, Jerusalem là “điểm dừng chân” cuối cùng của Sứ giả Muhammad trước khi đến Thiên Đàng. Do đó, Jerusalem có vai trò quan trọng trong lịch sử Hồi giáo.

Xuyên suốt hàng nghìn năm qua, đã có rất nhiều thánh đường Hồi giáo đã được dựng nên ở đây. Nổi bật trong số đó chính là Thánh đường Mái Vòm Đá (Dome of the Rockvới phần vòm dát vàng đã trở thành biểu tượng. Đây là thánh đường linh thiêng thứ ba trong Hồi giáo, một điểm hành hương quan trọng của những người tin vào thánh Allah.

 Thế mới thấy, Jerusalem nhỏ bé nhưng đang gồng gánh trên vai sứ mệnh niềm tin của hàng tỉ người. Thế giới rộng lớn bao nhiêu mà biết bao bi kịch lại đi ra từ cái chốn bé xíu này. Giống như nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Mai đã miêu tả:

Jerusalem giống như một cái chuồng sắt nơi chúa sơn lâm, vua sư tử và mãnh tướng rồng lửa bị buộc phải sống cùng nhau và chia chác khẩu phần ăn một cách hòa thuận

Nơi đây, khí thiêng tâm linh và niềm tin vào các vị thánh thần đủ khiến bất kì kẻ ngoại đạo nào kinh hãi. Gói gọn trên cái bản đồ khiêm tốn của Jerusalem là chằng chịt các điểm nóng của ba tôn giáo lớn nhất thế giới Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo. Jerusalem là nơi Abraham của Do Thái giết chính người con trai của mình để bày tỏ lòng tin tuyệt đối với Thượng Đế, nơi Jesus của đạo Kitô bị hành quyết trên thập giá, và là nơi ông tổ Muhammad của đạo Hồi rời bỏ trần thế. 

Nhìn vào cái bản đồ ấy, những kẻ ngoài guồng lịch sử không thể không bị choáng ngợp và giật mình, họ nhận ra ngọn ngành của câu chuyện thế giới bắt đầu từ đây, thật kỳ vĩ và điên rồ. Thật không thể nào nhớ hết đã có bao nhiêu sử thi tôn giáo, nhân vật thần thánh, rồi cả những thù hằn và xung đột hàng nghìn năm qua bắt nguồn từ Jerusalem – thành phố nhỏ bé đến mức nhiều người có thể bỏ sót khi lướt tay trên địa cầu. Các tôn giáo anh em này, vốn có chung gốc tích, và lịch sử hình thành, giờ đây lại bị chia rẽ sâu sắc và xem nhau như cái tế bào ung thư cần phải diệt tận gốc. 

Không khó hiểu khi Jerusalem, với vai trò lịch sử như thế, lại trở thành điểm nóng và ngọn nguồn của bao nhiêu xung đột sắc tộc và mâu thuẫn suốt chừng ấy năm. Jerusalem linh thiêng và thật đáng thương. Thành phố này đã chứng kiến bao cảnh đau thương, và thấm đẫm vào lịch sử của nơi này ngoài sự vĩ đại của tinh thần, còn có máu tươi của nhiều dân tộc. Đáng buồn thay, ngày yên bình của Jerusalem vẫn như một câu chuyện cổ tích vậy. Ở đây, vẫn còn đó những kẻ đang nơm nớp lo sợ, và những kẻ nay mai sẵn sàng bỏ thân này vì đạo trong cái không gian linh thiêng chật chội này.

Không phải ngẫu nhiên mà Jerusalem được chọn làm ảnh bìa cho Con đường Hồi giáo, quyển sách nói về lịch sử phát triển văn hóa và tôn giáo Trung Đông của Nguyễn Phương Mai, bởi không thành phố nào trong khu vực, có thể sánh ngang với nó về tầm ảnh hưởng trong lịch sử hình thành và phát triển của Trung Đông. Không biết là do vô tình hay chủ ý, mà trong cuốn Con đường hồi giáo, tác giả Nguyễn Phương Mai đã viết về thủ đô Jerusalem trong một chương mà cô viết về Palestine, chứ không phải khi nói về Israel, mặc dù cô rất ngưỡng mộ người Do Thái. Phải chăng đây là sự đồng cảm, xót thương cho một dân tộc tan tác, vừa mất đất, vừa mất người, và mất luôn quyền tự quyết?

Dân tộc Israel thì không cần sự thương hại, họ đã trải qua ngần ấy đau thương và mất mát, để trở nên ngang tàn, đầy bản lĩnh, họ nghi ngờ cả những hạt bụi bay vào từ bên kia biên giới. Với những thanh niên Do Thái lớn lên với những bài học xương máu của cha ông mình, bất kể ai có rót vào tai điều gì, họ chỉ tin vào cái cò ngay ngón trỏ mà thôi. Với cái bản chất cầu toàn, khôn khéo của dân Do Thái, người Israel nhỏ bé nhưng đang nắm cái chui ở điểm nóng này và nhất quyết không nhượng bộ. Cái yên ổn mà nhân loại trông ngóng ở vùng đất này vẫn còn xa tít ở đâu đó, hay bị giấu nhẹm trong tay mấy kẻ cầm quyền.

Cũng như bất kỳ ai, tác giả mong mỏi bình yên và hạnh phúc rồi sẽ nở hoa trên bán đảo Ả Rập từ bấy lâu đã oằn mình trong súng đạn và máu tươi của những người con Israel và Palestine. Rồi một chiều tàn sau bao nhiêu năm tháng bom rơi, hai đứa trẻ Israel-Palestine sẽ ngồi lại bên nhau bên những câu chuyện còn đẫm máu và nước mắt đồng bào mình.

Đó là tất cả những gì đơn giản và sơ lược nhất mà bạn nên biết về Israel, Palestine và đứa con chung Jerusalem của họ. Trong bài viết sau chúng ta sẽ cùng mổ xẻ câu chuyện này, đào sâu vào mối thâm thù giữa hai dân tộc này và xem rằng tương lai của Israel – Palestine rồi sẽ đi về đâu.

Chia sẻ câu chuyện này

Design Thành Phúc

Share