Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 1: Dùng “Đôi mắt” nhìn Tam Quốc

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – Kỳ 1: Dùng “Đôi mắt” nhìn Tam Quốc

Nói chuyện Tam quốc, người ta thường mở đầu bằng chuyện “đại thế thiên hạ hợp lâu lại phân, phân lâu lại hợp”. Đó là những câu văn mở đầu cho bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, cũng được xem là tư tưởng chủ đề của tác phẩm và thời đại mà tác phẩm ấy phản ánh.

Năm 1944, ngài Lê Đông Phương tiến hành diễn giảng ở Trùng Khánh về thời kỳ Tam quốc. Cuộc nói chuyện chia thành 10 ngày với 10 chủ đề, mở đầu cũng là “Hợp lâu lại phân”, kết thúc bằng “Phân lâu ắt hợp”. Đáng tiếc, mấy câu mở đầu đó thực tế không phải do La Quán Trung viết. Nó là do cha con Mao Luân, Mao Tôn Cương thời nhà Thanh viết. Cha con họ đem bộ tiểu thuyết lưu hành đương thời do Lý Trác Ngô bình điểm, tiến hành cắt xén, biên tập, sửa đổi đại quy mô, rồi tự mình tung hô nó là “cổ bảnTam quốc diễn nghĩa. Đó là bản tiểu thuyết mà ngày nay chúng ta được đọc. Trên thực tế, La Quán Trung không hề mang tư tưởng phó mặc cho bánh xe lịch sử như thế. Chuyện này về sau sẽ nói đến.

Hoạt cảnh Tam chiến Lữ Bố trên đường phố trong lễ hội Nguyên Tiêu. Trích "Minh Hiến Tông nguyên tiêu hành lạc đồ".

Người Trung Quốc quan niệm về Tam quốc như thế, còn người Việt Nam thì thế nào? Người Việt Nam nhìn Tam quốc giống như “Đôi mắt”. Chắc mọi người vẫn còn nhớ, “Đôi mắt” là tên một truyện ngắn của Nam Cao. Thời còn đi học, chúng ta đã được học tác phẩm này. 

Chuyện kể về cuộc gặp gỡ giữa hai nhà văn trong bối cảnh thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Vào buổi giao thời của lịch sử, khi dân tộc đang chuyển mình, nhà văn Độ đã quyết tâm đi theo kháng chiến, tiếp xúc với những con người mới, tìm kiếm luồng sinh khí mới của thời đại và cảm hứng mới cho văn chương. Ngược lại, nhà văn Hoàng cùng vợ con tản cư ở một vùng nông thôn hẻo lánh, tự tách mình khỏi quảng đại quần chúng, chỉ tiếp xúc được với những nhân vật đại biểu cho một xã hội phong kiến thực dân cũ. Và tất nhiên, Hoàng chẳng viết được gì. Hoàng chỉ còn lại cái thú đọc tiểu thuyết Tàu, mỗi đêm phải đọc một vài hồi truyện Tam quốc mới đi ngủ được. Truyện ngắn kết thúc bằng hình ảnh Hoàng vừa hút thuốc lá vừa nghe vợ mình đọc truyện Tam quốc, mỗi khi đến đoạn hay thì lại vỗ đùi kêu: “Tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh Tào Tháo”.

Tam chiến Lữ Bố - tranh cổ thời Lê Trung Hưng ở đền Độc Lôi (Nghệ An)

Ban đầu truyện ngắn này có tên là Tiên sư thằng Tào Tháo. Nhưng để có được góc nhìn đa chiều hơn về tác phẩm, Nam Cao đã đổi gọi nó là Đôi mắt. Tựa đề được đổi mang ít tính chỉ trích hơn đối với nhân vật Hoàng. Hoàng đại diện cho một tầng lớp trí thức cũ kỹ không biết làm mới mình trước biến động của thời cuộc. Lịch sử đã sang trang, nhưng Hoàng vẫn còn loay hoay ở trang sách cũ. Trên thực tế, ngay cả thú vui đọc truyện Tam quốc của Hoàng cũng là một sản phẩm do lịch sử để lại.

Tam quốc diễn nghĩa - từ Trung Quốc tới Đông Nam Á

Người Việt Nam có sự cảm khái đối với các nhân vật thời Tam Quốc đã từ rất lâu. Thời nhà Trần, Phạm Ngũ Lão làm thơ Thuật hoài có nói: “Công danh nam tử còn vương nợ, Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu” (Nam nhi vị liễu công danh trái. Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu). Vũ hầu nói ở đây chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng. Nhưng lúc đó vẫn chưa có tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa.

Phải đến cuối thời nhà Nguyên – đầu thời nhà Minh, tức vào giai đoạn cuối thời nhà Trần ở nước ta, La Quán Trung mới dựa trên tư liệu lịch sử và văn học dân gian, soạn thành bộ tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng. Sau khi Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung ra đời, tác phẩm dần dần được truyền bá sang các nước lân bang và thậm chí được dịch ra ngôn ngữ bản địa. 

Tại Đông Nam Á, từ năm 1802, quan Chao Phraya Phraklang là Hon của Xiêm đã dịch Tam quốc diễn nghĩa sang tiếng Thái. Năm 1892, Chan Kim Boon bắt đầu cho ra mắt bản dịch Tam quốc diễn nghĩa sang tiếng Mã Lai, phát hành ở Singapore. Tại các nước Đông Nam Á, việc dịch thuật Tam quốc diễn nghĩa sang ngôn ngữ địa phương có vai trò lớn của các trí thức gốc Hoa. Nhưng tình hình ở nước ta lại có hơi khác.

Chan Kim Boon (Tăng Cẩm Văn, 1851-1920)

Lịch sử lưu hành và phổ biến Tam quốc diễn nghĩa ở Việt Nam

Trí thức Đại Việt tiếp thu Tam quốc diễn nghĩa từ nguyên tác chữ Hán. Đến đầu thế kỷ 20, người Pháp chủ trương dùng chữ Quốc ngữ làm công cụ để xóa bỏ ảnh hưởng của chữ Hán và làm phương tiện trung gian để chuyển sang Pháp ngữ. Sách, báo bằng chữ Quốc ngữ nở rộ. 

Để cho nội dung được phong phú, nhiều tờ báo bắt đầu tiến hành dịch tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc và đăng thành nhiều kỳ. Tam quốc diễn nghĩa chính là tiểu thuyết đầu tiên được báo Nông Cổ Mín Đàm chọn để dịch từ năm 1901. Tác giả bản dịch đề tên người Pháp là Canavaggio – chủ bút của từ báo. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Canavaggio chỉ là người đứng tên, còn bản dịch thực tế do một trí thức người Việt được thuê để dịch.

Tam quốc chí tục dịch trên báo Nông Cổ Mín Đàm số 21 xuất bản năm 1901

Tam quốc diễn nghĩa được rất nhiều trí thức Việt Nam thời ấy bắt tay vào dịch thuật và ấn hành, cả ở trong Nam lẫn ngoài Bắc. Sau Tam quốc diễn nghĩa, các tác phẩm tiểu thuyết chương hồi mang chủ đề lịch sử khác cũng lần lượt được dịch thuật và giới thiệu. Những ấn bản ấy len lỏi vào trong tủ sách của quần chúng. Người biết chữ lấy đọc sách làm thú vui, rồi truyền kể lại cho người khác. Năm 1924, cố học giả Vương Hồng Sển dự hội đá gà Lục Tỉnh ở Rạch Gầm (là chỗ Nguyễn Huệ đại phá quân Xiêm), được nghe cụ Thái Hữu Võ kể chuyện Gia Cát Lượng “thiệt chiến quần Nho”. Sau này, cụ Vương Hồng Sển nhớ lại:

Cụ Thái Hữu Võ, đã quá cố từ lâu, thuộc làu Tam Quốc Chí, và kể đủ lớp lang và trôi chảy còn hơn chúng ta lấy truyện thiệt ra đọc. Cụ kể rất có duyên và hào hứng, bao nhiêu thính giả hôm ấy, toàn là tay sành sỏi tứ chiếng từ các tỉnh Nam kỳ tề tựu lại để chọi gà, thế mà đêm ấy đều nín thở chăm chỉ nghe ông già quắc thước kể chuyện, nào Khổng Minh đã nói câu gì, cụ liền lặp lại nguyên văn câu ấy, rồi câu ấy nghĩa ra sao, cụ dịch rất rành rẽ.

(Vương Hồng Sển - Thú xem truyện Tàu)

Ngày nay chúng ta có thể cật vấn rằng tại sao lịch sử Việt Nam có bao nhiêu cố sự hay ho, cụ Thái không kể, mà lại đi kể chuyện Tam quốc! Tuy nhiên chúng ta phải hiểu tình hình lịch sử cụ thể lúc đó.

Theo lời cụ Vương Hồng Sển, tại miền Nam thời đó cũng có những hạng người mù kéo đờn độc huyền, nói chuyện thơ vè. Chủ đề mà họ sử dụng cũng là những chuyện Việt Nam, thường khi mang tính thời sự, như chuyện thơ thầy Thông Chánh, thơ Sáu Trọng, thơ cậu Hai Miên, hoặc chuyện thơ lính mộ đi Tây tham gia Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, chuyện thơ dân Cao Lãnh biểu tình xin thực dân Pháp giảm thuế, vân vân … 

Đối với lịch sử Việt Nam giai đoạn phong kiến, sách vở Quốc ngữ thời ấy rất hiếm. Văn học viết về đề tài lịch sử Việt Nam cũng chưa thịnh. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư phải đợi đến nửa cuối thế kỷ 20 mới được dịch trọn vẹn và phát hành. Nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ 21, sách này mới trở nên phổ thông với người đọc. Nếu quay ngược lại tình hình sách vở hiếm hoi hồi đầu thế kỷ 20, cho dù có người muốn kể chuyện lịch sử Việt Nam e rằng cũng lực bất tòng tâm.

Thầy Thông Chánh (?-1894)

Lỗ hổng tri thức to lớn đó phần nào được lấp bằng tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc. Nội dung phản ánh của các tiểu thuyết ấy kéo dài từ thời Võ vương phạt Trụ cho đến tận thời Nguyên – Minh. Đối với các nhà in ở nước ta thời đó, đây là kho nội dung phong phú và có sẵn, chỉ cần tiến hành chuyển ngữ là có thể xuất bản ngay. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng trong cái biển tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc mênh mông đó, cái còn đọng lại trong lòng độc giả Việt Nam là rất ít ỏi. Chính nhân vật Hoàng trong Đôi mắt cũng từng nhận rằng mình chỉ thích đọc Tam quốc diễn nghĩaĐông Chu liệt quốc. Hoàng cũng có nhắc đến Thủy hử, nhưng không yêu thích bằng. Điều này cũng phản ánh thực tế người đọc Việt Nam tiếp thu có chọn lọc. 

Từ góc độ hiện đại nhìn lại thì thấy, trải qua trăm năm, tiểu thuyết chương hồi đứng vững ở Việt Nam chẳng qua chỉ có mấy bộ Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Thủy hử truyện, Đông Chu liệt quốc. Những tựa sách khác họa hoằn lắm mới được tái bản, có bộ đã hoàn toàn biến mất khỏi thị trường. Trong những bộ sách còn tồn tại ấy, địa vị của Tam quốc diễn nghĩa tựa hồ vượt trội hơn hẳn. Vào thời đại Internet phát triển, các hội nhóm bàn luận Tam quốc mọc lên như nấm sau mưa. Các tác phẩm liên quan đến chủ đề Tam quốc thường xuyên được ra mắt và tái bản nhiều lần. 

Sự thành công này của Tam quốc diễn nghĩa không phải là ngẫu nhiên, rõ ràng là có lý do của nó. Người xưa có nói: Trong số ba người đi trên đường, ắt có một người là thầy của ta. Vậy rốt cuộc nguyên nhân thành công của Tam quốc diễn nghĩa là gì? Thể loại giảng sử Việt Nam có thể học gì từ bài học thành công của Tam quốc diễn nghĩa?

Đón đọc kỳ sau: Thời Tam quốc dưới góc nhìn của kẻ sống sót.

Chia sẻ câu chuyện này
Share