Mặc dù vậy, tình hình chính trị của nhà Tống càng ngày càng trở nên giống với nhà Thục Hán của Lưu Bị. Nhà Tống bị cường địch phương Bắc là Liêu rồi Kim chèn ép. Sau khi bại trận trước nhà Kim, tàn dư triều đình Tống lui về phía Nam Trường Giang, lập ra nhà Nam Tống. Tình cảnh của họ bây giờ không khác gì Lưu Bị phải chạy vào trong Thục.
Sử gia Chu Hi biên soạn Tư trị thông giám cương mục đã chuyển sang chọn Lưu Bị làm chính thống. Ngay cả dân chúng cũng có thiện cảm với tập đoàn Lưu Bị. Trẻ con khóc lóc khi nghe kể chuyện Lưu Bị thua trận. Ngược lại, lúc kể những đoạn Tào Tháo bại trận, chúng lại cười thích thú. Trong Tam quốc chí bình thoại cũng như tạp kịch thời Nguyên, Tào Tháo đơn thuần là một kẻ độc ác. Ông ta chỉ xuất hiện để làm nền cho các nhân vật Thục Hán phô diễn tài năng và đức hạnh của mình. La Quán Trung đã không đi theo con đường đó.
Ở lần đầu tiên nhân vật Tào Tháo xuất hiện, La Quán Trung đã gọi Tào Tháo là “anh hùng”. Trong mô tả của La Quán Trung, Tào Tháo là “một vị anh hùng mình cao bảy thước, mắt nhỏ râu dài, đởm lược hơn người, cơ mưu xuất chúng, cười Tề Hoàn, Tấn Văn không có tài khuông phò, chê Triệu Cao, Vương Mãng không ủ mưu ngang dọc, dùng binh phảng phất Tôn, Ngô, bụng thuộc nằm lòng Thao, Lược”. Chi tiết này đã bị cắt bỏ trong những bản tu chỉnh sau đó của hậu thế – chẳng hạn như trong bản Mao Tôn Cương nổi tiếng.
La Quán Trung đã dùng một nửa đầu bộ tiểu thuyết của mình để viết về nhân vật Tào Tháo. Tào Tháo được mô tả như một anh hùng sáng suốt, lòng đầy nhiệt huyết. Trước Tôn Kiên, Tào Tháo là người đã dập lửa ở kinh thành Lạc Dương trong vụ trừ diệt hoạn quan (chi tiết này cũng bị các bản tu chỉnh sau này cắt bỏ). Tào Tháo khảng khái hành thích Đổng Trác, là chủ chốt trong việc xây dựng liên quân Quan Đông đánh Đổng Trác. Tài trí của Đổng Trác trong các chiến dịch đánh nhau với Lữ Bố, Viên Thuật, Viên Thiệu đã được La Quán Trung tập trung mô tả. Trước La Quán Trung, Tam quốc chí bình thoại không đề cập đến những sự việc này.
La Quán Trung còn dụng công tô điểm mối quan hệ giữa Tào Tháo và Quan Vũ. Trong tạp kịch thời Nguyên, khi Quan Vũ lên đường đi tìm Lưu Bị, phe Tào Tháo đã mượn cớ tặng áo để tìm cách mưu hại. Dưới ngòi bút của La Quán Trung, Tào Tháo lại hành động như một người quân tử.