Cái Huân muốn diệt hoạn quan để trao quyền cho Hán Linh đế. Quan điểm đó không khỏi có chỗ ngây thơ. Hán Linh đế là một chư hầu bên ngoài được đưa về kinh làm vua. Hoạn quan chính là cơ sở chính trị của Hán Linh đế. Trong thời kỳ cai trị của ông ta, hoạn quan mới đạt đến đỉnh cao quyền lực. Thế nhưng thành tại Hán Linh mà bại cũng tại Hán Linh.
Sử hầu và Đổng hầu
Từ thời Hán An đế trở về sau, nhà Hán thường gặp khủng hoảng về vấn đề người kế vị. Hán Linh đế cũng không ngoại lệ. Hán Linh đế thường “mất” hoàng tử. Mãi đến năm 176, Quý nhân họ Hà mới sinh hoàng tử Lưu Biện. Để tránh hoàng tử bị các “thế lực tâm linh” bắt mất, Hán Linh đế gửi Lưu Biện ở nhà đạo sĩ Sử Tử Miễn, và không gọi thẳng tên, mà chỉ gọi là Sử hầu. Năm 178, hoàng hậu họ Tống bị Trung thường thị Vương Phủ vu hãm nên bị phế. Hà quý nhân được phong làm hoàng hậu. Đại tướng quân Hà Tiến chính là anh trai của bà.
Năm 181, đến lượt Mỹ nhân Vương Vinh sinh hạ hoàng tử Lưu Hiệp. Thời bấy giờ Hà hoàng hậu rất đố kỵ với hậu cung. Vương Vinh phải uống thuốc trụy thai. Nhưng cái thai của bà chẳng hề hấn gì, ngược lại, bà còn nằm mơ thấy mình cõng mặt trời, cuối cùng sinh ra Lưu Hiệp. Hà hoàng hậu căm hận vì việc đó nên chỉ tám ngày sau đã hạ độc Vương Vinh. Vương Vinh uống xong chén nước cháo thì chết ngay. Hán Linh đế nổi giận, đã toan phế Hà hậu. May nhờ bọn hoạn quan ra sức can ngăn, mới giữ lại được Trung cung cho Hà thị. Hán Linh đế gửi Lưu Hiệp cho mẹ mình là Đổng thái hậu nuôi dưỡng, và cũng không gọi thẳng tên, mà chỉ gọi là Đổng hầu.
Đổng hầu và Sử hầu. Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí thời Edo
Về sau trong Thục Hán có một vài học giả đi theo thuyết giải đoán số trời bằng tên gọi đế vương. Một trong số những người tiêu biểu là Đỗ Quỳnh. Ông ta cho rằng Hán Linh đế gọi tên hai đứa con là Sử hầu, Đổng hầu; nên cuối cùng cả hai đều bị giáng làm chư hầu. Đó là một điềm báo trước sự suy vong của nhà Hán. Dù lời của Đỗ Quỳnh phán có đúng hay không, sự suy sụp của Đông Hán quả thực đã bắt đầu từ sự phân tranh này.
Giữa hai vị hoàng tử, Hán Linh đế cho rằng Lưu Biện “không có uy nghi”, vì vậy muốn lập Lưu Hiệp. Đó chắc chỉ là lý do bề ngoài. Lý do thực sự là vì ông sủng ái Vương Vinh. Sau khi bà mất, Hán Linh đế tự soạn Truy đức phú và Lệnh nghi tụng để tưởng nhớ bà.
Vương Vinh là con nhà lương gia, cháu của cố Ngũ quan Trung lang tướng Vương Bao. Bà vừa xinh đẹp, thông minh, có tài, giỏi thư pháp, lại biết bày mưu kế. Ngược lại, Hà hoàng hậu xuất thân con nhà đồ tể. Gia đình cũng rất lộn xộn. Hà hoàng hậu với Hà Tiến là anh em cùng cha khác mẹ; Hà hoàng hậu với Hà Miêu lại là anh em cùng mẹ khác cha. Hà Miêu trên thực tế phải là Chu Miêu, vì cha ông này họ Chu. Có thể thấy rằng Hán Linh đế không thích tính cách nóng nảy, chợ búa của gia đình Hà hoàng hậu, nên muốn chọn lập Lưu Hiệp. Nhưng muốn lập Lưu Hiệp thì phải qua được cái ải ngoại thích họ Hà.
Hà Tiến (trái) và Hà hậu (phải). Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1610
Hán Linh đế vì vấn đề này nên còn phân vân. Năm 188, ông lập ra Tây Viên bát hiệu úy do Kiển Thạc cầm đầu; đồng thời cũng thăng Đổng Trọng từ Vệ úy lên Phiêu kỵ tướng quân. Đổng Trọng là con của người anh trai Đổng thái hậu – người bảo trợ cho Lưu Hiệp.
Lúc này Hàn Toại đang làm loạn ở phía Tây. Triều đình nhiều lần đánh dẹp không có kết quả. Năm 189, Kiển Thạc bèn kiến nghị Hán Linh đế cử Hà Tiến đi đánh, nhằm loại trừ Hà Tiến. Hà Tiến biết âm mưu này, bèn xin để Viên Thiệu đi Thanh Châu và Từ Châu thu gom quân lính, rồi sẽ lên đường. Ý Hà Tiến muốn dùng việc này để kéo dài thời gian. Mưu đó hóa ra lại có hiệu quả. Việc này chưa thành thì Hán Linh đế băng hà. Lúc bệnh nặng, Linh đế gửi con côi là Lưu Hiệp cho Kiển Thạc. Bằng vào việc này, Hán Linh đế lại đẩy hoạn quan vào thế đối đầu với ngoại thích.
Kiển Thạc đấu Hà Tiến
Kiển Thạc nhận di mệnh của Hán Linh đế, cũng muốn thực hiện ngay. Kế hoạch của Kiển Thạc rất đơn giản. Ông ta cho mời Hà Tiến tới bàn bạc, định sẽ giết ông này rồi lập Lưu Hiệp. Hà Tiến không nghi ngờ gì. Nhưng Tư mã của Kiển Thạc là Phan Ẩn lại quen biết Hà Tiến. Lúc đón Hà Tiến, ông ta đưa mắt ra hiệu. Hà Tiến kinh người, vội ruổi ngựa về trại, rồi kéo quân vào đóng ở Bách Quận để – là chỗ cất cho các chư hầu ở khi về kinh chầu hầu. Hà Tiến từ đó xưng bệnh không ra.
Lưu Biện lên ngôi. Bản in Tam quốc diễn nghĩa khoảng năm 1664
Vì không trừ khử được Đại tướng quân Hà Tiến, nên Kiển Thạc đành đứng nhìn hoàng tử Lưu Biện lên ngôi hoàng đế. Đó là Hán Thiếu đế, lúc này vừa 14 tuổi. Hà hoàng hậu được tôn làm Thái hậu. Hà thái hậu lâm triều coi chính sự, dùng Viên Ngỗi làm Thái phó, cùng Đại tướng quân Hà Tiến quản việc.
Mâu thuẫn giữa Hà Tiến và Kiển Thạc chỉ có thể xem là mâu thuẫn cá nhân. Nhưng đối với Viên Thiệu đó lại là một cơ hội tốt. Viên Thiệu sai tân khách là Trương Tân đi thuyết phục Hà Tiến. Trương Tân nói rằng hoàng môn, thường thị “nắm quyền lâu ngày”, lại cùng với Vĩnh Lạc thái hậu Đổng thị “thông đồng tiền của”, khuyên Hà Tiến “chỉnh đốn thiên hạ”, “vì hải nội mà trừ hại”. Lời bàn này gãi đúng chỗ ngứa của Hà Tiến.
Thứ nhất, ông ta có mâu thuẫn không thể dung hòa với Kiển Thạc. Thứ hai, ngoại thích họ Đổng là mối đe dọa với ngoại thích họ Hà. Lại thêm nhà họ Viên có thế lực chính trị, anh em họ Viên Thiệu, Viên Thuật lại còn nắm một phần quân đội, là chỗ dựa để tăng thêm sức mạnh. Hà Tiến liền đồng ý. Trong một lúc, ông ta thu nhận hơn hai mươi người của phái kẻ sĩ. Trong số này có cả Hà Ngung – bạn du hiệp của Viên Thiệu; và Tuân Du – người về sau trở thành quân sư của Tào Tháo.
Đổng hậu (trái) và Hà hậu (phải). Trích Hội bản Thông tục Tam quốc chí thời Edo
Kiển Thạc lúc này cũng tập hợp lực lượng. Ông ta gửi thư cho Trung thường thị Triệu Trung, nói anh em Hà Tiến “chuyên quyền triều chính”, “cùng đảng nhân trong thiên hạ mưu giết tả hữu của tiên đế”; chỉ vì bản thân Kiển Thạc còn nắm cấm binh, nên họ chưa khởi sự. Kiển Thạc lại đề xuất “đóng cửa cung điện”, “bắt giết chúng đi”.
Triệu Trung cùng các thường thị khác bàn bạc. Lúc đó có Trung thường thị Quách Thắng. Quách Thắng là đồng hương với Hà Tiến, cũng là người từng hỗ trợ họ Hà. Vì vậy, Quách Thắng không ủng hộ Kiển Thạc mà ủng hộ họ Hà. Sau khi bàn bạc, các Thường thị quyết định đem thư của Kiển Thạc đưa cho Hà Tiến xem. Hà Tiến sai Hoàng môn lệnh trách mắng Kiển Thạc, rồi giết đi, thu hết quân đội dưới quyền Kiển Thạc về tay mình.
Thập thường thị và Hà thái hậu. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1605
Kiển Thạc bị diệt rồi, đến lượt ngoại thích họ Đổng. Đổng thái hậu cũng cậy dựa hoạn quan, đồng thời cũng muốn xen vào việc chính sự của Hà thái hậu nhưng không được. Trong lúc tức giận, Đổng thái hậu dọa sai cháu mình là Phiêu Kỵ tướng quân Đổng Trọng “chém đầu Hà Tiến, như trở bàn tay”. Kết quả, Hà Tiến trở bàn tay lật đổ Đổng thái hậu. Ông ta cùng Tam công hặc Đổng thái hậu cùng Trung thường thị Hạ Uẩn vơ vét của dân, đồng thời viện lệ vương hậu của nước phiên không được ở kinh thành (Đổng hậu vốn là vợ của Giải Độc đình hầu). Hà Tiến còn dẫn quân vây phủ của Đổng Trọng, bãi chức của ông này. Đổng Trọng sợ tội, tự sát. Đổng thái hậu sau đó cũng chết một cách đột ngột.
Hán Linh đế còn chưa chôn thì Hà Tiến đã quét sạch những kẻ chống đối. Viên Thiệu mượn nước đẩy thuyền. Nhưng con thuyền tới đây vẫn chưa phải là mục đích của Viên Thiệu. Là người thuộc phái kẻ sĩ, Viên Thiệu muốn hoàn toàn quét sạch hoạn quan. Muốn đẩy tiếp con thuyền đó cần phải có người trợ lực. Và từ đây, họa loạn bắt đầu.