Viên Thiệu né tránh đối đầu với Đổng Trác ở kinh đô Lạc Dương. Đó là một sự kiện hết sức khó hiểu. Viên Thiệu rời bỏ Lạc Dương, nhưng không về quê mà chạy lên Ký Châu. Đó lại càng là một điều khó hiểu. Viên Thiệu có cơ hội và thực lực để đấu một trận chấn động kinh kỳ, nhưng lại chọn động binh cả thiên hạ để đánh Đổng Trác. Làm như thế khác nào đuổi con hổ trong vườn nhà mà phải dùng đến vũ khí hạt nhân! Càng kỳ lạ hơn là, ngay từ thời khắc đầu tiên kêu gọi liên quân đánh Đổng, Viên Thiệu đã nhìn thấy trước nó sẽ thất bại. Rốt cục Viên Thiệu mưu tính điều gì?
Long Trung đối sách của Viên Thiệu
Nhiều năm về sau, khi đã phá xong Viên Thiệu, Tào Tháo mới hồi tưởng lại cuộc nói chuyện giữa hai người vào lúc mới tập hợp liên quân Quan Đông. Lúc đó Viên Thiệu hỏi Tào Tháo: “Nếu việc mà không thành, thì nên chiếm cứ phương diện nào?”.
Tào Tháo không trả lời mà hỏi ngược Thiệu: “Ý túc hạ thì sao?”
Thiệu đáp ngay: “Tôi Nam cứ Hoàng Hà, Bắc ngăn Yên Đại, kiêm gồm dân chúng Nhung Địch, ngoảnh về Nam để tranh thiên hạ. Như thế có thể nên việc chăng?”
Tào Tháo trả lời: “Tôi dùng trí lực của thiên hạ, chế ngự bằng đạo, chẳng đâu là không thể”.
Viên Thiệu và Tào Tháo phát hịch gọi chư hầu. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1610
Người đời sau hết sức tán tụng quan điểm của Tào Tháo. Phó Huyền thời cuối Tam Quốc đầu Đông Tấn còn dẫn lời Tào Tháo để kiến giải rõ hơn. Trong đó Tào Tháo nói: “Thang, Võ làm vương, há có cùng một đất đâu? Nếu lấy hiểm trở kiên cố làm vốn liếng, thì không thể nhân thời cơ mà biến hóa”.
Nhà nghiên cứu Dịch Trung Thiên cho rằng Tào Tháo nhấn mạnh yếu tố con người, là hơn hẳn Viên Thiệu. Nhưng đứng vào bối cảnh thời đó mà xét, thì những lời Tào Tháo nói chỉ là mớ lý thuyết suông. Tào Tháo ôm mớ lý thuyết suông đó, chạy theo thời cơ vặt vãnh, nên giai đoạn đầu sự nghiệp rất rối rắm và trầy trật. Ngược lại, Viên Thiệu đã có kế hoạch rõ ràng để tranh thiên hạ, nên con đường xây dựng tập đoàn của ông ta rất mau lẹ. Sử gia Hồ Tam Tỉnh thời Tống nhận xét rất đúng: “Xem lời này của Thiệu, thì ắt vào lúc khởi binh đã không có lòng cần vương, mà đã có chí cát cứ rồi”.
Bây giờ nhìn lại thì thấy, Viên Thiệu chạy lên Ký Châu không phải là ngẫu nhiên. Hà Bắc là địa bàn mà Viên Thiệu đã chọn làm căn cứ địa để tranh thiên hạ. Nhiều năm về sau, trong cuộc nói chuyện ở Long Trung, Khổng Minh Gia Cát Lượng đã chọn địa bàn Kinh Châu và Ích Châu làm căn cứ địa cho Lưu Bị. Hai sự kiện này về bản chất là tương đồng. Cuộc nói chuyện giữa Khổng Minh và Lưu Bị được người đời sau gọi là Long Trung đối sách. Tương tự như vậy, cũng có thể ví cuộc nói chuyện giữa Viên Thiệu và Tào Tháo là Long Trung đối sách – phiên bản Viên Thiệu.
Hà Chước thời Thanh chỉ ra rằng Long Trung sách của Viên Thiệu là kết quả đúc kết kinh nghiệm từ tiền nhân. Ông cho biết: “Thiệu thấy Quang Vũ dùng Hà Bắc làm vốn liếng để định hải nội, vì vậy mới mưu đồ chiếm cứ”. Long Trung sách của Viên Thiệu là phỏng theo bài học thành công của Quang Vũ đế Lưu Tú.
Hà Chước (1661-1722). Trích "Thanh đại học giả tượng truyện"
Quang Vũ đế Lưu Tú nổi lên trong bối cảnh Vương Mãng cướp ngôi nhà Tây Hán, lập ra nhà Tân. Lưu Tú bèn tham gia khởi binh đánh Vương Mãng, lập Lưu Huyền làm hoàng đế nhà Hán. Đó là Canh Thủy đế. Sau khi tiêu diệt nhà Tân, Lưu Tú bị phái đi bình định khu vực phía bắc sông Hoàng Hà. Lưu Tú đã biến nơi này thành căn cứ địa xưng đế.
Canh Thủy đế Lưu Huyền về sau bị quân nổi dậy Xích Mi giết chết. Lưu Tú từ căn cứ địa Hà Bắc dần dần xua quân đi bình định các thế lực cát cứ, lập nên triều Đông Hán. Long Trung sách của Viên Thiệu là mô phỏng theo bài học thành công của Quang Vũ đế. Vấn đề nằm ở chỗ, ý chí cát cứ của Viên Thiệu xuất hiện từ lúc nào? E rằng không phải đợi tới lúc đặt chân lên Hà Bắc thì Viên Thiệu mới có ý đó.
Đường tới Long Trung
Chúng ta khó tin rằng Viên Thiệu đã đột nhiên nảy ra một kế hoạch chi tiết như vậy. Viên Thiệu hẳn đã cân nhắc và trù tính rất lâu. Sau khi từ chức huyện trưởng Bộc Dương, có một thời gian dài Viên Thiệu không chịu làm quan, mà chỉ ở nhà kết giao hào kiệt. Lúc đó Trung thường thị Triệu Trung đã đặt một nghi vấn rất đáng chú ý. Triệu Trung bảo: “Bản Sơ ngồi đó ra vẻ thanh cao, không ứng lệnh triệu gọi mà nuôi dưỡng tử sĩ, chẳng biết thằng nhóc này muốn làm gì đây?”.
Triệu Trung không nói thẳng ra, nhưng ai cũng có thể thấy rõ ông ta đang ngờ Viên Thiệu muốn làm phản. Viên Thiệu nghe nói như vậy cũng đâm ra chột dạ. Ông ta trở lại triều đình làm quan. Lần này là ứng mệnh triệu của Đại tướng quân Hà Tiến. Đó là đầu mối dẫn đến việc tiêu diệt hoạn quan, dẫn đến thiên hạ của nhà Hán đại loạn. Viên Thiệu lần đầu tiên hé lộ Long Trung sách của mình cho Tào Tháo.
Tào Tháo và Viên Thiệu bảo vệ Hà Tiến. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1610
Thời kỳ nghỉ quan ở nhà, Viên Thiệu kết làm bạn du hiệp với mấy người: Trương Mạnh Trác – tức Trương Mạc, Hà Bá Cầu – tức Hà Ngung, Hứa Tử Viễn – tức Hứa Du, Ngũ Đức Du – tức Ngũ Quỳnh và một vị Ngô Tử Khanh chưa rõ lai lịch. Khi Viên Thiệu bỏ Lạc Dương chạy đi Ký Châu, chính Ngũ Quỳnh và Hà Ngung thuyết phục Đổng Trác bổ nhiệm Viên Thiệu làm Thái thú quận Bột Hải, phong cho tước hầu. Hai người này còn tiến cử một loạt hiền tài như bọn Trương Mạc đi làm quan Thái thú các quận. Lúc tới nhậm chức, những người được tiến cử đều khởi binh đánh Đổng Trác. Có thể thấy rõ rằng nhóm bạn du hiệp của Viên Thiệu trong ứng ngoài hợp, đã tạo ra liên quân Quan Đông. Nhưng trong suy tính của Viên Thiệu, liên quân Quan Đông sẽ thất bại, và Thiệu sẽ chuyển sang tranh giành thiên hạ theo quy hoạch của Long Trung sách – Viên Thiệu bản. Viên Thiệu bề ngoài là cứu Hán, kỳ thực là đánh Hán.
Cần nói thêm rằng một thành viên trong nhóm du hiệp là Hứa Du cũng từng tham gia một âm mưu lật đổ Hán Linh đế, lập một tông thất là Hợp Phì hầu lên ngôi hoàng đế. Sử gia Tư Mã Quang xác định sự kiện này diễn ra năm 188. Nhóm Hứa Du cũng mời gọi Tào Tháo tham gia, nhưng Tháo cự tuyệt. Sự vụ về sau hơi lộ ra. Người cầm đầu nhóm âm mưu là Thứ sử Ký Châu Vương Phân phải tự sát.
Sái Ung khuyên Đổng Trác đừng giết Viên Thiệu. Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1610
Mấy sự kiện đó khiến ta lờ mờ nhận ra ý đồ của Viên Thiệu. Khi nhận ra ý đồ đó mới thấy trong câu chuyện tiêu diệt hoạn quan còn ẩn chứa nhiều mưu mô không hề đơn giản. Khi hiểu được ý đồ của Viên Thiệu, ta mới thấy ứng xử kỳ lạ của Viên Thiệu trong vấn đề Đổng Trác hóa ra lại vô cùng hợp lý. Viên Thiệu học theo bài học thành công của Quang Vũ đế. Ông ta cần có một Vương Mãng để giúp mình hiệu triệu thiên hạ. Người được Viên Thiệu chọn đóng vai trò đó chính là Đổng Trác. Vậy Đổng Trác là con người như thế nào? Có điều gì về Đổng Trác mà ta chưa biết?