Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 5: Chuyện trăm năm kể suốt ngàn năm

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam quốc – Kỳ 5: Chuyện trăm năm kể suốt ngàn năm

Lịch sử Tam Quốc dù rất thú vị và hấp dẫn, nhưng vẫn còn một điểm yếu. Đó là tính hàn lâm của nó. Tam quốc chí được biên soạn theo thể kỷ truyện. Nói dễ hiểu, nó là tập hợp tiểu sử của các nhân vật. Muốn hình thành nên một câu chuyện thì phải xâu chuỗi chúng lại. Muốn câu chuyện trở nên sinh động thì phải cung cấp thêm cho các nhân vật những dáng hình cụ thể, những lời nói và hành động cụ thể. Từ khi Tam quốc chí ra đời, trong suốt mấy trăm năm, câu chuyện về thời kỳ này đã không ngừng được các lớp người Trung Hoa nối nhau bồi đắp.

Bóng dáng chuyện kể Tam quốc dưới thời Đường

Câu chuyện Tam Quốc từ lịch sử chuyển mạnh thành cố sự dân gian thì phải bắt đầu nói từ thời Đường. Tại sao lại là thời Đường? Vì tiểu thuyết chương hồi bắt nguồn từ bình thoại, mà bình thoại lại có nguồn gốc từ biến văn. 

Biến văn là một dạng văn chương kể chuyện. Lúc đầu nó thiên về thơ ca và có lẽ được hát lên. Chủ đề của chúng là các câu chuyện Phật giáo, về nhân quả luân hồi. Mục tiêu là truyền bá giáo lý Phật giáo. Càng về sau, biến văn càng có tính chất văn xuôi. Chủ đề của nó mở rộng ra, bao gồm cả đề tài lịch sử và những chủ đề thế tục khác. Thời Đường chính là giai đoạn nở rộ của biến văn.

Một đoạn trong Giáng ma biến văn. Ảnh: Thư viện Quốc Gia Pháp

Trí thức Phật giáo thời Đường cũng thường xuyên thu lục các cố sự dân gian về đề tài lịch sử vào trong kinh điển. Khoảng năm 714, nhà sư Đại Giác ở chùa Hoa Nghiêm tại Hàng Châu lúc soạn Tứ phần luật hành sự sao phê 四分律行事鈔批 quyển 13 đã ghi lại một phiên bản câu chuyện Gia Cát chết dọa Trọng Đạt sống vào phần chú thích của mình.

Cũng như họ Lưu coi trọng Khổng Minh. Đây trỏ Lưu Bị thời Tam Quốc. Ngụy chủ Tào Phi đóng đô ở Nghiệp, nay là Tương Châu, xưa gọi là Nghiệp Đô. Ngô chủ Tôn Quyền đóng đô ở Giang Ninh, xưa gọi là Ngô Đô. Lưu Bị đóng đô ở Thục, xưa gọi là Thục Đô. Người đời gọi là tam đô, chia chân vạc để cai trị.

 

Thục có viên tướng mưu trí, họ Gia Cát, tên là Cao [Cao là chữ Lượng chép nhầm], tự là Khổng Minh, được vương coi trọng. Lưu Bị thường nói rằng:

 

“Quả nhân được Khổng Minh, như cá được nước”

 

Về sau Lưu Bị đánh Ngụy, Khổng Minh dẫn quân vào Ngụy. Nước Ngụy cùng Thục giao chiến. Gia Cát Cao lúc này làm đại tướng quân, giỏi về kế sách. Nhà Ngụy chỉ sợ Khổng Minh, không dám tiến quân. Khổng Minh vì bệnh nặng sắp chết, nên bảo với mọi người rằng:

 

“Chủ yếu, tướng mạnh, bị địch làm khó. Nếu biết ta chết, họ ắt đánh ta. Sau khi ta chết, hãy lấy một túi đất đặt dưới chân ta, lấy gương soi vào mặt ta”

 

Nói xong thì tắt hơi. Về sau y theo kế ấy, đặt Khổng Minh ở trong doanh, dùng màn vây lại. Nhà Lưu nhân đêm quân quân lui về Thục. Bên nước Ngụy có người giỏi bói toán, mới phán rằng:

 

“Kẻ ấy chưa chết”

 

“Làm sao biết được?”

 

“Chân đạp đất, mặt soi gương, vì vậy mới biết là chưa chết”

 

Bèn không dám giao chiến. Lưu Bị lui binh về Thục. Hơn một tháng sau, người Ngụy mới biết, bèn tới xem, chỉ thấy người đã chết, quân lính thì đã tẩu tán cả, vì thế [người Thục] thoát nạn, đó là kế của Khổng Minh. Người bấy giờ nói rằng:

 

“Gia Cát chết dọa Trọng Đạt sống”

 

Trọng Đạt là tướng nhà Ngụy, họ Tư Mã, tên Trọng Đạt. Cũng có câu:

 

“Gia Cát chết đuổi Trọng Đạt sống”

 

Khổng Minh kia có chí lượng. Người đương thời gọi là Ngọa Long, rất được họ Lưu kính trọng”.

Đại Giác - Tứ phần luật hành sự sao phê - quyển 13
Văn bản Tứ phần luật hành sự sao phê

Nhà nghiên cứu Liên Xô là Riftin chỉ ra rằng câu chuyện của Đại Giác hoàn toàn không khớp với các nguồn thư tịch lịch sử. Nó nói rằng Lưu Bị vẫn còn sống khi Gia Cát Lượng qua đời. Rõ ràng đây là một cố sự do dân gian sáng tác. Một phiên bản khác của cố sự này cũng được Trần Cái 陳蓋 thời nhà Đường chú thích bài thơ vịnh sử Ngũ Trượng nguyên của Hồ Tăng (khoảng giữa thế kỷ thứ 9).

“Vũ hầu bệnh chết, bèn về. Lúc lâm chung đã [dặn Dương] Nghi rằng:

 

“Sau khi ta chết hãy đặt bảy hạt gạo và nước vào trong miệng, tay cầm bút và binh thư, trước trái tim đặt cái gương, bỏ đất dưới chân, đốt đèn trên đầu, đưa về theo tư thế ngồi”

 

Trọng Đạt chiêm đoán, nói:

 

“Chưa chết”

 

Có bách tính tới báo rằng:

 

“Vũ hầu đã chết”

 

Trọng Đạt lại chiêm đoán, nói rằng:

 

“Chưa chết”

 

Rốt cuộc không dám đuổi. Bèn đưa được toàn quân về Thục”.

Hồ Tăng, Trần Cái - Tân điêu chú Hồ Tăng vịnh sử thi

Một cố sự thứ hai cũng được lưu truyền trong giới trí thức Phật giáo thời đó là câu chuyện về việc xem tướng ba người Tào, Lưu, Tôn. Nhà sư Trạm Nhiên (711-782) trong sách Chỉ quan phụ hành truyện hoằng quyết có viết:

“Ba người thời Hán mạt cùng tới chỗ thầy tướng. Thầy tướng thấy Tôn, Lưu có tướng xã tắc, liền nói cho họ biết. Tào Công không được thầy tướng nhắc đến, biết thầy tướng không nhận ra, bèn vén áo cho xem. Thầy tướng trông thấy, cất tiếng khóc to:

 

“Thiên hạ chia vạc, bốn biển phân ba, như là rau đắng vậy”

 

Về sau đến cuối thời Hán, ba người này quả nhiên chiếm cứ ba phương. Tôn chiếm Ngô, Lưu chiếm Thục, Tào chiếm Ngụy”.

Trạm Nhiên - Chỉ quan phụ hành truyện hoằng quyết - quyển 5

Câu chuyện xem tướng ba nhà đã xuất hiện chí ít là từ thời Tùy. Trong Ma Ha chỉ quan, nhà sư Trí Nghĩ (538-597) có nói: 

Xưa Tôn, Lưu tướng lộ, Tào Công tướng ẩn. Thầy tướng cất tiếng khóc to: “Bốn biển phân ba, trăm họ chịu khổ””

Câu chuyện này cũng không hề có trong sử tịch. Đó chắc chắn là sáng tác của dân gian. Có thể thấy rõ rằng: các nhà sư thời Tùy Đường thu nhặt câu chuyện này vào trong kinh điển Phật giáo là nhằm đưa giáo lý của mình tiếp cận với quần chúng thế tục. Mà trong quần chúng thế tục cũng rất thích những câu chuyện về đề tài Tam Quốc.

Chân dung sư Trí Nghĩ

Nhà thơ Lý Thương Ẩn (813-858) từng làm thơ Kiêu nhi, tả con trai mình là Lý Cổn Sư khi gặp khách tới chơi nhà thì: 

Hoặc hước Trương Phi hồ, Hoặc tiếu Đặng Ngải cật” (Hoặc ghẹo bộ râu như Trương Phi, hoặc cười nói lắp như Đặng Ngải). 

Tật nói lắp của Đặng Ngãi đã được nhắc đến từ thời Lưu Tống, trong sách Thế thuyết tân ngữ của Lưu Nghĩa Khánh. Nhưng bộ râu Trương Phi là thứ hoàn toàn chưa được nói đến. Điều này cho thấy Lý Cổn Sư có lẽ đã biết đến nó thông qua những loại hình diễn xướng dân gian đương thời.

Ngoài Lý Thương Ẩn, chủ đề Tam Quốc cũng được nhiều nhà thơ khác nhắc đến. Trong bài Xích Bích hoài cổ, nhà thơ Đỗ Mục (803-852) có câu: 

Đông phong bất dữ Chu lang tiện, Đồng Tước thâm xuân tỏa nhị Kiều

Bài Đàn Khê của Hồ Tăng (khoảng 840) có câu: 

Tam nguyệt Tương Dương lục thảo tề, Vương tôn tương dẫn đáo Đàn Khê

Những cố sự mà họ nhắc đến đều được tìm thấy trong các loại hình văn học và nghệ thuật dân gian của các triều đại sau. Đỗ Mục là người đầu tiên liên hệ thắng bại của trận Xích Bích với việc hai nàng Kiều bị bắt về đài Đồng Tước. Còn câu thơ của Hồ Tăng là gợi ý đầu tiên cho chi tiết Vương Tôn đưa Lưu Bị chạy tới Đàn Khê trong tạp kịch thời Nguyên. 

Ngựa vọt Đàn Khê - tranh phù thế của Kuniyoshi (1797-1861)

Chúng ta không biết liệu Đỗ Mục, Hồ Tăng đã vịnh chính những cố sự đó, hay những câu thơ này đã là nguồn cảm hứng cho người đời sau viết nên các cố sự kia. Điều duy nhất chúng ta có thể nói chính là: từ thời Tùy – Đường, mạch nguồn của câu chuyện Tam Quốc đã được các tác giả dân gian tiếp thêm dòng chảy. Những sáng tác dân gian đó đã được giới trí thức đương thời ghi nhận. Rồi đến lượt mình, chúng lại trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ sau sáng tác nối tiếp. Các bài thơ của Đỗ Mục, Hồ Tăng đã được những nhà viết bình thoại thời Tống – Nguyên dẫn lại để “làm chứng” cho các chuyện kể của mình.

Tập đại thành đầu tiên thời Tống - Nguyên

Bước sang thời nhà Tống, vào khoảng đầu thế kỷ thứ 11, việc kể chuyện Phật giáo bị triều đình cấm đoán. Nhưng có lẽ nó cũng là động lực để hoạt động kể chuyện miệng dân gian của Trung Quốc chuyển hẳn sang các đề tài thế tục. Một trong những chủ đề được yêu thích là các câu chuyện lịch sử. 

Người thời Tống là Mạnh Nguyên Lão (sống vào khoảng những năm 1102 – 1147) nhớ lại ở Biện Kinh cũ của nhà Bắc Tống có Hoắc Tứ Cứu kể chuyện Tam phân, Doãn Thường Mại kể Ngũ đại sử, Ngô Tự Mục cuối Nam Tống đầu thời Nguyên cũng nhớ lại tình hình kể chuyện miệng phong phú của tiền triều, trong đó có kể chuyện lịch sử. Ông cho biết:

“Giảng sử thư là trỏ những người giảng thuyết “Thông giám”, sử thư và văn truyện về các đời Hán, Đường, những chuyện hưng phế, chiến tranh, như Đái thư sinh, Chu tiến sĩ, Trương tiểu nương tử, Tống tiểu nương tử, Khâu Cơ Sơn, Từ Tuyên Giáo … Khoảng niên hiệu Hàm Thuần [1265-1274, thời Tống Độ Tông], biểu diễn “Phục Hoa thiên 復華篇” và “Trung hưng danh tướng truyện 中興名將傳”. Người xem nườm nượp”.

Ngô Tự Mục - Mộng lương lục - quyển 20

Chính trong bối cảnh kể chuyện miệng phát triển như vậy, các nhà in sách đã cho ra đời những tập đại thành các loạt truyện được yêu thích đương thời. Những sách đó được gọi là bình thoại. Ngày nay chúng ta chỉ còn giữ được hai sưu tập bình thoại. 

Sưu tập thứ nhất là Tân biên Ngũ đại sử bình thoại gồm 10 quyển, kể về các triều đại Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu. Bộ sách được in vào thời nhà Tống. 

Sưu tập thứ hai là Toàn tướng bình thoại, bao gồm: Võ vương phạt Trụ thư, Nhạc Nghị đồ Tề quốc  – Xuân Thu hậu tập, Tần tính lục quốc bình thoại, Tiền Hán thư tục tập, Tam quốc chí bình thoại. Mỗi tựa ba quyển, được in vào thời nhà Nguyên.

Bìa sách Tân toàn tướng Tam quốc chí bình thoại - Kiến An Ngu thị tân san thời Nguyên Anh Tông

Bản thân Tam quốc chí bình thoại còn có đến hai truyền bản. Truyền bản nằm trong sưu tập được in vào niên hiệu Chí Trị (1321 – 1323) thời Nguyên Anh Tông. Tên đầy đủ là Tân san toàn tướng Tam quốc chí bình thoại (Tam quốc chí bình thoại mới khắc, có minh họa đầy đủ). Nhưng nó còn có một bản lâu đời hơn, tên là Tân toàn tướng Tam quốc chí cố [sự] được khắc in vào năm Giáp Ngọ (1294) thời Nguyên Thế Tổ. 

Ở cuối quyển trung và quyển thượng của bản này đều có dòng chữ “Chiếu nguyên Tân san Toàn tướng Tam phân sự lược”. Nghĩa là nó được khắc lại dựa trên nguyên bản của một quyển sách nhan đề: Tam phân sự lược có minh họa đầy đủ và mới khắc in. Bản thân cuốn Tam phân sự lược này cũng chỉ là bản tân san (mới khắc lại) từ một bản sách nào đó. Chi tiết này cộng thêm nhiều dấu hiệu về trang phục của nhân vật trong truyện và trong hình minh họa khiến chúng ta đoán rằng bản sách này đã được thực hiện vào thời Tống, nhưng chúng ta chỉ còn giữ được bản in thời Nguyên mà thôi.

Câu chuyện Tam Quốc được kể bắt đầu từ khi vua Hán Quang Vũ đế của nhà Đông Hán cho mở cửa vườn thượng uyển cho dân chúng vào xem. Tú tài Tư Mã Trọng Tương trong lúc đọc sách đã oán trách Thiên Công (ông trời) đã để một vị vua vô đạo như Tần Thủy Hoàng lên ngôi. Thiên Công đã sai người đưa Tư Mã Trọng Tương xuống địa phủ để xử án kiện của ba người Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt kiện Hán Cao Tổ và Lữ Hậu phụ rẫy công thần. Trọng Tương quyết định cho ba người thác sinh làm Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị, chia thiên hạ của nhà Hán. Kết thúc khi Lưu Uyên lập ra nhà Hậu Hán, bắt Tấn Mẫn đế và tiêu diệt nhà Tây Tấn.

Tư Mã Trọng Tương xử án chốn âm ty trong Tam quốc chí bình thoại thời Nguyên Anh Tông

Cũng từ đây, lần đầu tiên chúng ta biết tới một hệ thống các câu chuyện hoàn chỉnh có đầu có cuối về thời Tam Quốc. Bộ sách này cũng là nguồn mạch đầu tiên của bộ tiểu thuyết chương hồi Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa nổi tiếng của La Quán Trung. Vậy câu chuyện Tam Quốc thời nhà Tống đã được kể như thế nào?

Kỳ sau: Những anh hùng thô mộc của dân gian.

Chia sẻ câu chuyện này
Share