Quá khứ giao thương trên đất Việt – Kỳ 1

Tác giả Huyết Vy
Quá khứ giao thương trên đất Việt – Kỳ 1

Kỳ 1 - Việc giao thương trong mắt cổ nhân

Thời gian luôn để lại dấu tích ít nhiều lên vạn vật. Cây gỗ mỗi năm có thêm một vòng, dùng để tính tuổi cây, được gọi là Niên Luân. Niên Luân cũng được dùng với ý nghĩa là vòng đời trong tiếng Hán. 

Nhịp sống nông nghiệp theo bốn mùa đã hình thành nên nhịp sống một đời người và cộng đồng, không gian mà người đó thuộc về. Niên Luân – vòng đời người Việt có nhiều là 70 lần xuân hạ thu đông, còn bách niên giai lão là dịp mừng hiếm hoi.

Để trọn cái vòng nhân sinh ấy, ai nấy đều phải lớn lên, lập gia đình, sinh con đẻ cái, tròn phận với dòng họ, làng xóm, dân tộc và đất nước. Trong vòng quay bất tận ấy, ai rồi cũng phải học tập, làm nghề, kiếm cho mình một kế sinh nhai – “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Ở một xứ sở nông nghiệp như nước ta, “dĩ nông vi bản”, bách nghệ đều lấy nghề nông làm căn cơ gốc rễ. Từ Nông, xã hội phân tầng thành Nông Công  Thương. Dòng chảy tư tưởng ấy lưu truyền mấy ngàn năm, ảnh hưởng rõ ràng lên quyết sách nhà cầm quyền, số phận lịch sử của xứ sở, cũng như vinh nhục bao đời người Việt. 

Nông sự khai cơ, tranh Hàng Trống
Canh điền nhi thực, tranh Hàng Trống

Tranh dân gian Hàng Trồng: Nông sự khai cơ và Canh điền nhi thực.

1. Đời sống giao thương khi tâm lý tiểu nông thâm ngấm trong mọi lớp người

Văn hóa, xã hội Việt Nam là hoa trái được kết thành từ nền văn minh nông nghiệp. Mấy ngàn năm qua, có thể nói hầu hết cư dân của xứ sở này là nông dân – xuất thân từ gia đình nông dân. 

Cho đến thế kỷ 19, chín phần mười dân Việt là những người nông dân lam lũ trên đồng. Ngoài ra, về bản chất, nhà vua là anh địa chủ nắm tột cùng quyền lực. Sĩ phu là anh nông dân nhiều tài lắm chữ. Địa chủ là anh nông dân trở nên giàu có với nhiều ruộng và trâu. Thợ thủ công xuất thân từ anh nông dân rảnh rỗi lúc nông nhàn. Thương nhân bắt nguồn từ anh nông dân đổi chác thành phẩm với giá tốt. 

Trong một xã hội như vậy, khí quyển tinh thần tâm lý – xã hội – văn hóa truyền thống của Việt Nam là khí quyển tiểu nông. Tính cách nông dân ám đẫm mỗi giai tầng, ảnh hưởng đến tính cách của cả cộng đồng, dân tộc.

Nông dân là lực lượng lao động chính trong xã hội phong kiến, tạo nên hoa màu dung dưỡng nhân sinh. Người nông dân đổ mồ hôi trên mảnh ruộng của mình là một hình ảnh rất đẹp. Nhưng khi tâm lý nông dân cố hữu ở mọi lớp người, mọi không gian sống, thì nó tạo thành một xã hội thụ động, sinh mệnh gắn chặt với đất đai, buồn vui nương theo nắng mưa ý trời.

Người phu đang xay lúa (Coolie décortiquant son riz)
Người nông dân cày ruộng (Paysan labourant sa rizière)
Cặp vợ chồng nông dân đang tát nước ở Nam Định Couple de Paysans irriguant leur rizière. Nam-Dinh - Tonquin
Các hoạt động của nhà nông trong loạt tranh mô tả công việc ở Bắc Kỳ, An Nam 1923

Người nông dân khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, chỉ biết “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”. Thành bại của họ phụ thuộc quá nhiều vào ý trời. Bên cạnh nỗi lo mất mùa, họ còn đau đáu mối lo “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Cuộc sống bấp bênh, phụ thuộc vào ngoại biến tạo thành tâm tính cần kiệm, để dành, mua vàng cất giấu, có của lo chôn. Tâm lý chung của nhiều người thuở ấy và đến tận bây giờ, rằng cuộc đời muốn tốt đẹp phải an ổn – an phận thủ thường, an cư lạc nghiệp.

Kinh tế xã hội lấy Nông làm trọng. Trật tự xã hội lấy Sĩ làm trọng. Nhưng sĩ phu thường theo đuổi một đời thanh bần trong sạch, “an bần lạc đạo”.  Rồi, một sĩ phu đỗ cao, trước khi lên kinh bái vua lãnh chức thì phải về làng “vinh quy bái tổ”. Thăng trầm nửa đời, đến khi gặp biến cố, hay cáo lão thì cũng hồi hương, chết ở đất tổ, mộ vùi trong phần mộ tổ tiên. 

Văn chương thơ phú chẳng hay
Trở về làng cũ học cày cho xong.

Dù làm quan xứ người hay buôn bán tha hương, thì khi Giỗ, Tết cũng về mà tham dự, vẫn phải đóng góp thuế thân và một số nghĩa vụ khác nơi bản quán. Đất đai trói buộc đôi cánh bay xa của chính những người con được sinh ra từ nó. 

Kéo vó trên đồng lúa. Tranh sơn dầu của Léa Lafugie (1890-1972)
Kéo vó trên đồng lúa. Tranh sơn dầu của Léa Lafugie (1890-1972)

2. Cấm chợ ngăn sông, bế quan tỏa cảng như một quá khứ giao thương trên xứ sở

Điểm qua những tư tưởng cơ bản ở mọi lớp người, cũng đủ để ta nhận ra xã hội cổ truyền không ưu ái việc giao thương. Phi thương bất phú, nhưng tâm lý làm giàu kém phát triển hoặc không được công khai bộc bạch ở những giai tầng trụ cột của xã hội. Bên cạnh đó, xã hội tiểu nông cầu một chữ an,  không thích cũng không khuyến khích tính liều lĩnh. Trong khi, bản chất người làm kinh tế phải có tâm lý phiêu lưu, dám đánh cược như người đi khơi. 

Nét tâm lý ấy biểu hiện rành rành trong phân tầng Tứ dân “Sĩ Nông Công Thương“; trong những chính sách kinh tế chính trị “ngụ binh ư nông”, “bế quan tỏa cảng”… các triều đại phong kiến áp dụng. Thậm chí trong chính thơ từ của các bậc quân chủ trên tột cùng danh vọng và quyền lực đất nước.

Lê Thánh Tông viết Thập giới cô hồn quốc ngữ văn để răn đe 10 hạng người trong xã hội, thương nhân xếp hàng thứ 9. Trong mắt vua Lê, họ là những người:

Đêm ngày đau đáu bãi trường sa,
Của cải đem về để chật nhà.
Lòng mối lo toan đường vương vất,
Lưỡi lằn khéo léo thốt văn hoa.
Của phi nghĩa làm nên khắp nước,
Lòng bất nhân truyền để làm ca.
Lừa đảo so xem nào có khác,
Người ta lại bán được người ta” .(1)

Cảng thị và người dân An Nam trong Bộ ảnh của John Barrow 1792.

Cái nhìn không hay về thương nhân của Lê Thánh Tông có lẽ còn xuất phát từ cơ cấu chính trị xã hội lúc bấy giờ. Nhà nước Lê sơ được xây dựng trên cơ sở chế độ quân chủ tập quyền phong kiến quan liêu.

Nho giáo là nền tảng tư tưởng của giai cấp thống trị. Ở đó, xã hội được hình dung như một chỉnh thể gồm bốn loại dân chính: sĩ, nông, công, thương. Thương nhân bị xếp ở vị trí cuối cùng, vì thương nghiệp là “nghề ngọn” trong khi nông nghiệp và thủ công nghiệp mới là nghề gốc, khi nó trực tiếp làm ra của cải. 

Ý tưởng đó vẫn được Quang Trung chia sẻ trong lời chiếu Khuyến nông: “Việc chính sự của bậc vương giả là phải vun gốc, đè ngọn” (2); nghĩa là phải chăm lo nông nghiệp, kiềm chế công thương nghiệp. 

Tuy nhiên, Thương, dù xếp cuối nhưng vẫn là một trong bốn thành phần chính trong xã hội, bên cạnh những giai tầng bị cho là vô loài. Xuyên suốt diễn trình lịch sử, giao thương buôn bán chính là huyết mạch của kinh tế xã hội. Những con đường nên hình hài từ lối mòn, con tàu xuôi kênh, đổi trao vật phẩm đồng thời giao lưu văn hóa. Nổi lên những danh nhân cũng là doanh nhân, biến thế  mạnh kinh tế thành nguồn lực kiến quốc như chính anh trai của vua Quang Trung – “ông hoàng buôn trầu” Nguyễn Nhạc. Lịch sử và văn minh trên xứ sở được vun đắp cũng chính từ hoạt động giao thương đó.

Những dấu tích trao đổi, giao thương đã xuất hiện từ buổi nguyên thủy xa xôi, khi loài người tinh khôn biết đúc kết nguyên lý sống và tạo ra của cải dư thừa. Một sự xuất hiện bản năng, phát nguồn từ nhu cầu thiết thực của con người, là bản chất của những cuộc đổi chác đầu tiên. 

Mời các bạn cùng đón đọc Thương trường trong mắt cổ nhân – Kỳ 2 để cùng tìm hiểu những cuộc giao dịch đầu tiền trên xứ sở.

Cảng cá xứ An Nam của người Việt. Tranh của René Bassouls, chất liệu Pastel, đá đen và phấn trên giấy, 1924
Cảng cá xứ An Nam của người Việt. Tranh của René Bassouls, chất liệu Pastel, đá đen và phấn trên giấy, 1924

Chú thích:

(1) Mai Xuân Hải (chủ biên). “Thơ văn Lê Thánh Tông”. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986, trang 134-135.

(2) Viện Nghiên cứu Hán Nôm. “Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 2”. NXB Khoa Học Xã Hội, 2004, trang 625.

Tham khảo: 

– Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, GS. Trần Quốc Vượng.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share