Tam quốc chip diễn nghĩa – Kỳ 1: Mỹ & Đài liên minh

Tác giả La Gia Thịnh
Tam quốc chip diễn nghĩa – Kỳ 1: Mỹ & Đài liên minh

Đài Loan, một cụm đảo với diện tích chưa bằng vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, sẽ chiếm spotlight địa chính trị trong một vài năm tới. Chuyện của Đài Loan không chỉ là những dư vị của lịch sử, mà còn là mấu chốt của tương lai.

Điều gì đã khiến Đài Loan trở thành một con bài mà tất cả người chơi đều thèm khát? Là vị trí địa lý, vai trò chính trị, hay một lý do gì khác? Điều gì đã khiến Mỹ luôn lên tiếng bảo vệ người em kết nghĩa này, còn Trung Quốc nhất quyết phải kiểm soát hòn đảo bằng mọi giá? Liệu rằng câu chuyện Đài Loan sẽ kết thúc bằng những cái bắt tay, hay Chiến tranh Lạnh phiên bản mới, hay thậm chí là Thế chiến thứ Ba? 

Đó là những câu hỏi mà thời gian sẽ giúp chúng ta trả lời. Nhưng có một điều chắc chắn, mọi biến cố xảy ra ở Đài Loan sẽ vượt ra khỏi giới hạn của những cường quốc có liên quan, và tác động nghiêm trọng đến vấn đề an ninh toàn cầu. Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta phải nắm rõ được tính chất quan trọng của “quân cờ” này, rồi từ đó dự đoán những nước đi tiếp theo trên bàn cờ địa chính trị đầy phức tạp.

Những "bộ não" vận hành thế giới

Trước hết, để hiểu về tầm quan trọng của quốc đảo Đài Loan, ta phải hiểu về một thứ có vẻ không liên  quan gì lắm – chip điện tử.
Chip điện tử quan trọng như thế nào thì chẳng cần phải bàn thêm nữa. Tôi chắc chắn rằng mọi thứ xung quanh bạn bây giờ đều hoạt động dựa vào một hệ thống các “bộ não” bé tí này. Từ chiếc laptop hay smartphone bạn đang dùng để đọc bài viết này, hay cái điều hòa khiến cho bạn cảm thấy thoải mái làm việc, hay chiếc xe máy bạn vẫn chạy đi làm mỗi sáng, và hàng tỉ tỉ thứ khác nữa, chúng là kết quả của những sự lập trình bên trong chip điện tử. Nói cách khác, Trái Đất “sẽ ngừng quay”, kinh tế và liên lạc toàn cầu sụp đổ, cuộc sống sẽ quay lại vài thế kỷ trước, nếu đột nhiên chip điện tử biến mất.
Tuy nhiên, con người đâu chỉ cần chip cho đồ điện gia dụng, hay máy móc sản xuất. Quan trọng hơn, các quốc gia thời nay còn cần chip cho quân sự. Máy bay chiến đấu, tàu sân bay, drone trinh thám, tất cả chỉ là một vài ví dụ cho thấy rằng quốc gia nào đi trước trong cuộc chơi chip điện tử, sẽ có khả năng làm chủ bàn cờ thế giới trong tương lai. Nhưng để có được một hệ thống vi mạch tinh vi và phức tạp khủng khiếp như ngày nay, nhân loại đã đi một chặng đường không hề ngắn. 
Ở buổi bình minh của công nghệ, máy móc rất cồng kềnh. Chúng to đùng với đủ loại dây nhợ chằng chịt. Đương nhiên chỉ dành cho chính phủ hay các tập đoàn lớn. Và rồi mọi thứ thay đổi chóng mặt khi những “người cứu rỗi” đã xuất hiện. Đó là thời điểm mà hai kỹ sư người Mỹ, không quen biết gì nhau, lại vô tình có chung ý tưởng rằng sẽ giải cứu thế giới khỏi các sợi dây điện phiền toái này. Hai ông đã lần lượt trình làng ý tưởng về transistor (công tắc điện tử trên vi mạch).
Ngắn gọn, transistor hoạt động như những “công tắc điện” siêu chính xác. Chúng được bật tắt liên tục, theo chủ ý của người lập trình, để “truyền tín hiệu” trong vi mạch. Sự bật-tắt liên tục và hài hòa của các transistor này, chính là mấu chốt để vi mạch hoạt động, hệt như cách não bộ chúng ta truyền thông tin vậy. Nói cách khác, chính các transistor này đã vận hành các vi mạch phức tạp đang điều khiển thế giới của chúng ta. Dù là một phát minh đỉnh cao thời điểm ấy, các transistor cũng khá cồng kềnh, chưa thể mang tính cách mạng.
Transistor (công tắc điện tử trên vi mạch).

Lịch sử nhân loại chỉ chính thức sang trang vào năm 1954, khi một kỹ sư người Mỹ phát hiện rằng: Nếu chúng ta có thể gắn các transistor này lên các miếng silicon, một chất hóa học có tính bán dẫn lý tưởng cho việc dẫn điện, thì sẽ có thể tuyệt đối kiểm soát được sự bật tắt của dòng điện trong mạch điện. Thế là xong, transistor gặp silicon như “cá gặp nước”. Bộ đôi thần thánh này đã cùng nhau viết tiếp lịch sử thế giới hiện đại. Hành trình của loài người chính thức sang trang. Một trang vừa tối tân, vừa khó đoán, lại vừa đầy rẫy những biến cố. 

Mục tiêu bây giờ là gắn càng nhiều các transistor lên một tấm silicon có diện tích không đổi. Bởi đơn giản, càng nhiều transistor thì chip sẽ thực hiện được nhiều lệnh, “bộ não” ấy sẽ càng tinh vi và thông minh. Cuộc đua chính thức bắt đầu. Và mọi công ty trên trái đất, bắt đầu ở Mỹ, lan rộng qua Nhật, Hàn, tranh đua nhau để tạo ra transistor càng nhỏ càng tốt. Từ đó thiết bị điện tử bắt đầu được sản xuất trên diện rộng. Cuộc sống con người trở nên thuận tiện và hiện đại hơn với sự xuất hiện của máy vi tính, lò vi sóng, điện thoại thông minh và nhiều thiết bị khác. Những thứ chỉ cách đó vài chục năm chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của chúng ta.

Các thiết bị điện tử được sản xuất diện rộng nhờ transistor.​

Nói một chút về những nhà máy sản xuất chip, chúng được gọi là FABs (microchip manufacturing plants). Để có được các chip siêu nhỏ và tinh vi, những công ty công nghệ Mỹ đã liên tục rót tiền để nâng cấp và cải thiện quy trình sản xuất chip, từ hệ thống khử khuẩn siêu chuẩn đến việc quản lý nghiêm ngặt dây chuyền sản xuất. Nhưng rồi họ nhận ra, việc vận hành FABs quá tốn kém kinh phí và nhân lực, bởi số lượng transistor được gắn trên chip cứ tăng theo cấp số nhân, dẫn đến việc sản xuất ngày càng phức tạp, khó khăn, và tốn công sức hơn.

Công nhân làm việc bên trong nhà máy chế tạo chip của GlobalFoundries tại Mỹ. (Ảnh: WSJ)

Cùng lúc đó, phía bên kia bán cầu, những quốc gia công nghệ mới nổi như Nhật, Hàn, Trung Quốc, cũng đã có những bước nhảy vọt về công nghệ. Đáng chú ý ở Nhật, chính phủ nước này đã hỗ trợ tối đa các FABs nội địa, khiến cho Nhật có lượng chip dồi dào, đủ khả năng xuất khẩu. Và đương nhiên rồi, chip là thứ mà Mỹ thèm khát nhất vì lúc bấy giờ người Mỹ vẫn chưa biết làm sao để tiết kiệm ngân sách cho việc này. Kết quả, “nước chảy chỗ trũng”, Mỹ nhập khẩu chip từ Nhật. Một lượng chip khổng lồ ồ ạt vượt trùng dương sang Hoa Kỳ.

Nhưng rồi, người Mỹ nhận ra rằng mình không thể để tình trạng này tiếp diễn. Không lẽ cứ để Nhật tha hồ khai thác và thu lợi từ silicon chip? Bổn quốc phải có những biện pháp hạn chế. Thế là năm 1987, chính phủ Mỹ áp mức thuế 100% cho chip Nhật, một chính sách lạnh lùng đã khiến số lượng chip Nhật xuất khẩu sang Mỹ giảm đáng sợ. Ngành công nghiệp sản xuất chip của Nhật cũng có một phen điêu đứng sau vụ này. Và đây là lúc Đài Loan xuất hiện trên bàn cờ.

Vận mệnh Đài Loan thay đổi

Thời điểm đó, Đài Loan cũng là một quốc gia công nghệ đang trỗi dậy. Nền kinh tế đang có những phát triển đáng kể. Dù phát triển là thế, nhưng từ xưa, các lãnh đạo Đài Loan luôn e ngại rằng Trung Quốc chưa bao giờ bỏ ý định sẽ “thu nạp” mình vào bổn quốc. Thế là, Đài Loan luôn nhìn về phía Tây, hòng kết giao được với “ông kẹ” nào đó, biết đâu sẽ kìm hãm được sự bành trướng của Bắc Kinh. Vì là quốc gia phát triển công nghệ, Đài Loan từ lâu đã dòm ngó đến việc làm ăn với Mỹ. Rút kinh nghiệm từ bài học Nhật Bản, Đài Loan biết mình không nên cạnh tranh với công ty Mỹ bằng cách xuất khẩu chip sang đây, vì trước sau gì Mỹ cũng sẽ bóp nghẹt mình như bóp Nhật vậy. “Vậy nếu không chống được, thì mình nhập bọn, hỗ trợ Mỹ và làm anh em với Mỹ luôn”, đó là tư duy của lãnh đạo nước này.  

Chính phủ Đài Loan đã đi một nước vô cùng sáng suốt, thay đổi mãi mãi vận mệnh quốc gia này. Họ gửi kỹ sư trong nước sang Mỹ học tập và làm việc trong các tập đoàn lớn về công nghệ như Intel, Texas Instruments. Sau khi chờ đợi lớp kỹ sư đang tu nghiệp, chính phủ Đài Loan “lôi kéo” hiền tài về gây dựng quốc gia bằng mọi cách, như hỗ trợ chi phí đi lại, giảm thuế lao động, hỗ trợ mở doanh nghiệp. Mục tiêu lâu dài là sẽ xây dựng một “thung lũng silicon thứ hai” ngay trên xứ Đài.

Dân dần, mọi thứ trở thành hiện thực. Những thanh niên Đài Loan với tư chất sáng ngời sau thời gian tu luyện tại Mỹ giờ đã hồi hương, mở ra các công ty công nghệ lớn nhỏ. Với việc được cọ xát và học tập trong môi trường chuẩn nhất thế giới về công nghệ, những kỹ sư này không chỉ giỏi nghề mà còn thuộc dạng kiệt xuất so với các nước châu Á khác. Trong số những thanh niên ưu tú của thế hệ đó, có một cái tên đã lưu danh sử sách, Morris Chang. 

Nhận thấy rằng các tập đoàn công nghệ Mỹ rất lao đao trong việc vận hành FABs vì nó quá tốn kém chi phí và nhân lực, Morris Chang nghĩ rằng Đài Loan sẽ phải lấp đầy lỗ hổng này và giải quyết vấn đề cho Mỹ. Ông quyết định, từ giờ người Đài Loan không nên thiết kế chip hay làm ra đồ công nghệ nữa, họ chỉ tập trung, dồn hết sức để chế tạo ra chip thôi. Họ phải sản xuất thật nhiều chip với giá cả thật phải chăng, từ đó đẩy chip sang Mỹ, cho người Mỹ tha hồ chế tạo máy móc. Đài Loan sẽ chấp nhận làm những phần việc cực nhọc và tốn kém nhất, để đổi lấy vai trò mắt xích trong chuỗi cung ứng này. Cuối cùng, ông thành lập công ty TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) chỉ để sản xuất chip mà thôi.

Ông Morris Chang, founder của TSMC.

Khỏi phải nói, người Mỹ yêu lắm cái ý tưởng này. Còn gì tuyệt vời hơn khi các hãng công nghệ Mỹ giờ chỉ cần tập trung thiết kế chip, nâng cấp phần mềm, cải tiến công nghệ. Việc vận hành những nhà máy FABs phiền toái kia giờ đã có người em Đài Loan tiếp quản. Có thể nói, TSMC, hay chính Morris Chang, là một gạch nối kỳ diệu giữa Mỹ-Đài, một sợi chỉ vàng buộc chặt vận mệnh của hai quốc gia lẽ ra đã chẳng liên quan gì đến nhau. Theo số liệu của CNBC, 63% tổng số lượng chips trên thế giới đến từ Đài Loan và riêng TSMC đã sản xuất hơn một nửa tổng số chips toàn cầu. Tất cả cho thấy vị thế độc tôn của người Đài về sản xuất silicon chip trên thế giới.

Thế nhưng, câu chuyện này đâu thể đơn giản có happy ending như thế, và một nhân vật “hắc ám” nữa xuất hiện trong câu chuyện. Một kẻ khổng lồ vừa tỉnh giấc. 

Nhà máy TSMC tại Đài Loan. ( Ảnh: CNBC)

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share