Hòn non bộ thâu gom trời đất, đưa con người về với thiên nhiên khởi thủy, an ủi những tâm hồn bị phong hóa bởi văn minh vật chất, giải dược cho những phù phiếm đam mê.
Sáng ngày đông, trời đã hửng nắng nhưng sương đêm còn vấn vương trong không khí, ông cụ trầm lắng ngắm nghía hòn non bộ do chính tay mình tạo nên. Đứa cháu đi làm sớm thấy thế thì xót ông: “Trời còn rét lắm, ông vào buồng nghỉ thêm cho khỏe ạ.”
Nó nào biết, đây mới là cái khỏe của ông. Ngày ngày săn sóc, nhìn ngắm hòn non bộ giúp tâm trí ông được thanh lọc sáng trong. Niềm yêu ấy khiến một ông cụ ngoài 70 vẫn còn tha thiết lắm với cuộc đời này. Và nếu đứa cháu có nhã hứng dò thăm, chắc chắn ông sẽ thao thao bất tuyệt cùng nó sự huyền diệu ẩn trong thú chơi thanh nhã này.
Hòn non bộ trong những trang sách sử
Theo những người bạn cùng chơi non bộ lâu năm, lần đầu tiên bóng hình hòn non bộ xuất hiện trong sử sách là ở Đại Việt sử ký, dưới triều vua Lê Đại Hành, tháng sáu năm Ất Dậu (985):
“Người ta có làm một cái giả sơn đặt trên bè nổi giữa sông để đi thuyền xung quanh mà thưởng ngoạn trong dịp lễ sinh nhật của nhà vua vào rằm tháng bảy năm ấy. Giả sơn ấy được đặt tên là Nam Sơn. Sau này các nhà vua Lý cũng giữ theo tục ấy trong dịp lễ sinh nhật.”
Đại Việt sử ký
Như tài liệu trên tường thuật, thì thú chơi hòn non bộ khởi nguồn từ giả sơn đã xuất hiện tại đất Việt hơn ngàn năm trước. Có thể phát nguồn địa đồ thị hiện chiến trận cuộc dẹp loạn 12 sứ quân của vua Đinh, hoặc xa xưa hơn cả thế – rồi truyền đến chúng dân như một thú chơi.
Cũng có thể được sáng tạo bởi người lao động một đời chìm nổi, mượn những “của đất trời, kho vô tận” là đá, cây, nước để ủi an tâm khảm – rồi sau mới được tầng lớp quý tộc phát hiện, đầu tư và truyền bá. Dẫu khởi phát từ đâu, thì đến nay, chơi hòn non bộ đã phổ biến khắp cõi nhân gian, người giàu chơi mà người nghèo cũng chơi, quy mô tùy sức.
Người phong lưu sung túc thường đắp những bể cạn dài tới ba thước với hòn non bộ cao đến hai thước bên trên. Ngày nay thỉnh thoảng còn bắt gặp những giả sơn cao đến bảy tám thước hoặc hơn, chồng đắp những tảng đá lớn ẩn chứa hang hốc, hình thế quanh co, đỉnh nhọn lởm chởm. Những hòn non bộ quy mô được bày trong bể lớn xây nông giữa vườn, hoặc trong hồ sâu ngát sen, làm nên một tòa thiên nhiên ngàn muôn trong một.
Những người chơi khác không có điều kiện và hứng thú tạo lập như thế thì cũng vui vầy với hòn non bộ nhỏ xinh đủ đầy cầu quán cây cỏ của mình. Dẫu nhỏ dẫu to vẫn tràn đầy vui thú, như Lê Văn Siêu có nói:
“Không thể căn cứ vào lớn nhỏ mà luận về sự quý giá của non bộ. Nhiều khi nhỏ mà toàn thể là một cục long não, hoặc là một hình hết sức đẹp bầy trên án thư của nhà ẩn sĩ, để những khi nhà ẩn sĩ mở sách thánh hiền ra đọc và đốt một đỉnh hương trầm cho khói tỏa lên cây lên núi như những làn mây thì dẫu người trần mắt thịt đến đâu cũng phải thấy ngay mắt vẻ gì là tiên phong đạo cốt.
Người ta lại còn dùng núi đá ấy để làm nghiên mực nữa. Ta hãy tưởng tượng một cái bể nước con con với rêu, cỏ, cây, nhỏ lí tí trên một hòn non nhỏ bằng đá trắng, với những tầng đá lăn tăn như dợn sóng, ôm lấy một mảng đá như một cái thung lũng để mài mực, và nhà nho cầm bút chấm vào nghiên mực ấy để viết những vần thơ, thì ta thấy rằng người Việt Nam xưa dẫu chẳng tiên thì cũng đã chẳng còn gì là tục nữa”. (2)
Hình 1,2: Một số non bộ cổ vẫn được bảo tồn trong cung đình Huế.
Hình 3: Hòn non bộ ở chùa Thiên Mụ. (Ảnh: Lý Thảo Vy)
Tản mạn về thú chơi non bộ của người Việt
Cái tên hòn non bộ cũng đã phần nào gợi nên hình dung của thú chơi này. Non bộ là núi giả để làm cảnh trong sân vườn, trong một hồ cá hay trên bể cạn. Núi tuy nặng nề đồ sộ nhưng vẫn nhẹ nổi trên mặt nước, người ta dụng ý đó thành một từ “non”. Về từ “bộ”, dù là gán ghép cho ý nghĩa “bộ hành” trên núi để thưởng lãm, hay từ “bộ” với ý nghĩa là phỏng theo (trong giả bộ, điệu bộ, bộ dạng,…) thì khi ghép lại với “non” cũng gợi nên nghĩa ý cho thú vui này vậy.
Đứng trước một non bộ đẹp, con người có thể thu lại cái “ta” mà thấy mình thật nhỏ bé. Chơi hòn non bộ là một cái thú, nhưng còn thú hơn nếu do người chơi một tay tạo tác nên. Khi ấy, bàn tay khéo léo của người chơi sẽ mang sức mạnh tạo hóa, với quyền phép sáng thế. Dưới đôi tay ấy, núi sông tung hoành, cỏ cây sinh trưởng, chim thú bay nhảy. Mà để làm ra một non bộ đẹp, người chơi ngoài nắm vững những nguyên tắc nền tảng dựa theo phong thủy, kinh dịch, âm dương, thì còn phải tích lũy tư duy nghệ thuật cũng như vốn sống và trải nghiệm thực tế.
Càng chơi càng yêu thích và công phu, người Việt đặt nhiều tâm tư, lưu truyền nhiều bí quyết tạo tác non bộ. Ví như, người ta kén những hòn đá rắn nhưng kết cấu có lỗ li ti với khả năng hút nước từ bể cạn. Bằng cách đó, những hòn giả sơn lúc nào cũng ẩm ướt để dung dưỡng cây cỏ bên trên.
Qua thời gian, rễ cây kiểng chen vào những lỗ đá, hiển lộ sinh cơ, phong quang hoang dã. Lại ví như, đắp giả sơn thành công là phải có rêu phong phủ đá. Để có sắc xanh rêu phủ, người chơi phải đợi một thời gian nếu không biết đến bí quyết là lấy bùn đáy ao phết lên mặt đá. Lại ví như, phải kìm giữ kích thước của cây cảnh để phù hợp với quy mô và hình thế của non bộ. Người chơi rỉ tai nhau lấy những hạt giống còi của cây đã cằn cỗi để gieo, và lúc cây mọc lại phải chiết rễ cái đi để chúng chỉ lớn bằng rễ con.
Người chăm chút hòn non bộ nhà mình như chăm lo tổ ấm. Để dựng nên thế giới trong tâm tưởng, người lùng tìm đồ sành tí hon hình ngôi chùa, chiếc cầu, con thuyền, tượng khỉ, chim muông cùng các nhân vật tiều, ngư, canh, độc,… Cầu kỳ hơn còn gắn cả đá quý, thạch nhũ, tạo vẻ óng ánh xinh xắn cho tòa kỳ quan.
Những tiểu cảnh trong hòn non bộ
Triết lý nhân sinh nơi ngàn muôn trong một của hòn non bộ
Từ đôi bàn tay tâm huyết đó, cả không gian bao la hùng vĩ của thiên nhiên được thu gọn trong một góc vườn. Mỗi sớm, người chơi lại được ngắm nhìn một toà thiên nhiên hiển lộ dưới nắng mai.
Này đây núi non, sông nước, chim muông, cây cỏ. Này đây kiến trúc cổ xưa còn vương nơi vòm cầu, mái đình. Giữa muôn trùng nước non, thấp thoáng bóng người lánh xa thế tục, ẩn trú thế ngoại đào tiên. Chốc lát nào đó, một quả đa, quả si tí hon rơi tõm xuống nước, làm lũ cá nhỏ háu mồi tưởng bở bơi lại tranh nhau.
Ngắm nhìn non bộ, người sống giữa chốn phồn hoa được thả hồn sơn thủy, tìm thấy cái tâm bình yên dưới những bóng râm, thấy mình gần hơn với đạo “vô vi”.
Ngắm nhìn non bộ, ngắm cả hàng giờ, người đứng trong thực tại mà đã thả mộng một đời trong non bộ tự lúc nào.
Ngắm vị hòa thượng nhập định trên non cao, ông thấu tỏ sự đời vốn là hư vô và chỉ có giác ngộ mới là cõi phúc.
Ngắm hai tiên ông đánh cờ, ông nhìn thấy những nước cờ biến chuyển và tìm ra thế đi hóa giải đường cùng trong trận đấu với ông hàng xóm.
Ngắm ngư ông câu cá bên hồ, ông ngụp lặn một thời chiến loạn cùng người xưa và tâm đắc thêm cái tứ của việc kiên nhẫn “chờ thời”.
Mỗi một hình ảnh trên hòn non bộ đều gợi hình, gợi ý, gợi cảm, men theo tâm tư người ngắm mà thiên biến vạn hóa. Phải vậy mà, tức cảnh sinh tình, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã xót lòng vì nước non, nặng lời trách hỏi một pho tượng sành trên non bộ của ông:
“Đêm này gìn giữ cho ai đó Non nước đầy vơi có biết không?”
Và phải vậy mà, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có lúc chỉ vào đàn kiến đang bò trên non bộ mà nhắc khéo cho sứ giả của Nguyễn Hoàng khi được hỏi về cách dung thân trong buổi thời nhiễu nhương: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Người đời vẫn nói, dưới cái nhìn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, hòn non bộ là một đài thủy văn, là nơi chất chứa những thao lược, nơi giải tỏa những thế cờ chính trị, ngoại giao, quân sự bí hiểm.
Thật vậy, hòn non bộ có sức mạnh thần kỳ khai mở tri giác, mà thỉnh thoảng người ngắm lại khám phá thêm một nét hay ẩn chứa trong hình sông thế núi. Khi ấy trà thơm thêm ngọt hậu, chấp nhất bỗng tỏ tường, tinh thần được thư thái. Cuộc bình sinh lắm thăng trầm khổ sở cũng tìm được nỗi khoan khoái dịu dàng những lúc như thế đấy.
Ông lão ngẫm lại những lời của Lê Văn Siêu mà thấy tâm đắc cái tình của mình với hòn non bộ lắm:
“Thật vô cùng thích thú, và đây là cái thú thoát tục, cái thú quên những phiền muộn của cuộc sống hiện tại, quên những ràng buộc vật chất, và tinh thần để thả hồn phiêu diêu vào những khe vách đá, vào những dòng suối mát, vào những bóng râm, vào những cầu quán, những hang động… Tóm lại là cái thú của những người đã lăn lóc với cuộc sống, đã đầy đủ với gia đình và xã hội, và bây giờ đã đến lúc già về hưu, thì mượn nó làm phương tiện để xuất thần, coi như giải quyết một nhu cầu của người chơi văn nghệ vậy.”
Nơi cuộc sống thường tại, trong những đua chen, bươn chải cầu sinh, trong những hạnh phúc và buồn vui chớp nhoáng, con người vẫn hoài vọng về một miền bình an của tâm hồn qua khao khát về nguồn – về với khởi điểm thực sự mà con người đã đi ra. Dẫu còn mơ hồ về gốc tích, nhưng ắt hẳn về với thiên nhiên, về với hư vô là lý do thú chơi non bộ mê hoặc mọi lớp người.
Ông chỉ mong sao, con cháu ông mai này, những đứa trẻ đang tất tả ngụp lặn trong cuộc nhân sinh ngoài kia cũng sẽ có được một mảnh nước non trong khu vườn của riêng chúng. Chẳng phải vì mong chúng biết chơi văn nghệ, mà khi biết đến và tìm chơi non bộ, tâm hồn bọn trẻ sẽ khuây khỏa và quân bình hơn trong cuộc sống. Niềm hạnh phúc của chúng cũng là cái phúc thêm bội của ông vậy.
Art Director Lê Minh Artist & Desginer Lê Nhi Editor Lê Minh Thư Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc