“Tây Du Ký” phiên bản Việt: Cuộc phiêu lưu của Đại Thừa Đăng

Tác giả Wong Trần
“Tây Du Ký” phiên bản Việt: Cuộc phiêu lưu của Đại Thừa Đăng

Cứ mỗi mùa hè, bộ phim Tây Du Ký lại chiếm lĩnh sóng truyền hình tại Việt Nam. Nhưng điều mà ít người Việt được biết đó là có một người Việt đã từng thọ giới cụ túc với Huyền Trang pháp sư, và cũng đã thực hiện một hành trình Tây du của riêng mình. 

Hành trình từ Ái Châu đi Đông Nam Á rồi sang kinh đô nhà Đường

Người Việt Nam ta đã quá quen thuộc với hành trình đi thỉnh kinh của Đường Tam Tạng và bốn đồ đệ: Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tịnh và Bạch Long Mã. Hiểu thêm một chút, chúng ta sẽ biết Tây Du Ký được hư cấu từ hành trình đi từ Trung Quốc sang Ấn Độ cầu pháp của nhà sư Huyền Trang vào đầu niên hiệu Trinh Quán thời Đường Thái Tông. Thay vì bốn đồ đệ tài phép cao cường, nhà sư Huyền Trang chỉ được một người Hồ tên là Thạch Bàn Đà giúp đưa ông qua ải Ngọc Môn. 

Sau khi trở về nước, Huyền Trang cũng không bay về trời thành Phật, mà ở lại chùa Đại Từ Ân để thực hiện phiên dịch các bộ kinh đem từ Ấn Độ về. Và ở đất Việt, đã từng có một nhân vật thọ giới cụ túc với nhà sư lừng danh này. Người đó chính là pháp sư Đại Thừa Đăng.

Đại Thừa Đăng là người Ái Châu (nay là Thanh Hóa). Lúc bấy giờ đất đai nước ta còn nằm dưới quyền cai trị của nhà Đường. Không rõ ông có tên tiếng Hán hay không, chỉ biết tên tiếng Phạn phiên âm sang Hán văn là Mạc Ha Dạ Na Bát Địa Dĩ Ba, viết theo tiếng Phạn là Mahàyàna-pradìpa – có nghĩa là ngọn đèn Đại Thừa, tức Đại Thừa Đăng.

Vào lúc thiếu thời, cha mẹ đem theo ông từ Ái Châu đi thuyền vượt biển sang Dvarapati – một vương quốc cổ của người Môn ở lưu vực sông Chao Phraya (thuộc Thái Lan ngày nay). Đại Thừa Đăng xuất gia chốn này. Về sau, gặp được Đàm Tự – sứ giả nhà Đường gửi đi Đông Nam Á, ông bèn theo Đàm Tự ngồi thuyền trở về, đến kinh đô Trường An. 

Ở đây, Đại Thừa Đăng đã thọ giới thọ giới tỳ kheo với Tam Tạng pháp sư Huyền Trang ở chùa Đại Từ Ân (ngài ở tại đây từ năm 645). Theo giới luật, người thọ giới tỳ kheo phải trên 20 tuổi. Vào độ tuổi của Đại Thừa Đăng, Huyền Trang pháp sư cũng có thành tích “đi phượt” đáng nể: từ quê nhà tới Trường An, rồi vào Thục, lại thả thuyền theo Trường Giang về đông tới Kinh Châu, rồi quay lại Trường An.

Lên đường sang Tây Trúc

Đại Thừa Đăng sống giữa Trường An mấy năm, “đọc qua các kinh điển”. Tại kinh đô nhà Đường, ông làm bạn với nhà sư Đạo Hi người Lịch Thành, Tề Châu. Tuy nhiên, trong lòng Đại Thừa Đăng vẫn muốn đi sang Tây phương, “lễ thánh tích, tình tha thiết với cõi Tây”. Đại Thừa Đăng cho rằng kẻ chìm đắm trong “hữu” (có, tồn tại) thì mượn “duyên”, nếu “duyên” sai thì sẽ sa vào cái “hữu”; kẻ lìa xa chữ “sinh” (sống, sinh mạng) thì cậy nhờ vào trợ giúp, trợ giúp đúng thì trái với nghĩa “sinh”. 

Vì vậy ông quyết tâm đi sang Ấn Độ, đập tan những trở ngại với người tu Phật, để đến với bốn cõi lành giúp đắc đạo. Đại Thừa Đăng bèn mang theo tượng Phật và kinh, luận, theo đường biển đi sang Tây phương. Đạo Hi cũng theo đường bộ vượt qua sa mạc tới Ấn Độ. Hai người cùng chí nhưng lại khác đường.

Điểm đầu tiên mà Đại Thừa Đăng ghé lại là nước Sư Tử, nay là đảo quốc Sri Lanka. Quốc gia này cũng là nơi Huyền Trang pháp sư từng muốn đến thăm để học hỏi kiến giải của các sư nước đó. Tương truyền nước ấy có ngôi tháp, trên đỉnh có hòn ngọc quý. Ban đêm, ánh sáng của nó chiếu khắp bốn phương.

Huyền Trang pháp sư ở bên bờ biển chỉ trông về ánh sáng đó nhưng không thể qua được, vì bấy giờ Sri Lanka đang rơi vào loạn lạc. Đại Thừa Đăng ở Sri Lanka, đảnh lễ thánh tích răng Phật và hết thảy các thánh tích khác, rồi lên đường đi Nam Ấn Độ, rồi lại sang Đông Ấn Độ.

Ở Đông Ấn Độ, Đại Thừa Đăng tới nước Tāmralipti (Đam Ma Lập Để) – một quốc gia ở hạ lưu sông Hằng. Đại Thừa Đăng tới nước này khoảng năm 661. Lúc vào cửa sông, thuyền của Đại Thừa Đăng đụng phải đám giặc. Thuyền bị phá. Đại Thừa Đăng chỉ thoát được thân, rồi lưu lại Tāmralipti mười hai năm, học thông tiếng Phạn. Trong thời gian này, ông chuyên tâm tụng các kinh thuộc về pháp duyên sinh, và tu phước nghiệp.

Hành trình cùng Nghĩa Tịnh

Năm 673, Nghĩa Tịnh từ nhà Đường cũng theo thuyền biển tới Tāmralipti. Nghĩa Tịnh cùng với Pháp Hiển và Huyền Trang là ba nhà sư sang Ấn Độ cầu pháp nổi tiếng. Tại đây, Nghĩa Tịnh gặp Đại Thừa Đăng và ở lại một năm để học tiếng Phạn cùng Thanh luận.

Theo sách Nam Hải ký quy nội pháp truyện của Nghĩa Tịnh, lúc mới đến Tāmralipti, có một sự kiện khiến ông thấy hết sức kỳ lạ. Ở trước chùa nơi ông cư trú có một khoảng đất trồng rau. Dân chúng gần đó thường đến hái rau, chia làm ba phần: một phần dâng cho sư tăng, còn hai phần mang về dùng. Nghĩa Tịnh không hiểu hành động ấy có ý nghĩa gì, bèn đem việc này hỏi Đại Thừa Đăng. Đại Thừa Đăng nói: 

“Tăng đồ ở chùa này đều hết sức giữ giới hạnh, tự cho rằng việc trồng trọt để ăn là điều bậc đại thánh ngăn cấm. Vì vậy mới đem đất này cho người ta thuê, chia hoa lợi để ăn. Như vậy mới đạt được chánh mệnh, giảm duyên, tự sanh, không phạm tội sát sanh lúc cày bừa, tưới tiêu”.

 Sau khi học xong tiếng Phạn, Nghĩa Tịnh cùng Đại Thừa Đăng theo đoàn thương lữ đi Trung Ấn Độ để đảnh lễ thánh tích cây Bồ đề (tức Bodh Gaya) và chùa Nalanda. Chùa Nalanda chính là trung tâm Phật học mà Huyền Trang pháp sư từng lưu lại một thời gian dài để học Phật.

Đại Thừa Đăng và Nghĩa Tịnh theo đoàn buôn vài trăm người đi về hướng Tây. Còn cách Bodh Gaya khoảng mười ngày đường, phải vượt qua nhiều đầm lầy, núi cao gian hiểm, Nghĩa Tịnh nhiễm bệnh thời khí nên không thể đi nhanh, đành phải bỏ đoàn buôn đi chậm lại phía sau. Đại Thừa Đăng gặp được khoảng hai mươi vị tăng chùa Nalanda nên cùng họ đi trước. 

Nghĩa Tịnh đi sau. Đến chiều thì gặp phải đám cướp, mất sạch hành trang. Phải đến canh hai ông mới bắt kịp đoàn. Lúc đó trời tối mịt, Đại Thừa Đăng đứng chờ ở trước thôn, cất tiếng gọi. Nghĩa Tịnh rảo bước tới. Đại Thừa Đăng đưa cho Nghĩa Tịnh một bộ áo quần. Nghĩa Tịnh xuống ao tắm rửa, rồi cả hai cùng đi vào trong thôn.

Đi thêm vài ngày đường, cả hai đến được chùa Nalanda, đảnh lễ khắp các thánh tích: tháp Căn Bản, núi Linh Thứu, tôn tượng Như Lai ở chùa Đại Giác, tòa Kim Cương, cội Bồ đề, nhà của cư sĩ Duy Ma v.v…  Nghĩa Tịnh lưu lại chùa Nalanda để học tập. Đại Thừa Đăng đi khắp nước Vaiśālī, rồi cùng sư Vô Hành đi sang nước Câu Thi Na (tức Kuśinagara ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ)

Mong về cố quốc

Nhà sư Vô Hành người Giang Lăng, Kinh Châu, cùng với sư Trí Hoằng người Lạc Dương đi thuyền biển, từ Giao Châu đi đến Ấn Độ để học hỏi Phật pháp. Suốt đời sư Vô Hành sống bằng khất thực, ít ham muốn, biết đủ. Ban đầu ông muốn ở lại Ấn Độ, nhưng sau lại muốn quay về nhà Đường, muốn theo đường Bắc Ấn Độ để về. Lúc lên đường, Nghĩa Tịnh đang ở chùa Nalanda, có đi tiễn sáu trạm đường. Bấy giờ sư Vô Hành năm mươi sáu tuổi.

Đại Thừa Đăng đi theo Vô Hành, có lẽ cũng có ý muốn về nước. Nhưng đến Kuśinagara, Đại Thừa Đăng không đủ sức khỏe để đi tiếp, nên đành dừng lại. Đại Thừa Đăng than thở rằng: 

“Bản ý muốn hoằng pháp nơi Đông Hạ. Nào ngờ chí chưa thành mà ta đã già lão. Ngày nay tuy không đạt được, kiếp sau nguyện hoàn thành chí hướng ấy”.

Đại Thừa Đăng thành tâm hướng về Từ Thị (tức Di Lặc Bồ Tát) ở tầng trời Đổ Sử Đa (Đâu Suất), mỗi ngày đều vẽ một đóa long hoa hai nhánh để biểu thị tâm chí của mình. Cuối cùng Đại Thừa Đăng tịch diệt ở chùa Bát Niết Bàn (Parinirvana Stupa) nước Kuśinagara – tương truyền cũng là nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Hành trình Tây Du Ký đầy ly kỳ của một người Việt cũng khép lại chương cuối cùng ở đây.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Tai Phan
Researcher Hồ Đức – Ngô Du
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share