Tết Đoan ngọ: Một mùa hạ chín thơm

Tác giả Tường Vân
Tết Đoan ngọ: Một mùa hạ chín thơm

Tiết trời tháng Năm không chỉ có những buổi lê minh dịu dàng thư thả, mà còn xôn xao hương sắc ngọt ngào của trái cây, rượu nếp tím và những thức quà biếu ngày Tết Đoan ngọ. Cùng những lễ tết khác trong năm, Tết Đoan ngọ đánh dấu một nhịp thời gian mới, một biến chuyển mới của đất trời khi xuân tàn hạ tới.

Hạ về với tháng Năm đổ lửa, xui lòng người đọc nhớ tới dòng hồi ức của nhà văn Vũ Bằng, mát và êm như ngọn gió lành:

Tinh mơ sáng tháng năm, trời trong vắt như lọc qua một tấm vải mầu [sic] xanh. Đó là lúc trời mát mẻ nhất trong một ngày, giấc ngủ của người lành mạnh tương đối vào lúc này ngon nhất, nhưng không bao giờ tôi dậy muộn là vì chính vào lúc đó thì các con chim bé nhỏ ríu ran tập hót ở trên các ngọn cây chung quanh nhà

Trích Tháng năm, nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng trong tập Thương nhớ mười hai

Tại miền Bắc nước ta, thời tiết vẫn thường được ngầm coi là “độc dữ” với những hiện tượng thất thường như hanh khô, giá buốt hay nồm ẩm gây ảnh hưởng xấu tới thể trạng con người. Đặc biệt là mùa hạ với những ngày nắng chói chang gay gắt cùng ngọn gió Lào hun đốt làn da, khiến ta dễ dàng lả đi vì kiệt sức nếu hoạt động ngoài trời quá lâu. Trước đây, khi phép vệ sinh và nếp sống khoa học theo lề lối phương Tây chưa xuất hiện, dịch tả và bệnh sốt diễn ra thường xuyên trong mùa hạ tới độ dân chúng kinh sợ và cho rằng tai họa xảy ra là do quan ôn lộng hành. Trong tín ngưỡng dân gian, quan ôn là các vị ác thần gây ra bệnh dịch chết người nhằm tăng thêm quân số. Đạo quân quan ôn đi tới đâu là làng mạc tiêu điều tới đó, chỉ những người hưởng phúc ấm tổ tiên và chăm làm việc thiện mới có thể thoát khỏi cuộc bắt bớ tử thần. 

Chính vì vậy, ngay từ lúc vào hạ, người ta đã mau chóng sắm sửa lễ vật để làm lễ cúng tế chư vị thần linh để xin các ngài vuốt ve che chở, ban phúc trừ họa cho nhân gian thoát khỏi tai ách kinh hoàng kia. Xung quanh bàn thờ bày nhiều hình nhân bằng giấy màu sặc sỡ, có đủ mặt các đạo binh cùng vũ khí tân tiến nhất như lời miêu tả của nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên về một lễ cúng thần ngay thế kỷ 20:

Phải chăng ta đã nhìn thấy, trong nhiều tuần lễ của tháng Năm dương lịch vừa rồi, ở tất cả các quận của Hà Nội, những đạo thiên binh được triển khai đẹp mắt, với bộ binh, kỵ binh, súng thần công, kèn trống, các đội chiến thuyền và máy bay bằng giấy đủ màu sắc?

Niềm tin có phần ngây thơ của dân chúng cho rằng lũ hình nhân ấy sẽ giúp thế mạng cho những kiếp người khốn khổ, có thể làm dịu đi sức mạnh hủy diệt bạo tàn của các quan ôn.

Thông thường, bàn thờ sẽ được đặt ngay ngoài trời, chính giữa là hình nhân áo vàng hoặc mũ miện rực rỡ tượng trưng cho Ngọc Hoàng thượng đế, hai bên ngài là áo mão của Nam Tào giữ sổ sinh và Bắc Đẩu giữ sổ tử. Hai vị Nam Tào – Bắc Đẩu chịu trách nhiệm giám quản các hành vi của con người và định đoạt số mệnh của họ dựa trên những điều thiện hay ác mà họ đã làm. Dưới Ngọc Hoàng và Nam Tào – Bắc Đẩu là năm vị thần chủ quản năm phương trời và các vị Đại vương Hành khiển chịu trách nhiệm điều hành dân gian trong một năm. Ngoài ra còn có thêm hình nhân của thần Tử Vi cưỡi con sư tử bị xích vào cây cột hoa sen, tay cầm trận đồ bát quái biểu trưng cho trật tự vũ trụ cổ xưa. Trước sự hiện diện của hầu hết các thần hộ mệnh, ai nấy đều hết sức dâng tấm lòng thành cùng lễ vật hậu hĩnh với hy vọng may mắn và phúc lành sẽ đến với mình, tránh khỏi sự dữ luôn chực chờ trong bầu không khí oi nồng.

Khi hương tàn – dấu hiệu cho thấy thánh thần đã hưởng xong lễ, người ta đem lộc chia cho người nghèo và kẻ hành khất rồi đốt vàng mã. Theo quan sát của ông Nguyễn Văn Huyên thì:

Ở nhiều nơi, người ta vừa chạy vừa khiêng tất cả binh lính của đạo thiên binh đến tận đầu làng để đốt. Làm như thế, mọi người yên trí rằng các quan ôn, cả quan lẫn lính, đã được tống tiễn cùng với ngựa, súng ống và vội ra khỏi ‘biên giới’.

Để thêm phần yên tâm và chắc chắn hơn, sau khi hóa vàng, thầy cúng sẽ trao cho người dự lễ những lá bùa để dán lên tường nhà hay giắt trong người để phòng trừ ôn dịch. Nếu đã thực hiện tất cả những nghi lễ cúng bái nói trên mà vẫn có người chết vì bệnh mùa hạ thì người ta chỉ còn cách cho rằng họ vắn số hoặc bạc phước mà thôi. 

Nhằm ngăn ngừa khí “độc” từ trời càng lúc gia tăng theo từng ngày hạ đến, Tết Đoan ngọ được tổ chức vào mồng Năm tháng Năm là ngày mặt trời vào giờ Ngọ đứng ở điểm cao nhất trên bầu trời. Vào ngày này, khí dương cũng dồi dào thịnh vượng nhất, do đó người ta còn gọi là Tết Đoan dương. Đây là ngày lễ lớn của mùa hạ, có ý nghĩa quan trọng không kém Tết Nguyên đán hay Tết Trung thu của hai mùa xuân thu. Theo tập tục xưa trong giao tế xã hội, khắp các thành thị tới thôn quê, con cháu lo biếu tết ông bà cha mẹ còn học trò biếu tết thầy đồ. Thức quà biếu theo mùa, thường là ngỗng, vịt, đậu xanh cùng dưa hấu và đường cát. Một số nhà sửa soạn vàng hương làm lễ cúng gia tiên cũng với những thức ấy. 

Là ngày Tết Đoan ngọ, nên mọi sự phòng ngừa tốt nhất phải được làm vào giờ Ngọ, tức là từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều. Nếu ngày đó nắng to, người ta đem đồ đạc trong nhà và sách vở ra hong cho khỏi ẩm mốc, còn nếu trời mưa thì họ chặt tre lấy nước đem về uống với niềm tin rằng thứ nước tinh khiết trong ruột tre ấy sẽ giúp chữa bệnh đau mắt và đau bụng. 

Từ sáng sớm, mọi người đã đun nước thơm nấu từ lá chanh, vỏ bưởi, hương nhu và hoa nhài để tắm tẩy trần, xua đi tà khí, lại thêm sáng da mượt tóc. Trong dịp này người ta đặc biệt tin rằng mọi loài thân thảo đều sạch sẽ và có dược tính, nên ai nấy đều hái thật nhiều rồi mang về phơi vào lúc chính Ngọ, tục gọi là hái lá mồng Năm. Khi cây lá đã khô, họ cất giữ cẩn thận phòng khi nhà có người ốm thì sắc làm thuốc chữa bệnh, hoặc dành để đun trà uống giải nhiệt hàng ngày. Có nhà lại cầu kỳ đi kiếm bó ngải hay bó lá xương bồ về tết thành hình con vật ứng với năm trong giáp rồi treo bên cửa nhà để xua đuổi tà ma độc khí, cầu bình an và sức khỏe. 

Đối với trẻ em xưa, Tết Đoan ngọ còn là dịp để các em được điểm trang khác hẳn ngày thường, được nhuộm móng đỏ lại được đeo bùa tua bùa túi. Việc nhuộm móng cũng rất đơn giản, chỉ cần hái lá móng về rửa sạch, giã nát rồi đắp lên mười đầu ngón tay ngón chân và buộc kỹ lại, để qua một đêm là có thể thắm đỏ như son nếu các em không cựa mình làm tuột lá. Nhuộm móng ngày mồng Năm đã trở thành ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của các thế hệ trước đây, đã được ghi lại thật thấm thía trong truyện vừa mang tính chất tự truyện Chiếc cáng xanh của thi sĩ Lưu Trọng Lư: 

Tôi lại sán đến mẹ tôi và thủ thỉ hỏi mẹ:

 

- Tết Đoan Ngọ sao thầy con không về mẹ?

 

- Thầy con mắc đi hành hạt với cụ sứ. Trong huyện sắp mở thêm mấy cái trường mới.

 

Mẹ tôi nói với tôi như nói với một người lớn, dầu bấy giờ tôi chỉ là một đứa bé lên bảy. Tôi nhận thấy trong lời nói của mẹ tôi, một nỗi buồn u ẩn. 

 

[....]

 

Tối đến, ăn cơm xong, mẹ tôi, chị tôi, các bõ già, gọi chúng tôi ra, nhá những "lá móng tay" của chúng tôi, rồi "rịt" vào ngón tay cho chúng tôi. Buộc vào cho tôi xong, mẹ tôi dặn tôi, đến nay tôi cũng không quên được cái câu nói "dễ thương" làm sao!

 

- Con cố đừng cựa nhá! Đứa nào mai móng tay không đỏ, là không được về ông ngoại ăn Tết đấy.

 

Nhưng phần riêng tôi, sáng hôm sau, những móng tay, trừ ngón út, đều bị “chậy” đi và không được thắm đều; trong khi ấy, những em tôi có những móng tay đỏ tươi như huyết.

 

Sáng tưng bừng, tôi xòe hai bàn tay cho mẹ tôi và hỏi:

 

- Của con có tốt không mẹ?

 

Mẹ tôi cười, và không tỏ dấu trách móc:

 

- Của con tồi nhất bọn! Hôm qua tại con cựa nhiều quá

Ngoài nhuộm móng, các em còn được đeo vào cổ những bùa tua bùa túi được tết bằng chỉ ngũ sắc trông rất vui mắt. Chúng là những túi vải nhỏ đựng bột nhang, bột thần sa, chanh, lựu, cà, phật thủ,… được khâu thành hình con vật, đồ vật hoặc các loại trái cây nom hết sức ngộ nghĩnh. Người ta còn buộc kèm bùa tua bùa túi một cái khánh bằng kim khí, một đồng tiền nhuộm đỏ hay hình con trâu con lợn cắt từ miếng hùng hoàng – một loại khoáng chất được tin có tác dụng diệt trừ sâu bọ, rắn rết – để tăng phúc khí cho trẻ. 

Một số người hay lo xa, lại đem quần áo mới của trẻ lên chùa lên đền để xin Phật Thánh một dấu đỏ đóng vào, hoặc lấy vôi ăn trầu để bôi lên rốn, lên trán và thóp trẻ nhằm chống lại quan ôn có thể hại đến sinh mạng đứa bé. Còn người lớn trong ngày mồng Năm tháng Năm ngoài dọn dẹp nhà cửa cho phong quang, tắm gội sạch sẽ, chăm đến lũ trẻ, làm lễ cúng gia tiên, đi biếu tặng họ hàng, lại tuân theo những tập tục có phần kỳ lạ như vào giờ Ngọ, tất cả đàn ông đàn bà đều hướng về phía mặt trời mà nhỏ nước muối vào mắt cho khỏi bệnh… đau mắt. Người ta cứ tin rằng phải làm đúng ngày mới hiệu nghiệm, có lẽ bởi ngày này khí dương thịnh chăng? Riêng phụ nữ thì thắt lưng bằng dây vôi một lúc rồi cởi ra buộc vào cột nhà rồi khấn xin các bệnh về lưng và bụng sẽ chuyển từ thân thể họ sang cây cột. Phép ma thuật này được thực hiện với hy vọng có thể làm tiêu tán các chứng bệnh hậu sản mà xưa kia phụ nữ thường mắc phải do không đủ thời gian phục hồi sức khỏe giữa những đợt sinh nở dày.

Không chỉ có vậy, tất cả mọi người không kể già trẻ gái trai đều tin tưởng vào công năng giết sâu bọ, tiêu trừ độc tố trong cơ thể của một số loại rượu như rượu trắng pha hùng hoàng hay rượu nếp. Rượu hùng hoàng ngày nay ít người uống, chỉ còn rượu nếp là phổ biến. Cái ngon cái ngọt của thứ rượu đồng quê này chắc hẳn khó ai quên được nếu đã một lần ăn và đọc những gì nhà văn Vũ Bằng viết trong nỗi nhớ của một người tha hương:

Cái chén đựng rượu nếp phải là những cái chén nhỏ như chén chè, còn đũa dùng thì là một thứ đũa riêng vót bằng tre cật, ngắn bằng hai ngón tay, tròn trịa, nhẵn nhụi mà lớn chỉ hơn cái tăm bông một chút. Tôi van cô bạn đừng có lấy đôi đũa xinh xinh đó để và lùa một mạch vào trong miệng tươi hơn hớn, mà tôi xin cô khẽ cầm đũa xới từng hạt rượu nếp lên, để lên đũa rồi thong thả nhấm nhót từng miếng nho nhỏ, be bé và cô sẽ thấy cái rượu ấy nó ngọt biết chừng nào, cái nếp ấy nó ngậy, nó thơm, nó bùi, nó bổ biết chừng nào!

Uống rượu rồi, người ta lại ăn thêm bao nhiêu là trái cây ngọt lành để trừ tất tật sâu bọ trong ruột đi, từ đào, mận, lê tươi roi rói cho tới dưa, xoài, dưa hấu, cam chanh thơm mát, ăn một miếng mà cảm tưởng như đã nuốt một mùa hạ vào lòng. Nhiều nhà làm bánh ú tro chấm với mật mía, thổi một chõ xôi, nấu bún vịt xáo măng ăn chơi ngày Tết Đoan ngọ, kể cũng phong lưu no đủ, lại trổ được tài khéo của người nội trợ.

KẾT LUẬN

Ngày nay, khi nhận thức xã hội về các vấn đề sức khỏe đã trở nên tiến bộ hơn, những tập tục trừ tà ma, diệt sâu bọ trong dịp Tết Đoan ngọ đã lùi dần vào quá khứ. Người ta chỉ sửa mâm cỗ cúng tổ tiên hay mua trái cây, rượu nếp về ăn lấy thơm lấy thảo, để biết rằng xuân qua hạ tới. Nhưng vẫn còn đó những ký ức trong trang sách và lòng người về một cái tết cổ truyền đầy ý nghĩa với hương vị của thảo mộc, của trái cây đầu mùa và thời trân của mùa hạ kết hợp cùng nhau thật hài hòa, ăn ý. Không chỉ có vậy, những thực hành ma thuật trong ngày mồng Năm tháng Năm trước đây còn giúp ích rất nhiều cho những ai mong muốn tìm hiểu cặn kẽ tín ngưỡng dân gian dưới ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa để có cái nhìn sâu hơn về bản sắc văn hóa Việt.

Art Director Lê Minh
Illustrator Mythz
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share