Tết hoàng cung – Kỳ 1: Cái Tết của vua Nguyễn

Tác giả Huyết Vy
Tết hoàng cung – Kỳ 1: Cái Tết của vua Nguyễn

Triều đình hình thành trên cơ sở xã hội nông nghiệp, lấy con dân, mà đa phần nông dân làm gốc rễ. Theo dòng chảy lịch sử, điển chế cung đình được gạn lọc, học hỏi những cái hay từ lân bang, nhưng bản nguyên không đứng ngoài đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt thế tục. Tết Hoàng cung phản ánh tập tục bên ngoài dân gian và đôi bên ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.

Tết hoàng cung

Triều đình nhà Nguyễn, về bản chất không khác gì những triều đình phong kiến từng trồi lên trên dòng lịch sử, là một thế lực tôn giáo. Nơi đó, vua tự xưng là Thiên tử, tức con trời, chỉ đứng dưới Trời, mang sứ mệnh thay Trời cai trị con dân. Triều đình không chỉ lãnh đạo dân chúng mà còn ban sắc phong và lãnh đạo cả thần thánh của họ. 

Đối với lễ nghi, dân gian có thể tùy vào điều kiện của mình mà “Lễ bất túc, kính hữu dư” (Lễ chẳng đủ, nhưng sự kính trọng thì có thừa). Tuy nhiên ở cấp độ triều đình, nghi lễ không còn là tập tục nữa, mà thành điển chế. Điển chế mang tính bắt buộc, lấy vua làm trung tâm, làm mối liên kết với trời – chủ tế trong những nghi lễ trọng đại nhất. Vậy nên người xưa có câu, ai nắm được lễ tế triều đình là nắm được cả thiên hạ. 

Những gì còn vương lại trong sử sách, tranh ảnh và lời kể của nhân chứng cho phép ta được ngược dòng thời gian về quá khứ 200 năm vừa trước, cùng tham dự một cái Tết Hoàng cung nhà Nguyễn. Ở đó, mỗi một thân phận, đức vua, thái hậu, cung tần, hoàng thân, quan lại, thái giám,… trong những vị thế và trách nhiệm khác nhau, sẽ có trải nghiệm và tâm tư khác nhau khi tham dự vào các nghi lễ đón Tết.

Cái Tết hoàng cung của ông vua Nguyễn

Mang trong mình thiên mệnh, nên đứng về mặt phong tục tập quán, vua là người đứng đầu các lễ trong thiên hạ. Nghi lễ do nhà vua chủ trì mang tính quốc gia, ảnh hưởng đến vận mệnh của thần dân và đất nước. 

Nhưng dù là vua thì vẫn là người trần mắt thịt, có mẹ đẻ cha sinh, nên niềm tin vào thế giới siêu nhiên của vua cũng không khác gì người nông dân. Thậm chí, vua còn có điều kiện hơn để tỏ bày lòng kính trọng tổ tiên, trời đất, thánh thần với những nghi lễ long trọng và phức tạp hơn. 

Để thực hiện tốt vai trò chủ tế trong những nghi lễ đón Tết, các vua Nguyễn đã phải tất bật từ trước 1 tháng, thậm chí bận rộn và vất vả hơn bất kỳ thần dân nào trên lãnh thổ của mình. Theo dấu chân các ngài Ngự, có thể mường tượng được phần lớn trình tự cũng như ý nghĩa của nghi lễ ngày Tết Hoàng cung phía sau Ngọ Môn.

Xuân sinh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàng

Nhịp sống nông nghiệp theo bốn mùa xuân hạ thu đông đã hình thành nên nhịp sống trong mỗi con người và làng xã nông nghiệp mà người đó sinh sống. Tuân theo nhịp điệu bốn mùa, người nông dân đúc kết ra nông vụ và kỷ niệm nông vụ bằng lễ Tết. 

Với một xứ sở lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, thì quyển lịch (Âm lịch cổ truyền phương Đông) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó là chỉ báo thời tiết, là cơ sở thời gian cho nông vụ. Những con số của ngày, tháng, năm mang trong mình kế hoạch sản xuất và dự báo kinh tế trong một năm của cả quốc gia. 

Tết Nguyên Đán là điểm khởi đầu cho vòng quay bốn mùa, cũng chính là mốc thời gian đầu tiên trong quyển lịch. Bắt đầu từ  những ngày đầu tháng Tháng Chạp năm cũ, vua Nguyễn đã chủ trì Lễ Ban Sóc để ban hành quyển lịch mới cho toàn quốc.

Ảnh xưa Tết hoàng cung
Lễ Ban Sóc triều Nguyễn xưa. Ảnh tư liệu Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Vốn ban đầu, đại lễ được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Tuy nhiên, bắt đầu vào năm Tân Sửu 1841, với ý niệm ban lịch không chỉ dành cho triều đình sử dụng mà được ban ra đến tận thần dân, vua Minh Mạng chỉ dụ thực hiện Lễ Ban Sóc ở Ngọ Môn, để phân biệt với các nghi tiết khác tổ chức ở điện Thái Hòa.

Lễ Ban Sóc có khác với ba tiết lớn. Nay đổi định: từ nay về sau làm Lễ Ban Sóc ở trước cửa Ngọ Môn.

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ

Mùng Một tháng Chạp, vua đội mũ cửu long, mặc hoàng bào thắt đai ngọc, ngự ngai cao xem bá quan văn võ vận triều phục tề tựu. Quan Tam phẩm trở lên ở trước sân cửa Ngọ Môn. Quan Tứ phẩm trở xuống lạy ở phía nam cầu Kim Thủy. Đôi bên tả hữu cầu Kim Thủy, long đình, cờ súng, tàn lọng, nghi trượng, gươm trường, nhã nhạc sẵn sàng cho nghi lễ tôn rước lịch rồng.

Dưới sự điều hành của Bộ Lễ, Bộ Hộ và Khâm Thiên Giám, nghi lễ “tiến lịch”, “ban lịch” được kính cẩn tiến hành. Sau khi nhận được lịch, chúng quan cùng quay đầu về nơi đặt ngai vàng quỳ 5 lạy để tạ ơn vua. Lịch năm mới được vua ban xuống bề tôi. Rồi cấp trên truyền xuống cấp dưới, các quan tỉnh được nhận lịch, mở cuộc họp để quan huyện lĩnh lịch rồi phân phát ra toàn dân.

Y quan rực rỡ, nghi tiết đủ đầy, hình thức long trọng, nhạc lễ âm vang, cả thảy tôn lên vẻ vàng son thịnh thế một thời. Việc hoàng triều ban lịch ra mọi nẻo dân gian hàm ngôn một đất nước được cai trị bằng công văn, mọi thần dân đều được hưởng ân trạch của nhà vua. Như vua Minh Mạng từng cảm khái mà “flex” trong một Lễ Ban Sóc:

Viết vào ngày Ban sóc tháng Chạp
Tháng chạp đúng lúc ngày tốt gặp,
Triều đình ban lịch rõ thời gian.
Trống chuông đàn sáo hòa âm nhạc,
Kiếm bội xiêm y cờ đủ lớp lang.
Hành lễ trong ngoài giờ đúng chuẩn,
Âm dương năm xét thật không nhầm.
Điều hòa năm hướng cùng muôn cõi,
Đất chở trời che mãi vĩnh hằng.

Minh Mạng
Tết hoàng cung
Lịch Hiệp kỷ năm 1942
Thái giám nhà Nguyễn Tết hoàng cung
Thái giám triều Nguyễn

Sau khi ban phát đủ đầy ân trạch cho toàn dân, ông vua quay về với căn Hoàng thành 520 ha của mình. Hưởng ứng ngày toàn dân dọn dẹp, hoàng thành huy động nhân lực các cung để quét tước, lau chùi cung điện, đặc biệt là các vật báu hoàng gia. 

Vốn ban đầu đây chỉ là tục lệ thường niên trong cung, nhưng đến đời Minh Mạng, có lẽ vua muốn tăng năng suất dọn dẹp, hoặc muốn đa dạng thêm điển chế Hoàng triều, hoặc một lý đó không rõ, nên định thành Lễ Phất Thức cho hoạt động tổng dọn vệ sinh Hoàng thành. Phất có nghĩa là quét, phủi; Thức lau chùi. 

Lễ Phất Thức được tổ chức tại không gian rộng lớn của điện Cần Chánh, thành phần tham gia gồm 2 nhóm chính – phụ. Nhóm phụ việc bao gồm thuộc viên của Thị Vệ xứ, Nội Các và một số Thái giám, phụ trách chuẩn bị sẵn bàn ghế ở điện Cần Chánh, chậu nước, khăn vải…, bưng bê bảo vật.  

Công việc chính thì phải đến tay hoàng thân và các đại thần uy tín nhất trong triều. Trước khi phụng hành phất thức, nhà vua phải duyệt danh sách ghi rõ chức tước và họ tên người tham dự do Nội Các phải lập. Ngài sẽ đánh dấu bằng mực châu khuyên vào những người được chấp thuận, gọi là quý lắm mới được cho lau dọn bảo vật bản triều. 

Đến ngày, dưới sự giám sát của vua, văn võ bá quan tụ hội. Các hòm niêm phong được khai mở, phô bày hằng hà ngọc ngà báu vật. Bảo vật được cho đặt lên các vị trí đã được vua cho bố trí sẵn, các quan đại thần vào việc bằng cách tỉ mẩn phủi bụi, dùng khăn nhúng nước thơm lau đi lau lại đến khi nào bảo vật sáng bóng. 

Đấng chí tôn trong lúc giám sát nghi lễ thì cũng được dịp kiểm kê lại số lượng báu vật hoàng gia. Theo tháng năm, tích lũy tài sản của hoàng gia cũng tăng dần, điện Càn Thanh được trưng dụng làm nơi cất giữ báu vật.

Các đời vua kế nhiệm thừa hưởng gia tài khổng lồ, nhưng thay vì đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu, vua Nguyễn lại ngại “động” đến bảo vật tổ truyền, gây hại cho căn cơ vận khí dòng họ. Đến công việc lau chùi cũng có thể trở thành nghi lễ là thế.

Bản Tấu ngày 21 tháng 12 năm Tự Đức thứ 16 (1863) cung cấp cho chúng ta thông tin cụ thể về việc thực hiện Lễ Phất Thức: “Ngày hôm nay chúng thần đều đầy đủ quan phục, đến điện Cần Chánh lúc thái giám đem các hòm bửu tỉ, kim sách, ngọc bài, kim bài đến. Chúng thần lau chùi xong đem danh sách kiểm tra đều thấy phù hợp. Phụng lãnh hoàng phong niêm phong cẩn mật.

Từ đây có thể thấy, trong ngày Phất Thức, sách vàng, ấn vàng cũng được cẩn thận lau chùi, cho vào hòm tráp, dán niêm phong bằng 2 chữ Hoàng phong. Nghi thức cất ấn này được gọi là Lễ Phong Ấn, biểu trưng việc tạm ngưng công việc triều chính để đón Tết.

Sách vàng nhà Nguyễn Tết Hoàng cung
Sách vàng triều Nguyễn

Lễ Phong Ấn đã có từ các đời Tiên Chúa. Vào thế kỷ thứ 17, thương lái nước ngoài Samuel Baron đã được dịp chứng kiến và mô tả trong hồi ký: “Ngày 25 tháng Chạp, ấn triện được lật ngược lên và cất vào trong hộp đúng một tháng. Trong quãng thời gian đó, công đường đóng cửa, không có hoạt động xét xử gì diễn ra…

Tuy nhiên, trên thực tế, vua và các quan đại thần trong triều không thực sự hoàn toàn nghỉ tết sau Lễ Phong Ấn. Bản Phụng Thượng dụ của Nội các vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) có ghi: “Theo lệ có việc phong ấn, khai ấn nhưng đó là lúc bình thường vô sự, còn khi có việc quân thì không thể cứng nhắc theo lệ này[…] Không câu nệ việc phong ấn, khai ấn, phàm các loại ấn triện, quan phòng đồ ký đã được cấp đều vẫn giữ lại sử dụng, phòng khi có sự vụ khẩn yếu cần phải tấu báo kịp thời.

Ấn vàng nhà Nguyễn Lễ Phong Ấn Tết Hoàng cung
Ấn vàng nhà Nguyễn thất lạc sang Pháp mới được chuộc về gần đây

Muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác không ai chịu được“. Dân tình thuở ấy, con dân trăm họ sau một năm lao động đã bắt đầu xõa để nhào vô đủ hội chơi xuân, còn với thiên tử – người nắm cả vận mệnh quốc gia, thì không lúc nào được buông xuôi ngơi nghỉ. Ngày Tết, cùng hàng tá điển lễ phải thực hiện, ngôi chủ tể vẫn phải đau đáu trăm công ngàn việc, sẵn sàng ứng phó binh biến, điều hành quân tướng.

Thái Miếu Tết Hoàng cung
Thái Miếu

Xuân về, chồi non hé nụ xanh mởn trên khắp những cây sứ Đại nội. Nhưng cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu, con người ta phải có tổ tiên trước rồi mới có chính mình sau. 

Văn hóa bốn ngàn năm, du nhập và tiếp biến nhiều loại tôn giáo ngoại lai, nhưng tín ngưỡng dân gian Việt luôn bền bỉ với tập tục thờ cúng tổ tiên.  Qua việc thờ cúng tổ tiên, thế giới hữu hình giao cắt vũ trụ thần linh, người còn sống giữ được mối liên kết mật thiết với máu mủ đã khuất. Có lẽ mỗi đời vua Nguyễn luôn ý thức được một mảnh giang sơn đại thống chính là được đánh đời bằng tâm huyết, trí lực và cả máu thịt của nhiều đời tổ tiên.

Cùng chia sẻ truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, dòng họ chân chủ phương Nam cũng tổ chức Lễ Hạp Hương để thỉnh các đời Tiên Đế về hưởng Tết với triều đình. Ngày 22 tháng Chạp, vua Nguyễn đích thân đến Thái Miếu làm chủ lễ; các hoàng tử, thân công, quan đại thần tế tự trong các miếu điện. Tất cả cùng tôn kính thỉnh mời vong linh tổ tông và đời vua trước về  ăn Tết với triều đình. 

Điện Thái Hòa Tết Hoàng cung
Điện Thái Hoà

Chuỗi nghi lễ nối tiếp nhau, chẳng mấy chốc Hoàng thành Phú Xuân đã bước đến thời khắc giao thừa. Dù một độ xuân qua hưng suy thành bại thế nào, nhân tình ấm lạnh ra sao, thì lòng người vẫn hướng thượng và mong mỏi những gì tốt đẹp nhất cho năm mới.

30 Tết, mang ý nghĩa tống tiễn hết điều xấu của năm cũ để đón năm mới,  Lễ Tuế Trừ (buổi sáng), Lễ Trừ Tịch (buổi tối) được cử hành. Trong lúc nhà vua đến Thái Miếu; các anh em tôn tước và văn võ bá quan của ngài được cử đến các đền, miếu khác để tiến hành tế lễ tiễn biệt năm cũ.

Súng lệnh đồng Tết hoàng cung
Súng lệnh bằng đồng dùng để bắn vào đêm giao thừa trong hoàng cung

Trong ngày này, các cửa chắn lối đi trong Tử Cấm thành và Tả Đoan, Hữu Đoan của Đại nội sẽ được mở toang. 

Đùng! Đùng! Đùng! 

Trong sân điện Thái Hòa, mỗi một khắc (15 phút), 20 tiếng ống lệnh lại được nổ suốt đêm giao thừa, đến khi đủ 1.000 tiếng. Tiếng âm vang uy nghi và mạnh mẽ của ống lệnh dường như có xua đuổi bằng hết những ý tà điềm xấu còn vướng lại.

Một nghi lễ được truyền thừa từ cung đình đến dân gian ngàn đời nay, gọi là lễ Thượng Nêu, tức là dựng nêu. Câu nêu là vật trừ tà ma, bảo hộ bình yên và đem lại hạnh phúc. Vậy nên quan Khâm Thiên giám cũng phải chú trọng xem giờ phù hợp để tiến hành dựng nêu. Ngay sau khi trong cung dựng nêu thì câu nêu trong dinh thự, chùa chiền, đình làng, nhà dân toàn cõi mới được dựng lên. Và bao giờ cây nêu được dựng lên thì lúc đó mới chính thức được ăn Tết.

“Cứ tưởng cây nêu chỉ dựng lên ở những ngôi nhà bình dân trong làng xóm, vậy mà trong cung đình cũng làm việc như vậy. Điều đó cho thấy hoàng tộc luôn nghĩ về gốc gác của mình. Bản thân quốc gia là cái làng lớn, cũng như ngôi làng là nơi tập hợp nhiều gia đình… Chính sự ý thức về thế thứ, trật tự như thế làm cho xã hội phát triển hài hòa, có trách nhiệm với nhau.”

Tết hoàng cung
Share