Tết Hoàng cung – Kỳ 2: Cái Tết ở Hậu Cung nhà Nguyễn

Tác giả Huyết Vy
Tết Hoàng cung –  Kỳ 2: Cái Tết ở Hậu Cung nhà Nguyễn

Tập tục do dòng chảy văn hóa lưu chuyển ngàn đời, hình thành từ dân gian trước, rồi được tiêu chuẩn nơi cung đình. Hơn nữa, bên trong tường thành vạn trượng chính là nơi nuôi dưỡng tập tục dân gian lên đến đỉnh cao, trở thành điển chế không thể bàn cãi. Điển chế mừng Tết, mừng Xuân trong hậu cung nhà Nguyễn cũng không nằm ngoài bản chất mà những tập tục trong dân gian ngàn năm chia sẻ.

Tết hoàng cung hậu cung nhà Nguyễn

Bốn mùa luân chuyển, cỏ cây tuần tự khô héo rồi lại sinh sôi. Cứ ba trăm sáu mươi ngày, đất trời vạn vật lại một lần luân hồi. Đông qua xuân đến, mỗi độ giao mùa, cõi trời Nam lại nhóm lên những đóm hội xuân, thịnh yến. Dùng náo nhiệt phồn hoa để cáo biệt năm cũ, đón chào xuân mới. 

Đêm giao thừa, khắp cõi pháo nổ giòn giã không ngừng. Từng chuỗi pháo hoa bung nở, âm thanh mạnh mẽ khua trừ tà ma quỷ mị, nồng đậm thêm vẻ long trọng, phồn thịnh. Sau khắc giao thừa với lễ trừ tịch, Tết Nguyên Đán chính thức thành lễ tiết đầu tiên của năm. Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai. Cái tên ý chỉ một sự khởi đầu cho hết thảy vạn vật. Đất trời cung chúc, vạn hộ đón chờ, triều nghi long trọng.

Một thuở vương giả phong lưu

Từ một ngày lễ mừng nông vụ cổ xưa, Tết Nguyên Đán lưu truyền phóng khoáng trong dân gian chất, rồi kết thành điển lễ chốn hoàng triều. Các triều đại xa xôi về trước vẫn còn lưu lại phong quang quý phái, tôn nghiêm của ngày lễ tết cổ truyền này.

Thời Lý – Trần chuộng Phật, dân tình chất phác thuần hậu, lễ Tết vẫn còn đậm màu huyền thuật và nhiều trò vui kéo dài đến ra Giêng. Ngày lập xuân, bá quan văn võ mặc lễ phục, cài hoa lên đầu, phong khí như Sở từ, vào Đại nội dự yến. Giao thừa, Đại nội ngập tràn không khí linh thiêng trong tiếng tụng niệm của chúng tăng và âm thanh của lễ Khu Na đuổi ma trừ quỷ. Ngày đầu năm, hoàng hậu, cung phi, hoàng tử, thân vương cùng quan tướng tề tự điện Thiên An làm lễ bái hạ. Yến tiệc say sưa đến trưa, vua ngự Chúng Tiên Đài, nhận lễ bái và 9 tuần rượu của thần tử. 

Đến thời Lê – Trịnh, cung đình rút ngắn thời gian đón Tết, cũng giảm các trò chơi xuân mà nặng nề nghi lễ hơn. Giai đoạn “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”, hai họ sống chung trong cơ chế lưỡng đầu phụ thuộc nhau: nhà Lê cần có họ Trịnh để bảo vệ và chống Mạc, còn họ Trịnh cần có nhà Lê để cầm quyền danh chính ngôn thuận. Nghi lễ đón Tết của hoàng triều theo đó cũng nhân đôi, một là dành cho vua Lê, nữa là cho họ Trịnh “Phi đế phi bá, quyền khuynh thiên hạ”.

Tết hoàng cung hậu cung nhà Nguyễn
Những trò chơi ngày Tết

Điển chế, lễ nhạc đã có từ các triều vua trước, đến nhà Nguyễn, thái bình thịnh thế, điển lễ càng thêm chu toàn, long trọng. Những gì được ghi lại trong Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ cho thấy, chủ nhân của từng cung, theo từng giai đoạn, với những thân phận và trách nhiệm chuyên biệt, sẽ dùng những quy chế riêng để đón Tết. 

Sau cánh cổng Ngọ Môn, cái Tết của một ông vua Nguyễn đã bắt đầu từ trước một tháng với hàng loạt nghi lễ đón mừng. Ngoài bản thân Hoàng đế là người có địa vị cao nhất, bên trong Hoàng thành còn có Hoàng thái hậu, cùng Cung tần, Hoàng tử, Hoàng nữ, các Thái giám và Cung nữ, tất cả đều tham gia vào vòng vận động ngày xuân. 

Với các bậc tôn quý như Thái hậu ở Từ cung , Vương hậu ở Khôn cung, Thái tử ở Thanh cung, hoạt động đón Tết cũng là điển lệ trong Hoàng thành, được ghi chép kỹ càng trong sử sách. Còn những bề tôi như Thái giám, Cung nữ, có thể đoán được ngày Tết của họ qua chức trách thường nhật và hoạt động của chủ nhân mà họ phục vụ.

Cái Tết của Hậu cung nhà Nguyễn

Hậu cung nhà Nguyễn theo lệ cũ Lê sơ, để khuyết vị Hoàng Hậu với nhiều lý do. Trừ các bà Thừa Thiên, người vợ tào khang theo phò Thế Tổ từ thuở hàn vi và Nam Phương, Hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, thì đa số các đời vua Nguyễn chỉ chọn hiền đức giữ ngôi Phi đứng đầu giúp việc nội trị.

Tuy rằng, phong kiến Á Đông  đề phòng nạn ngoại thích mà không cho nữ nhân tham gia chính sự, nhưng hậu cung bao giờ cũng là chiến địa nối dài cho cuộc chiến quyền lực chốn quan trường. 

Các vị cung phi hậu cung nhà Nguyễn hầu hết đều là con gái của các vị công thần, quan lại trong triều đình. Sự hậu thuẫn của gia tộc là một vũ khí lợi hại để các bà trong cung Nguyễn tranh sủng đế vương. Chính đấng chí tôn cũng dùng những cuộc hôn nhân chính trị để cân bằng quyền lực giữa các thế lực trong triều. 

Đổi lại những cuộc hôn nhân chính trị – nghĩa tình phu phụ ít nhiều mưu toan, các bà cung phi cũng được sống đời vương giả bậc nhất, nhung gấm lụa là, lầu son điện ngọc:

Một ngày dựa mạn thuyền rồng

Cũng bằng muôn kiếp sống trong thuyền chài

Càng vinh quý hơn với người phụ nữ leo lên được địa vị cao nhất, làm chủ Thanh cung, thiên hạ triều bái. Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ ghi lại Tiết Nguyên đán ở điện Khôn Đức như sau

Năm Gia Long thứ 2 (1803), lệ định hằng năm gặp tiết mừng Vương hậu ngày Nguyên đán, bách quan văn vũ trong kinh ngoài tỉnh và các trang ở huyện Tống Sơn, họ Lê, họ Trịnh đều dâng lễ trầu cau, đến ngày tiết dâng đủ bản kê đồ lễ, tờ mừng, làm lễ Khánh hạ.

Tết hoàng cung hậu cung nhà Nguyễn
Âu phi Hồ Thị Chỉ
Tết hoàng cung hậu cung nhà Nguyễn
Từ Cung Hoàng Thái Hậu

Kinh trải hết những minh tranh ám đấu trong Tam cung Lục viện, nếu Vương hậu vẫn vững ngôi khi tân đến đăng cơ, thì sẽ được sắc phong Thái hậu. Thái hậu, Hoàng thái hậu, Thái hoàng Thái hậu là những bậc tôn quý bậc nhất hậu cung, đặc biệt trong bối cảnh các vua Nguyễn không lập Hoàng hậu. Chữ hiếu làm đầu, vai trò trưởng bối đặc biệt được vua tôi nhà Nguyễn kính cẩn cung phụng. Niềm vinh hiển đó biểu hiện rõ ràng trong dịp Tết Nguyên Đán.

Ngày mùng 1 Tết, bên cạnh việc tổ chức nghi lễ đại triều ở điện Thái Hòa, các đời vua Nguyễn đều đưa hoàng thân và bá quan đến Từ cung làm lễ Khánh hạ để mừng thọ bề trên. Ngoại trừ gặp kỳ quốc tang hoặc thiên tai, nhật thực thì lễ Khánh hạ ở Từ cung được miễn hoặc có thêm một số quy tắc ngoài điển lệ, thì đa phần các năm đề hành lễ, tán xướng theo nghi lệ. 

Năm Tự Đức thứ 2, nhật thực trúng vào Mùng 1 tháng Giêng, các khoản triều hạ đều cho đình chỉ để tỏ ý kính trời, duy chỉ có hiếu lễ với Thái hậu là vẫn được trọng để như mọi năm: 

 

[...] Cũng nên châm chước khiến cho hợp với tình lễ vừa phải. Chuẩn đến ngày mồng 2, trẫm thân đưa các bề tôi đến cung Từ thọ lạy mừng. Giao bộ Lễ lựa bàn tâu lên, đợi chỉ thi hành, kính tuân theo bàn, được chuẩn định: đến ngày tiết, hoàng đế đội mũ cửu long kiểu nhà Đường, mặc long bào, cầm ngọc khuê, do đại nội đi đến cung Từ thọ, tuyên triệu các thân phiên, hoàng thân và bách quan vào làm lễ như như nghi lệ.

Từ những ghi chép còn vương lại trong sử sách, có thể mường tượng đôi phần khung cảnh ngày Tết trong hậu cung nhà Nguyễn hai trăm năm xa xôi về trước. Thái hậu nhà Nguyễn ngự tại ngai cao, nhận lễ 5 lạy của văn võ bá quan, đón lấy biểu mừng của quần thần từ tay viên Thái giám tâm phúc, cho miễn lạy mừng. Vạn phần uy nghi tôn quý.

Cái Tết của bề tôi trong hậu cung nhà Nguyễn

Đằng sau ngai cao của những bậc vương giả, còn thấy thấp thoáng bóng dáng của những bề tôi hầu cận. Cung nữ, hoạn quan cung nhà Nguyễn là các mảnh đời vô cùng mờ nhạt so với những chủ nhân lưu danh thiên cổ của minh. Tuy vậy, vẫn có thể lần dấu một số sinh hoạt ngày Tết của họ qua chức trách và những hoạt động của bề trên mà họ phục vụ.

Hoạn quan nhà Nguyễn, dưới thời Minh Mạng (1820 – 1841) được quy định về nhiệm vụ, thứ hạng, lương thưởng một cách rõ ràng. Tuy nhiên, nhà vua cũng quy định: 

Không cho dự vào phẩm cấp trong quan chế, để tỏ rằng hoạn quan không được kể vào hạng tấn thân.

Dường như, Minh Mạng muốn phòng việc hoạn quan chuyên quyền như nhiều trường hợp từng xảy ra trong lịch sử, cũng như cố kỵ Tả quân Lê Văn Duyệt sau vụ nổi loạn thành Phiên An.

Có thể thấy, hoạn quan nhà Nguyễn dù thân cận chủ tể đến đâu thì vẫn chỉ giữ vai trò phục vụ sinh hoạt chứ không còn cơ hội thăng quan tiến chức. Có lẽ vì thế mà đến triều Nguyễn, cũng không còn trường hợp chủ động thiến hoạn để nhập cung hầu cận nhà vua. Nhà Nguyễn sẽ tuyển chọn những người yếm hoạn bẩm sinh trong dân gian vào cung phục vụ. Và thực tế, Hoàng thành Huế cũng không qua biệt lập với dân chúng, hậu cung cũng không giấu ba nghìn giai lệ như các hoàng đế phương Bắc,… nên đội ngũ hoạn quan trong hậu cung nhà Nguyễn cũng không cần lên đến con số hàng trăm hàng nhìn như cảnh phim cổ trang Trung Quốc.

Tết hoàng cung hậu cung nhà Nguyễn
Các cung nữ trông coi lăng vua Thiệu Trị

Chủ yếu làm công việc hầu hạ cung cấm, nên “vai diễn” của các hoạn quan cũng nổi lên trong các hoạt động dọn dẹp, chuẩn bị phẩm vật đón Tết. Ví như phụng hành Phất thức, các hoạn quan sẽ phụ trách chuẩn bị sẵn bàn ghế ở điện Cần Chánh, chuẩn bị thau nước, khăn vải,… phụ trách việc bưng bê các bảo vật.  Các vua triều Nguyễn xem lễ Phất thức là thời điểm kiểm kê bảo vật của hoàng tộc, nên khâu chuẩn bị cũng tuyệt đối cẩn trọng, tránh thiếu sót, đổ vỡ chọc giận thánh tâm.

Những ngày giáp năm, dưới những tán ngô đồng đang đâm nụ trong điện Cần Chánh, từng có chăng một Tiểu Hoạn Quan tất bật chạy qua chạy lại, lau cái bàn, chùi cái cột, miệng lẩm bẩm phàn nàn bọn tiểu cung nữ tay chân lề mề không được việc. Điệu bộ lanh chanh phát ghét, nhưng vô tình lại phá tan cảm giác nặng nề trầm mặc của hoàng gia, góp thêm phần hứng khởi bừng bừng những ngày giáp Tết?

Ngoài ra, dù không được sử sách ghi chép tận tường, nhưng hoạn quan vẫn thấp thoáng bóng dáng trong từng nghi lễ đón Tết mà chủ nhân của họ chủ trì. Các hoạn quan sẽ là người truyền tin, tuyên chỉ, dâng biểu, phân phát phẩm vật vua ban cho chúng thần tử,… Công việc hầu cần bên cạnh đấng chí tôn cũng bắt buộc các hoạn quan phải nằm lòng các hoạt động theo điển chế của nhà vua. 

Mùng 1 Tết, trong Nghi lễ đại triều, ngài Ngự sẽ ngồi trên ngai vàng điện Thái Hòa nhận lạy mừng của quan lại, ban phát lì xì và truyền yến tiệc. 

Mùng 2 Tết, ngài Ngự đến làm lễ Tiến tân và chiêm bái tại điện Phụng Tiên (nơi thờ các vua triều Nguyễn), ban thưởng yến tiệc và tiền vàng cho các quan văn từ lục phẩm, võ từ ngũ phẩm trở xuống. (2)

Mùng 3 Tết, ngài Ngự thân hành đến Thái miếu làm lễ, sai các hoàng tử, hoàng thân đến tế tại Triệu tổ miếu và miếu Hoàng khảo. Ngoài ra, ngày đó ban yến cho biền binh, lính thợ trấn giữ ở các đồn lũy.

Từ Mùng 4 đến Mùng 5 Tết, ngài Ngự sắp xếp thời gian để đến thăm các vị ân sư, viếng lăng các vị tiên đế, đi chùa, đồng thời cùng với đó xem xét dân tình trong các ngày Tết như thế nào.

Đến Mùng 7 đã là ngày cuối của kỳ nghỉ tết. Ngài Ngự cho tổ chức lễ Hạ nêu rồi tống thần. Cũng vào ngày này, triều đình sẽ làm lễ Khai ấn để khởi động một năm làm việc mới…

Đơn cử một vài hoạt động chính của vua Nguyễn ngày Tết – một trong hàng ngàn hoạt động mà những Hoạn quan hầu cận phải nằm lòng, ghi nhớ.

Tết hoàng cung hậu cung nhà Nguyễn
Thái giám triều Nguyễn

Một đời hoạn quan, nếu nhập cung từ thuở thiếu thời, đến khi kết thúc sinh mệnh sau tường thành vạn trường, có chừng đâu đó 50 cái Tết như vậy (3). Nếu an ổn, được việc, họ sẽ leo lên hạng Thủ đẳng, giữ chức Quản vụ Thái giám hoặc Điển sự Thái Giám, hàng tháng nhận 6 quan tiền, 4 phương gạo, chưa kể những khoản thưởng riêng. Đó là khoản vật chất đủ để một đời người không nặng lòng cơm ăn áo mặc. Đến khi kết đời, những thân phận đặc biệt này sẽ có riêng một nghĩa trang là chùa Từ Hiếu, cách Hoàng thành khoảng 6 km về phía Tây Nam.

Tết hoàng cung hậu cung nhà Nguyễn
Tết hoàng cung hậu cung nhà Nguyễn
Vua Khải Định và các phi tần hoạn quan theo hầu

Cả Hoàng thành ăn Tết đến tiết Nguyên tiêu, mùi vị của Tết Cả cũng nhạt dần rồi lụi hẳn. Hoa mai nở tận, chồi non trổ lá xanh um. Những dụng cụ làm đồng đã im ắng suốt một mùa lạnh rục rịch hoạt động. Ấn vàng đã khai, vua tôi áo mão đủ đầy, thiết triều dâng tấu… 

Nơi lầu son gác tía hậu cung, ngô đồng trổ những chùm hoa hồng rực cuối cùng. Nữ nhân lại chuyên tâm nữ tắc, thêu thùa, làm mứt giải sầu,… Người an phận tiếp tục an phận, kẻ tranh đấu thì nỗ lực tranh đấu cho một cái Tết với vị thế khác xưa. 

Những con người trong hậu cung nhà Nguyễn, mang những thân phận và vận mệnh khác biệt, nhiều năm nếm đủ mùi vị nhân sinh, mỗi lần đón Tết lại có những cảm ngộ khác nhau. Nhưng dù là ai, kinh trải những gì, họ vẫn giữ lòng kính nể với phong tục truyền thống này. Đây là những ngày rũ bỏ gió bụi một năm, đoàn viên cùng quyến thuộc, cảm tạ ân đức trời đất. Là những ngày không cần bận tâm tranh đấu phàm tục, hưởng thụ sự ấm áp của thế thái nhân tình. 

Trăm năm biến dời, cái Tết cung đình tuy đã hóa bụi vàng nhưng vẫn còn lưu hương trong những mảnh hồi ký, sách sử. Tồn tại như một quá khứ cổ tích, ngày qua ngày lại phủ thêm một lớp bụi trần. Tuy vậy, nhìn những tòa kiến trúc còn lưu lại trong Hoàng thành Huế ngày nay, vẫn phảng phất quá vãng phồn hoa của điển lễ mừng xuân năm nào.

Tết hoàng cung hậu cung nhà Nguyễn

Chú thích:

(1) Từ cung ở đây là nơi ở của Hoàng thái hậu (mẹ đẻ của vua) hoặc Thái hoàng thái hậu (bà nội của vua); tùy từng triều vua mà tên gọi khác nhau, đời vua Gia Long gọi là cung Trường thọ còn từ đời vua Minh Mệnh về sau gọi là cung Từ thọ. Thông thường, Từ cung là nơi mẹ đẻ của vua ở, riêng đời vua Thiệu Trị thì do mẹ đẻ của ông là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu mất sớm nên Từ cung là nơi ở của Nhân Tuyên Từ Khánh Phúc Thọ Khang Minh Thái hoàng thái hậu (mẹ đẻ của vua Minh Mệnh), bà ở cung Từ thọ từ năm 1820 đến khi mất (năm 1846)

(2) Văn bản của Bộ Hộ vào năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) có nội dung ghi cụ thể việc ban thưởng cho quan lại nhân Tết Nguyên đán: “Tết Nguyên đán sắp tới, trẫm sẽ ăn tết cùng các khanh. Ngày hôm đó, truyền ban yến tiệc một bữa và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. Hoàng tử và chư công, mỗi người thưởng 20 lạng; quan văn, quan võ hàm chánh nhất phẩm, mỗi người 12 lạng; tòng nhất phẩm 10 lạng; tòng tam phẩm 4 lạng; chánh tứ phẩm 3 lạng;… thị nội, đội trưởng, suất đội, cai đội… đều được thưởng mỗi người 1 lạng và đều cho dự tiệc”.

(3) Tháng 3 năm 1824, triều đình có lệnh cho các địa phương từ Nghệ An ra Bắc Hà, xét hỏi trong dân gian xem có người nào là Yêm hoạn bẩm sinh, tuổi từ 13 trở lên – 65 trở xuống, thì do trạm dịch dẫn về Kinh đô Phú Xuân, không được giấu giếm.

Tết hoàng cung hậu cung nhà Nguyễn
Share