Nhắc đến Huế, người ta nhắc đến nhiều thứ. Người hoài cổ nhớ về một chốn Xuân kinh – Đế đô từng rực rỡ của một triều đại với lăng tẩm, người có tâm hồn thi nhân lại nhớ về dòng Hương – núi Ngự, người yêu ẩm thực lại nhớ đến gánh cơm hến của một mệ, một o nào đấy,… Nhưng chắc chắn với nhiều người, đó chính là nếp chùa ở Huế, một nét văn hoá vừa nằm ở giá trị vật chất lẫn phi vật chất. Chùa Huế là một khái niệm riêng, để chỉ một tổ hợp về vật chất lẫn tinh thần rất đặc trưng của vùng đất Xuân kinh.
Chùa ở Huế, khác với chùa ở Hà Nội, càng khác với chùa ở Sài Gòn, đó không chỉ là cảnh vật, không chỉ là kiến trúc vật chất mà còn nằm ở con người, trong thơ ca và cả trong tiềm thức. Phật giáo đồng hành cùng với mảnh đất này từ thuở xa xưa, người Huế xây nên chùa và ngược lại, chùa Huế góp một phần tạo nên tính cách thâm trầm, nhẹ nhàng của người Huế.
Chùa ở Huế có ở khắp nơi. Trong Hoàng cung, nơi Kinh đô, nơi phố phường náo nhiệt, nơi làng quê tĩnh lặng,.. có thể nói, ở đâu có người dân quần tụ, liền sau đó một mái chùa sẽ xuất hiện. Chùa là nơi gửi gắm khát vọng bình yên, là nơi con người tìm thấy sự an ủi lúc sống và là nơi kí thác một mảnh tâm linh khi đã quá vãng. Một vòng đời sinh – lão – bệnh – tử của con người gắn liền với những sinh hoạt chốn thiền môn.
Ngược dòng thời gian về thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, khi Tiên chúa Nguyễn Hoàng tìm đất định phủ, mở ra cơ nghiệp lâu dài cho họ Nguyễn ở Đàng Trong. Đến vùng đồi Hà Khê ven bờ sông Hương, Tiên chúa nghe dân ở đây truyền lại cứ đêm đến lại có một bà lão mặc áo đỏ, quần lục đến bảo mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh“, và từ chính ngọc đồi này, Tiên chúa đã xây nên chùa Thiên Mụ tồn tại đến nay đã hơn 400 năm.
Nói đâu xa, dù là một triều đại sùng Nho học, bái Khổng – Mạnh, nhưng ngay ở trong Đại Nội – trái tim của Hoàng triều – vẫn tồn tại một ngôi chùa nổi tiếng – Khương Ninh các nằm trong khuôn viên cung Diên Thọ, nơi lui tới lễ bái của các bà Thái hoàng Thái hậu, Hoàng Thái hậu và các bậc cung tần – mỹ nữ trong Lục viện. Đối tượng thờ tự trong Khương Ninh các đa dạng: từ các vị Phật, Bồ tát đến Tam toà Thánh mẫu, Quan Công, Tổ nghề Hát bội và cả các Hoàng nữ yểu mệnh, thể hiện sự đa dạng trong văn hoá tín ngưỡng của người Huế.
Gần hơn chốn Kinh thành là Diệu Đế Quốc tự, trước đó đây là tiềm để của Hoàng đế Thiệu Trị khi còn là một vị Hoàng tử mang tước vị Phước Tuy công. Ngày nay, ngôi chùa nằm nép mình bên bờ sông Đông Ba, ngày ngày vẫn đón người dân đến chiêm bái, học hạnh nguyện của các vị Phật và Bồ tát. Chùa đang trong giai đoạn đại trùng tu nhưng vẫn giữ lại ngôi chánh điện cũ với bức bích hoạ Long vân Khế hội trên trần nhà – tuyệt tác của nền nghệ thuật Việt Nam.
Từ cổng Ngọ Môn nhìn thẳng về phía Nam, băng qua dòng sông Hương, là một trục đường thẳng tắp dẫn đến đàn Nam Giao, nơi tổ chức lễ tế quan trọng nhất của một triều đại quân chủ thể hiện thế quyền và thần quyền của bậc Thiên tử. Không biết vô tình hay hữu ý, trên trục đường chính dẫn đến Nam Giao, hai bên đường có rất nhiều ngôi cổ tự danh tiếng của chốn Xuân kinh, vừa là chốn già lam trầm mặc, vừa là nơi đào tạo nhiều vị tăng tài xuất chúng.
Từ chùa Báo Quốc nằm nép mình trên ngọn đồi Hàm Long, Phật tử thập phương chỉ đi lên một chút nữa sẽ đến chùa Từ Đàm, nay là nơi đặt trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Huế. Đây đều là những ngôi chùa vừa có bề dày lịch sử, vừa góp một phần quan trọng trong tiến trình lịch sử chung của vùng đất này. Xa hơn một chút ra khỏi trục đường chính là chùa Tường Vân, ni viện Diệu Đức,… đều giữ lại nét chùa Huế truyền thống, với lối thờ tự đặc trưn.
Rảo nhẹ bước quanh các ngôi chùa Huế, bầu không khí làm người ta lắng lòng trở lại với giây phút hiện tại, quay lại nơi hải đảo tự thân để thầm biết được: Tịnh Độ không phải ở đâu xa, mà là ở Đây và ngay lúc Này.
Chùa Từ Hiếu cũng là một ngôi chùa đáng chú ý trong hệ thống chùa chiền xứ Huế với sự xuất hiện của khu mộ dành cho các Thái giám triều Nguyễn. Họ, những người cả đời phụng sự Hoàng gia nhưng khi qua đời không có con nối dõi, đã tìm đến sự an ủi sau cùng nơi cửa từ bi, ấy xem như là sự giải thoát cho một kiếp nhân sinh chưa trọn vẹn. Thiền sư Thích Nhất Hạnh sau nhiều thập niên ở nước ngoài cuối cùng cũng đã về lại chính nơi chốn Tổ cho những năm tháng sau cùng.
Dưới chân núi Thiên Thai, nằm sâu trong cánh rừng, ngôi chùa Thiền Tôn vẫn ở đấy sau hàng thế kỉ, với mộ tháp của thiền sư Liễu Quán, u tịch và trầm mặc nhưng đẹp đến nao lòng. Trên dãy Bạch Mã vẫn sừng sững ngôi Thiền viện Trúc Lâm ghi dấu một dòng thiền của riêng dân tộc ta. Giữa khu đô thị, nơi miền quê nghèo, trên non thiêng, giữa chốn rừng u tịch, nơi làng chài ven biển,… ngôi chùa vẫn luôn tồn tại, như một sự xác tín của người Huế đối với đạo Phật, nơi mái chùa chở che hồn dân tộc.
Chùa ở Huế không quá to, cũng chẳng quá hoành tráng, nhưng đâu vì thế mà thiếu nét cầu kì của ngôi phạm vũ chốn cố đô trên từng pho tượng, từng mái ngói hay một nét hoa văn trên cột gỗ. Bước vào chùa là mùi trầm hương dìu dịu vương khắp không khí từ những lư, những tháp trầm hương, là tiếng tụng niệm trầm hùng vang động đến cả những cõi U Minh, tiếng chuông văng vẳng bên tai đôi khi như vọng lại từ chính trong tâm thức,… Chính từ nơi chốn này, mà hồn Huế vẫn được bảo lưu suốt những năm dâu bể thăng trầm.
Ngay trong mỗi nếp nhà người Huế truyền thống, khi bước qua cổng, đi qua tấm bình phong để vào nhà chính, gian giữa của ngôi nhà thường được bố trí để làm nơi thờ Phật rất trang nghiêm và ấm cúng. Phật “ngự” ở trên ấy, trang nghiêm mà gần gũi, chứng kiến tiếp tục bao phận đời, bao thế hệ tiếp nối nhau đang ngày đêm gìn giữ nếp sống của người Huế.
Người Huế mến chuộng đạo Phật, kính Tam Bảo, trọng Tăng già, không có dòng họ nào mà không có người đi tu. Gia đình và dòng họ xem đó là một niềm vinh hạnh và phước đức rất lớn. Họ là những bậc chân tu, sống tốt đời, đẹp đạo, và ngay trong những ngày tháng đổ lửa vì cuộc pháp nạn Phật giáo, họ cũng là những người đứng lên – ký ức về Huế năm ấy vẫn khiến hàng thế hệ tự hào.
Để rồi, cứ mỗi cuối tuần, người Huế lại thành kính chắp tay, khiêm nhường đứng về phía bên đường khi đoàn nhà sư trong y phục màu vàng từ Huyền Không Sơn Thượng đi như một dòng sông giữa phố phường để khất thực, tạo nên một khung cảnh đan xen giữa hư và thực, như thấy lại tăng đoàn của Đức Phật cách đây hơn hai nghìn sáu trăm năm.
Tôn Thất Minh Khôi là hậu duệ Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa thứ 8 của triều Nguyễn; sáng lập Tóc Xanh Vạt Áo– Ngày Hội Việt Phục và Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi. Anh tham gia cho cố vấn cho các tác phẩm điện ảnh, đồng hành cùng thương hiệu cổ phục như Hoa Niên – Năm tháng tươi đẹp, đồng thời là gương mặt diễn giả quen thuộc đối với những người yêu thích cổ phong.
Art Director Lê Minh Designer Tai Phan Researcher Hồ Đức Editor Lê Minh Thư Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc