Ông ta đến bên chiếc cà sa, nhặt lên thì thấy con hồ ly chỉ còn lại bộ xương trắng. Không nói không rằng, ông đến bên Hùng, một tay đặt lên vai Hùng, tay kia đặt lên đầu Thông, rồi lầm rầm gì đó nghe như tiếng Phạn. Thông ho sặc sụa, thân thể mềm trở lại, khuôn mặt phục hồi sinh khí còn Hùng cũng cảm thấy khỏe trở lại.
Hùng cảm tạ vị lão tăng rối rít. Ông ấy chỉ khoát tay ra dấu không nên câu nệ. Thông lúc này đã tỉnh hẳn, cũng vái chào vị lão sư ân nhân, hỏi:
– Ơn cứu mạng của sư thầy cả đời con không quên. Chẳng hay sư thầy có phải tu ở chùa trên triền dốc kia không?
Ông ấy gật đầu rồi nói:
– Hai vị thí chủ đây bất chấp lời khuyên của đồ đệ bần tăng, hậu quả thì hai vị thấy rồi đó. Giờ hai vị hãy theo bần tăng trở ra, mô phật.
Hùng nói:
– Lúc nãy không có sư thầy, tụi con chết chắc rồi. Sư thầy cho con hỏi một câu. Có phải Vách Ma Giấu ngoài kia là thầy dựng nên đúng không? Trong này nếu chỉ có mộ hồ ly không thôi thì con nghĩ chẳng phải nhọc sức đến thế. Vậy quả thực nơi này có bí mật gì?
Ông ấy nhìn Thông và Hùng. Thấy họ dù gì cũng không có ác ý, chỉ là tò mò phiêu lưu quá nên mới quyết đi vào nơi này. Ông thở dài, mời họ ngồi xuống rồi kể về lai lịch Vách Ma Giấu. Vị sư đó pháp danh là Thích Viễn Từ, tục danh là Bảy Săm, vốn là sư huynh của Chín Danh. Ngày xưa khi xuất sơn, hai người họ cùng về vùng này, lúc đó khoảng những năm 1960. Hùng và Thông hết sức kinh ngạc, nói vậy tuổi đời Chín Danh ắt hẳn cũng phải hàng bảy tám mươi tuổi, nhưng trông ông ta trẻ hơn rất nhiều.
Viễn Từ Đại sư kể, ngày đó họ theo học một thầy Đạo Giáo ở Chợ Lớn, họ Lý, đồ đệ ông ta gồm mười người, Viễn Từ là đồ đệ thứ bảy, Chín Danh là người cuối cùng Lý sư phụ thu nhận (tục lệ ngày xưa, nhà có cả anh Cả và anh Hai, nên mười người mà danh xưng chỉ tới chín). Sau khi vị sư phụ do dính vào ân oán giang hồ đã lâu, bị người ta dùng ngải hại chết, ông căn dặn đệ tử không nên tính đến chuyện báo thù, hãy đi khắp nơi phát dương quang đại giáo lý trừ yêu diệt ma giúp đời.
Khoảng những năm sáu mươi, Bảy Săm và Chín Danh đến vùng Bảy Núi. Dự định tu tập nâng cao pháp lực, họ chọn Anh Vũ Sơn làm nơi thiền định. Đối diện núi này là một ngọn đồi thấp, khoảng bảy mươi mét, người dân quen gọi là Hòn Chông Chênh. Lúc này, chính quyền cho khai thác đá ở đồi để làm đường và các công sự gần đó. Họ huy động một tiểu đoàn công binh cùng rất nhiều máy móc cơ giới. Mọi việc đều bình thường cho đến ngày thứ sáu, thứ bảy thì bỗng họ bắt đầu đào được rất nhiều quan tài. Ban đầu là các quan tài gỗ thường, sau đó đến các quan tài chạm khắc cầu kỳ hơn. Nhìn vào chúng và cả những thi thể bên trong khó lòng đoán nổi niên đại, nhưng ít nhất cũng phải vài trăm năm tuổi.
Kỹ sư trưởng ban đầu cũng thấy bình thường, nhưng càng lúc càng đào được nhiều quan tài, mỗi lần đào được thì lại có công nhân lăn ra ốm, máy móc hư hỏng, ông ta lo lắm, bèn lên núi Két tìm gặp Bảy Săm. Bảy Săm cùng sư đệ đến nơi xem xét, thấy nơi đây là mộ hợp táng, có lẽ xuất hiện vào những năm 1500. Khi đó Chúa Nguyễn vẫn chưa khai phá vào tới đất này, họ đoán đây là một thành thị nhỏ thuộc ảnh hưởng của Chân Lạp. Các mộ được hợp táng theo hình tròn, quây xung quanh tâm là Hòn Chông Chênh nằm ở vị trí chính giữa.
Bảy Săm nhìn sơ ngang đã biết chôn kiểu này chỉ có để trấn yểm. Theo ông đoán, vật chủ bị trấn yểm hẳn phải nằm ở tâm vòng tròn được tạo nên bởi các quan tài. Nếu vậy thì phải khoan vào lớp núi đá. Bảy Săm nói với ông kỹ sư, đào thẳng vào chính giữa đồi.
Quả nhiên ngày hôm sau, lôi ra được một quan tài gỗ, đặt trong quách đá, xung quanh chạm nổi họa tiết rồng mây theo kiểu hoa văn Khmer hết sức cầu kỳ. Bên trong là thi thể một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi, da thịt vẫn còn căng, không có dấu hiệu thối rữa, nhưng miệng cứ ọc ra chất dịch màu đen, ngập đến gần nửa quan tài. Nghĩ đó chính là yêu quái, Bảy Săm lập đàn phá trận trấn yểm, thiêu hủy thi thể kỳ lạ kia. Sau đó mặc dù còn đào được quan tài nhưng không ai bệnh, xe máy không hư nữa.