Châu Đốc – Miền Tân Cương thần bí tận cùng nước Việt

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Châu Đốc – Miền Tân Cương thần bí tận cùng nước Việt

Giờ nhắc đến Tân Cương ai cũng nghĩ đến vùng đất xa xôi phía Bắc Trung Quốc, nơi con đường tơ lụa đi ngang, nơi có tộc người Duy Ngô Nhĩ đẹp như tiên nga giáng trần, quê hương của Địch Lệ Nhiệt Ba, Cổ Lực Na Trát,… Kỳ thực, Việt Nam mình cũng có Tân Cương nằm ở xa xôi tận cùng phương Nam.

Xứ Tầm Phong Long

Bản đồ Tầm Phong Long - Vùng đất lấy được sau cùng trong cuộc Nam tiến.

Đất An Giang từng là Kompong Luong (Tầm Phong Long) của Chân Lạp. Khi nước ấy dâng đất, Tầm Phong Long trở thành vùng biên viễn của Việt Nam, rất xa xôi cách trở. Dưới quyền cai trị của chúa Nguyễn, khu vực này được chia thành 3 đạo:

– Châu Đốc đạo.
– Tân Châu đạo.
– Đông Khẩu đạo.

Vua Gia Long gọi xứ ấy là Châu Đốc Tân Cương, ngụ ý là nơi biên viễn của Việt Nam. Không tính đến các hiệp ước ký kết phân chia đất đai giữa Pháp và Thanh về sau thì vùng cương vực mới mẻ này cũng là một trong những mảnh đất cuối cùng mà người Việt sáp nhập vào bản đồ. Sử chép rằng nơi đây:

Xưa là đất Tầm Phong Long, năm Đinh Sửu thứ 19 đời Thế Tôn [tức năm 1757], quốc vương Chân Lạp Nặc Tôn dâng đất này, đặt làm đạo Châu Đốc. Vì đất ấy có nhiều chỗ bỏ hoang, đầu đời Gia Long mộ dân đến ở, gọi là Châu Đốc Tân Cương.

Bản đồ tỉnh An Giang thời Nguyễn (vùng viền màu đỏ). Hai con sông Tiền, sông Hậu (viền màu xanh dương). ​

Để dễ dàng kiểm soát Tầm Phong Long, dưới sự giám sát của Thoại Ngọc Hầu, nhà Nguyễn đã đào kênh Thoại Hà và Vĩnh Tế để tạo ra một biên giới nhân tạo, cắt đứt nó khỏi nước Chân Lạp vĩnh viễn. 

Vì Tầm Phong Long là vùng biên giới nên thường xuyên bị nước Xiêm La đe dọa. Muốn tiến đánh nước Xiêm, đường bộ thì qua ngả Tây Ninh xuyên từ Nam Vang đến Vọng Các, còn đường thủy thì thẳng theo kênh Vĩnh Tế đổ quân ra cửa biển Hà Tiên.

“Đào kênh trước, mấy kỳ khó nhớ
Khoác nhung y chống đỡ biên cương.
Xông pha máu nhuộm chiến trường
Bọc thây da ngựa, gửi xương xứ này…”

Sau chiến tranh với nước Xiêm năm 1834, có lẽ nhà Nguyễn nhận thấy xứ này quá dễ bị uy hiếp trước một cuộc tấn công từ phía Tây. Họ quyết định lấn sâu hơn nữa vào đất Chân Lạp, biến nước này thành tỉnh thứ 32 của Đại Nam với tên Trấn Tây thành , để tạo thành một vùng đệm. Giai đoạn đó, biên giới Việt giáp với biên giới Xiêm ở vùng Biển Hồ. 

13 năm cai trị Trấn Tây là một thất bại, nhà Nguyễn buộc phải rút hết quân về lại thành Châu Đốc trên đất Tầm Phong Long ở phía bên kia kênh Vĩnh Tế, cố gắng giữ chắc phần đất mà mình phải rất gian khổ mới có được. Trải qua thời Pháp thuộc, bản đồ được phân chia lại, nhưng Tầm Phong Long vẫn thuộc về Việt Nam.

Thất Sơn huyền bí

Tu Phật Phú Yên
Tu Tiên Bảy Núi

Bảy Núi, Thất Sơn, hay bất cứ tên gì người ta đặt cho địa danh trên đều phủ màu sắc thần bí. Xứ sở này xa xôi hẻo lánh, cực kỳ thích hợp cho những bộ phim mang yếu tố tâm linh rùng rợn. Bảy Núi giáp Chân Lạp, tương truyền là nơi tập hợp của các cao thủ võ lâm và đạo sĩ, của tôn giáo và bùa ngải, của kỳ hoa dị thảo và quái vật như xà niêng, hổ mây… 

Bản đồ Bảy Núi.

Trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung đã nghĩ ra Ngũ Nhạc Kiếm Phái là tên gọi năm võ phái đến từ năm ngọn núi: Thái Sơn, Hoa Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn và Tung Sơn. Vùng Châu Đốc huyền bí của chúng ta cũng thật sự sở hữu nhiều giáo phái, võ phái, cùng bảy ngọn núi nổi tiếng nhất thuộc dãy Thất Sơn. Tên chúng là: 

Theo thuật phong thủy, nhiều đời nay người ta tin rằng Thiên Cấm Sơn là một long huyệt quan trọng giúp vùng Thất Sơn yên ổn. Gia Định thành thông chí ghi nhận:

Hang núi ngậm mây, suối cong nhả ngọc, lại có những cây giáng hương, tốc hương, cây cối xanh um, cầm thú béo mập. Phía Đông có ruộng đồng bằng phẳng, phía tây có hồ nước... Ngoài ra, còn nghe gà gáy dưới bóng trăng, chó sủa trong hang động, cảnh huống yên hà ngoài thế giới vậy.

Gia Định thành thông chí

Châu Đốc Tân Cương

Khi Châu Đốc đã thuộc về Việt Nam gần 70 năm, Quốc vương Chân Lạp tên Nặc Chăn lại dâng thêm ba vùng đất mới nữa là Chân Sâm, Mật Luật và Lợi Ỷ Bát để cám ơn Thoại Ngọc Hầu đã bảo vệ họ khỏi nước Xiêm. Tin tức bay về Huế. Cả triều đình Việt Nam xôn xao bàn tán rằng nên nhận thêm đất ấy không. Có người rất tức giận như Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Hữu Thận:

“Đất đai của Chân Lạp là bờ cõi của triều đình, Thoại dẫu có hiền tài và khó nhọc cũng là phận sự của bầy tôi mà thôi. Chăn! Sao được cắt đất để đền ơn riêng. Thoại! Sao được tự lấy làm công của mình mà nhận báo ơn, không nên cho.”

Nguyễn Văn Hưng suy nghĩ: 

“Đất ấy nên lấy mà không lấy ngay. Nay hãy sai thành thần lấy chuyện báo riêng là phi lý mà bẻ, mà mật khiến Thoại bảo Chăn sai sứ trước xin đặt quan để vỗ về, nhân thế “dùng Hạ mà biến Di” rồi sau nhân dân ba phủ ấy cũng sẽ như Uy Viễn ngày nay, đất đai ba phủ ấy cũng sẽ như Trà Vinh, Mân Thít ngày nay, thế là không lấy mà lấy vậy.”

Phạm Đăng Hưng tâu:

“Đất ba phủ ấy gần kề Châu Đốc, vượt mà lấy được thì cái thế Tân Cương ngày thêm mạnh, ấy cũng là cơ hội tốt, nhận lấy là phải.”

Châu Đốc xưa

Lê Văn Duyệt nói:

“Chân Lạp báo ơn Thoại không phải là bản tâm đâu, chỉ vì cớ người Xiêm nuôi nấng em nó cho nên muốn giữ vững sự giúp đỡ của ta mà thôi. Nếu nhận lấy thì hơi tham mà người Xiêm lấy cớ nói được. Từ không lấy cả thì sợ trái với ý trù biên của Thế tổ Cao hoàng đế ta.”

Ông cũng nhận định thêm:

“Vả lại, ba phủ ấy thì Lợi Ỷ Bát hơi xa không nhận cũng phải, còn Chân Sâm và Mật Luật thì Giang Thành, Châu Đốc của ta ở ngay chính giữa. Thần xin nhận lấy đất mà trả lại thuế má, để cho họ biết là triều đình ta chỉ vì kế sách bờ cõi chứ không phải vì lợi vậy. Nhân đấy mà vỗ về thương yêu nhân dân, khiến cho dân sâu ngấm ơn ta, vui lòng theo về, ngày sau sẽ có lúc dùng đến. 

Nếu nay bỏ không lấy, giả sử có việc lôi thôi ở biên giới thì Châu Đốc, Hà Tiên chưa hẳn giữ được, mà hàng rào của Gia Định sẽ yếu vậy

Lê Văn Duyệt

Trịnh Hoài Đức hối:

“Cơ hội không nên bỏ quá, sự biến chẳng biết thế nào là cùng; cơ biến mà lường đo được là ở người sáng suốt. Duyệt giữ trọng khổn đã lâu, biết rõ biên tình, xin châm chước lời của Duyệt mà làm là tốt nhất”.

Cuối cùng vua Minh Mạng quyết định:

“Trẫm xem những lời tâu của các khanh, duy chỉ có lời bàn của Duyệt là hơi vừa ý trẫm… một vài phủ cỏn con đối với triều đình, có hay không cũng chẳng làm gì. Chỉ nghĩ nước Chân Lạp là nước nhỏ ở xen vào giữa hai nước lớn, cái lòng sợ ngoại xâm rất là thiết tha, cho nên cố kết giao tình với bảo hộ (Thoại Ngọc Hầu) là ý muốn cho căn bản được bền vững mà thôi. Trẫm xét tấm lòng thành thực không nỡ phụ nguyện vọng của họ. 

Vậy hạ lệnh cho Nguyễn Văn Thoại, nhận lấy nhân dân hai phủ Chân Sâm và Mật Luật họ hiến mà coi giữ dạy bảo cho biết giới luật để gìn giữ bờ cõi của họ. Còn như lệ thuế thì đều do quốc vương Chân Lạp chiếu quản.”

Và thế là năm 1824, hai vùng đất mới được thêm vào cho tân cương. Đất nước ta lại mở rộng thêm nữa về phía Tây.

Sau bao năm tháng thăng trầm, bốn chữ đầy đủ Châu Đốc Tân Cương, minh chứng cho một thời mở đất, giờ chẳng còn mấy ai nhớ đến.

Từ Thừa Thiên ra Bắc lấy thú sở cơ Lục Kiên ở Quảng Ngãi làm phụ cận, thành Gia Định làm cận biên, Châu Đốc Tân Cương làm viễn biên, Hà Tiên làm cực biên lam chướng.

Art Director Lê Minh
Thiết kế và minh hoạ: Tai Phan
Editorial Director
Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share