Hùng quay sang nhìn Tú Linh. Mặt cô cũng thoáng chau lại rồi mới đưa mắt nhìn Hùng, điệu bộ như đồng ý với suy nghĩ của Hùng: ông Ba đã hoá điên! Anh Hùng vừa định đến bên ông Ba nói gì đó thì bị Tú Linh ngăn lại, cô ngồi thụp xuống kế bên, khoác tay lên vai ông Ba, trông rất gần gũi, bảo:
– Bác Ba nhớ con hông? Con là đồ đệ của Lục Tỷ nè.
Vừa nói, tay cô rất nhanh, dùng hai đầu ngón trỏ và áp út, nhưng thực ra có lẽ là phần móng tay, ấn vào đỉnh hai bên sau đầu rồi hai bên cổ.
Bỗng nhiên ông lão vẻ mặt bình thường trở lại, quay sang nhìn Tú Linh, cười điệu bộ hết sức thân mật, bảo:
– Mày hả Sáu? Hôm nay mày đến thăm tao hả? Mày đừng đến đây…
Ông bỏ lửng câu nói chỗ đó rồi đưa mắt rảo xung quanh như kiểu xem có ai đang theo dõi hay không, rồi ghé tai nói nhỏ với Tú Linh:
– Thầy còn sống, còn sống đó, mày đừng đến gặp tao, Thầy biết là thầy xử hai đứa đó, nghe chưa. Mày nhớ hồi đó mà phải hông, con Tám đó, tao giả chết nên Thầy tha tao đó, mày nghe tao đi Sáu!
Thú thật lúc ấy, khuôn mặt của bốn chúng tôi đều như nhau – ngơ ngác. Tú Linh muốn chắc lại, bèn thử hỏi về các kỹ thuật của Hàng Thịt cũng như các vấn đề của Lục Lâm khác, lão đều trả lời răm rắp, nhưng vẫn gọi Tú Linh là Sáu.
Cô đứng dậy, ra vẻ bất lực, đi về phía anh Hùng bảo:
– Theo những nhận dạng em biết được về chú Ba thì đúng là người này rồi. Cái bớt trên trán không lẫn đâu được!
Tuy nhiên trước mặt chúng tôi là một Ba Lành đang bị mất trí, vô cùng hoảng loạn mỗi khi nhắc đến Lý Tổ sư. Nếu vậy thì trong quan tài là ai?
Anh Hùng cảm thấy thế này thì không ổn, bèn đến bên ông Ba, hỏi:
– Chú Ba, con nghe nói chú từng đi vào hang Mo So, con định tìm Ngọc Rết trong đó, trong đó có không vậy chú?
Trái ngược với suy nghĩ của anh Hùng rằng ông vẫn trả lời ngây ngô. Đột nhiên mặt ông căng lại, tỏ vẻ rất trầm ngâm, rồi như nhớ lại gì đó kinh khủng lắm, ông lại ôm đầu kêu lên:
– Có, có, tui vô trỏng rồi, đừng có vô, a a…
Anh Hùng ra hiệu Tú Linh tiếp tục điểm huyệt. Cô làm ông trấn tĩnh lại một chút rồi mới hỏi nhỏ:
– Anh Ba, em định vô đó, mà nghe nói có Quỷ hồn Ca Lâu Vương. Em sợ đi công cốc, vừa không tìm được Ngọc Rết, vừa gặp Quỷ Vương thì chết em.
Cô nhái cách nói chuyện của Lục Tỷ. Ông Ba bình tĩnh lại, thở đều, rồi nói:
– Lúc đó tao đi với thầy, có Ngọc Rết đó, có Ngọc Rết đó…
Rồi ông lại cười khà khà và vỗ đùi chan chát! Anh Hùng hỏi:
– Chú Ba, nãy con ghé nhà gặp anh Quý. Anh Quý không biết chú ở đây, Chú làm sao hay vậy?
Rõ ràng là anh đang muốn hỏi về thực hư chuyện ông giả chết. Ông Ba quay sang nhìn Hùng, nhếch mép cười:
– Thằng hai nó chỉ được cái làm theo lời tao nói. Chớ đụng chuyện mà không có tao. Nó biết kỹ thuật là gì thì tao cùi cho mày xem!
Chúng tôi vẫn im lặng, ông Ba nói tiếp:
– Tụi bây biết sao hông, tao thấy không ổn. Tao sợ Thầy phạt tao, tại Thầy tới kiếm tao, mà tao đâu có chịu đi với Thầy. Thầy khác rồi… Tao sợ lắm. Thầy tao ổng dữ lắm đó. Cái tao giả chết. Tao lấy cây gòn, dùng Hình tạo dáng cho nó, thế mà thằng hai nhà tao không nhìn ra. Uổng công tao dạy nó gần ba chục năm nay!
Thì ra ông lão dùng hình nhân thế mạng. Sau đó cả anh Hùng, Tú Linh và Sinh cố dở hết mánh của Lục Lâm để khai thác ký ức từ ông Ba, nhưng ông thực sự bị mất trí rồi, nên chẳng nhớ được gì. Cứ hễ kể đến lần nhóm ba người lạ mặt đến thì ông lại nói Lý Tổ sư về kêu ông đi theo làm đồ. Ổng không chịu, sợ Thầy phạt nên giả chết trốn ra Hòn Tre này. Đó cũng là lúc ổng dựng nên Tứ phong ấn bốn phía đảo.
Chúng tôi cảm thấy bế tắc đang dần hiện rõ, bỗng ông Ba nhìn lên ba lô anh Hùng đem theo và thấy cái vô lăng, ông kêu lên rồi chạy đến sờ vào nó, hết sức nhẹ nhàng như người chủ đang vuốt ve chú cún. Thấy vậy, anh Hùng liền hỏi:
– Này đồ chú Ba làm phải hông? Đẹp lắm đó, sao chú khắc được mấy chữ này vậy?
Ông Ba cười hề hề, bảo là chữ này tiếng Phạn cổ thôi, có gì ghê gớm. Lục lâm lão làng ai mà không tinh thông. Bỗng, ông như sực nhớ lại gì đó rồi đứng dậy ù chạy vào căn nhà lụp xụp. Chúng tôi cũng chạy theo sát bên. Căn nhà kho chỉ chừng ba mươi mét vuông nhưng chứa rất nhiều đồ, dụng cụ, hết sức ngăn nắp.
Ông Ba thì đang lúi húi như lục lọi gì đấy. Tôi tranh thủ đảo mắt quanh căn phòng, nhìn những thứ treo trên vách nhưng không biết nó là gì, chỉ biết dựa vào khuôn mặt ba người kia để biết đó là những bảo bối hết sức quý giá đối với giới lục lâm. Tôi thấy anh Hùng cứ chăm chăm nhìn vào một cây búa, cán gỗ chạm hình rồng phượng hết sức tinh xảo và đẹp mắt hài hoà. Phần đầu thì nhìn hơi rỉ sét nhưng lưỡi lại sắc lạ thường. Dĩ nhiên tôi biết đấy cũng thuộc hàng pháp khí thượng thừa. Vừa định hỏi anh Hùng về lai lịch của nó thì nghe ông lão kêu lên:
– Hê hê, thấy rồi, thấy rồi. Sáu, mày qua đây, anh cho mày xem cái này nè.
Ông lão bày ra một tấm da trâu, trên đó được khắc chữ Hán. Trông tấm da hết sức cũ kỹ nhưng nét chữ nhìn còn hệt như vừa mới khắc ngày hôm qua. Tú Linh đón tấm da, chỉ vừa đọc vài dòng cô đã không thể kìm nén sự kinh ngạc trên khuôn mặt, Hùng hỏi trên đó viết gì thì Tú Linh chỉ đáp gọn lỏn: Ca Lâu Thành.
Tôi hỏi Tú Linh:
– Chế đẹp đây biết cả tiếng Hán cổ à?
Cô chỉ cười nhếch mép rồi nói:
– Đặc thù nghề nghiệp thôi nhóc ơi. Hàng rong nào cũng phải tinh thông ít nhất ba ngôn ngữ cổ thường thấy: tiếng Hán, tiếng Phạn, và tiếng Khmer cổ, đọc được tấm da này với chế dễ ẹc.
Ba chúng tôi đứng lại kế bên Tú Linh như ra hiệu cho cô bắt đầu kể nội dung trên đó, cô trải đều tấm da ra cho chúng tôi xem – dày đặc những chữ là chữ. Tú Linh đưa mắt đọc một hồi, càng đọc thì cô càng thể hiện những biểu cảm hết sức khó hiểu.
Đọc chừng mười phút, cô quay sang giải nghĩa cho cả đám. Thì ra miếng da trâu đó được viết bởi một người nước Tây Tấn, tên là Từ Khoái. Năm Thái Khang thứ chín triều Tây Tấn, Trung Quốc (khoảng năm 288, tức thời vua Tấn Vũ Đế – Tư Mã Viêm, ai đọc Tam Quốc hẳn đều biết ông này), Từ Khoái được lệnh thống lĩnh hai mươi thuyền xuôi về phương Nam, tìm kiếm các vương quốc mới để mở rộng quan hệ.Khi đi ngang vùng biển Vịnh Thái Lan, đội tàu của ông bỗng dưng gặp cuồng phong, đều chìm cả, duy chỉ một chiếc của Từ Khoái hư nhẹ, dạt vào bờ. Tại đây có Ca Lâu Thành, một tiểu quốc nhỏ, khá độc lập.