[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 68: Chánh điện Ca Lâu Thành

[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 68: Chánh điện Ca Lâu Thành

Kỳ trướcBọn Hùng Bonsai thuận lợi bước trên con đường dẫn vào thành Ca Lâu, nhưng mọi việc diễn ra quá thuận lợi khiến bọn họ không khỏi nghi ngờ. 

Dưới chân tôi là con đường lát đá như bình thường, nó dẫn tới một dãy tường thành được xây lên cao. Dãy tường này kéo dài ra một vách núi rồi nối lên chiếc cầu dẫn vào tòa thành khổng lồ. Chân cầu là những cột đá tảng to như chiếc xe tải xếp chồng lên nhau, nâng đỡ, bao trùm kiến trúc hùng vĩ phía trên. Không biết phía gốc của những chân cầu này là gì, chỉ thấy một màu tối đen như hũ nút. Thỉnh thoảng, trên đỉnh tháp cao nhất của tòa thành, ánh sáng màu đỏ chớp tắt, soi rọi một phần rộng lớn khuôn viên bên ngoài. Tôi thấy hai bên cây cầu có những bụi cây không có lá, chúng mọc lên chia chỉa, trông giống những bàn tay gầy còm, da bọc xương đang giơ lên không trung, chết đuối trong dòng sông màu đen. 

Anh Hùng là người bước lên trước nhất. Trong khi chúng tôi vẫn còn ngỡ ngàng về vẻ đẹp tráng lệ mà ma mị của Ca Lâu Thành, anh bảo giờ cả đoàn sẽ dùng đuốc chứ không dùng đèn pin nữa. Chúng tôi cũng chẳng ai phàn nàn hoặc đặt ra câu hỏi gì cả, dường như đã quen với chuyện làm gì cũng có lý do của anh Hùng. Sẵn tiện, anh châm điếu thuốc, đưa bao thuốc cho Tú Linh, tôi và Sinh. Tôi có thử mời Thùy và Tùng nhưng cả hai đều lắc đầu ngao ngán. Cả đoàn bỏ ba lô xuống rồi bước đến chỗ bờ vực ngồi nghỉ chân, ai làm việc nấy. 

Từ lúc ngồi xuống cho đến khoảng mười lăm phút sau, tôi thấy anh Hùng và Sinh cứ đứng ngồi không yên, thằng Sinh nốc vài hơi rượu nhưng mỗi lần trút ngược đít chai, nó đều nhăn mặt. Thú thực tôi cũng có cảm giác bồn chồn. Tôi thử sờ lên bả vai, tìm kiếm một cảm giác quen thuộc, nhưng hoàn toàn không có gì cả. Tôi không còn cảm thấy đau nữa. Nếu dùng lô-gic mà giải thích, thì chỉ có một kết luận duy nhất đó là xung quanh không còn nguy hiểm, nhưng về tình về lý thì không đúng chút nào. Rìa ngoài Ca Lâu Thành đi đâu cũng gặp ma, quỷ, côn trùng, ngồi yên chưa được năm phút thì đã phải chạy tiếp. Thực tình từ lúc vào đường hầm, tôi không dám mong chờ sự an toàn nào hết. 

Dường như anh Hùng cũng hiểu ý tôi hay sao. Anh đến ngồi cạnh, phóng tầm mắt lên tòa thành cao ngất ngưỡng, chỉ vào nó rồi nói: 

– Mày cũng cảm nhận được đúng không?

Tôi gật đầu, anh tiếp: 

– Suy nghĩ sơ thì thấy vô lý, nhưng mày cũng nên nhớ một chuyện, trong cuộn da của Thùy có ghi về việc Ca Lâu Vương ngày xưa trừ ma diệt quỷ. Có thể ông ta đã đặt trong tòa thành thứ gì đó có uy lực ngất trời, ngăn cho bọn ma quỷ không dám bén mảng đến gần.

Tôi hỏi: 

– Ngô Công Kim Thân hả anh?

Anh lắc đầu: 

– Không không, viên ngọc rết đó không liên quan. Nó chỉ là viên ngọc hiếm, mang Thái Dương, vậy thôi. Nó tỏa ra dương khí cực mạnh, không thu hút bọn ma quỷ thì thôi chứ làm gì có chuyện trấn yểm, phòng ma.

– Vậy rốt cuộc là cái gì?

Sinh xoa xoa vết thương rồi quay sang nói: 

– Làm sao mà biết được ông ơi, ngoài việc đi vào đó rồi tự mà tìm hiểu.

Thùy và Tùng chỉ ngồi im lặng, họ vẫn chăm chú lắng nghe, nhưng không ai lên tiếng. Tú Linh bảo: 

– Tiền bối của mình thiếu gì bài, như bác Ba đó, lập nguyên cái vòng vây xung quanh đảo Bia Mộ đó. Ông nội Ca Lâu Vương này hành tung bí ẩn, mới có hai ghi chép của hai người mà thông tin đã làm mình loạn cả lên, Không biết ổng còn giấu cái gì trong đó nữa.

Anh Hùng gật đầu, thêm vào: 

– Đúng. Nói ổng có khả năng lập hàng rào trấn yểm cũng không phải nói ngoa, nhưng hàng rào đó, nếu có, cũng là thứ tồn tại để bảo vệ tòa thành. Mình tiến vào là xâm phạm, phải cẩn thận gấp hai gấp ba lần so với lúc đi qua Bát Quái Động.

Kể từ lúc anh Hùng nói câu đó thì không khí lại trở nên im lặng, mười lăm phút sau cả đoàn lại lên đường. Chiếc cầu vào Ca Lâu Thành dài khoảng một trăm mét, hai bên có bờ tường cao ngang hông, khoảng mười mét trưng tượng chim thần Ca Lâu dang cánh dũng mãnh. Chiếc cầu này được xây nên bằng nhiều loại đá khác nhau, đá nhỏ để lát đường, đá to làm thành lan can, đá khổng lồ làm chân cầu. Hai ngọn đuốc, một của anh Hùng dẫn đoàn, một của Sinh chốt đoàn nhấp nhô soi xuống mặt đường, trông những hòn đá như đang nhảy múa. 

Ở đây hoàn toàn lặng gió nhưng không hiểu sao tôi có cảm giác như những bụi cây trụi lá bên dưới đang lắc lư, chực như có con gì nhảy lên thành cầu rồi cả bọn sẽ lại nghĩ cách đối phó. Ấy vậy mà chuyện bình thường như thế thôi đã không xảy ra. Chỉ có sự im lặng bao trùm không gian, tiếng đế giày xèn xẹt lết trên nền đá của chiếc cầu, cảm giác nghe được tiếng thở của từng người, tiếng trống ngực dồn như kéo quân. 

Không lâu sau cánh cửa đã hiện ra phía trước Nó có mái vòm hình thang, màu lam đậm phủ trên đó không biết là màu sơn hay màu rêu, những chấm đen như vết ố bám đầy. Cánh cửa thành cao chừng ba thước, một đóng, một mở, không có dấu hiệu bị phá hủy. Phía sau cánh cửa là vườn hoa, tôi nghĩ vậy thôi vì nó đã biến thành bãi cỏ, những cây cỏ cao hơn đầu người mà tôi và Sinh đã thấy chỗ tòa tháp bên ngoài. Đi được phân nửa khu vườn, bỗng phần cao nhất của những ngọn cỏ sáng lên, ánh sáng không biết từ đâu rọi vào, nghĩ trong bụng là sắp có chuyện rồi nên chúng tôi ai nấy đều đứng vào tư thế đâu lưng, ẩn nấp vào nhau, chờ điều sắp tới. 

Thế nhưng, khoảng một phút trôi qua mà vẫn không có gì ngoài sự im lặng đáng sợ. Chợt Tùng thốt lên: 

– Nhìn bên trên kìa!

Nhất loạt, cả bọn ngửa đầu lên thì thấy từ những ô cửa sổ của Ca Lâu Thành hắt ra ánh sáng màu vàng nhạt của ngọn đèn bão, những ngọn cỏ cao xung quanh chính là bị thứ ánh sáng này rọi lên chứ không phải ma quỷ gì hết. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau, muốn giải thích cũng không biết phải nói như thế nào, đành đi tiếp thôi.

Pha lẫn giữa phấn chấn và sợ hãi, chúng tôi tiến đến cánh cửa dẫn vào bên trong Ca Lâu Thành. Cánh cửa này cao khoảng hai mét, không có khóa ngoài, được bao bọc bằng khung màu đen, chẳng biết có phải kim loại hay không, khoen cửa hình tròn được ngậm bởi hai con chim thần. Anh Hùng nắm chặt một bên cửa rồi nhìn về phía cả đoàn, ánh mắt ai cũng lộ rõ vẻ căng thẳng, biết rằng nếu tồn tại một vòng trấn yểm thì cánh cửa này chính là thứ kích hoạt nó. Anh Hùng hít một hơi thật sâu rồi hé nhẹ cánh cửa, từ bên trong, ánh sáng màu vàng lọt ra, vẽ một đường chỉ nhỏ trên khuôn mặt anh. Đưa mắt vào nhìn, tròng mắt đảo liên hồi, đoạn anh quay sang nhìn cả bọn, gật đầu báo an toàn rồi đẩy cánh cửa ra vừa đủ một người đi, chúng tôi thay phiên nhau bước vào.

Bên trong Ca Lâu Thành… sạch sẽ tinh tươm. Những bức tường xây bằng đá tảng được cắt gọt tỉ mỉ, xếp đều vào nhau hết sức đẹp mắt. Tôi nghĩ nơi đây chính xác là chánh điện của tòa thành này vì nó rộng kinh khủng, cao khoảng mười thước. Ở bức tường chính giữa là tượng chim thần Ca Lâu La há miệng như đang gầm rú, vung đôi cánh to lớn và cặp móng nhọn hoắt về phía chúng tôi. Hai bên bức tượng có hai dãy cầu thang dẫn lên trên, đếm ra chắc có hơn mấy trăm bậc. Tầng trên phủ xuống cờ hiệu của Ca Lâu Thành với hình chim thần vẽ cách điệu, vây quanh là hai nhánh cây tôi không biết tên, chỉ thấy hết sức uy nghi. Trên trần có một cây đèn chùm, trên bệ đèn và tất cả những bức tường xung quanh đều cắm một thứ gì đó trông như đèn cầy, nhưng có màu xám và được lồng trong khung thuỷ tinh: chính là nguồn ánh sáng mà tôi nghĩ là phát ra từ đèn bão. Thuỳ trầm trồ: 

Trường minh đăng – đèn cầy vĩnh cửu à? Không ngờ chỗ này cũng có thứ đó…

Sinh cười nhếch mép: 

– Chà, thấy vậy mà cũng biết nhiều lắm chứ!

Tôi gãi đầu, thấy hơi ngượng khi hỏi Thuỳ câu này: 

– Đèn cầy này cháy vĩnh viễn thật à em?

Thuỳ nói cũng không hẳn là không bao giờ tắt, nhưng thời gian cháy là rất lâu. Có những ghi chép cho thấy trên khắp thế giới, trong những ngôi mộ cổ được khai quật thường tìm thấy những ngọn đèn trông như đèn cầy, bọc trong một cái khung thuỷ tinh như kiểu chắn gió, kỳ lạ ở chỗ, lúc người ta tìm thấy thì chúng vẫn còn cháy, ngọn lửa ổn định chứ không phải âm ỉ là đằng khác. Dựa vào độ tuổi của ngôi mộ, tính đến thời điểm chúng được tìm thấy thì tuổi thọ của những cây đèn cầy này nằm trong khoảng năm trăm năm đến ba ngàn năm. 

Tùng nghe xong còn nhấn mạnh rằng chúng được tìm thấy trên “khắp thế giới”, từ Syria đến ngôi đền Isis ở Ai Cập; từ phần mộ của Pallas thời La Mã cho đến mộ phần của Tần Thuỷ Hoàng ở Trung Hoa; từ mộ phần của cha hoàng đế La Mã Constantine tại Yorkshire cho đến mộ phần bí ẩn mà một người lính tình cờ tìm ra nằm ở vùng Grenoble ở Pháp. Không ngờ ở Ca Lâu Thành cũng tồn tại sản phẩm sáng tạo tuyệt vời này.

Tôi nhìn cả tòa thành được thắp sáng bởi hàng trăm ngọn đèn cầy vĩnh cửu mà không khỏi trầm trồ, nhưng một ý nghĩ ghê rợn ập đến, tôi xanh mặt quay sang nhìn anh Hùng: 

– Vậy sao đứng từ xa không nhìn thấy ánh đèn, đến lúc vào khu vườn mới thấy sáng? Có khi nào bị ảo giác nữa không anh?

Anh bảo: 

– Không phải đâu, có thể chúng ta bước qua một loại rào cản nào đó, ngăn không cho ánh sáng chiếu ra xa thôi. Mày đừng có cái gì cũng ảo giác ảo giác. Tú Linh đã điểm huyệt rồi!

Tôi nhìn sang Tú Linh thấy cô ta đang lườm mình. Định lên tiếng xin lỗi, bỗng tôi nghe từ phía sau bức tượng chim thần một tiếng ồn giống như tiếng nước đổ, sau đó từ hai bậc thang chảy xuống những dòng nước đỏ ối, bốc mùi tanh của máu me và chết chóc. 

Cuối cùng thì nhóm người của Hùng Bonsai cũng đặt chân vào Ca Lâu Thành. Cả bọn còn đang trầm trồ trước khung cảnh hùng vĩ của chánh điện thì Cọp chợt thấy những dòng máu tanh chết chóc chảy xuống từ hai bậc thang. Tai họa gì sẽ giáng xuống đầu bọn họ? Đón xem kỳ sau sẽ rõ. 

Nếu yêu thích các câu chuyện tâm linh và kỳ bí, mời bạn tham gia Xóm Sợ Ma.

Chia sẻ câu chuyện này

Minh họa : Minh Thảo Võ

Thiết kế : Trần Văn Hậu

Share