Titanic: Cỗ quan tài băng giá – Kỳ 2: Hành trình định mệnh

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Titanic: Cỗ quan tài băng giá – Kỳ 2: Hành trình định mệnh

Xem thêm Kỳ 1 tại đây

Kỳ 2 : Hành Trình Định Mệnh

Kim đồng hồ tiến dần đến nửa đêm, đa phần các hành khách trên  tàu Titanic đã lên giường, đánh một giấc say sưa đầy hạnh phúc. Sau 4 ngày đường, New York và giấc mơ Mỹ không còn xa họ nữa.

Đêm nay trời quang đãng, không trăng và lặng gió. Ngàn vì tinh tú soi sáng một vùng biển cả phẳng như gương. Chính điều này khiến mắt thường càng khó phát hiện băng trôi. Giả sử nếu trời nổi gió, sóng sẽ đập vào băng, giúp tăng thêm khả năng quan sát.

Đột nhiên, Fleet nhìn thấy một chỏm núi xanh biếc đằng xa. Vật thể mỗi lúc một lớn dần lên. Sống lưng Fleet lạnh toát, ngay lập tức anh ta gióng ba hồi chuông và gọi điện để báo động cho buồng chỉ huy:

– Băng trôi phía trước!

Chỏm băng trôi 30m, cao như tòa nhà 10 tầng, sừng sững nổi trên mặt biển đen ngòm.

Titanic cánh đồng băng trôi

Titanic – Từ con tàu không thể chìm trở thành thảm họa quan tài băng giá 

Titanic cánh đồng băng trôi

Titanic được tạo ra với tham vọng lập kỷ lục con tàu chở khách lớn nhất, đồng thời nhanh nhất hành tinh. Dự kiến tổng hành trình từ Anh đến Mỹ sẽ kéo dài 137 tiếng. Hãng White Star Line đặt ưu tiên về thời gian lên trên mọi thứ. Làm sao cạnh tranh được với những đối thủ sừng sỏ khác trong giới tàu thuỷ nếu đóng một chiếc tàu to xác nhưng lại tới nơi không đúng giờ? 

Bấy giờ không chỉ có Titanic mà nhiều hãng tàu khác cũng mang tâm lý “khinh địch” như vậy. Họ biết có băng trôi nhưng lại nghĩ dăm ba tảng băng trôi thì hề hấn gì, lỡ húc vào băng trôi cũng không chết đâu mà lo, trễ giờ còn đáng sợ hơn nhiều. Chính vì thế đêm đó Titanic đã chạy rất nhanh và với kích thước khổng lồ như vậy, chắc chắn nó không thể thắng gấp. 

23 giờ 40 đêm, Titanic gặp tai nạn. Từ lúc phát hiện băng trôi cho đến khi va chạm chưa đến 1 phút. 

Titanic đánh lái sang bên với hy vọng tránh được thành công chướng ngại vật vào phút chót. Dù vậy, quá trình đảo ngược động cơ đòi hỏi rất nhiều thời gian, trong khi khoảng cách 500m là quá gần. Đầu con tàu tránh được nhưng thân nó quá dài để thực hiện một cú bẻ lái hoàn hảo. Vụ va chạm xé toạc thân tàu, hất tung đinh tán bên dưới mực nước và thảm hoạ bắt đầu.

Titanic có 16 ngăn khoá nước ở dưới đáy. Trên lý thuyết, dù 4 ngăn ngập nước biển thì tàu vẫn nổi. Có nghĩa là nếu chịu một cú húc thật mạnh ngang hông khiến thủng một lỗ, nó vẫn sẽ không chìm. Thế nhưng trong suốt 7 giây va chạm, xấp xỉ 90m bên mạn phải tàu hứng chịu hàng loạt vết rạch do băng trôi gây ra lại vượt quá con số 4 ngăn. Hậu quả là 7 tấn nước biển theo vết thương ồ ạt tràn vào tàu mỗi giây, nhanh hơn gấp 15 lần tốc độ có thể bơm ra được. 

Mỗi ngăn khoá nước chỉ cao khoảng 3m và không có nắp đậy, vì thế từng ngăn lần lượt nối đuôi nhau ngập nước. Cứ ngăn này đầy, nước sẽ tràn sang ngăn kế bên. Tưởng tượng giống hệt cách bạn đổ nước vào các khay đá trước khi cho vào tủ lạnh vậy.

Cấu tạo và kích thước con tàu thảm họa Titanic – infographic

Titanic gặp tai nạn
Titanic gặp tai nạn
Titanic gặp tai nạn

Thuyền trưởng Smith lên buồng lái hỏi ngay:

– Va phải cái gì thế?

Murdoch lo lắng:

– Thưa thuyền trưởng, băng trôi.

Smith hoảng hốt:

– Khóa hết các cửa ngăn nước lại chưa?

Murdoch đáp:

– Đã khoá cả rồi thưa ngài.

Smith ra lệnh cho tàu ngừng, rồi tiến lên với một nửa tốc độ trước đó. Titanic mang một thân thương tích chậm chạp di chuyển. Vài phút sau, động cơ ngừng hẳn. Con tàu đứng bất động, cô đơn giữa đêm đen.

– Chuyện gì vậy thuyền trưởng? Sao tự nhiên tàu không chạy nữa?

Joseph Bruce Ismay – giám đốc điều hành White Star Line – sốt ruột hỏi Smith:

– Thưa ngài, Titanic vừa va phải băng trôi.

– Rồi có sao không?

– Nặng lắm.

– Trời ơi!

Ismay vò đầu bứt tai, ông ta không thể ngờ rằng lại xảy ra cơ sự này. 

Nửa đêm, nước biển đã dâng lên hơn 4m trong 5 khoang chứa nước đầu tiên. Smith quyết định đi tìm Thomas Andrews – kỹ sư thiết kế Titanic. Sau khi kiểm tra cẩn thận, Andrews đành nói thật:

– Titanic sẽ chìm.

Đây là một lời thú nhận khó khăn. Smith chết lặng. Vậy là hết rồi sao?

Giờ ta thử đặt câu hỏi: Nếu Titanic chọn đâm trực diện vào tảng băng thì số phận nó sẽ khác không?

Mũi tàu Titanic được thiết kế để chịu được tình huống va chạm với một tàu khác, không phải với một tảng băng trôi cả triệu tấn. Giả sử hai tàu đi ngược chiều đấu đầu nhau, chúng sẽ cùng hấp thụ lực rồi dạt ra. Còn tảng băng trôi là một vật cố định. Ở vận tốc 42km/h, con tàu 52000 tấn này sẽ hứng chịu một cú chấn động vô cùng khủng khiếp. 

Vào đầu thế kỷ 20, thép giòn hơn bây giờ gấp 10 lần. Titanic được xây dựng khi con người còn chưa hiểu tác động tiêu cực của nhiệt độ thấp lên thép. Biển đêm đó âm độ khiến thép càng dễ gãy vụn. Cho nên ngay khi Titanic lựa chọn đâm thẳng vào tảng băng, nhiều bộ phận trên tàu sẽ nứt toác ra và nó sẽ chìm chỉ sau vài phút. Khi đó, chẳng một ai thoát chết.

Vì vậy, kể từ khi thuỷ thủ đoàn Titanic quyết định chạy hết vận tốc xuyên qua bãi băng trôi này, số phận nó đã được định đoạt. Khả năng tránh được va chạm quá thấp và dù đâm thẳng hay đâm xéo thì Titanic vẫn sẽ chìm. Vấn đề là trong bao lâu mà thôi. 

00 giờ 5 phút, Smith ra lệnh cho thuỷ thủ đoàn chuẩn bị các xuồng cứu hộ. Ông cũng báo cho bộ phận truyền tin gửi tín hiệu hỗ trợ khẩn cấp. Khi một con tàu mệnh danh không thể đắm phát đi lời cầu cứu, đó là lúc bạn biết mọi chuyện bắt đầu trở nên vô cùng tồi tệ.

Tíc tóc tíc tóc, thời gian dần trôi.

00 giờ 20 phút, hành khách tàu Carpathia đã chìm vào giấc ngủ từ lâu. Điện báo viên Harold Cottam cũng chuẩn bị lên giường. Thế nhưng như một thói quen, anh đeo tai nghe để kiểm tra lần cuối và nhận thấy tín hiệu trên tàu Titanic đã ngưng. Cottam thử bấm mã để bắt liên lạc:

– Xin chào.

Lát sau, Cottam nhận được một thông điệp lạnh gáy:

CQD CQD SOS CQD CQD SOS

Cottam chết lặng, tay run run:

– Trời ơi!… 

Không kịp mặc đầy đủ quần áo, anh chạy ngay đến gặp sĩ quan đang trực lúc đó là Horace Dean và hớt hải kể lại sự việc. Cả hai lập tức tới phòng thuyền trưởng Arthur Rostron báo cáo. Rostron hỏi:

– Chuyện gì vậy?

– Titanic đang chìm!

Thời điểm Titanic kêu cứu là quá nửa đêm nên xảy ra hai trường hợp:

1. Những tàu gần nó nhất như Mount Temple hay Parisian thì quá cũ nên chậm chạp

2. Riêng Californian sát ngay bên thì đã tắt tín hiệu điện báo và đi ngủ để tránh băng trôi.

Chỉ có Carpathia là phương án sống còn duy nhất. Bấy giờ Carpathia đang ở xa Titanic xấp xỉ 100km. Tuy khoảng cách giữa hai tàu còn gần hơn từ Sài Gòn đi Vũng Tàu, nhưng vận tốc tàu biển khác xa với việc chúng ta phóng xe máy trên bờ. 

Thuyền trưởng Arthur Rostron quyết định:

– Tăng hết tốc độ đến cứu Titanic!

Đây là hành động cực kỳ dũng cảm bởi vì Carpathia cũng sẽ tiến vào hành lang băng trôi Bắc Đại Tây Dương như Titanic và có thể sẽ đắm chung luôn nếu ông Trời không độ.  Chiếc Carpathia hy sinh quên mình, tranh thủ từng phút để hướng về Titanic nhưng nó cũng phải mất đến 3 tiếng, trong khi thời gian của Titanic không còn nhiều nữa.

Tàu Carpathia đến cứu Titanic

00 giờ 20, toàn bộ các hành khách vẫn còn trên tàu Titanic. Nhiều người vẫn chưa biết được chuyện gì vừa xảy ra. Nước đã bắt đầu dâng lên khoang của thuỷ thủ đoàn. Sĩ quan Murdoch ra lệnh:

– Hạ thuỷ!

Xuồng cứu hộ đầu tiên số 7 bắt đầu được hạ dần xuống biển. Đợt di tản đầu tiên này chỉ có 28 người, trong khi tối đa mỗi xuồng đến 65 chỗ ngồi.

– Phụ nữ và trẻ em! Tôi nhắc lại, ưu tiên phụ nữ và trẻ em!

Các thuỷ thủ Titanic cố gắng vãn hồi trật tự. Bấy giờ tin tức về vụ tai nạn đã lan ra khắp con tàu. Hành khách túa ra ngoài như ong vỡ tổ. Không ai màng đến việc mang theo hành lý. Tiếp theo đó, xuồng cứu hộ số 5 được hạ xuống.

Thuyền trưởng Smith dõi theo chùm pháo sáng đầu tiên được bắn lên trời cao. Tổng cộng 8 đợt pháo sáng được khai hỏa cách nhau mỗi 5 phút như thắp lên hy vọng mong manh cuối cùng. 

Chia sẻ câu chuyện này

Art Director Lê Minh
Artist Minh Thảo Võ
Graphic Designer Nhím 
Editor Phạm Vĩnh Lộc

Share