Titanic: Cỗ quan tài băng giá – Kỳ 3: Ánh sáng cuối cùng

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Titanic: Cỗ quan tài băng giá – Kỳ 3: Ánh sáng cuối cùng

Xem thêm Kỳ 2 tại đây

Kỳ 3 : Ánh Sáng Cuối Cùng

Đứng trên tàu Titanic John Jacob Astor châm lửa điếu thuốc. Ông bình tĩnh nhả khói. Vị tỷ phú yên tâm vì người vợ yêu dấu đang mang thai của mình đã kịp lên thuyền cứu hộ số 4. Bầu trời đêm ấy đầy sao và mặt nước phẳng lặng như gương, trái ngược hẳn với tiếng la hét kinh hoàng của những hành khách xấu số trong cơn hấp hối của con tàu.

Titanic bắn tín hiệu cầu cứu

Nửa thế giới nín thở dõi theo. Nước đã bắt đầu tràn lên cầu thang lớn ở sảnh.

Dòng người mỗi lúc một lộn xộn. Ai cũng ý thức được rằng con tàu sẽ chìm, chắc chắn sẽ chìm và chẳng có phép màu nào xảy ra cả. Nếu không tự cứu lấy chính mình, mặt biển tăm tối kia sẽ là đích đến cuối cùng của đời họ. Trong một đêm lạnh lẽo tháng Tư giữa Đại Tây Dương mênh mông, hơn 2000 người bị cầm tù trong cỗ quan tài băng giá.

Xuồng cứu hộ số 1 được thả xuống chỉ với 12 người ngồi trên đó. Titanic có thể mang theo đến 48 xuồng cứu hộ, nhưng hãng White Star Line đã quyết định chỉ gắn 20 chiếc. Sự kiêu ngạo này đem đến một hậu quả thảm khốc: khi tai nạn thực sự xảy ra, họ không bao giờ cứu được toàn bộ số người đang có mặt trên tàu. Chính vì vậy cuộc chiến sinh tồn này là một trò chơi xổ số mà những người kém may mắn phải đánh đổi bằng chính mạng sống của họ. 

Tỷ phú John Jacob Astor hỏi rằng liệu ông có thể đi cùng vợ được không. Người đàn ông giàu nhất thế giới nhận được cái lắc đầu. Lúc này không còn phân biệt sang hèn nữa, luật là luật. Astor đồng ý và dìu người vợ mang thai của mình lên xuồng. Ông chỉ hỏi số xuồng bao nhiêu rồi bỏ đi hút thuốc.

– Tại sao lại không cho chúng tôi lên trên? Bọn tôi cũng là con người mà!?

Hành khách ở khoang hạng ba gào thét khi thuỷ thủ đoàn không cho họ di tản. Cô gái Ireland bỏ nhà Margaret và vị hôn phu John cũng ở trong đám đông đó. Cô nói với John:

– Anh ơi, nhiều xuồng cứu hộ còn trống chỗ mà họ đã thả xuống rồi. 

– Không sao đâu, còn kịp mà.

John trấn an. Margaret nhìn quanh, một số phụ nữ và trẻ em đang cầu nguyện. Một hành khách giơ nắm đấm ra chửi bới:

– Đàn bà con gái ở đây quá trời mà không cho họ lên trên? Tao đấm chết mẹ bọn mày giờ!

Rồi một màn ẩu đả xảy ra. John nắm tay chặt tay người yêu:

– Đi thôi em!

John lấy thân mình che chắn cho Margaret vượt qua đám đông hỗn loạn. Cô đau lòng chứng kiến người khách dũng cảm kia bị đấm đá túi bụi. Khi đã lên trên, John vội cởi áo phao của mình mặc cho người yêu. Phát hiện có xuồng vẫn còn trống một chỗ, anh gọi lớn:

– Làm ơn cho cô ấy lên! Làm ơn!

Anh kéo Margaret đến, mặc cho cô vùng vẫy: 

– Anh không đi thì em không đi. Bỏ em ra!

Margaret và vị hôn phu John
Margaret và vị hôn phu John

Titanic – Từ con tàu không thể chìm trở thành thảm họa quan tài băng giá 

Bấy giờ chiếc xuồng đã hạ được một nửa, John chỉ kịp choàng tay ôm lấy cô và đặt lên môi một nụ hôn giã biệt. Margaret ngước lên nhìn khi chiếc xuồng dần hạ xuống. Cô bắt gặp ánh mắt buồn bã của John khi anh nhoài người ra khỏi lan can gọi với theo:

– Anh sẽ sống, đừng lo!

Khi khoảng cách giữa hai người một xa, hình bóng John lúc này mờ dần dưới vòm trời đêm đầy sao. Margaret rơi lệ. Đấy cũng là lần cuối cùng cô nhìn thấy anh…

2 giờ sáng ngày 15 tháng 4 năm 1912, số phận tàu Titanic chỉ còn tính bằng phút. Thuyền trưởng Smith cố gắng thuyết phục những xuồng chưa đủ người quay lại, nhưng chẳng ai đáp lời ông cả. Chẳng một xuồng nào quay lại.

Quá thiếu thốn xuồng cứu hộ, những người trên tàu tuyệt vọng ném bất cứ thứ gì họ có xuống biển để làm phao. Một số khác bình tĩnh hơn, chấp nhận số phận của mình. Ban nhạc Titanic giữ nguyên đội hình. Âm thanh du dương từ dàn giao hưởng của họ vang lên nhưng cũng không đủ sức xoa dịu không khí hoảng loạn trên Titanic lúc đó.

Cấu tạo và kích thước con tàu thảm họa Titanic – infographic

Ban nhạc Titanic giữ nguyên đội hình.

– Lo cho phụ nữ và trẻ em trước rồi mới lo cho thân mình nhé các chàng trai.

Thuyền trưởng Smith cầm điện thoại nói với thuỷ thủ đoàn. Theo truyền thống hàng hải, thuyền trưởng là người quyết định mọi thứ trên tàu và cũng sẵn sàng chìm theo tàu. Đối với Smith, một thuyền trưởng với tuổi nghề hơn 40 năm, ông hiểu rất rõ điều này. Smith chịu mọi trách nhiệm với Titanic. Danh dự không cho phép ông bỏ rơi 2000 sinh mạng để mưu cầu sự sống cho riêng mình. Hải trình này là sẽ là chuyến tàu cuối và ông sẽ ra đi cùng Titanic.

Thuyền trưởng Smith

2 giờ 15 phút sáng, bấy giờ nước biển đã tràn khắp nơi, Titanic tiến vào giai đoạn chìm nhanh xuống biển. Một đợt sóng mạnh tràn lên boong, buộc những hành khách còn lại phải chạy lên đuôi tàu. Cầu thang lớn ở sảnh đã ngập tới đồng hồ và một đợt sóng lớn khác đánh vỡ các vòm kính. Chân vịt bắt đầu nhô khỏi mặt nước.

2 giờ 16 đến 17 phút sáng, ống khói số hai bùng lên một đợt khói lớn. Đuôi tàu chếch một góc 30 độ. Âm thanh đồ đạc va đập vang lên ầm ĩ khi chúng trượt xuống. Tiếng gào khóc, la hét vang lên một vùng biển vắng. Đây là thời khắc kịch tính nhất.

Đột ngột Titanic mất điện, nhấn chìm mọi thứ trong bóng tối mịt mù. Tiếng nứt và nghiến của kim loại như chuông nguyện hồn ai. 38 ngàn tấn nước đã nhấn chìm một nửa Titanic và khiến nửa còn lại nâng hẳn lên mặt biển. Khi con tàu không thể chịu nổi, nó gãy làm đôi ngay ống khói số ba.

2 giờ 18 đến 19 phút sáng, đầu tàu đã biến mất, đuôi tàu chếch hơn 80 độ. Titanic đang giãy chết. Kho chứa hàng phía sau tàu bung ra, đẩy hành khách văng xuống biển.

2 giờ 20 đến 2 giờ 21 phút sáng, đuôi Titanic dựng thẳng đứng trong nửa phút. Cuối cùng, nó lao nhanh xuống lòng đại dương, kéo theo các sinh mạng vô tội theo cùng. 

Bấy giờ, hàng ngàn hành khách trên tàu lóp ngóp dưới biển đêm, cố gắng bấu víu bất cứ thứ gì có thể bấu víu. Bên cạnh các nguyên nhân như đuối nước, bị luồng xoáy do Titanic tạo ra hút xuống, hay thê thảm hơn là do va đập, ống khói đè, đa phần những nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch Titanic là do hạ thân nhiệt. Các bạn thử tưởng tượng mình đưa tay vào ngăn đá tủ lạnh nhưng không đeo bao tay và giữ cỡ vài phút. Bạn thấy gì? Tay bạn đổi màu tím tái do máu không lưu thông được. Vậy nếu cả thân người ngâm vô làn nước đó thì còn khủng khiếp tới cỡ nào?

Tàu Titanic gãy làm đôi

Một người sống sót kể lại rằng khoảnh khắc da thịt chạm vào làn nước âm 2,7 độ của Đại Tây Dương đau đớn như hàng ngàn lưỡi dao sắc nhọn lách vào cơ thể. Nạn nhân sẽ trải qua một cơn đau đầu không thể tả do máu liên tục được dồn lên não. Dần dần tay chân họ bắt đầu mất cảm giác, rồi tê liệt. Nhiều người hôn mê khi thân nhiệt hạ xuống dưới ngưỡng chịu đựng rồi tử vong trong 15 đến 45 phút do chết đuối hoặc trụy tim. Tuy nhiên, đầu bếp Charles Joughin vẫn cầm cự được đến 2 tiếng vì anh ta đã kịp nốc hai chai rượu để giữ ấm.

3 giờ sáng, những cơn thoi thóp đã tắt, chung quanh câm lặng và tối tăm như nhà mồ. Con tàu đã chạm tới đáy từ lâu, để lại một mặt biển mênh mông thi hài.

4 giờ sáng, Carpathia tới nơi Titanic chìm, cách bờ 640km. Những người sống sót nhanh chóng được đưa lên tàu. Hành khách Carpathia nhiệt tình giúp đỡ các nạn nhân Titanic, cung cấp bất cứ thứ gì có thể giữ ấm cho họ, từ chăn mền đến thức ăn.

Nhờ Carpathia mà hơn 700 người sống sót và thuyền trưởng Rostron nhận những danh hiệu cao quý nhất của cả Mỹ (Huân chương Vàng Quốc hội) và Anh (Tư lệnh Hiệp sĩ Đế chế Anh). 

Trong số 10 vụ đắm tàu gây thiệt hại nhân mạng nhiều nhất, vị trí thứ nhất và thứ nhì vô cùng chênh lệch. Trong khi chiếc Pacific khiến 186 người chết, Titanic bỏ xa với hơn 1500 người. Trong số đó 80% là đàn ông, bao  gồm cả thuyền trưởng Edward Smith, điện báo viên Jack Phillips, chàng trai hạng ba John Kiernan và tỷ phú John Jacob Astor.

Titanic trở thành nguồn cảm hứng rất lớn về sau cho các ngành sử học, khoa học, và nghệ thuật. Người ta khai thác mọi khía cạnh đã dẫn tới thảm họa, phỏng vấn từng người sống sót, cốt để hiểu thấu bi kịch về cái đêm định mệnh 15 tháng 4 đó nhằm rút ra bài học về sau. 

Đạo diễn Cameron trong một bài phỏng vấn đã nói rằng Titanic chính là đỉnh Everest của những xác tàu đắm và nó cũng là lý do ông quyết định thực hiện bộ phim đoạt 11 giải Oscar về sau. Theo OceanGate, kể từ khi xác tàu Titanic được phát hiện vào năm 1985, chưa đầy 250 người được tận mắt chứng kiến xác con tàu huyền thoại này. Đây là con số thậm chí ít hơn số người đã bay vào không gian.

Thông điệp cuối phim A Night to Remember nói rằng: “Đây không phải đoạn kết của câu chuyện. Sự hy sinh của họ không vô nghĩa. Ngày nay chúng ta đã có đủ xuồng cứu họ cho mọi người, cùng với hệ thống vô tuyến liên tục và lực lượng tuần tra băng trôi trên Bắc Đại Tây Dương. Các hải trình giờ đã an toàn hơn xưa rất nhiều”

Chia sẻ câu chuyện này

Art Director Lê Minh
Artist Minh Thảo Võ
Graphic Designer Nhím 
Editor Phạm Vĩnh Lộc

Share