Thông qua cha mình đang ở Đàng Ngoài, Tống Thị kêu gọi Trịnh Tráng tiến đánh Đàng Trong, và hứa sẽ dâng cả gia tài để giúp việc chi dùng trong quân đội. Chúa Trịnh Tráng liền bàn bạc việc Nam chinh. Lần này, ông cho Trấn thủ Nghệ An là Tiến quận công Lê Văn Hiểu chỉ huy bộ binh, Gia quận công chỉ huy thủy binh, chia hai đường thủy bộ tiến quân.
Theo một người đương thời là Tavernier, lực lượng quân Trịnh gồm 94000 bộ binh, 8000 chiến mã, 722 tượng binh (trong đó có 130 voi chiến, số còn lại dùng để vận chuyển lương thực) cùng với 318 chiếc thuyền kiểu dài và hẹp. Lê Thì Hiến làm tướng tiên phong cho cánh thủy quân.
Tháng hai âm lịch cùng năm (1648), thủy quân của Gia quận công tiến vào cửa biển Nhật Lệ. Thủy quân Trịnh chọn đột kích vào tuyến phòng thủ của Đàng Trong theo hướng sông Nhật Lệ.
Bấy giờ trời rét, thủy quân Trịnh gặp gió ngược. Lê Thì Hiến cố gắng đi đầu, đưa thuyền đến sông. Tướng giữ cửa biển của bên Nguyễn là Hoành Lễ bại trận bỏ chạy, vội vàng phi báo cho trấn thủ dinh Quảng Bình là Nguyễn Phước Kiều. Nguyễn Phước Kiều sai Tham tướng Nguyễn Triều Văn đem thủy quân đi cứu. Nhưng Nguyễn Triều Văn nhát gan, chỉ tiến quân tới phá Hạc Hải rồi đóng lại.
Thủy quân Trịnh do các tướng Gia quận công, Lý quận công và Mỹ quận công đổ bộ lên bờ Nam Nhật Lệ, rồi tiến đánh lũy Trường Sa. Thủ tướng bên Nguyễn là Cai đội Trương Triều Lương, Trương Triều Nghị đốc 400 quân chống cự, bị chết trận. Ký lục Thịnh Hội đem quân vượt sông Kiến Giang rút lui. Quân Trịnh bèn đóng lại ở Võ Xá và bắt đầu tiến về Nam để uy hiếp dinh Quảng Bình.
Người ta gọi ông là Phấn cố trì (Phấn giữ chắc)
Chặn đứng con đường quân Trịnh tiến về phía Nam còn có lũy Trường Dục do tướng Nguyễn là Trương Phước Phấn, cùng con trai là Trương Phước Hùng phòng thủ. Thủy quân của Nguyễn Triều Văn đóng ở phá Hạc Hải – điểm cuối cùng của lũy Trường Dục, có vai trò làm thanh viện cho Trương Phước Phấn. Quân Trịnh quyết định đánh thẳng vào lũy này. Nếu quân Trịnh chiếm được lũy Trường Dục, cụm quân Nguyễn bảo vệ lũy Nhật Lệ sẽ bị rơi vào thế bao vây tiêu diệt.
Khác với lũy Nhật Lệ, chiến lũy Trường Dục chỉ được đắp bằng cát. Nó không chịu nổi đợt công kích bằng pháo binh của quân Trịnh. Chiến lũy bị đổ dưới đòn bắn của pháo binh. Chỗ sạt lở kéo dài đến mấy chục trượng (1 trượng bằng 4 mét). Quân phòng thủ của Nguyễn mất tinh thần. Đến gần 80% quân Nguyễn bỏ chiến lũy rút chạy.
Trương Phước Phấn đánh trống, vẫy cờ, cùng con trai là Trương Phước Hùng đem thân binh xung phong, ác chiến với quân Trịnh. Quân Trịnh vừa bắn vừa lui. Cha con Trương Phước Phấn giương lọng ngồi ở trước lũy, đốc thúc quân lính lấy thuyền nan đổ đầy cát vào, lấp vào chỗ lũy bị sạt.
Quân Trịnh trông thấy quân Nguyễn giương lọng, biết tướng chỉ huy đang ở chỗ đó, liền tập trung bắn vào chỗ che lọng. Quân võ sĩ hộ vệ Trương Phước Phấn có đến vài trăm người bị bắn chết. Trương Phước Phấn vẫn ngồi yên chỉ huy. Quân Trịnh thấy phong thái của Trương Phước Phấn, không dám xông tới. Một lát sau, chỗ lũy đổ được vá lại. Cuộc công kích của quân Trịnh bị thất bại.
Những cuộc chiến nơi đây có rất nhiều tiếng hét và những đoàn quân đông đảo.
Nghe tin nguy cấp, chúa Thượng Nguyễn Phước Lan lập tức phái quân chi viện. Thế tử Nguyễn Phước Tần được bổ nhiệm làm Tiết chế các dinh, Chưởng cơ Nguyễn Phước Lộc, Trấn thủ Cựu dinh là Tống Hữu Đại và Giám chiến Nguyễn Hữu Dật chỉ huy bộ binh, Tham tướng Nguyễn Triều Văn chỉ huy thủy quân.
Bộ binh tiên phong của Nguyễn Phước Lộc, Nguyễn Hữu Dật tiến tới xã An Đại, gặp gió ngược. Nguyễn Phước Lộc muốn đóng quân lại cố thủ, nhưng Nguyễn Hữu Dật lại có ý kiến khác. Hữu Dật trông thấy phía Nam có đám mây đỏ như cái lọng, ánh sáng rực rỡ, phía Bắc có đám mây trắng tản mác như tuyết, bèn nói rằng:
Nghiệm vẻ trời này là điềm phương Nam đại thắng, cố giữ làm gì
Nguyễn Hữu Dật còn phân tích thêm rằng:
Quân nó dẫu nhiều, nhưng men núi mà đi, chưa biết địa hình khó dễ thế nào, nay ta lựa những chiến sĩ dũng cảm, chẹt nơi hiểm để xung kích, thì tất thắng được
Nguyễn Phước Lộc và Nguyễn Hữu Dật bèn chỉnh đốn quân sĩ tiến lên, đụng phải quân tiên phong của Trịnh, đại chiến, đẩy lui được quân Trịnh. Bước tiến về phía Nam của bộ binh Trịnh bị ngăn lại.
Thế tử Nguyễn Phước Tần đem quân đến nơi. Trấn thủ Nguyễn Phước Kiều kiến nghị cố thủ lũy Trường Dục. Nhưng Ký lục Thịnh Hội lại chủ trương tiến đánh. Ông cho rằng:
Quân nó đi sâu vào đất ta, kiêu ngạo không phòng bị, ta góp sức mà đánh hẳn được toàn thắng.
Thế tử Nguyễn Phước Tần cũng đồng ý với Thịnh Hội. Thế tử cho rằng:
Quân Trịnh tuy nhiều nhưng ít người đánh giỏi, quân đi không có hàng ngũ, đồn đóng không chọn địa thế. Nếu ta nhân đêm đem voi xông đánh, chúng tất sợ bỏ chạy. Rồi sau đại binh đến đánh thì một trận có thể bắt được.
Thế tử Nguyễn Phước Tần sai Triều Phương thay Nguyễn Triều Văn chỉ huy quân thủy, đem quân đi mai phục ở khúc sông Cẩm La; sai Nguyễn Hữu Tiến chỉ huy tượng binh. Đầu canh năm, Nguyễn Hữu Tiến đem hơn 100 con voi đánh thẳng vào dinh quân Trịnh. Thế tử Nguyễn Phước Tần đốc các đạo bộ binh theo sau. Quân Trịnh kinh hoàng rút chạy. Thủy quân của Triều Phương chặn đánh quân Trịnh đang rút lui.
Theo sách Hổ trướng khu cơ, quân Nguyễn đã dùng cách đóng cọc ở lòng sông để bắt thuyền quân Trịnh. Cọc gỗ được quân Nguyễn bố trí ngầm dưới nước theo từng nhóm 3 cọc theo hình tam giác. Chiến thuyền Trịnh đi vào bãi cọc này lập tức bị vướng lại, không di chuyển được nữa.
Trong trận này, các tướng quận Gia, quận Lý, quận Mỹ và một số lớn quân Trịnh bị bắt sống. Đại Nam thực lục tiền biên và Lê triều dã sử đều xác nhận số lượng quân Trịnh bị bắt lên đến ba vạn người. Nhưng Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã giảm con số đó xuống chỉ còn 3000 người.
Lê Văn Hiểu đóng đồn ở Nam Bố Chính, nghe tin bại trận liền đem quân chạy. Nguyễn Phước Tần đem đại quân đuổi theo đến sông Gianh mới ngừng lại. Phía Trịnh muốn đắp lũy cố thủ, nhưng Lê Thì Hiến chủ trương tuy yếu nhưng phải tỏ ra mạnh. Bên Trịnh bèn tăng thêm quân, giả vờ muốn đánh Bố Chính. Quân Nguyễn bèn rút lui.
Trận chiến Nhật Lệ năm 1648 được sử gia triều Nguyễn đánh giá cao:
Chưa có trận nào thắng to bằng trận này, thực là võ công bậc nhất!
Tuy nhiên, nó cũng làm lộ ra điểm yếu mới trong tuyến phòng thủ của quân Nguyễn. Sau khi rút quân, Thế tử Nguyễn Phước Tần đã để Nguyễn Hữu Tiến và 3000 quân ở lại phòng thủ Võ Xá, gọi là đạo Lưu Đồn, để bịt lỗ hổng trên tuyến phòng ngự. Nơi này về sau trở thành một đồn doanh lớn với mười cơ quân trấn giữ. Vì vậy, nó còn được biết đến với tên gọi Dinh Mười. Do vậy, các trận chiến sau đó, quân Trịnh chỉ còn cách đánh vỗ mặt vào hệ thống chiến lũy Nhật Lệ mà thôi.
Chia sẻ câu chuyện này
Art Director Lê Minh Minh hoạ Lê Nhi – Mỹ Thanh Thiết kế Tai Phan Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc
Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?