[Truyện ngắn] Kinh Kỳ một thuở – Kỳ 2: Trăng gió đề huề thơ một túi

Tác giả xnghiem
[Truyện ngắn] Kinh Kỳ một thuở – Kỳ 2: Trăng gió đề huề thơ một túi

Thương ai thương mãi thế ni
Có đò chống quách đò đi cho rồi

Đàn kêu tích tịch tình tang, đệm lên mấy tiếng rồi rơi vào giữa hư vô. Hình như ở dưới bến sông này chỉ có một mình cô kỹ nữ chẳng ai biết danh tính. Sông còn có bờ có bến, còn còn thê lương của cuộc đời cô thì chẳng biết bao giờ mới tới bến tới bờ để mà thôi một cái kiếp đoạn trường. Người ta chỉ biết cô vốn là con gái nhà quan nhỏ lẻ. Nào ngờ cha cô vì phạm lỗi nhỏ mà phải bán hết gia sản. Cô cũng thành người tứ cố vô thân. Sẵn có chút tài thơ do được cha dạy, cô ả sắm được con thuyền rồi xuống dưới thuyền làm con hát. Gặp đợt nào gần khoa thi thì mở hội thơ cho mấy gã nho sinh xuống chơi. 

Gần tới khoa thi, cô đã chuẩn bị sẵn vài trăm câu thơ để mấy quân tử có cái thú để chơi. Lối chơi thả thơ này là một cách đánh bạc của một bọn tài tử trí thức trong phạm vi thơ phú. Rằng cái đám nho sinh ấy, tuy nói là có ăn có học dạy dỗ, nhưng mấy ai thoát được cái thú vui bài bạc thường tình đâu. Nhất là khi chủ cái cuộc bài bạc ấy lại là đàn bà. Mà có khi chưa hẳn đã là nho sinh mới chơi cái thú ấy. Có khi là mấy tên dốt chữ, nhưng muốn lấy tiếng là có học nên lên chơi. Cái đám ấy là dễ lấy tiền nhất. Mà đôi khi ăn may, đám ấy đặt đại lại trúng. Đến hắn cũng phải tự thừa nhận hay không bằng hên.  

Trên dòng sông, trăng soi chiếc thuyền thành màu trắng, còn bóng thì dài và thẫm in trên mặt nước. Người ta chuẩn bị vào cuộc sát phạt nhau bằng tiền, đem cái may rủi cả vào đến cõi văn thơ và cái đêm đen tĩnh mịch. 

Bắt đầu cuộc thả thơ, nhà cái gầy lư trầm mới. Hương trầm chảy ngược, thuyền chìm trong một cái làn sương mờ ảo, đám nho sinh nhao nhao, đây hẳn là động tiên rồi, chỉ mong trong đám khói ấy có một nàng tiên hiện ra, dẫn họ về cõi tiên như năm xưa Từ Thức đã đi lạc vào cõi trời.

Đợi bốc khói thơm, kỹ nữ mở túi thơ lấy một lá thơ đặt vào cái chén nhỏ, úp ở giữa lòng chiếu trong khoang đò, đó là câu thơ gốc. Lá thơ là tờ giấy tàu bạch và rọc giấy ra từng mảnh dài bằng chiếc đũa và ngang to bằng hai ngón tay, bên trong có viết câu thơ đã mất chữ. Còn câu thơ gốc nguyên vẹn được chép trong cái cuốn cổ thi để tiện dò đáp án.

Cô kỹ nữ nhấp ngụm trà rồi hắng giọng: “Quân hướng Tiêu Tương, ngã vòng Tần” rồi thả ra năm chữ cố, tại, vọng, phản, hướng. Đi với tiếng ngâm thơ ấy là tiếng đàn tranh thê lương. Thời nhà Minh có nàng Thúy Kiều chơi tỳ bà nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương, thì ở giữa cái chốn sông nước phong trần này có nàng kỹ nữ chơi đàn tranh cũng động lòng người. 

Các nhà con đặt tiền, ghi câu thơ có vòng khuyên vào sổ rồi bắt đầu vắt óc suy nghĩ, phân tích, chọn chữ. Hết thời gian chuẩn bị, mọi nhà con bắt đầu “thả” câu thơ của mình, cũng nhấp ngụm rượu Chuồn rồi tự xướng, hay nhờ một ca kỹ đi theo ngâm giọng véo von những câu thơ đã điền chữ của mình. Có đứa hát dở quá, cả thuyền ai cũng nhăn mặt. Có tên thả một chữ mà ai cũng biết chắc chắn sai, người ta xì xầm rằng con nhà ai mà ăn học dở thế. Trên thuyền, họ bàn tán thi phú của nhau, họ chim chuột với ca kỹ của nhau, chẳng ai để ý cô kỹ nữ kia đang nhìn lén một gã nho sinh.  

Đợi nhà con thả hết những câu thơ của mình, nhà cái ngồi quỳ lên, nghiêm trang chắp tay khấn vái, cô khấn nhỏ quá chẳng ai biết cô đang khấn gì, cũng chẳng ai thèm hỏi, bởi người ta chỉ quan tâm xem ai thắng cái cuộc này. Đọc xong, cô kỹ nữ từ từ mở chén thơ, lấy lá thơ gốc, ngâm xướng: “Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần” trong tiếng đàn đêm sông diệu vợi. 

Tiếng ngâm câu thơ vừa dứt, bao nhiêu tiếng trầm trồ bàn tán râm ran khoang thuyền. Rằng chữ cố nghĩa là quay đầu nhìn lại, mà đâu có ý nào trong câu cho thấy cái vẻ tiếc nuối đâu. Rằng chữ phản là phản bội, làm thân con gái nhỏ bé thì phản bội đất nước có ý nghĩa gì. Người thua cuộc, được cuộc đều vỗ đùi khen ngợi chữ thơ tài hoa mà tác giả thơ dùng. Người được cuộc gom lấy toàn bộ số tiền đặt.

Cuộc chơi lại tiếp tục. 

Lang kỵ trúc mã lai
Nhiễu vòng lộng thanh mai

Tiếng con bạc nào đó cất lên: “Thôi đi, thả thơ đánh thơ thì dùng thơ Tống, Minh, chứ thơ Đường nổi quá, lại còn là thơ Lý Bạch thì ai cũng thuộc rồi còn đánh thơ thả thơ làm gì nữa?”. Đồng loạt các con bạc khác cũng nhao nhao lên đòi đổi thơ. Cô kỹ nữ đờ mặt ra, chưa biết làm sao với tình huống này, trước giờ ở mấy bến khác, cô vẫn thả thơ Đường đó thôi. Trong đám đông, có chàng thư sinh bước ra, đi đến chỗ cô gái bị toàn đàn ông vây quanh. Hắn đưa tay thò vào trong bao, bóc ra một lá thơ, đọc to:

Đình đình vòng nguyệt
Yến uyển như xuân

Cô gái lanh lẹ thả ra bốn chữ như, thử, tựa, càn; cũng nhanh chóng liếc mắt đưa tình tỏ vẻ cảm ơn. Hắn cũng nhanh chóng nhận ra mà đẩy đưa lại. Sợ mấy gã kia nhìn thấy, liền mau chóng quay về chỗ cũ. Mấy con bạc tuy nói là Nho sinh nhưng bài thơ này lại cổ quá, thành thử thấy chữ như có vẻ hợp nghĩa liền đặt hết vốn liếng vào trong đó. Ôi thôi, vậy là cả đám nho sinh mất hết tiền vào tay cô kỹ nữ. Ôi cái trò thả thơ, càng lắm chữ lại càng thua cay. Chỉ trong một đêm, có người mất cả trăm quan tiền mà không trúng lấy một chữ. Tiếng ngâm một câu thơ được cuộc, tiếng ngâm một câu thơ thua cuộc mất ăn tiền, những tiếng đó đều âm hưởng trên làn nước lạnh, thanh âm nghe trong trẻo, du dương và thái bình như tiếng vang của một hội tao đàn chân chính. 

Một lượt, rồi lại một lượt, từng câu thơ được thả ra. Chơi chán, cả đám Nho sinh bỏ đi uống rượu. 

Nho sĩ cũng đi theo, nhưng cố ý để lại cây quạt. Đến nơi, viện cớ đi vệ sinh, cậu thư sinh xin rời tiệc trước rồi sẽ quay lại ngay.

Tới bến, Nho sinh thấy thuyền đã đóng cửa. Lòng thấp thỏm, cậu cứ bước xuống, lòng như có tảng đá đè nặng, cứ thầm mong rằng trên thuyền giai nhân vẫn còn đâu đó. Đứng trước cửa buồng. Chàng lịch sự xưng danh tính, thưa chuyện rằng mình bỏ quên cây quạt, xin cô thuyền cho mình vào lấy quạt. Từ trong thuyền lanh lảnh tiếng một cô nương nhỏ vọng ra:

– Vậy anh đối được câu này thì em cho vào buồng: Kết phát vi phu phụ/Ân ái lưỡng bất nghi.

– Đã đưa ra 2 vế như vậy mà chỉ đối thơ thôi sao? Người ra đi rồi anh đối lại.

– Sao anh khéo dụ thế? 

– Ấy thế chứ cô em lấy anh không?

– Vừa mới gặp sao lại lấy nhau nhanh thế?

– Anh cảm mến người từ lâu, muốn rước về làm thê tử, quan tâm chăm sóc nhau, cùng sinh con đẻ cái, bên nhau đến trọn đời.

– Người đâu mà bôi mật vào môi?

– Thế thôi anh đi nhé?

– Nếu anh đi thì sau này đừng mong quay lại thuyền nữa.

Hoan ngu tại kim tịch/Yến uyển cập lương thì.

Kỹ nữ cười một tiếng khẽ thôi, mắt nhắm lại rồi thở hắt ra, nói là thở hắt ra nhưng cô thở nhẹ lắm. Tưởng đâu cô đã dùng toàn bộ sức lực của cả một đời phong trần, một đời bán trôn nuôi miệng cho một lần này thôi. Cô lấy dưới gối hai cây nến chẳng biết từ đâu ra. Đến đầu mũi thuyền, cô thắp lên. Đây không phải là lần đầu tiên cô nghe những lời tán tỉnh, nhưng là lần đầu tiên cô nhận lời, định thân để gả cho một chàng trai vừa gặp sáng nay. 

Bốn mắt nhìn nhau. Hình như cái nhìn đó rơi cái tõm xuống mặt nước hồ, đánh thức hai con người tỉnh dậy từ giấc mộng xuân.

Hôm sau, tục khách tiếp tục đường lên kinh. Còn hàng thơ cũng chuyển sang bến sông khác để kiếm khách khác. Mãi về sau khi kiểm tra lại các con bài, Quyên Ai mới biết kỳ thật chẳng có con bài nào như vậy cả. Cô ra đầu bến thuyền, ngâm nga như cái thời cô còn làm con hát dưới bến đò chứ không phải là vợ của một tên chài lưới như bây giờ: 

Tại thiên nguyện tác tỷ dực điểu,
Tại địa nguyện vi liên lý chi.”
Thiên trường địa cửu hữu thì tận,
Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ.

Tác Giả Xuân Nghiêm
Thiết Kế Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share