"Nghe bước chân người sương gió,
Xa dần như tiếng thu đang tàn."
Đó là khung cảnh chiều Hải Phòng tháng 7 xám xịt, sũng nước sau cơn giông. Văn Cao khẽ đưa tay gạt nước trên chiếc mũ fedora. Ông châm lửa điếu thuốc, một làn khói mỏng bay lên. Đút hai tay vào túi măng tô xám, Văn Cao lặng lẽ rảo nhanh. Tiếng giày bốt bì bõm trên con phố loang lổ nước mưa. Đến một lối nhỏ âm u, nhạc sĩ vuốt nhẹ, tiếng đạn chạm lanh canh trong túi.
Văn Cao bước vào ngõ vắng. Một bản nhạc cũ réo rắt từ máy phát đĩa vang lên sau ô cửa. Có tiếng chim lợn vỗ cánh lao xao bay trên mái nhà đổ rêu phong. Văn Cao đẩy cửa bước vào, quát:
– Tất cả đứng yên, đưa tay lên đầu!
Những người ngồi trong phòng sững người lại, sau đó ai nấy phá lên cười. Văn Cao nghiêm mặt, rồi bằng một động tác xoay súng điệu nghệ, Văn Cao cất lại khẩu súng vào áo khoác. Ông nhấc nón ra treo lên móc cửa:
– Không ai sợ thật à?
Doãn Tòng nói:
– Đứa nào không biết chắc bĩnh ra quần thật ấy chứ, phải không Liễn?
Trần Liễn phụ họa:
– Nếu cũng động tác đó mà anh nói tiếng Nhật thì chúng tôi xoắn hết cả lên ấy chứ đùa.
Lúc này cơ mặt Văn Cao mới giãn ra, để lộ một nụ cười.
Văn Cao là một thiên tài toàn năng, thi ca nhạc họa đều xuất sắc. Ngay cả Trịnh Công Sơn ngày sau còn phải khiêm tốn khi nhắc đến:
“Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư…”
Ngoài cuộc đời nghệ thuật đúng chất một lãng tử hào hoa, Văn Cao còn một cuộc đời khác cũng không kém phần oanh liệt. Nhắc đến Văn Cao thì đa số đều liên tưởng đến hình ảnh một cụ già đẹp lão, nét mặt hiền lành, râu tóc bạc phơ như ông bụt trong truyện cổ tích, ngồi buồn bã bên cây đàn dương cầm trong ánh nắng chiều thu. Kỳ thực, vị nhạc sĩ tài hoa này là cao thủ võ lâm mang trong mình một thân võ nghệ cao cường. Tác giả Tiến Quân Ca là trai Nam Định, sinh tại Hải Phòng, ngùn ngụt khí phách. Từ 9 tuổi ông đã tầm sư học đạo. Khi lớn lên, Văn Cao nhiều lần hăng máu tham gia đấm nhau trên võ đài hoặc biểu diễn trước công chúng.
Đặc biệt, Văn Cao là thủ lãnh biệt đội trừ gian, ngoài việc quản lý còn huấn luyện võ công, vũ khí và hóa trang cho thành viên. Lực lượng này được thành lập tháng 2 năm 1944 tại căn gác nhỏ của Văn Cao ở 45 phố Nguyễn Thượng Hiền. Ông được Nguyễn Đình Thi trao cho khẩu Colt 45. Năm đó, ông mới ngoài 20 tuổi.
Có ít nhất hai nhiệm vụ do chính Văn Cao trực tiếp ra tay:
Vụ thứ nhất, lần này đội gồm 3 người, mục tiêu là Võ Văn Cầm, mật thám của Nhật. Văn Cao là xạ thủ chính, còn Mẫn và Đ.H.I là hỗ trợ. Thời điểm vàng để ăn mạng là khi Cầm được vệ sĩ Ba Mai hộ tống đến thăm nhà vợ bé. Cuộc hành thích đáng lẽ đã thành công nếu ông Đ.H.I không vội vàng nhào ra giành chiến công đầu trước ánh mắt sửng sốt của Văn Cao. Bắn trượt, Võ Văn Cầm chui vào gầm xe trốn. Đ.H.I bỏ chạy, vệ sĩ Ba Mai tăng tốc đuổi theo. Rất may cho anh là Mẫn bắn chết Ba Mai một cách thần sầu trước khi hắn kịp tiêu diệt đồng đội mình.
Còn vụ thứ hai, chính là lý do Văn Cao có mặt ở đây, ngay lúc này. Văn Cao nói trong khi miệng vẫn ngậm điếu thuốc:
– Nhiệm vụ tôi giao anh thế nào rồi Liễn? Nắm được đường đi nước bước của tay Đỗ Đức Phin đó chưa?
Liễn quay sang giới thiệu em gái:
– Tôi nhờ em gái tôi là Liên thăm dò đường đi lối lại của Đỗ Đức Phin. Liên chơi với em vợ Đỗ Đức Phin nên rất tiện cho việc điều tra. Liên, đây là anh Văn, sếp anh.
Liên chào thủ trưởng, rồi Văn Cao gật đầu đáp lại:
_Liên nói đi.
Liên trình bày:
– Đỗ Đức Phin là một tay nói tiếng Nhật như gió nên hắn sống bằng nghề dạy học. Lúc người Nhật đảo chính Pháp, hắn chuyển sang làm thông ngôn cho những ông chủ mới. Là dân Hải Phòng nên hắn quen biết nhiều và thông thuộc mọi ngõ ngách trong thành phố.
Liên đưa ra một tấm ảnh, Văn Cao cầm lấy ngắm nghía. Liên nói:
– Anh nhận diện kỹ mặt hắn nhé, kẻo bắn nhầm người lại khổ.
Rồi Trần Liễn trải ra tấm bản đồ:
– Bao nhiêu cơ sở của chúng ta bị lộ rồi. Lần này phải xử một lần cho ra ngô ra khoai thôi. Tiếp đi em.
Liên chỉ lên bản đồ:
– Gã này nghĩ chúng ta không biết nên vẫn rất chủ quan. Hắn thường lui tới hút thuốc phiện ngay đây, 51 Đông Kinh, gần Vườn Hoa Đưa Người.
Văn Cao gật gù, ngón tay ông rà rà trên bản đồ từ nhà Doãn Tòng đến tiệm thuốc phiện, lẩm nhẩm con đường ngắn nhất để đến và nhanh nhất để rút lui. Sau đó, ông nói:
– Ngày mai Doãn Tòng đèo tôi đến Cát Cụt. Tôi sẽ xuống đó và đi bộ tới Vườn Hoa Đưa Người, giả vờ vãn cảnh. Rõ chưa?
– Vâng, sếp.
– Hay anh muốn lập công vụ này không?
Văn Cao cười, đưa khẩu súng ra phía trước. Doãn Tòng xua tay lắc đầu:
– Thôi, tôi xin. Sếp làm đi. Tôi đèo sếp tới đó rồi về thôi.
Văn Cao quay sang Trần Liễn:
– Liễn ngồi sẵn ở hàng nước. Nếu có bất cứ điều gì nguy hiểm, nhớ kín đáo ra hiệu. Lát tôi sẽ nhắn Đức Dược, bảo anh ta đem theo khẩu Browning yểm trợ. Tuy nhiên, vẫn cần một ám hiệu nữa để tôi biết chắc là Đỗ Đức Phin đang ở trên đó.
Doãn Tòng nói:
– Cái này dễ lắm, để tôi nhờ thằng nhóc Trần Khánh tới khu đó. Chả ai để ý một thằng nhỏ đâu. Khi nào nó nhảy lò cò thì chắc chắn Đỗ Đức Phin đang trên gác, anh cứ xông thẳng lên ra tay. Còn nếu không đành để ngày khác vậy.
Hôm sau, Văn Cao đến nhà Doãn Tòng như cũ. Trong khi anh này lúi húi dắt xe đạp ra thì Đức Dược hớt hải chạy đến.
– Sếp ơi, sếp, hôm nay tôi không đi được. Nhà tôi bên Thủy Nguyên gọi về.
Doãn Tòng khó chịu:
– Đi giết người chứ có phải hẹn đi cà phê đâu mà anh muốn hủy là hủy. Rồi ai canh cầu thang cho sếp?
Văn Cao lộ vẻ không vui, nhưng vẫn điềm tĩnh đưa tay ra:
– Thôi không sao, đưa đây.
Đức Dược lộ vẻ ăn năn, anh rút trong người ra một khẩu Browning. Văn Cao cầm lấy, bằng một động tác gọn đẹp, ông tra đạn đánh Cắc vào khẩu súng rồi nhét gọn vào áo măng tô. Để chắc ăn về lớp hóa trang, Văn Cao hỏi Liên đang đứng ngoài cửa:
– Cô nhận ra tôi không?
– Anh là ai đó?
Liên đùa, nhưng Văn Cao vẫn hỏi lại:
– Chuyện sinh tử, đừng có giỡn.
– Chắc chắn không ai nhận ra anh Văn đâu, thề luôn.
Văn Cao yên tâm. Khi Doãn Tòng đèo Văn Cao đi, vẫn còn nghe tiếng Đức Dược đứng đằng xa rối rít xin lỗi.
Văn Cao sang đường, qua qua Vườn Hoa Đưa Người. Thấy Trần Liễn ngồi ở hàng nước vỉa hè góc phố ra ám hiệu an toàn. Văn Cao trong vai một ông chủ thầu, râu tóc gọn gàng, kính râm mũ phớt bình thản đi dạo phố. Đến góc phố Đông Kinh, liếc mắt nhìn sang tiệm thuốc phiện thấy chiếc xe đạp dựng vỉa hè trước cửa tiệm để sẵn sàng cho vụ tẩu thoát.
Bên này đường, chú bé Trần Khánh 14 tuổi đang nhảy lò cò, Văn Cao hiểu rằng Đỗ Đức Phin đang hút trên căn gác hai. Bên này đường, thằng cu Trần Khánh đang nhảy lò cò, Văn Cao hiểu rằng Đỗ Đức Phin đang hút trên căn gác hai. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và đặc biệt nguy hiểm. Bằng mọi giá không được để xảy ra sai lầm nào dù là nhỏ nhất.
Giờ đây chỉ còn đơn độc một mình, Văn Cao hít một hơi thật sâu rồi lách cửa vào, chậm rãi đi lên gác. Đứng đầu cầu thang nhìn vào phòng, Văn Cao xác định được Đỗ Đức Phin nằm hút sát tường trên phản, mặt hướng ra cửa. Bên dưới hắn là một tên bồi tiêm. Vài ba người khách cũng đang nằm hút xung quanh. Mụ chủ đẫy đà đon đả kéo đến:
– Quý khách, quý khách đi một mình ạ?
– Vâng, tôi đi một mình.
– Hôm nay hơi đông nên hết phản rồi, quý khách chịu khó ngồi ngoài một lát nhé. Quý khách đến đây lần đầu nhưng chắc cũng biết thuốc phiện chỗ tôi là số một khu này, đáng để chờ lắm.
– Đúng rồi, có người giới thiệu tôi tới hút. Lát chọn cho tôi loại hảo hạng nhé. Tiền bạc không thành vấn đề.
Nghe tới tiền, đôi mắt mụ rực sáng. Mụ chủ bố trí cho Văn Cao một bộ bàn ghế cạnh cửa để vị khách sộp ngồi chờ, không quên châm cho một bình trà nóng. Đoạn, mụ ngúng nguẩy bỏ vào nhà trong. Văn Cao chậm rãi nhâm nhi ly trà, không quên lắng tai nghe ngóng.
Giọng Đỗ Đức Phin lanh lảnh:
– Thêm thuốc đi nào.
Tên bồi tiêm phụ họa:
– Dạo này anh hút phóng khoáng thế? Làm ăn phát đạt như diều gặp gió hả?
– À, năm nay trúng vài quả đậm với mấy tay người Nhật nên cũng dễ sống.
– Có bồi dưỡng gì cho em út không đấy?
Đỗ Đức Phin cười hềnh hệch:
– Tiền thì anh không thiếu, thỉnh thoảng làm vài cú như vậy chẳng mấy chốc lại đổi đời.
– Anh cứ siêng ghé hút và bồi dưỡng là em út được ấm no rồi.
Lúc đó vài ba khách đã đứng lên và ra khỏi tiệm. Khi đã vãn người, nhận thấy thời cơ đã tới, phải hành động thật nhanh. Văn Cao đứng phắt dậy, rút khẩu Colt tiến vào:
– Tất cả nằm im! Tôi là người của Việt Minh tuyên bố xử tử tên Việt gian bán nước Đỗ Đức Phin làm tay sai cho Nhật, chống phá Cách mạng, có nhiều tội ác với nhân dân!
Văn Cao đứng choán ngay cửa, áo măng tô bay phần phật trong gió, ánh mắt băng giá như hung thần ác sát. Khẩu súng Colt với nòng đen ngòm chĩa thẳng vào mặt Đỗ Đức Phin. Tên bồi tiêm giật mình quay lại hét lên:
– Giết người!
Nhìn thấy khẩu súng trong tay Văn Cao vung lên, hắn sợ hãi chui tọt vào gầm phản. Văn Cao chĩa súng vào mặt Phin quát:
– Đỗ Đức Phin! Mày đã biết tội chưa?
Đỗ Đức Phin ngóc đầu dậy, đôi mắt ngơ ngác nhìn họng súng chĩa vào mình rồi lại nhìn Văn Cao. Hắn lắp bắp:
– Sao lại giết tôi? Tôi có làm gì anh đâu?
– Tội mày chất cao như núi. Đừng già mồm nữa!
Văn Cao bóp cò. Một tiếng Cạch khô khốc. Khẩu Colt bị kẹt đạn.
Đỗ Đức Phin rú lên, hắn sợ tới mức không cử động nổi. Cứ lấy tay che mặt, mồ hôi vã như tắm. Văn Cao lạnh lùng bình tĩnh nhét khẩu Colt vào bụng rồi móc túi áo măng tô rút khẩu Browning của Dược ra.
Đoàng, khẩu súng khai hỏa, viên đạn găm thẳng vào ngực Phin. Hắn hét lên lấy tay bịt vết thương phun như suối, mồm trào cả máu ra. Văn Cao trừng mắt:
– Sau hôm nay, mày sẽ vĩnh viễn câm cái mõm chó lại!
Khẩu súng nã thêm một phát ân huệ. Đoàng, trúng thẳng vào tim. Đỗ Đức Phin chết gục ngay trên phản, máu chảy lênh láng. Mụ chủ quán thấy cảnh tượng ghê rợn quá vội chạy ngược vào trong đóng cửa. Còn tên bồi tiêm nhảy qua ban công bám vào ống máng tụt xuống chạy mất tích.
Khách hút thuốc ở mấy phòng khác nghe tiếng súng nổ, vội chạy đến. Có người bủn rủn cả tay chân, không dám tri hô. Văn Cao bình tĩnh nói:
– Xin mọi người ngồi im. Tôi chỉ diệt một tên Việt gian bán nước thôi!
Văn Cao bình tĩnh cất khẩu súng vào áo măng tô. Ông đi nhanh xuống gác lách cửa ra, nhảy lên chiếc xe đạp đã để sẵn, hòa vô dòng người đi vào thành phố. Bỏ lại phía sau đám đông nhốn nháo, Văn Cao suy tư về việc mình đã làm là đúng hay sai. Bấy giờ Văn Cao mới thấy run tay, lần đầu tiên ông giết một con người. Tuy nhiên ông tự trấn an mình:
Giữa sự sống và cái chết
Tôi chọn sự sống
Để bảo vệ sự sống
Tôi chọn sự chết.
Ông thì thầm hát bài Buồn tàn thu, bài hát đầu tiên trong suốt sự nghiệp sáng tác của ông:
– Đêm mùa thu chết. Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng…
Tình cờ, hàng lá vàng xao xác cũng đổ xuống theo dấu bánh xe đạp lăn dần mất hút trên đường chiều Hải Phòng.
Về sau này, ông thường né tránh và ít khi nhắc đến quãng đời thích khách của mình. Có lần ông tâm sự với con trai Văn Thao:
“… Bố đã từng giết một con người… Ông ta nhìn vào họng súng, nhìn bố với đôi mắt ngơ ngác như muốn hỏi – Sao lại giết tôi. Cho đến giờ, bố vẫn bị ám ảnh vì đôi mắt ấy…”
Điều này khiến Văn Cao day dứt đến nỗi một nhà văn đã chép lại:
“Đêm ấy, trong cuộc tâm tình nghệ sĩ của Văn Cao với những ngư phủ trên phá Tam Giang, tôi muốn biết một điều mà với tôi là một bí ẩn thuộc về đời ông:
– Tại sao sau kháng chiến chống Pháp, anh vẫn vẽ, vẫn làm thơ, nhưng người ta không nghe anh hát nữa?
– Hồi nhận lời viết Tiến Quân Ca, tôi không hề chuẩn bị trước để làm một bài hát, mà là một đặc nhiệm nguy hiểm của đội biệt động. Tôi là đội viên biệt động vũ trang. Nhiệm vụ của tôi là trong một đêm, cầm một khẩu súng, vào một thành phố để giết một người. Tôi đã làm xong việc ấy. Đó là chiến tranh và căm thù, đơn giản thôi. Những ngày đầu sau chiến tranh, tôi đã trở lại căn nhà ấy, thấy còn lại một gia đình mẹ góa con côi. Làm sao tôi có thể nói điều cần thiết nhất đối với tôi trong những bài hát sau đó? Nói về chiến công hay phải nói một điều gì khác? Nên tôi im lặng, và chỉ viết nhạc-không-lời.
Giữa tiếng sóng ồ ạt vỗ quanh tàu, dưới đêm sao, tôi vẫn nghe rõ giọng nói dịu dàng của Văn Cao, sâu thẳm đến lạnh người, như thể là tiếng nói đến từ một biển khác. Trời ơi, tôi đã dại dột chọc tay vào vết thương. Nhưng tôi nghĩ, chỉ có những nghệ sĩ lớn mới nuôi cho mình những bi kịch như vậy“
Họa sĩ Tạ Tỵ, bạn Văn Cao chia sẻ:
“Văn Cao là mẫu người đặc biệt. Với vóc dáng nhỏ nhắn. Với nụ cười lắng chìm không thành tiếng. Với hàm răng ngắn, đều. Với đôi mắt lạnh lùng dễ sợ lúc giận dữ, và dịu hiền khi tâm hồn chìm du vào dòng suy tưởng. (…)
Chưa ai nghĩ tới và tưởng tượng nổi một Văn Cao trước những đối nghịch lớn, chứa đựng cái vóc dáng khiêm nhượng ấy. Người ta có thể cho là huyền thoại khi nói về một Văn Cao vẽ giấy bạc giả để chi dùng trong khi hoạt động túng thiếu, đến lúc hành vi bị lộ, đã rút súng Colt 45 chĩa vào những người có mặt, bắt họ giữ nguyên vị trí, để mình rút lui, rồi sau ngày 19-8, mang giấy bạc thật đến hoàn lại số tiền đã trả bằng bạc giả với đôi lời xin lỗi.
Cũng như ít ai biết tác giả Thiên Thai, Trương Chi ở tổ chức ám sát nội thành Hà Nội dưới thời Nhật. Bị hoàn cảnh xã hội lúc đó đẩy vào con đường nghẽn, Văn Cao phải lao tìm một lối sống đặc biệt. (…)
Dù sao, Văn Cao vẫn hiện diện trong tôi với hình dáng của một tinh cầu giá lạnh, với cô đơn dằng dặc ở cuối khung trời ngăn cách.”
Art Director Lê Minh
Designer Nhím
Illustrator Võ Minh Thảo