Vieseries Hồ Sơ W

Vén màn Óc Eo – “Atlantis” chôn vùi ngàn năm giữa đất rừng phương Nam

Tác giả Wong Trần
Vén màn Óc Eo – “Atlantis” chôn vùi ngàn năm giữa đất rừng phương Nam

Các di tích khảo cổ ở đồng bằng Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng đã được người Pháp chú ý từ sớm. Từ những cuộc khai quật, một nền văn minh cổ xưa và thần bí như Atlantis, bị chôn vùi suốt ngàn năm giữa đất rừng phương Nam, dần dần bước ra ánh sáng.

Ba Thê - Óc Eo, những phát lộ đầu tiên

Ngay từ đầu thế kỷ 20, Lunet de La Jonquière đã liệt kê một số di vật và di tích được khám phá trong các hạt tham biện Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu), Biên Hòa, Sa Đéc, Châu Đốc, Long Xuyên và Bạc Liêu. Jonquière đã đề cập đến “các di tích của một kiến trúc bằng gạch” ở núi Ba Thê hạt tham biện Long Xuyên. Năm 1930, Pierre Paris thu thập các ảnh chụp từ trên không, đã phát hiện các đường nước cổ xưa ở vùng này.  

Tại khu vực này cũng như các vùng lân cận, người dân liên tục khám phá ra các di vật cổ xưa. Báo Lục tỉnh tân văn số ngày 16/7/1931 cho biết: 

… Mấy năm trước ở Long-xuyên, chúng tôi thường thấy người ta làm ruộng ở miệt Ba-thê, Núi-sập, hay gập những ghe thuyền chôn lấp giữa ruộng, có cã buồm, lái, mỏ neo, song đều có hơi mục hết”.

Về sau, các hiện vật quý được phát hiện ngày càng nhiều. Theo lời ký thuật của Trần Huy Bá viết năm 1944 thì: 

“Vài ba năm nay có một người thợ cầy ở Vọng Thê, nhân khi cầy ruộng, lúc lưỡi cầy chạm vào một vật cứng, người ấy bới ra xem, thì là một pho tượng ở trong một cái khung dài độ 20 phân; khi rửa sạch đất thì ra bằng vàng, người đó đem về nhà để thờ được ít lâu thì bị kẻ trộm lấy mất. Từ đó người ta đồn đại xôn xao, rồi kẻ kiếm được vật này, người lượm được đồ kia, thứ thì bằng vàng, thứ thì bằng ngọc thạch”.

Phong trào tìm vàng từ đó khởi phát. Mỗi khi mùa lụt đến, mỗi ngày có đến hơn ngàn chiếc ghe với vài ba ngàn người lặn mò vàng. Người nào cũng có thể tìm được ít nhiều hiện vật, không mấy khi phải về tay không. Hoạt động tìm kiếm đó thu hút thêm các ghe buôn bán các loại quà bánh, bán chác các đồ thu lượm được, trở thành một cái chợ nổi. Thậm chí có các hiệu buôn vàng bạc cũng đến thu mua các đồ vàng mà dân tìm được.

Lunet de la J.
Bài báo trên Lục Tỉnh tân văn.
Di tích kiến trúc cổ tại Ba Thê.
Bản đồ làng Vọng Thê

Các hoạt động khai thác trùng với thời điểm các nhà nghiên cứu Pháp cũng tìm đến khảo sát khu vực Ba Thê – Óc Eo. Ngày 1/4/1942, Louis Malleret đặt chân đến chốn này lần đầu tiên, chứng kiến hoạt động săn vàng ở đây. Vì nguyên nhân chiến tranh, thiếu các hỗ trợ hành chính và các phương tiện bảo vệ, Malleret đã không thể tổ chức khai quật ngay, nên đã tiến hành mua lại một số lượng lớn các hiện vật mà giới săn vàng thu được. 

Qua chuyến đi này, Malleret đã thông báo về các gò đống nổi bật trên vùng đồng lầy từ Phnom Ba Thê ra đến biển. Phải đến đầu năm 1944, Malleret mới được George Coedès – Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ – giao cho nhiệm vụ điều hành một đoàn khai quật, tiến hành nghiên cứu các địa điểm ở Ba Thê – Óc Eo. 

Thành phần đoàn khai quật

Người lãnh đạo đoàn khai quật là Louis Malleret. Phụ tá cho ông còn có:

– Jean Manikus, phụ trách nhiếp ảnh.
– Trần Huy Bá, phụ trách đo vẽ.
– Đặng Văn Minh, thư ký bảo tàng Blanchard de la Brosse.
– Nguyễn Văn Yên, người đổ khuôn thạch cao của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa.

Louis Malleret
Jean Manikus
Trần Huy Bá

Hai mươi thanh niên hỗ trợ khai quật trong tháng đầu. Mười cảnh sát được điều tới bảo vệ và giữ gìn an ninh khu khai quật. Một y tá được bố trí túc trực để chăm sóc sức khỏe cho đoàn làm việc. Các bác sĩ của hai hạt Long Xuyên, Rạch Giá cũng thường xuyên lui tới để chăm sóc y tế cho đoàn. Đó là thành phần phái đoàn theo Malleret trong báo cáo được công bố năm 1951.

Tuy nhiên, theo các bài ký đăng trên báo Tri Tân mấy tháng sau khi khai quật của Trần Huy Bá thì nòng cốt của đoàn chỉ có bốn thành viên. Đối chiếu với các tư liệu hiện còn thì ta chắc chắn sự có mặt của Louis Malleret, Trần Huy Bá và Jean Manikus. Ngoài ra còn có 15 trại sinh (campeurs) ở các hạt Rạch Giá, Long Xuyên, Sài Gòn và Cần Thơ. Quan tỉnh Long Xuyên phái theo một thầy khán hộ (y sĩ) và mười người lính khố xanh. Tổng cộng là 30 người. Ngoài ra còn có 40 người culi làm việc khai quật, phần lớn là người Khmer.

Lên đường

Theo kế hoạch, các thành viên đoàn khảo cổ sẽ tập trung ở Sài Gòn và khởi hành đi Long Xuyên vào ngày 5/2/1944. Ông Trần Huy Bá đã lên tàu từ Hà Nội vào 8 giờ tối 29/1/1944 và đến Sài Gòn lúc 8 giờ đêm 31/1. Tuy nhiên, do chuyến tàu hỏa chở Louis Malleret từ Hà Nội vào gặp tai nạn dọc đường, phải đến tối ngày 7/2, Malleret mới xuống ga Sài Gòn. Chín giờ sáng ngày 9/2/1944, đoàn xe cam nhông khởi hành từ Sài Gòn đi Long Xuyên.

Long Xuyên thời Pháp thuộc.

Cả đoàn đến Long Xuyên vào lúc 7 giờ 30 tối. Đoàn tạm trú trên lầu của công sở Bình Đức. Họ trú lại đây mấy ngày để mua sắm thêm các vật dụng cần thiết. Tảng sáng 12/2, đoàn xe cam nhông rời Long Xuyên. Qua 22 km đường bộ thì đoàn xuống ca-nốt đi theo đường thủy, theo Kênh Sáng (tức Kênh Xáng), rồi đi bộ thêm 2 cây số. Đến mười hai giờ đúng, đoàn tới Vọng Thê. Các kỳ hào và dân chúng đã chực sẵn để đón tiếp. Tuy nhiên, địa điểm khảo sát là Óc Eo thì còn cách đó bốn cây số đi bộ, lội qua ruộng cỏ, cát bùn pha với đất đỏ.

Chợ Long Xuyên thời Pháp thuộc - đầu thế kỷ 20. (Ảnh: EFEO)

Vấn đề sinh hoạt

Đoàn nghiên cứu được bố trí ở tại đình làng Vọng Thê. Đình xây trên một ngọn đồi cao độ 4 mét, nhà kiểu mới, chung quanh có cửa chớp, có hai phòng làm việc dành cho Hương quản và Xã trưởng; ngoài ra còn có ba gian rộng rãi để ban Hội xã họp hội đồng. Tuy nhiên, theo Malleret, đoàn đã dựng trại ở sân đình làng chứ không ở trong đình. Trần Huy Bá cũng khẳng định:

Khách má hồng vừa mới bén hơi duyên
Lúc tương ngộ lại thêm phiền tương biệt
Ai nhớ ai luống những tần ngần
Để quạt ước hương nguyền chờ đợi đó

Đoàn khai quật ở đình Vọng Thê.

Vấn đề quan trọng nhất là nước. Trước đó, bác sĩ Delbove thuộc Viện Pasteur đã nghiên cứu về bệnh sốt rét trong vùng còn bác sĩ – dược sĩ Vialard-Goudou cũng của Viện Pasteur đã phân tích các mẫu nước giếng ăn ở đây. Trần Huy Bá cho biết nước dùng ăn uống hàng ngày được lấy từ Long Xuyên, mỗi ngày hai chĩnh thủy tinh, chứa được khoảng 60 lít nước. Malleret thì nói rằng nước này lấy từ Núi Sập, Long Xuyên, cách Óc Eo 15 cây số. 

Bên cạnh đó, đoàn còn dựng một trạm lọc nước giếng ngay cạnh trại để lấy nước tắm rửa. Nước này phải thuê phu gánh, mỗi gánh là một cắc, đổ vào cái chum để trên cao. Nước lấy từ các vũng nước nhỏ, đục như nước hến, mỗi khi ra gánh, phải lấy gáo múc từng gáo một, đem về đánh phèn cho trong, để một ngày. Sang ngày hôm sau, mới dẫn nước qua vòi cao su từ chum trên cao đó sang một chum khác, rồi bỏ thuốc sát trùng vào. Ấy vậy mà nước này vẫn còn có chất dính như nhựa.

Bác sĩ Delbove.

 Công tác khai quật

Công trường khai quật gò Cây Thị.

Những ngày đầu L. Malleret cùng Trần Huy Bá tiến hành khảo sát các khu đất để tiện việc đào bới. Một nhân viên địa bạ của tỉnh Long Xuyên đã giúp Malleret xây dựng một sơ đồ tổng thể di tích Óc Eo dựa trên sự khảo sát của ông. Malleret cũng tiến hành nghiên cứu các không ảnh (ảnh chụp địa hình khu vực từ máy bay). 

Nhằm xác định được vị trí trong khu vực đồng bằng không có các mốc thị giác, Malleret đã tiến hành chia địa hình này thành các khu, mỗi khu lại chia thành các ô nhỏ. Đoàn còn tiến hành nghiên cứu các đặc trưng địa tầng tại 8 điểm thuộc khu bắc và khu trung tâm. Khu vực phía Nam vẫn lầy lội trong suốt thời gian đoàn khai quật ở đó. Theo lời Malleret, bắt đầu từ ngày 10/2, khi đào xuống sâu 1 mét thì họ đã đụng phải nước. 

Cắm cọc chia ô.

Ngày 17/2/1944, Louis Malleret họp đoàn để phân bổ công việc. Các trại sinh được cấp cho mỗi người một quyển sổ tay, một bút chì, một cái thước và một cái cặp. Sổ tay đã kẻ sẵn từng ô ghi các tiêu chí sâu nông, dài ngắn, để khi phát hiện được vật gì thì ghi vào sổ. Mười người chia nhau ra mỗi người theo dõi một toán phu đào khoảng 5 người.

Lịch làm việc mỗi ngày của đoàn đại thể như sau:

Năm giờ rưỡi sáng có kèn báo thức. Đến 5 giờ 45 thì tập trung xếp hàng chào cờ, rồi có kèn báo điểm tâm. Đúng 6 giờ khởi hành, đến 7 giờ thì ra tới gò Óc Eo. Khoảng ấy trời còn tối, phải đốt đuốc, thắp đèn, nhiều khi có sương mù nên có hôm đoàn đi lạc đường trong đồng cỏ cao đến bắp vế, đến 8 giờ mới đến nơi.

Ra tới hiện trường thì bắt đầu dựa theo sổ mà điểm danh các phu đào, rồi lại chào cờ, sau đó bắt đầu công việc. Việc đào bới khá vất vả vì đất rắn như sành, đào xuống độ 20 phân thì mới hơi dễ cuốc. Đến khoảng 11 giờ thì nghỉ trưa, ăn cơm khoảng 20 phút rồi lại làm đến 1 giờ chiều. Đến giờ thì có kèn báo hiệu, các culi tập hợp lại, đem dụng cụ gửi vào nhà viên Hương ấp, rồi chào cờ, sau đó giải tán. 

Về tới trại là khoảng 2 giờ chiều, ăn uống, nghỉ ngơi. Đến 5 giờ chiều, vào sổ ghi chép các hiện vật đào được trong ngày. Đến 7 giờ, chào cờ rồi ăn cơm chiều. 9 giờ rưỡi đêm, có kèn báo tắt đèn đi ngủ.

Ngày Chủ nhật, đoàn tạm nghỉ và phát tiền công cho phu đào. Ai chăm chỉ, làm tốt thì được thưởng thêm xà phòng hoặc bao diêm.

Công việc khai quật được tiến hành trong vòng ba tháng. Ngày làm việc cuối cùng là 19/4/1944. Đây là thời gian khô ráo, đất đai trở nên khá chắc, địa tầng không bị xáo trộn và ngập nước.

Trở về

Ngày 19/4/1944, ông Trần Huy Bá cùng với 30 người culi tiến hành ngày khai quật cuối cùng. Công việc kết thúc vào lúc 1 giờ chiều.

Một buổi tiệc chia tay được tổ chức. Trong buổi tiệc, Malleret đã đứng lên nói lời từ biệt. Ông cám ơn sự giúp đỡ của các hương chức làng Vọng Thê trong thời gian đoàn khai quật làm việc, đồng thời mong mỏi sau này làng Vọng Thê sẽ là một địa điểm du lịch quan trọng – trong trường hợp tìm ra được nhiều điều quan trọng từ Óc Eo.

Xã trưởng làng Vọng Thê cũng đứng lên đáp từ. Ông cảm ơn phái đoàn đã đến đây nghiên cứu, nhờ đó mà gò Óc Eo trước đây chỉ là chỗ buộc trâu bò trong mùa lụt, giờ đã trở thành một địa điểm khảo cổ quan trọng.

Tiệc vừa tan thì có mấy chiếc xe bò tới. Phường bát âm trỗi nhạc lên. Các binh sĩ bồng súng chào. Phái đoàn lên xe trở về, đến Long Xuyên vào lúc 9 giờ tối. Họ chia tay, mỗi người đi mỗi việc.

Phát hiện các di chỉ Óc Eo là khám phá quan trọng nhất của khảo cổ học về Nam Bộ thế kỷ 20. Nó mở ra một chương mới trong việc nghiên cứu lịch sử Cổ Trung Đại của đồng bằng Nam Bộ, gắn liền với vấn đề nước Phù Nam. Đó là chủ đề đã làm tốn hao rất nhiều công lao điền dã của các nhà khảo cổ cũng như vô số giấy mực của các nhà biên khảo. Trong đó, Louis Malleret và những cuộc khai quật đầu tiên của ông có tác dụng mở đường cho việc nghiên cứu khảo cổ trên đồng bằng Nam Bộ. Mặc dù vẫn còn có những phàn nàn về phương pháp thu thập của Malleret, công lao của ông và ê-kíp vẫn là đáng ghi nhận.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức – Ngô Du
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share