Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang trong quá trình định hình và Trung Quốc đang trở thành "công xưởng" của thế giới, Ấn Độ trở thành "văn phòng" của thế giới. Việt Nam, theo khuyến nghị của các học giả hàng đầu, nên trở thành "bếp ăn" của thế giới.
Đúng như thế, theo tôi, Việt Nam ngoài các thành tích quân sự nổi bật, còn có một thứ đáng tự hào:
Việt Nam là một cường quốc ẩm thực có số má trên thế giới và đặc biệt là ẩm thực vùng miền đặc sắc. Huế khác Đà Nẵng, Hà Nội khác Sài Gòn, Quảng Ninh khác Mỹ Tho, vân vân.
Bạn có biết, chỉ riêng miền Nam với món hủ tíu đã có tận ba món đặc sản: hủ tíu Nam Vang thơm mùi xì dầu, hủ tíu Sa Đéc trắng ngần, dai dai được làm từ gạo ngon đặc trưng cho vùng Đồng Tháp Mười hay cùng thương hiệu nhưng hủ tíu Mỹ Tho lại có sợi to, trong và dai rất đặc trưng của loại gạo Gò Cát nổi tiếng ở đất Tiền Giang.
Siêu đầu bếp Gordon Ramsay vì quá ấn tượng với hủ tíu nên đã đưa nó làm đề thi cho Master Chef. Ông nhận xét về sự công phu của ẩm thực Việt khi thưởng thức hủ tíu:
Món hủ tíu này được bán khá nhiều trên những con ghe nhỏ ở chợ nổi trên sông tại Việt Nam. Tôi từng tới thăm một chợ nổi như thế ở khu vực đồng bằng sông Mekong, ngồi trên ghe và ăn một bát hủ tíu. Đây là một trong những món ăn tuyệt vời nhất mà tôi từng được ăn. Cách nấu khá kỳ công, tỉ mỉ.
Theo “Đông phương phong tục văn hóa từ điển” thì đặc trưng ẩm thực Việt Nam có bốn món tiêu biểu. Thứ tư, trầu cau. Thứ ba, bánh chưng. Thứ nhì, thuốc lào. Thứ nhất, nước mắm. Ăn bánh chưng chấm nước mắm, sau đó nhai trầu cau cho thơm miệng, kéo thêm hơi thuốc lào để thăng hoa. Đời một người Việt thế thì còn gì bằng.
Nghe quyển từ điển liệt kê ra thì đơn giản nhỉ? Nhưng nếu chịu khó mổ xẻ và đào sâu thêm, ta sẽ thấy nền ẩm thực Việt là cả một kho báu đồ sộ. Những món ăn Việt không chỉ ngon mà còn được chế biến với sự cầu kỳ trong từng chi tiết. Đây là điểm mà các đầu bếp thế giới đánh giá cao và khao khát khám phá.
Lấy ví dụ, một món quen thuộc như bánh cuốn cũng không hề dễ làm. Gordon Ramsay từng làm được nhiều món đẳng cấp thế giới mà cũng gặp khó khăn khi thực hiện món này. Ông nói bánh cuốn Việt Nam là một món ăn giản dị nhưng tinh tế và yêu cầu “sự tỉ mỉ cực độ” (utmost delicacy).
Cho nên không quá khó hiểu khi Việt Nam đã chiến thắng danh hiệu “Điểm đến ẩm thực châu Á” lần 2 tại Giải thưởng du lịch thế giới 2020, vượt qua Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mã Lai và Thái Lan.
Chưa hết, liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) có văn bản thông báo chính thức xác lập 5 kỷ lục thế giới cho ẩm thực Việt Nam, kết quả sau hơn 8 năm tìm kiếm và đề cử.
Văn hóa ẩm thực Việt Nam đa dạng, nhưng Huế mới thật là xứ sở diệu kỳ. Ẩm thực Việt Nam có khoảng 3000 món thì riêng Huế đã chiếm tới 1700, chia làm 3 trường phái: cung đình, dân gian và đồ chay. Huế đang hướng tới việc hoàn thiện bộ hồ sơ trình lên UNESCO công nhận “ẩm thực Huế” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Văn hoá ẩm thực của ba miền nước Việt đều rất phong phú. Nhưng ở Huế ngoài ẩm thực dân dã còn có ẩm thực cung đình, nên ngoài thực phẩm thông thường còn có những sơn hào hải vị. Nem công chả phụng, những món ăn được trang trí với một nghệ thuật tinh vi, và được dọn trong chén bát sứ kiểu rất đặc biệt.
Một sự chờ đợi rất lâu. Một nao nức trong lòng chưa giải tỏa. Giờ đây tôi trở lại quê hương mình thấy bàng hoàng, sung sướng, và hãnh diện cầm trên tay quyển Độc đáo ẩm thực Huế như cầm một bảo vật! Nói như nhà Nhân học Lévi Strauss, con người qua khả năng ẩm thực đã “biến miếng thịt thành một tác phẩm văn hoá”. Ngày nay, chúng ta không thể phủ nhận rằng món ăn Huế đã lan tỏa đến Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật… vì đã đi theo gót chân người Việt đi khắp năm châu.
Tại sao lại là ẩm thực mà không phải là các giá trị văn hóa khác? Đúng là trong dòng chảy lịch sử có rất nhiều chuỗi giá trị văn hóa. Nhưng ẩm thực có một khả năng đặc biệt, đó là chuyên chở cả quá khứ, hiện tại và tương lai và mang đậm chất Việt
Cùng là món cá kho, nhưng do địa hình “chó ăn đá, gà ăn sỏi” mà cá kho ở miền Trung có vị mặn hơn so với miền Nam. Cũng là món canh chua nhưng tại sao ở miền Tây lại ngọt còn ở miền Bắc miền Trung lại mặn? Từ lịch sử, địa lý đến lời ăn, tiếng nói, rộng hơn là nếp sống của người dân mỗi vùng miền đều được khắc ghi trong từng miếng cơm, thớ thịt để nuôi lớn bao đứa con khôn lớn.
Cá nhân tôi rất mê ẩm thực Thăng Long – Hà Nội. Mỗi lần đi Hà Nội là phải bắt mấy đứa bạn dẫn đi ăn. Có thể kể đến ngan cháy tỏi Hàng Thiếc, bánh cuốn Thanh Trì, phở tái lăn Thìn Lò Đúc, phở cuốn Ngũ Xã, bún đậu Hàng Khay, lẩu ếch Phó Đức Chính, bún ốc Hòe Nhai, bún ốc nguội Ô Quan Chưởng, bún ốc chuối đậu Ngõ Chợ Đồng Xuân, bún thang Cầu Gỗ,… rồi bún chả, miến lươn, bún riêu, lẩu riêu bò cua đồng, cháo sườn, xôi,…
Ẩm thực Hà Nội cũng xứng đáng là một di sản phi vật thể UNESCO nếu các món ăn cung đình Thăng Long còn được ghi chép lại. Mới chỉ ăn mấy món dân gian mà còn thấy ngon. Một tuần ở Hà Nội chắc lên vài ký khi hấp thụ cả “một bầu trời văn hóa” vào lòng.
Vậy ngoài các danh hiệu liệt kê ở trên, ẩm thực Việt Nam nổi tiếng thế giới ra sao?
Nhớ có lần đọc Iron Wok Jan thấy tên Việt Nam, tôi giật cả mình. Đại khái là trong một lúc cùng đường vì không biết làm cách nào để đánh thắng nem rán ngũ hương huyền thoại, anh nhân vật chính Nhật Bản đã năn nỉ học cách làm đồ ăn Việt Nam để đối đầu với nó, cụ thể là gỏi cuốn miền Nam và nem rán miền Bắc. Đúng, anh ta đã chiến thắng nhờ ẩm thực Việt Nam.
Lần khác, tôi đọc trong một đầu sách (không nhớ tựa) có bảo nem rán từng vô địch toàn cầu trong một cuộc thi nấu ăn thập niên 80. Sau đó nhà hàng kia cho vào thực đơn, 1 cái giá 10$. Còn bún bò Huế thì được đầu bếp Mỹ Anthony Bourdain cho là ‘món súp ngon nhất thế giới’. Bánh mì của Việt Nam là được coi là món bánh kẹp ngon nhất hành tinh. Gordon Ramsay từng lấy hủ tiếu làm đề thi Master Chef vì quá ấn tượng với nó. Christine Hà từng thắng Master Chef bằng các món Việt Nam. Món chuối nếp nướng của Việt Nam là một trong những món ăn được yêu thích nhất tại Đại hội ẩm thực Thế giới 2013. Bún chả của Việt Nam hiện đang xếp thứ 10 trong 10 món ăn ngon nhất mùa hè do CNN bình chọn.
Nơi đó giống như một hành tinh khác, với đầy những món ngon hút tôi vào và không bao giờ thả ra
Chúng ta may mắn khi sống ở chính quốc và được ăn đồ Việt Nam giá rẻ chứ thực ra ở nước ngoài giá kinh khủng khiếp lắm. Một ổ bánh mì Việt ở Hàn phải đến 200k. Tôi rất ủng hộ cái này vì tôi nghĩ với chất lượng của mình, ẩm thực Việt Nam xứng đáng được nhìn nhận giá trị cao hơn thay vì hai từ “ngon, rẻ”. Những món đặc sản như Sushi Nhật Bản cũng bắt nguồn từ thức ăn của ngư dân nghèo, hay cơm trộn Hàn Quốc thật ra là nông dân đi làm đồng về đói bụng, “dọn tủ lạnh” bằng cách lấy gì trong nhà còn ăn được thì trộn với cơm. Thậm chí gan ngỗng Pháp đẳng cấp như thế cũng từ một món nội tạng thừa thãi dân Ai Cập không thèm ăn mà ném cho nô lệ Do Thái.
Đó là lý do tôi luôn muốn sống ở Việt Nam. Đây là điều mà nhiều người, kể cả các đầu bếp lừng danh thế giới cũng nhất trí khi du lịch nước ta. Nước ta diện tích có thể nhỏ nhưng sở hữu nền ẩm thực lớn. Gordon Ramsay đã phải nói: