Võ lâm Việt Nam: Tây Sơn Bình Định – Kỳ 2: Tuyệt chiêu hủy diệt băng cướp

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Võ lâm Việt Nam: Tây Sơn Bình Định – Kỳ 2: Tuyệt chiêu hủy diệt băng cướp

Roi là một trong thập bát ban binh khí và cũng là món tiêu biểu cho võ thuật Bình Định. Câu chuyện dưới đây kể về một cao thủ dụng roi thần xuất quỷ nhập, một cân mười. Dùng roi đánh tan băng cướp.

Ai về Bình Định mà xem

Con gái Bình Định múa roi đi quyền

Ca dao

Ngày xưa đọc cuốn Võ nhân Bình Định của cha con tác giả Quách Tấn – Quách Giao, tôi rất mê roi Bình Định. Roi thường được làm bằng gỗ dẻo, tre đặc, to nhỏ tùy theo người sử dụng. 

Tôi đặc biệt ấn tượng loại “thiết bảng” cao ngang tầm mắt gọi là Roi trận (hay Roi tề mi). Loại này có thể đánh được cả hai đầu, công lực như thần, luôn tìm cách áp sát và nương theo binh khí đối phương để tăng gấp bội cường độ, vận tốc, mượn lực truyền dẫn rồi bất ngờ đảo ngọn roi đánh ngược chiều, khiến đối phương lúng túng trước khi nhanh chóng tung đòn kết liễu.

Tây Sơn hổ tướng Nguyễn Văn Lộc sở hữu bài Roi Không Tiên, tương truyền có 85 hành pháp liên hoàn, được biến hóa thành hàng trăm chiêu thức cực kỳ độc hiểm, chủ yếu tập trung đánh vào tử huyệt và các huyệt đạo quan trọng.

Khi tuyển tân binh ở Thanh Hóa, Nghệ An ra Bắc diệt quân Mãn Thanh. Đô đốc Lộc đã cho chặt tre đặc ruột và cây kiền kiền, bịt sắt kín hai đầu làm Roi trận, gắn lưỡi Giáo dài có ngạch để thành một thứ vũ khí cận chiến kinh dị.

Các đường Roi do đô đốc Lộc sáng tạo quá cao siêu và sát thủ nên không mấy người dám dạy cho đời sau. Có thể nói tuyệt kỹ này của nhà Tây Sơn đã thất truyền rồi. Tuy nhiên, cao thủ sử dụng roi không thiếu. Thế kỷ 20, dòng họ Hồ đất Bình Định đã khuấy đảo võ lâm bằng các ngón đòn roi cực kỳ lợi hại.

 

Roi luôn chiếm vị trí quan trọng trong võ Bình Định (Ảnh: Bình Định Online)

Vùng đất mà ba anh em Tây Sơn nổi dậy ngày xưa, truyền thống võ học vẫn chưa phai mờ. Ba làng võ nổi tiếng nhất Bình Định là An Vinh, An Thái và Thuận Truyền. Nhân vật xuất chúng mà tôi sắp kể ra ở đây là cố võ sư Hồ Ngạnh, người làng Thuận Truyền. 

Mẹ Hồ Ngạnh là người vô cùng tâm lý, trò giỏi thì bắt buộc phải có thầy hay. Chính vì thế ngay từ nhỏ, Hồ Ngạnh đã được thụ giáo các vị danh sư hàng đầu đất võ. Cậu chăm chỉ trui rèn quyền cước đến mức thành thạo ngũ hành, thất bộ, khi đó mẹ mới cho phép cậu sử dụng binh khí. Đó chính là Roi.

Rồi đều đặn, khi trăng đã treo cao trên đầu, hai mẹ con lại cùng đi ra một khu đất vắng. Đó chính là “lớp roi” của Hồ Ngạnh. Roi là vũ khí dài. Một bãi đất trống và ít người qua lại rất lý tưởng để ra đòn mà không sợ văng miểng lên người khác. Người mẹ cầm cục than vẽ thành hình tròn, như vòng bảo vệ mà Tôn Ngộ Không vẽ cho Đường Tăng trong phim Tây Du Ký. Hồ Ngạnh chỉ được phép di chuyển bên trong vòng tròn, không được ra ngoài.

Từng đừng roi vun vút của Hồ Ngạnh được tung ra. Bà mẹ lặng lẽ quan sát rồi tỉ mỉ hướng dẫn. Tiêu chuẩn của bà rất cao. Đòn nào yếu, đòn nào mạnh, bà đều cẩn thận chỉ ra rồi điều chỉnh cho cậu bé, đảm bảo đánh đòn nào là thốn đòn đó. Sự chuẩn xác trong từng đường nét, thân pháp và tính cẩn trọng là những thức bắt buộc. Con đường trở thành cao thủ võ lâm chắc chắn là khó khăn, nhưng Hồ Ngạnh phải vượt qua. 

Sau một thời gian luyện tập, đã đến lúc bà mẹ muốn xem thử công lực thằng con xem đã “chín” tới đâu. Bà đi quanh vòng tròn, đặt xuống bốn cái đĩa lớn, bên trong sóng sánh dầu phụng và mấy miếng vải nhỏ để làm thành đầu bấc. Khi ngọn lửa bùng lên, cũng là lúc Hồ Ngạnh bắt đầu múa. Ngọn roi quay vùn vụt như vũ bão. Gió phát ra mạnh đến mức cả bốn ngọn lửa đều bị dập tắt cùng một lúc. Vậy là cậu đã qua được ải này.

Cái hay của roi là nó rất linh hoạt, công hay thủ đều lợi hại. Khả năng tấn công của Hồ Ngạnh thì miễn bàn. Chính vì thế, phòng thủ chính là một bài quan trọng để hoàn thiện khả năng chiến đấu. Giống như môn bóng chày, bà mẹ sẽ đi xung quanh và ném sỏi vào cậu con trai để cậu tập phản xạ. Mới đầu Hồ Ngạnh chưa quen, sỏi đập vào roi và cả vào người đau điếng. Một thời gian sau, chỉ còn tiếng roi ào ào cùng tiếng sỏi cắc cắc vang lên. Rồi không chỉ một viên, bà cầm cả nắm sỏi ném vào. Hồ Nghạnh bình tĩnh múa roi và chúng rụng xuống đất như mưa rào mùa hạ.

Cha tôi từng dạy, luyện võ nên luyện những gì chưa ai làm được và phải luyện cho đến khi thuần thục. Luyện cái nào người khác không luyện được, thì khi đó mới thành tài. Cũng giống như Roi đánh nghịch, phải luyện làm sao đòn Roi đánh nghịch thành đòn “roi đánh thuận” của riêng mình thì khi đó mới thành công” – Võ sư Hồ Sỹ chia sẻ. 

 

Một buổi dạy roi tại võ đường Hồ gia

Roi đánh nghịch là một kỹ thuật vô cùng hóc búa. Bình thường người ta chỉ dạy roi thuận thôi. Bài này là một biến thể khác. Mục đích của nó nhằm khắc chế bài roi thuận. Dùng gậy ông đập lưng ông.

Khi giáp chiến, chuyện người ta đánh thì mình hoặc là đỡ, hoặc là né, đó là điều rất cơ bản mà ai cũng hiểu. Roi đánh nghịch không tuân theo quy luật đó. Cao thủ sử dụng Roi đánh nghịch sẽ chờ đối phương xuất chiêu, họ lại nương theo đó để phản đòn. Đối phương càng hung hăng xông vào đánh mạnh, hắn ta sẽ nhận trả lượng sát thương đau không kém.

Roi đánh nghịch có thể xem như đẳng cấp cuối cùng. Bởi vì sao? Để học tiến đến cảnh giới này, người võ sư nhất định phải thành thạo toàn bộ các bài roi khác. Võ sư phải nhạy đến mức có thể nhìn ra được từng điểm mạnh và điểm yếu của các chiêu thức mà đối phương thi triển, lấy đó làm trọng tâm, từ đấy mới ra đòn khắc chế được.

Khi đọc về Roi đánh nghịch, tôi liên tưởng đến một tình tiết trong truyện Tiếu ngạo giang hồ. Tuyệt kỹ Độc Cô Cửu Kiếm do Lệnh Hồ Xung lãnh hội không phải là môn võ chế ra nhảm nhí với mục đích câu khách. Đây là một triết lý kiếm thuật dựa vào Bát Quái trong Kinh Dịch, có thể khắc chế mọi loại võ công trên đời. Độc Cô Cửu Kiếm tối kị học thuộc mà đòi hỏi một chữ Ngộ. Khi đó dù có quên thì lại càng phát huy trình độ đến cực hạn. 

Luyện võ và sử chiêu linh động mới chỉ là bước đầu, luyện đến trình độ ra tay không còn chiêu thức mới tiến vào trình độ tuyệt luân

Những năm tháng Hồ Ngạnh trưởng thành, cả một vùng quê yên bình xáo động vì một cái tên: Dư Đành. Tên tướng cướp này vóc người to khỏe, quyền cước tinh thông. Hắn khỏe đến mức cắp trên tay một con nghé nhẹ bẫng như người ta bế con nít. Dân chúng thì khiếp sợ, chính quyền thì bó tay.

Với một kẻ trời không sợ, đất không sợ kiểu Dư Đành, việc hắn ghét nhất là nghe người ta khen kẻ khác. Thời điểm ấy ở đất võ, không cái tên nào nổi lên nhanh chóng như Hồ Ngạnh. Tất nhiên, Dư Đành rất khó chịu. Tao mà số hai thì không ai số một.

Dù vậy, Dư Đành vẫn là một kẻ có đầu óc. Chỉ cần tuyển được một cao thủ cỡ như Hồ Ngạnh thôi, băng cướp của hắn sẽ bất khả chiến bại đất võ. Tất nhiên, Hồ Ngạnh từ chối lời mời. Dư Đành nhất quyết không bỏ qua, hắn phải chiêu mộ bằng được cái thằng ngoan cố này. Không nói chuyện đạo lý được thì mình nói chuyện vật lý đi bạn.

Lời thách đấu được đưa ra và cái giá phải trả nếu Hồ Ngạnh thua cuộc là ông phải sống cuộc đời thảo khấu cùng chúng. Để chấm dứt chuyện này một lần cho xong, Hồ Ngạnh chấp nhận.

Võ sư Hồ Ngạnh
Võ sư Hồ Sừng

Cũng vào một đêm trăng như thời điểm Hồ Ngạnh thường luyện võ, trận đấu định mệnh diễn ra ở một bãi đất trống bên cạnh thôn Thuận Truyền. Những đòn roi nghịch của Hồ Ngạnh lạnh lùng nhưng không kém phần hoa mỹ, như thêu hoa dệt gấm, như phượng múa rồng bay. Tiếng gió vun vút xé toạc đêm thanh vắng, liên tiếp đốn ngã 11 cao thủ trong băng Dư Đành. Chúng không hề có chút cơ hội phản công nào.

Dư Đành bấy giờ đã rơi vào trạng thái cuồng nộ. Đám đệ tử này rặt một lũ ăn hại. Việc gì cũng đến tay ta. Đường đao hung hiểm của Dư Đành xộc tới, liền bị ngọn roi Hồ Ngạnh quất bạt đi. Vị cao thủ làng Thuận Truyền không để lộ bất cứ điểm yếu nào. Đao chém đến, roi phản đòn. Cứ thế, cứ thế, trận đấu trở thành một chiều. Nhận ra sơ hở của đối phương, Hồ Ngạnh tung một cước đầy dũng mãnh đạp văng thanh đao đi và ông xuất tuyệt chiêu cuối: Liên hoàn roi!

Trong ánh mắt kinh hoàng của Dư Đành, hắn nhìn thấy ngọn roi múa tít như cuồng phong. Hắn trộm nghĩ kỳ này chết chắc rồi. Thế nhưng, Hồ Ngạnh không có ý định triệt hạ đối phương. Chiêu thức chỉ vừa chạm khẽ đến áo Dư Đành, ông liền thu roi về. Nếu hôm ấy không phải Hồ Ngạnh mà là một kẻ không lĩnh hội được cái “tĩnh” của người học võ chân chính, Dư Đành đã bay thẳng lên nóc tủ mỉm cười sau nải chuối rồi.

Dù được tha mạng, Dư Đành không hề biết ơn Hồ Ngạnh. Hắn quyết tâm báo thù rửa hận cho trôi cơn nhục nhã này. Biết không thể đường đường chính chính mà thắng nổi Hồ Ngạnh. Hắn nảy ra một mưu kế rất thâm độc. Bằng cách nhổ sạch sẽ khoai mì của nhà họ Hồ, hắn cố tình để lại trên rẫy.

Khi phát hiện khoai mì nhà mình bị kẻ nào đó phá, Hồ Ngạnh đoán ngay được kẻ nào là thủ phạm. Ông không tức giận mà mỉm cười rồi lặng lẽ ra gánh về. Bỗng nhiên, Dư Đành nhảy xổ ra từ bụi rậm. Bắp cày trên tay hắn vung thẳng vào đầu Hồ Ngạnh. Bằng phản xạ tuyệt vời, vị võ sư né được. Đòn này của Dư Đành hiểm đến mức, bắp cày đập vào làm gãy gập thân cây bời lời.

Tận dụng khoảnh khắc đánh hụt của Dư Đành, Hồ Ngạnh nhanh như cắt chụp luôn lấy tay hắn rồi sử dụng thế lạc côn. Đòn này lấy độc trị độc, chẳng những vô hiệu hóa đối thủ, mà còn phản đòn dựa vào sức hắn. Chiếc đòn gánh vung lên hất văng gã tướng cướp vào bụi tre. Hắn bủn rủn cả chân tay, xin tha mạng và thề không quậy phá làng Thuận Truyền nữa.

Tuy nhiên, truyền kỳ của Hồ Ngạnh vẫn chưa kết thúc. Kỳ sau, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm một câu chuyện nữa về trận đấu huyền thoại của ông.

Tài liệu tham khảo

Trận thư hùng roi Thuận Truyền quyền An Thái lưu danh làng võ, VTC News, tác giả Phạm Viên - An Yên - Nguyễn Gia

Võ nhân Bình Định, tác giả Quách Tấn - Quách Giao, NXB Trẻ

Lịch sử võ học Việt Nam, tác giả Phạm Phong, NXB Văn Hóa Thông Tin

Chia sẻ câu chuyện này
Share