Võ lâm Việt Nam: Tây Sơn Bình Định – Kỳ 3: Roi Thuận Truyền đấu Quyền An Thái

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Võ lâm Việt Nam: Tây Sơn Bình Định – Kỳ 3: Roi Thuận Truyền đấu Quyền An Thái

Dưới ánh trăng soi bóng xuống dòng sông Côn hiền hòa, tại võ đường Hồ Gia, võ sư Hồ Sỹ say sưa kể về trận thư hùng Roi Thuận Truyền – Quyền An Thái.

Năm 1924, trong những ngôi làng nằm dọc đôi bờ sông Côn, không biết bao nhiêu ấm trà đã cạn trong các cuộc thảo luận rôm rả của người dân từ đầu làng đến cuối xóm về trận thư hùng sắp diễn ra giữa hai võ sư nổi danh miền đất võ Bình Định: Đệ nhất roi Hồ Ngạnh và Đệ nhất quyền Tàu Sáu.

Lâu lắm rồi, giới võ lâm mới lại thấy một sự kiện đỉnh cao mà toàn bộ cư dân từ nam, phụ, đến lão, ấu đều háo hức mong chờ đến độ quên ăn, quên ngủ. Cho dễ hiểu, đây là trận siêu kinh điển với dân Bình Định, giống như dân bóng đá chờ đợi El Clásico giữa Barca và Real, giữa Messi và Ronaldo về sau vậy.

Danh tiếng võ sư Hồ Ngạnh nổi như cồn khắp làng Thuận Truyền. Ông nắm giữ tuyệt chiêu Roi đánh nghịch cực kỳ bá đạo. Danh tiếng của Hồ Ngạnh vang xa đến mức thường xuyên bị thách đấu. Có nhiều người muốn so tài với Hồ Ngạnh chỉ đơn giản bởi vì… thấy thiên hạ nhắc nhiều quá nên họ khó chịu. Đúng kiểu, tôi không tìm đến drama, nhưng drama tìm đến tôi. Thường các cao thủ thực sự thì tâm họ rất tĩnh. Hồ Ngạnh bỏ ngoài tai hết, không quan tâm. Ông chỉ nhận kèo giao hữu của một cao thủ duy nhất.

Roi là vũ khí linh hoạt và gây ra sát thương lớn (Ảnh: Zing.vn)

Tàu Sáu (tên thật là Diệp Trường Phát) là người gốc Hoa. Gia đình sinh sống ở làng An Thái đã được mấy đời.

Năm 13 tuổi, Tàu Sáu được gia đình gửi trở về Trung Quốc để học võ Thiếu Lâm Bắc phái. Sau 15 năm thụ giáo tại cố hương, ông trở lại An Thái và tiếp tục học hỏi thêm các môn võ Bình Định. Cuối cùng, Tàu Sáu thành lập môn phái của riêng mình: An Thái – Bình Định.

Trận đấu sắp tới, một bên là Đệ nhất roi Thuận Truyền, bên còn lại là Đệ nhất quyền An Thái. Không thể biết ai sẽ thắng vì mỗi người đều là “trùm”. Trận long tranh hổ đấu này bất luận kết quả thế nào sẽ đi vào lịch sử.

Hàng ngàn người đổ về đấu trường. Không chỉ cư dân Thuận Truyền – An Thái, ngôi làng của hai đại cao thủ, mà dân chúng các làng võ đôi bờ sông Côn cũng không thể bỏ qua trận siêu kinh điển này được. Bởi vì lỡ dịp này là xong, họ chỉ đấu một lần duy nhất mà thôi.

Để công bằng, ai cũng được thi đấu với sở trường của mình. Trận quyết đấu chia làm hai hiệp:

– Đấu quyền vào hiệp một.

– Đấu roi vào hiệp hai.

Trên tinh thần thượng võ và giao hữu, hai cao thủ không được phép đả thương nhau. Thắng thua được quyết định bằng mực. Ai dính nhiều đòn trên người hơn thì sẽ nhìn vào dấu mực trên võ phục người đó.

Quyền cước Bình Định có tính thực chiến rất cao

Hiệp một bắt đầu. Hồ Ngạnh và Tàu Sáu ra sức thi triển công phu đấm đá của mình. Dấu mực mỗi lúc một nhiều hơn. Khi hiệp đấu chấm dứt, người ta đếm lại thấy số lượng ngang nhau. Tuy nhiên, Hồ Ngạnh nhận thua. Mọi người đều ngạc nhiên không hiểu. Với tư duy của một cao thủ, ông nhìn võ phục của mình và giải thích rằng Tàu Sáu đã nương tay. Các vết mực nhạt chứng tỏ rằng Tàu Sáu khống chế được công lực, không muốn làm đả thương Hồ Ngạnh. Phải là một người sở hữu nội công quyền pháp thâm hậu lắm mới thực hiện được điều đó.

Đến màn đấu roi, đúng “món tủ” của Hồ Ngạnh. Nhưng như đã nói ở trên, roi là một binh khí, chính vì thế nó sẽ rất nguy hiểm khi nằm trong tay một người dụng roi cao cường như Hồ Ngạnh. Để giảm bớt sát thương cho hai cây roi, chúng được bọc đệm bông trắng. Roi Hồ Ngạnh thấm mực xanh, còn roi Tàu Sáu thấm mực đỏ. Cách tính điểm cũng như hiệp một. Tất cả trong vòng một nén nhang.

Hiệp hai bắt đầu. Diễn biến có thể dự đoán trước, Tàu Sáu phải cố hết sức chống đỡ những đường roi nghịch vũ bão của của Hồ Ngạnh. Vị võ sư làng An Thái tối tăm mặt mũi, gần như không có một cơ hội phản công nào. 

Hồ Ngạnh thử dùng đường roi sát thủ bí truyền xem Tàu Sáu đối phó ra sao. Nén nhang khi đó cũng sắp tàn, Tàu Sáu đành nhảy ra khỏi vòng chiến. Võ phục chi chít dấu mực xanh. Điều đáng sợ ở đây là gì? Nhiều dấu mực tương ứng với các huyệt đạo trên cơ thể!

Tàu Sáu nói:

– Vạn lần cảm ơn anh đã nương tay, thật cảm phục vô vàn. Những vết roi của anh điểm vào rất đúng chỗ hiểm huyệt, thật tuyệt quá!

Hồ Ngạnh mỉm cười nói: 

– Những vết mực của anh đây cũng độc đáo lắm!

Võ sư làng An Thái chắp tay bái phục: 

Ngọn roi Thuận Truyền chỉ có một 

Võ sư Hồ Ngạnh cũng cười mà đáp: 

Tay quyền An Thái cũng không hai

Hàng ngàn người dường như đều nín thở dõi theo trận thư hùng. Suốt cuộc đấu, chẳng có tiếng động nào khác ngoài tiếng quyền cước xé gió và tiếng binh khí va chạm vào nhau. Tất cả đều lặng ngắt. Mọi thứ chỉ bùng nổ khi hàng tràng vỗ tay, reo hò lúc trận đấu chấm dứt.

Người làng Thuận Truyền chẳng giấu được sự ngưỡng mộ Tàu Sáu, còn người làng An Thái gửi đến Hồ Ngạnh cơn mưa lời khen.  Cũng từ đó, hai người kết nghĩa thâm giao và trao đổi võ nghệ với nhau. Trận đấu huyền thoại này mãi mãi được nhớ đến qua câu:

Đoản côn Thuận Truyền duy hữu nhất,
Thủ Vũ An Thái ngã vô song.

Roi Bình Định danh bất hư truyền (Ảnh: Zing.vn)
Tài liệu tham khảo

Võ nhân Bình Định, tác giả Quách Tấn - Quách Giao, NXB Trẻ

Trận thư hùng roi Thuận Truyền quyền An Thái lưu danh làng võ, tác giả Phạm Viên - An Yên - Nguyễn Gia, VTC News.

Roi Thuận Truyền và tên tuổi võ sư Hồ Ngạnh, tác giả 

Chia sẻ câu chuyện này
Share