Võ lâm Việt Nam: Vovinam – Kỳ 1: Đối đầu với đế chế

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Võ lâm Việt Nam: Vovinam – Kỳ 1: Đối đầu với đế chế

Vovinam là một môn võ thuật mang trong mình niềm tự hào đất Việt và có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Với lịch sử hình thành lâu đời, Vovinam đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa thể thao nước nhà.

Trong suốt 15 tập truyện, Hải dùng Vovinam chiến đấu với nhiều môn phái khác nhau, thậm chí cả cọp và cá sấu. Crush của Hải là Lan “Hoàng Hậu”, một cô bé lai Tây giang hồ và cũng rất tinh thông Vovinam. Nếu mình nhớ không nhầm, có tập Hải và Lan đã dùng đòn kẹp cổ đôi của Việt Võ Đạo, một đứa kẹp cổ còn đứa kia kẹp chân để hạ trùm. Đây là bộ truyện khiến tôi yêu thích Vovinam. Đồng thời nó cũng giúp mình nhận ra việc lồng ghép văn hóa vào giải trí sẽ hiệu quả đến thế nào. Hai chục năm rồi mà vẫn còn nhớ. Đó là lý do vì sao tôi bắt đầu tìm hiểu về Vovinam.

Hải Đại Bàng là bộ truyện tranh hiếm hoi khai thác Vovinam

Mọi việc khởi đầu từ ngài Nguyễn Lộc, quê ở Sơn Tây. Ông trưởng thành trong thảm cảnh quê hương Việt Nam bị đế chế thực dân Pháp đô hộ hơn nửa thế kỷ. Thanh niên bấy giờ có hai con đường: Một bên là dấn thân cứu nước; còn bên kia là buông xuôi theo thời cuộc. Nguyễn Lộc quyết định con đường mình sẽ đi:

Sống, giúp người khác sống và sống vì người khác

Từ Triết học, Văn học, Sử học… đến cả Y học, Cơ thể học, Nguyễn Lộc đều dành thời gian cày cuốc. Tất cả những ý tưởng quan trọng đều được ông ghi chép cẩn thận. Khu vực bờ đê sông Hồng từ bến Phà Đen đến Viện Bác cổ, nhà Hát Lớn đều có dấu chân ông chạy nhảy, đi quyền, múa côn… từ lúc mặt trời chưa tỉnh giấc. Ngoài ra, ông còn lặn lội đến tham quan các võ đường, dự khán những trận tỉ thí võ đài hoặc mạn đàm cùng một số võ sư thời danh hầu tìm hiểu thêm các đòn thế hay, đẹp, hiệu quả của các môn võ Trung Quốc, Nhật, Xiêm, Quyền Anh…

Dần dần, Nguyễn Lộc nhận thấy môn nào cũng có ưu điểm. Có môn thiên về cương mãnh, có môn lại ôn nhu. Riêng các môn võ Việt Nam rất độc đáo, không theo cương hay nhu nhất định mà rất linh động. Cuối cùng, Nguyễn Lộc đã lấy môn vật và võ dân tộc Việt Nam làm nòng cốt, khai thác mọi tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới để sáng tạo một môn phái riêng đặt tên là Vovinam (hay “Võ Việt Nam”). Ông chính thức trở thành Sáng tổ.

Sáng tổ Nguyễn Lộc - Người khai sinh ra Vovinam

Khoảng mùa thu năm 1938, khi việc nghiên cứu hoàn thành, ông mang ra huấn luyện cho một số bạn bè cùng lứa tuổi.

Trong buổi biểu diễn vào mùa thu 1940, một viên chức cao cấp của Pháp là Trung tá Maurice Ducoroy chủ tọa. Do hắn ta là biểu tượng thực dân thống trị ngồi trên khán đài nên Sáng tổ không cho các môn sinh “Nghiêm Lễ” (lối chào của Vovinam) khán giả như thường lệ, mà đưa môn sinh vào hậu trường nghiêm mình làm lễ trước bàn thờ Tổ quốc đã được lập sẵn.

Giữa cuộc biểu diễn, ông Đặng Vũ Hỷ mời Sáng tổ lên khán đài để Ducoroy tặng huy chương. Biết không thể từ chối, ông đành phải lên nhận, nhưng khi rời “khán đài danh dự,” ông điềm nhiên gỡ huy chương bỏ vào túi và ung dung điều khiển tiếp cuộc biểu diễn. Hành động trên không những làm bẽ mặt chức quyền thực dân mà còn làm giới thanh niên và nhất là các môn sinh Vovinam xúc động.

Từ đó, Vovinam luôn luôn châm ngòi cho phong trào công khai chống Pháp. Phong trào mạnh lên vào năm 1942, từ vụ đụng độ chính thức giữa hai giới sinh viên Việt – Pháp tại trường Đại Học Hà Nội và công chức tại Sở Canh Nông, do môn sinh Vovinam chủ xướng. Vì thế, chính quyền Pháp ra lệnh đình chỉ các lớp võ thuật tại trường Sư Phạm, cấm tuyệt đối Sáng tổ hoạt động. Đây chính là giai đoạn thử thách quan trọng nhất của môn phái Vovinam. Sáng tổ vẫn bí mật dạy một số môn đệ tâm huyết ở nhà riêng và phát động phong trào công khai chống Pháp trong quảng đại quần chúng.

Chưởng môn Lê Sáng và Sáng tổ Nguyễn Lộc

Ít lâu sau, Vovinam cộng tác với các đoàn thể ái quốc tổ chức các ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, kỷ niệm Hai Bà Trưng, các công cuộc cứu tế xã hội, triệt hạ tượng đồng thực dân tại các vườn hoa Paul Bert, Canh Nông… Đồng thời nhiều lớp võ tự vệ được mở ra tại nhiều nơi ở Hà Nội đã thu hút hàng chục ngàn môn sinh.

Sự hâm mộ Vovinam trong quần chúng thời đó được bộc lộ bằng những khẩu hiệu: “Người Việt học võ Việt“, “Không học Vovinam không phải là người yêu nước“… Tinh thần ái quốc và tiềm lực dân tộc được khơi dậy.

Tháng 4 năm 1945, từng đợt võ sư Vovinam được tung đi khắp toàn quốc để quảng bá và giúp cho thanh niên có một lợi khí chống xâm lăng hữu hiệu.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Sáng tổ lãnh đạo các môn đệ cùng toàn dân tham gia kháng chiến chống Pháp. Một số môn đồ đã trở thành những chỉ huy nổi tiếng, và một số đã hy sinh cho Tổ Quốc.

Hình ảnh ngày xưa của môn phái Vovinam

Sau đó, Sáng tổ vào Nam cùng đại đồ đệ Lê Sáng và phát triển Vovinam tại đây. Được một thời gian, ông nằm bệnh phải tạm nghỉ dạy và ủy quyền cho võ Sư Lê Sáng phụ trách các lớp võ.

Cũng vào thời điểm này, căn cứ vào các ý niệm tiên khởi về Cách Mạng Tâm Thân do Sáng tổ giảng dạy, võ sư Lê Sáng đã hình thành hệ thống hóa kỹ thuật võ học, lý thuyết võ đạo cũng như đường hướng, tôn chỉ và mục đích của môn phái. Đồng thời, Lê Sáng quy tụ dàn môn đệ đã theo tập Sáng tổ từ năm 1955, bồi dưỡng thành lớp võ sư cốt cán chung tay phát triển môn phái.

Sau khi đất nước kết thúc chiến tranh, tình hình chung của các võ phái là khó khăn. Theo năm tháng, Vovinam đã dần hồi sinh. Dù vậy, con đường trở thành di sản cũng còn lắm chông gai.

Mời các bạn đón đọc kỳ sau để hiểu thêm về đặc trưng của Vovinam.

Tài liệu tham khảo

Lịch sử Vovinam Việt Võ Đạo - Vovinaminfo

Người truyền lửa Vovinam - Nhà báo Quang Tuyến - Báo Thanh Niên

Tổ Đường Vovinam Việt Võ Đạo - Vovinamstore

Tại sao Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc chưa viết một quyển sách dạy Vovinam? - Anh Nguyễn Tiến Khoa – CLB Vạn Hạnh - Trích dẫn từ Sách Vovinam Việt Võ Đạo – Sáng tổ Nguyễn Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share