Võ lâm Việt Nam: Vovinam – Kỳ 2: Da thịt, máu nóng và xương tủy

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Võ lâm Việt Nam: Vovinam – Kỳ 2: Da thịt, máu nóng và xương tủy

Quan niệm dụng võ của Vovinam gồm 4 điểm: Không thượng đài; Không gây lộn, không thử võ với người; Chỉ tự vệ; Chuộng lẽ phải.

Vovinam không chỉ sử dụng các đòn ném, quật, đấm, đá mà còn có thể phối hợp khi dùng vũ khí. Chiêu thức đặc trưng của môn võ là đòn khóa bằng chân có thể vô hiệu hóa đối thủ bằng việc kẹp một phần cơ thể, thường thấy nhất là cổ. Đây là chiêu thức có cả sự đẹp mắt và hiệu quả.

Tuy sở hữu các chiêu thức đa dạng nhưng Quan niệm dụng võ của Vovinam gồm 4 điểm: Không thượng đài. Không gây lộn, không thử võ với người. Chỉ tự vệ. Chuộng lẽ phải.ovinam vẫn đề cao sự điềm tĩnh và ý chí của bản thân. Triết lý của môn võ là đào tạo một công dân tốt cho xã hội, có thể tự bảo vệ mình chứ không phải để ra ngoài đánh nhau.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu

Màu áo của Vovinam thuộc vào loại đặc trưng nhất thế giới. Đó chính là màu thanh thiên, rất dễ nhận biết và phân biệt. Hệ thống đẳng cấp của Vovinam gồm các màu đai sau:

Lam: Tượng trưng cho màu hy vọng và biển cả, với ý nghĩa người võ sinh đang nuôi hy vọng tiến sâu vào ngành võ thuật và tu dưỡng tinh thần võ đạo.

Vàng: Tượng trưng cho màu da, màu Vương đạo của Á Đông, với ý nghĩa võ thuật và tinh thần võ đạo đã ngấm vào da thịt và tâm hồn của người môn sinh.

Đỏ: Tượng trưng cho màu máu, màu của lửa sống hào hùng kiên quyết, với ý nghĩa võ thuật và tinh thần võ đạo đã ngấm vào máu huyết, đang lưu thông trong thân thể người môn sinh.

Trắng: Tượng trưng cho màu xương, với ý nghĩa võ thuật và tinh thần võ đạo đã ngấm sâu vào xương tủy, biến căn cốt con người, biểu trưng cho tinh hoa môn phái.

Sau đây là các đặc trưng của Vovinam:

Tính thực dụng

Đây là đặc trưng nổi bật nhất của Vovinam. Thay vì phải mất một thời gian luyện tấn, đi quyền rồi mới học phân thế; võ sinh Vovinam được huấn luyện viên hướng dẫn ngay các thế khóa gỡ, phản đòn căn bản, song song với những kỹ thuật gạt, đấm, đá, chém, té ngã… ngay từ các buổi tập đầu tiên.

Cần nhớ thời điểm Vovinam ra đời là lúc Việt Nam bị đô hộ. Ở thời kỳ này, việc đấu tranh giành độc lập là mục tiêu hàng đầu. Do đó, kỹ thuật rất đơn giản, hữu hiệu mà dễ tập, dễ áp dụng nhưng rất cương mãnh, dữ dội, đặt nặng tính tốc chiến tốc thắng với phương pháp huấn luyện chú trọng nhiều về ngoại công thân thép, tốc lực, sức chịu đựng và sức bền bỉ.

Chương trình tuy có phân cấp sơ, trung, và cao đẳng nhưng không mấy ai học quá ba năm, một phần vì thời cuộc, vì nhu cầu ứng phó cấp thiết; một phần đôi lúc do nhà cầm quyền Pháp cấm cản, hàng ngũ cốt cán phải tập luyện bí mật. Các lớp võ công khai lúc bấy giờ thường chỉ kéo dài ba tháng với những đòn cận chiến đơn giản.

Đây là tư duy khá mới mẻ của Sáng Tổ vào những năm cuối thập kỷ 30, nhằm giúp võ sinh có thể tự vệ hữu hiệu được ngay.

Tính liên hoàn

Đặc trưng tiếp theo là tính liên hoàn. Một đòn thế Vovinam tung ra luôn luôn phải có tối thiểu 3 động tác liên tiếp, bằng tay (chém, đấm, chỏ) hoặc bằng chân (đá, đạp, triệt ngã).

Lối ra đòn này nhằm chiếm thế thượng phong khi tự vệ và chiến đấu, phù hợp với thể tạng gọn gàng và nhanh lẹ của người Việt Nam, đồng thời cũng là biện pháp đề phòng trường hợp 1 hoặc 2 đòn ban đầu đánh chưa trúng đích.

Nguyên lý cương nhu phối triển

Môn võ này liên quan tới cây tre. Các bậc thầy Vovinam quan sát cây tre ở nhiều góc độ, tư duy về lẽ sinh tồn, thành bại để đúc kết xây dựng một lý luận về vận động võ học, một quan niệm nhân sinh. Hóa giải các mâu thuẫn bằng nguyên lý cương nhu phối triển.

Hệ thống kỹ thuật Vovinam bao gồm những thế nhu nhuyễn, các đòn cương mãnh và ngay trong bản thân từng đòn thế cũng chứa đựng sự kết hợp giữa cương – nhu, giống như sự giao hòa giữa âm – dương. 

Môn phái Vovinam quan trọng tài đức đi đôi với nhau. Bởi vì người có tài mà thiếu đức sẽ trở thành tàn bạo, độc ác. Nếu chỉ có đức mà thiếu tài sẽ trở thành yếu hèn, nhu nhược. Viền trắng hình chữ S trên biểu trưng của Vovinam ngăn cách giữa hai thái cực âm – dương chính là sự dừng lại của người môn đồ Vovinam khi sử dụng võ, dù cương hay nhu.

Nguyên lý này còn thể hiện trong đời sống tinh thần và cách hành xử của võ sinh Vovinam vì:

Cương tượng trưng sự hào hùng, ý chí sắt thép, lòng cương quyết và đức Dũng của con nhà võ. Nhu biểu tượng tính nhu hòa, điềm đạm và lòng Nhân của người võ sĩ. Có cương mà thiếu nhu sẽ không biến hóa, linh hoạt theo từng hoàn cảnh cụ thể. Ngược lại, có nhu nhưng thiếu cương sẽ không phát huy được hiệu quả tối đa.

Tài liệu tham khảo

Lịch sử Vovinam Việt Võ Đạo - Vovinaminfo

Người truyền lửa Vovinam - Nhà báo Quang Tuyến - Báo Thanh Niên

Tổ Đường Vovinam Việt Võ Đạo - Vovinamstore

Tại sao Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc chưa viết một quyển sách dạy Vovinam? - Anh Nguyễn Tiến Khoa – CLB Vạn Hạnh - Trích dẫn từ Sách Vovinam Việt Võ Đạo – Sáng tổ Nguyễn Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share