Võ lâm Việt Nam: Vovinam – Kỳ 3: Từ môn võ đánh giặc đến di sản văn hóa

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Võ lâm Việt Nam: Vovinam – Kỳ 3: Từ môn võ đánh giặc đến di sản văn hóa

Việc Vovinam được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả của bao thế hệ môn sinh Vovinam trong quá trình 85 năm hình thành và phát triển môn phái. Đây là bước đi phải có để tiến tới đưa Vovinam trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới” – tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới kiêm Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam.

Vào những năm 1980 và 1990, võ thuật được rất nhiều bạn trẻ yêu thích, nhưng có một thực tế là số đông đổ xô đi học Taekwondo, Judo hay Quyền anh chứ ít chú tâm rèn luyện môn quốc võ Vovinam và võ cổ truyền. Lúc đó hàng loạt giải đấu xuất hiện rầm rộ được khán giả mong đợi mỗi cuối tuần nhưng không hề có một giải Vovinam đúng nghĩa để truyền bá phát triển môn võ này.

Nhà báo Quang Tuyến nhớ lần đầu tiên nhận tin nhắn của võ sư Nguyễn Văn Chiếu mời sang xem biểu diễn Vovinam. Nhà báo đạp xe qua cầu chữ Y đi mãi con đường Phạm Thế Hiển để tìm đến một võ đường, đúng hơn là một ngôi nhà xập xệ được sắp xếp làm nơi biểu diễn Vovinam.

Khi đó, võ đường toàn là môn sinh của quận 8 chứ chưa hề có bất cứ đồ đệ nào từ địa phương hay quận huyện lân cận đến học. Nhưng thầy Chiếu không hề lo lắng. Ông cười và nói:

Tôi mời nhà báo đến để mọi người cùng thấy võ Việt Nam đâu hề kém các môn võ chính thống khác của thế giới. Hơn nữa võ Việt lại đẹp và rất sáng tạo, động tác đầy thu hút, biểu cảm. Chỉ cần các anh viết bài cổ vũ cũng đã tiếp thêm sức mạnh và tinh thần cho chúng tôi phổ cập mạnh mẽ hơn”. 

Hôm đó chứng kiến những pha bay lượn trên không, những thế tấn vững chãi và những bài thi quyền đẹp mắt của võ sinh vovinam, ai cũng xuýt xoa trầm trồ và hy vọng một ngày không xa vovinam sẽ lớn mạnh.

Tổ đường Vovinam ở Sài Gòn xưa
Tổ đường ngày nay tại 31 Sư Vạn Hạnh, Phường 2, Quận 10, TPHCM

Dù báo chí đã có nhiều bài viết động viên khi đó, nhưng Vovinam vẫn chỉ tồn tại một cách âm thầm, bên cạnh sự “đình đám” của các môn võ khác. Một phần do không có thi đấu quốc tế và cũng chưa được vươn xa ra các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Nhưng với võ sư Nguyễn Văn Chiếu thì không có chuyện gì là không thể.

Một mặt dốc hết vốn liếng ra phối hợp với các võ sư khác mở nhiều lò luyện vovinam, mặt khác ông đi khắp các địa phương động viên thanh niên học sinh theo học võ. Nhiều môn sinh ở xa lặn lội đến xin học ban đêm vì ban ngày phải kiếm sống, ông vẫn tận tình chỉ bảo, đứng lớp đến tận 12 giờ khuya. Có hôm dù chỉ 1 người từ nước ngoài về thọ giáo, ông cũng sẵn sàng đứng lớp. Bởi mục đích cuối cùng như ông tâm sự, càng nhiều người biết đến Vovinam thì môn võ này càng thẩm thấu và đi vào lòng người nhiều hơn.

Khi Vovinam bắt đầu đứng vững ở trong nước thì cũng là lúc võ sư Nguyễn Văn Chiếu hướng ra nước ngoài. Ông tham gia tổ chức các hoạt động biểu diễn ở hơn 20 quốc gia, bắt đầu tại Belarus vào năm 1990. Đi đến đâu, vovinam cũng được nhiều người thích thú, chú tâm học hỏi. Số môn sinh đông dần ở các nước châu u, trong đó có công không nhỏ của võ sư Chiếu. Đến nay có khoảng hơn 1 triệu người theo tập Vovinam tại Việt Nam và hơn nửa triệu người ở 52 quốc gia khác trên thế giới. Một sự phát triển vượt bậc sau 20 năm.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu - một đời vì Vovinam

Ông Chiếu kể lại: 

Khi tôi đến Pháp, ban đầu chỉ có chưa đến 100 người học và cách học cũng đơn giản vì người châu Âu cần nhiều tài liệu để nghiên cứu trước khi bắt tay vào đòn thế. Chúng tôi đã cho dịch và in tài liệu rồi thường xuyên đi các nơi trên đất nước hình lục lăng này khích lệ tinh thần ham học của môn sinh Pháp. Chỉ tính đến đầu năm 2014, riêng tại Pháp đã có 10.000 người học và thành phố Paris cũng vừa đăng cai giải vô địch thế giới Vovinam lần thứ tư

Và trái ngọt cuối cùng cũng đến, sau gần 80 năm ra đời, ngay trước ngày tổ chức Giải vô địch Vovinam thế giới lần 7 tại TP.HCM năm 2023, Vovinam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Võ phái ra đời với mục đích tạo ra những con người ưu tú nhằm giành lại độc lập cho Việt Nam này đã nhiều lần đứng trước ngưỡng cửa tan rã, nhưng cuối cùng họ vẫn tiếp tục và phát triển mạnh mẽ. Phải nói là khâm phục cho những người đã 85 năm kiên trì giữ vững được môn Việt Võ Đạo này để đến lúc nó được công nhận là “di sản văn hóa”. Triết lý võ đạo của Vovinam rất hay, đặc biệt phù hợp với người Việt Nam. Mình nghĩ trẻ con mà được học từ sớm là quá tốt, để rèn luyện được “Trí, Đức, Thể, Mỹ”.

 

Vovinam đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam trong năm 2023

Lời cuối, mặc dù đã trở thành di sản, nhưng ở đây mình xin giải đáp câu hỏi: Vì sao Sáng Tổ Nguyễn Lộc chưa từng viết một quyển sách dạy Vovinam? Thậm chí, ông còn xếp lại mọi tài liệu và đốt hết. Sáng Tổ tâm sự với bạn mình:

Bạn ơi, nếu trong đời sống của chúng ta, chúng ta có thể làm được cái gì lợi ích, bất cứ về phương diện nào, cho Gia đình, cho Tổ quốc, cho Nhân loại thì chúng ta nên hết sức mà làm, chịu đựng mọi thử thách mà làm. Nhưng, theo thiển kiến của tôi, chúng ta không bao giờ nên có ý định đặt những sáng kiến của chúng ta, những sản phẩm của chúng ta thành quy tắc bất di bất dịch, để người đồng thời và hậu thế phải theo. Vì làm như thế là ghìm đà tiến bộ của hậu sinh lại.

Trên dưới hai mươi nhăm thế kỷ, nhân loại – nói cho chính xác hơn, bọn “Tống-Nho” Tây cũng như Đông đã đặt những sáng kiến của Khổng Tổ và Aristote thành “khuôn vàng thước ngọc”, bắt hậu thế phải quy theo. Nếu tất cả người Đông Phương đếu thành Khổng Tử, tất cả người Tây Phương đều thành Aristote, thì Nhân loại mới đạt đến mức mà Khổng Tử và Aristote đã đạt được cách đây 2.500 năm. Vậy tiến bộ ở chỗ nào?

Theo thiển kiến của tôi, những thứ thật có giá trị, thì không cần viết và in thành sách mới truyền lại thiên thu. Hiến pháp của Anh quốc có bao giờ được in mực đen trên giấy trắng đâu? Những dân phong quốc tục của mọi quốc gia, có cần ai viết thành sách để giảng dạy cho hậu thế đâu, sao quốc dân vẫn theo đúng từng chi tiết? Lại còn phong dao, tục ngữ, được truyền tụng trước rồi các văn nhân mới sưu tầm in thành sách sau, thế sao vẫn ở cửa miệng mọi người?

Bạn ơi, nếu Vovinam của tôi mà có chân giá trị, thì mặc dầu tôi không viết thành sách, bạn cũng đừng lo nó bị thất truyền. Nó sẽ thấm nhuần vào tận tâm khảm môn sinh, vào mỗi sợi cơ của thân thể môn sinh; nó sẽ thành một phần của thể chất, cũng như tâm hồn của môn sinh; nó sẽ được khắc vào các “sinh: gènes” của một “nhiễm thể: chromosome” nào đó, của các tế bào cơ thể người Việt Nam. Và, như thế, và chỉ có như thế, nó mới có hy vọng được truyền lại thế hệ nọ đến thế hệ kia, mà không bao giờ cần phải viết ra thành sách giáo khoa cả.”

Tài liệu tham khảo

Lịch sử Vovinam Việt Võ Đạo - Vovinaminfo

Người truyền lửa Vovinam - Nhà báo Quang Tuyến - Báo Thanh Niên

Tổ Đường Vovinam Việt Võ Đạo - Vovinamstore

Tại sao Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc chưa viết một quyển sách dạy Vovinam? - Anh Nguyễn Tiến Khoa – CLB Vạn Hạnh - Trích dẫn từ Sách Vovinam Việt Võ Đạo – Sáng tổ Nguyễn Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share