Vua Bà linh hiển và vết tích trần gian khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Tác giả Huyết Vy
Vua Bà linh hiển và vết tích trần gian khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Suốt 2000 năm lịch sử, Vua Bà là một tượng đài của chí khí thư hùng, là đấng linh thiêng phù trợ con dân và bờ cõi Việt. Nhìn lại sức sống lâu dài ấy, ta sẽ thấy thêm nhiều tầng nghĩa văn hóa, tâm linh đằng sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. 

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Đại Nam Quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát

Lời ru từ thuở lọt lòng này có lẽ là những nhận thức sơ khởi của người Việt về một, hay đúng hơn là hai nhân vật anh hùng của đất nước: Hai Bà Trưng. Đó là bản hùng ca bi tráng của người thiếu phụ mất chồng, sống trong đoạn trường tối tăm của dân tộc dưới ách đô hộ bạo tàn phương Bắc.

Trước là xương máu đồng bào rỉ rả vào sông núi, sau là oan linh chưa ngơi nghỉ của trượng phu, người con gái ấy đã hiệu triệu muôn phương vùng lên tranh đấu. Từ đây thân gái dặm trường, một góc trời hô phong hoán vũ, đánh cho Tô Định mất mật tháo về. Ngọn cờ nương tử phất lên, đưa Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành trì Lĩnh Nam quy về một mối, mở ra một buổi thời tự trị. Để rồi sơn hà giành lại nhưng thời đẹp chớm tan. 

Tranh đồng hồ khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Hai Bà Trưng đánh đuổi quân giặc (tranh dân gian Đông Hồ).

Một người đàn bà phương Nam xưng vương là cái gai, là “nữ tặc” trong mắt thiên triều. Uy danh Hai Bà khiến tập đoàn đô hộ phương Bắc phải cử một trong những viên tướng sáng giá nhất bấy giờ là Phục Ba tướng quân – Mã Viện nam chinh sát phạt. Trước là thế giặc ồ ạt như vũ bão, sau là lũ tiểu nhân mưu sâu hai lòng, Hai Bà Trưng thân cô thế cô đành lui về miền Cấm Khê, tuyệt vọng vẫy vùng trong cái bại đã định.

Tuy cuộc khởi nghĩa nhanh chóng tan tác, nhưng khí khái thư hùng vẫn còn âm dội mãi với núi sông, để rồi linh hồn Hai Bà trường tồn dài lâu hơn nhiều những dòng sử phù du ngắn ngủi về một cuộc nổi dậy thất bại. Hai ngàn năm qua, Vua Bà vẫn sống trên đất Việt như một tượng đài của chí khí thư hùng, một đấng linh thiêng phù trợ con dân và bờ cõi. Chú tâm nhìn lại sức sống lâu dài ấy, ta sẽ thấy thêm nhiều tầng nghĩa văn hóa, tâm linh ẩn sau.

Trước hết, những gì còn được lưu giữ về Trưng Nữ Vương trong các thư tịch, huyền sử và chính sử ẩn nhẫn kể lại cho chúng ta nghe những góc nhìn khác nhau, biến chuyển theo trí tưởng tượng và mục đích người hồi tưởng.

Truyền kỳ bi hùng của Vua Bà ngòi bút sử thần Nam - Bắc

Những dấu tích sớm nhất của Hai Bà Trưng trong sử liệu được tìm thấy trong Hậu Hán thư của Phạm Diệp, viết vào khoảng năm 398-445 , bốn thế kỷ sau chiến thắng ngắn ngủi. Đây là một trong hai bộ sử Trung Quốc ghi chép nhiều nhất về cuộc khởi nghĩa. Trưng Trắc dưới ngòi bút của sử gia phương Bắc là một người đàn bà “rất hùng dũng”. Rõ ràng, một cụm từ vốn dành cho đàn ông.

Bộ sử Tàu thứ hai chứa nhiều thông tin về cuộc khởi nghĩa, Thủy Kinh Chú thời Nam Bắc triều, cũng giữ lại ý tứ này khi miêu tả về Trưng Trắc bằng những cụm từ “can đảm, dũng lực”.  Đồng thời, Thi Sách theo ghi nhận của các sử gia “Thiên triều” là một vị mãnh tướng sát cánh cùng vợ xông pha trận mạc. Ở các bộ sử này, vắng bóng tình tiết trả mối thù chồng, và nguyên nhân cuộc nổi dậy chỉ là vì ách cai trị tham tàn của Tô Định. 

Bản đồ khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Thủy Kinh Chú, bản đồ đường sông xứ Giao Châu.

Một khía cạnh nào đó, những chi tiết trên gợi lên bằng cứ về một xã hội mẫu hệ hoặc vẫn còn vương lại dư âm mẫu hệ trên đất ta 2000 năm trước. Hơn 14 thế kỷ qua, các sử gia Trung Quốc bất kể triều đại và quan điểm, đều kế thừa tài liệu gốc từ hai thư tịch trên để viết về cuộc nổi dậy của “nữ tặc” Giao Chỉ mà không ai đặt vấn đề trái ngược.

Về với không gian sử Việt, trong ngưỡng vọng của những con dân yêu nước, Vua Bà trở thành tượng đài của lòng dũng cảm, kiên cường chống ngoại xâm với tham vọng tự chủ. Dẫu là mục đích chính trị, hay xuất phát từ tinh thần dân tộc, hay quả thực đã có một nghiên cứu chi tiết hơn ngay trên xứ sở của cuộc chiến, các sử thần Việt đã thêm thắt và thay đổi một số tình tiết để kể lại câu chuyện của mình, câu chuyện của đất nước mình.

Năm 1272, Lê Văn Hưu của nhà Trần lần đầu đưa Hai Bà Trưng vào bộ quốc sử đầu tiên của nước ta – Đại Việt sử ký, tạo tiền đề tư liệu cho các bộ sử về sau. Bộ sử đã thất lạc trong cuộc tàn phá văn hóa thời Minh thuộc, nhưng qua những gì Ngô Sĩ Liên tập hợp và kế thừa trong Đại Việt sử ký toàn thư, ta phần nào thấy được bối cảnh thời đại và góc nhìn của sử gia Việt. 

Trong bối cảnh Nho giáo đang xây dựng cơ chế trên đất Việt, sử gia Đại Việt vẫn giữ lại những đặc điểm nam tính tương tự thư tịch Bắc quốc cho Trưng Trắc – “vua rất hùng dũng”. Thêm vài đó, họ trịnh trọng gọi bà là Nữ Vương. Theo nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, trên tột đỉnh quyền lực của đất nước, chỉ có một người đàn bà được sử ta cho là đã xưng vương là Trưng Trắc. Không tính sau này có một Lý Chiêu Hoàng lót đường cho nhà Trần trên chiếc ngai vàng bất đắc dĩ của thân phận và thời thế.

Ghi chép của Trung Quốc về khơi nghĩa Hai Bà Trưng
Đại Việt sử ký toàn thư, Quốc Tử Giám tàng bản, kí hiệu VS.4.

Suy xét sâu xa các tình tiết sử gia Việt bổ sung và nhấn mạnh, ta nhận ra nhiều thêm tầng ý nghĩa ẩn chứa. Ở đó, sự thất bại Vua Bà đâu chỉ bởi thế giặc mạnh mà vốn dĩ lòng người đã tan tác trong niềm tin mỏng manh về người cầm quyền là phụ nữ. Hơn cái cả nhìn gay gắt về giới tính là bài học về sự đồng lòng trong bối cảnh nền tự trị đang bị đe dọa trước vó ngựa Mông Nguyên.

Lời lẽ của Lê Văn Hưu đanh thép mà sâu cay khi bình về Vua Bà:

“Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy.” 

Lời bàn chép trong Đại Việt sử ký toàn thư - Ngô Sỹ Liên

Tưởng như là một sự đề cao nữ quyền ngay dưới ngòi bút của một Nho gia dưới bóng thánh giáo, trong một thời đại trọng nam khinh nữ là thói đời. Nhưng hơn hết, đánh giá cao những đức tính tốt đẹp của của bậc anh thư giúp sử gia đại diện cho quân chủ thắp lửa tinh thần, hiệu triệu toàn dân đứng lên chống giặc Nguyên hùng mạnh.

Cũng trong khuôn khổ Nho giáo, một số tình tiết đã biến hóa theo thiên kiến người viết. Thay vì giữ nguyên nguồn tin của Phạm Diệp, rằng Thi (Sách) vẫn sống và chiến đấu trong cuộc nổi dậy, thì các sử gia Việt thêm cho Trưng Trắc mối thù chồng. Trong câu chuyện của một thời “chồng chúa vợ tôi” đó, Trưng Trắc “hùng dũng” phải hóa vai người vợ trung trinh, đức hạnh, nặng mối nợ nước thù nhà thì mới đủ tính chính nghĩa cho cuộc chiến. Một tình tiết hợp thời.

Nhưng ngược dòng về những năm 40 đầu Công nguyên ấy, có lẽ các hậu duệ của mẹ Âu Cơ vẫn còn quen thuộc với văn hóa mẫu hệ và xa rời những áp đặt về nếp sống phụ hệ của tập đoàn đô hộ phương Bắc. Ở xứ sở đó, không cần cái lẽ của thù nhà, nhân dân vẫn sẵn sàng đi theo một người phụ nữ, vì thiên tư, cũng vì nghĩa lớn của bà.

Vua Bà nằm xuống với núi sông và hóa thần

Ba thu gánh vác sơn hà,
Một là báo phục, hai là bá vương.
Uy danh động đến Bắc phương,
Hán sai Mã Viện lên đường tiến công.
Hồ Tây đua sức vẫy vùng,
Nữ nhi chống với anh hùng được nao?
Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo,
Chị em thất thế cùng liều với sông.

Đại Nam Quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát

Có lẽ đoạn diễn ca tiếp sau này ít được người đời biết đến hơn phần mở đầu của nó. Bởi những đứa trẻ không cần và cũng không nên nghe một lời ru buồn. Và có lẽ còn buồn hơn nếu sự thật cách đây hai ngàn năm là Vua Bà tử trận chứ không phải thác mình với sông. Những chứng cớ ở góc độ tín ngưỡng tâm linh gợi nhắc về một sự thật phủ đầy bụi tro hai ngàn năm trước.

Như lời thơ của Đại Nam Quốc sử diễn ca, trong niềm tự tôn dân tộc và lòng kính yêu anh hùng cứu nước, mãi tận về sau người Việt vẫn giữ ý tưởng về việc Vua Bà thất trận rồi trầm vào sông Hát tự vẫn. Nhưng dân chúng thời đại Hai Bà có lẽ còn mơ hồ tinh thần dân tộc, cũng như không hay biết gì lời báo công của Mã Viện, mà 4 thế kỷ sau mới xuất hiện trên thư tịch (1), nên đã trung thực với cái chết mình chứng kiến qua cách thức thờ cúng đặc biệt còn lưu truyền đến ngày nay. 

Trong đền Vua Bà ở Hát Môn, bên dòng Hát Giang thuộc huyện Phúc Thọ, (Hà Nội) “án thờ, khí mãnh đều sơn đen, không có đồ sơn đỏ, dân không mặc áo đỏ, du khách hay khách hành hương mặc áo đỏ phải bỏ lại. Tương truyền thần bị chết về binh cách nên kiêng sắc đỏ giống màu huyết.”(2)

Thần tích về Vua Bà trong Việt điện u linh tập được một Nho gia là Lý Tế Xuyên ghi nhận lại. Trong bầu không khí tâm linh huyễn hoặc, thánh giáo cũng không thể phủ nhận sự thật được lưu truyền qua thờ cúng cõi trần: “Phu Nhân bị thế cô phải tử trận.”

Ảnh cổ đền thờ Vua Bà ở Hát Môn
Đền Hát Môn, còn gọi là đền Hai Bà Trưng, tọa lạc ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Từ những kiêng kỵ mang đậm màu sắc tâm linh này mà ta có thể suy ra việc thờ cúng sơ khởi là thờ cúng linh hồn, trong nỗi kính sợ oan linh người anh hùng đã khuất, đồng thời cũng xác nhận thực tế bi đát và ghê rợn của cái chết. 

Phải chăng cũng chính nhờ bản chất buổi đầu là thờ cúng vong linh, mà đền thờ mới được chấp nhận và tồn tại dưới mắt các quan cai trị phương Bắc – những người cùng chia sẻ tín niệm thờ cúng với bản xứ. Quả thật, khó lòng cố chấp tin rằng một đền thờ anh hùng dân tộc – mà phương Bắc xem là nữ tặc – có thể được thờ cúng ngang nhiên trước mũi nhà cầm quyền ngoại bang hàng chín thế kỷ.

Ngôi đền thờ Vua Bà được dân chúng xây cất không lâu sau cuộc bình định của Mã Viện phát nguồn từ lòng kính sợ người “bất đắc kỳ tử”. Để rồi theo sự phát triển và tập hợp dân cư quanh khu vực, nó lan rộng sức ảnh hưởng thành một tín ngưỡng bản địa, với sự phù hộ linh thiêng của vị nhân thần đầu tiên có xuất thân đất Việt. Qua thời gian, nó nối kết với các nhân, nhiên thần khác thành một hệ thống thần bản địa.

Nó cố kết muôn dân bằng sự cố kết ở cõi thiêng. Để rồi nhân gian bám vào đó mà tin tưởng vào ngày mai của cuộc sống, nhất là trong những năm tháng loạn lạc, với những biến dời vượt quá sức chịu đựng của cá nhân cũng như cộng đồng. Trong chung một niềm tin về sự phù trợ của Vua Bà ở cõi thiên xa xăm, đã tìm tiềm tàng tính địa phương cố hữu, mà cùng với tháng năm và những tác động nội – ngoại, nó làm nên hình hài của tinh thần dân tộc.

Qua hai ngàn năm, sự thật đã bị vùi chôn trong lớp phù sa của dòng sông lịch sử, khiến người dốc lòng tìm tòi cũng khó mà đào lên một luận cớ chắc chắn. Trong vô vàn góc nhìn, người ta chọn tin những gì mình muốn, tin những gì đem lại giá trị tư tưởng cho dân tộc mình. Mà, trong niềm tôn kính dai dẳng của muôn dân, sự thật của cái chết đã không còn là điều quan trọng nhất nữa. 

Lá cờ ở đền thờ Vua Bà
Hiệu kỳ ở đền thờ Hai Bà Trưng, Hà Nội. Phía trên (đọc từ phải sang trái) là 3 chữ 徵聖王 Trưng Thánh Vương. Phía dưới ở giữa vòng tròn thêu to một chữ 帥 Soái.

Vua Bà hiển linh và thủy thần bất tử

Tuy tính thiêng của Vua Bà từ lâu đã được khẳng định qua khói hương không dứt ở ngôi đền bên sông Hát, nhưng phải ngàn năm sau thì sự linh hiển mới được đế vương đời Lý triều kinh trải.

Lần đầu Vua Bà hiển linh được ghi nhận trong thư tịch là ở Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh tập, với cốt truyện cầu mưa không mấy xa lạ. Năm 1479, triều Lê (1428 – 1789), sử thần Ngô Sĩ Liên cũng ghi nhận thần tích vào Đại Việt sử ký toàn thư ở những thiên sử Triều Lý, đời Anh Tông.

Trong không gian thần tích, Vua Bà ban phát mưa móc mát lạnh sau khi thiền sư cầu mưa, rồi đi vào giấc mộng của Anh Tông với áo lục, quần hồng, mão đỏ, thắt lưng, ngựa sắt. Hưởng ơn Vua Bà, vua tế bái rồi sai sứ rước về phía Bắc Đại nội, dựng đền Vũ Sư mà thờ phụng, sau lại lập đền thờ ở làng Cổ Lai, sắc phong Trinh Linh Phu Nhân. Qua các lần phong thần của triều đại, Vua Bà được đời đời tưởng nhớ mà lần lượt nhận các gia phong: Chế Thắng – Thuần Trinh – Bảo Thuận.

Theo truyền kỳ, Vua Bà mang sức mạnh “hệ thủy” với thần lực ban mưa cứu hạn, giúp vạn vật sinh sôi. Đó là loại sức mạnh mà mọi con dân – kể cả người cai trị – ở xứ sở mưu sinh bằng nông nghiệp cầu cạnh những vị thần của mình. 

Tuy thần tích mang sắc màu huyền hoặc, phát nguồn từ mục đích tập trung quyền lực của các thần địa phương về chốn kinh kỳ, củng cố địa vị cai trị, nhưng qua đó thể hiện ước vọng vạn vật sinh trưởng một cách bản năng. Tín ngưỡng phồn thực ẩn chứa ý vị cả trong những thần tích thiêng liêng nhất.

Thực hành tín ngưỡng thờ cúng Vua Bà ở đền Đồng Nhân
Thực hành tín ngưỡng thờ cúng Vua Bà ở đền Đồng Nhân
Tín ngưỡng dân gian thờ cúng Vua Bà ở đền Đồng Nhần
Tín ngưỡng dân gian thờ cúng Vua Bà ở đền Đồng Nhân
Hội đền Đồng Nhân thập niên 1920. (Ảnh: EFEO)

Tính thủy của thần cũng được thể hiện trong lễ tiết ở ba nơi thờ Vua Bà, được lưu truyền đến ngày nay. Đền Đồng Nhân được Anh Tông cho dựng năm 1160 lấy ngày 6/2 (âm lịch) là ngày tắm tượng trên sông Hồng. Ở đền gốc Hát Môn, trong ba lần lễ thì lần vào ngày 24/12 cũng là dịp rước thần tắm. Đền Hạ Lôi có 150 nam, 150 nữ rước kiệu thần xuống sông lấy nước. Lời hát Quan họ Đền em thờ đức Vua Bà được dùng trong lễ Cầu đảo của làng Diềm cũng bộc bạch phép thủy ban mưa của thần:

Đền em thờ đức Vua Bà
Linh thiêng tố hảo thật là vinh hoa
Ngàn năm ơn đức Vua Bà
Chiêu dân lập ấp Vua Bà sinh ra
Có năm hạn hán dân làng cầu mưa
Em ngồi em bấm lá sen
Cơn mưa kéo đến đã đen cả giời
Tự nhiên sấm động, ầm ầm mưa rơi.
Cầu trời mưa thuận gió hòa
Cầu cho dân xã được mùa ấm no
Dân làng tạ lễ Vua Bà
Tạ ơn trời đất được mùa bội thu. (1)

Bài hát Quan họ đền em thờ Đức Vua Bà

Giữa thế kỷ 20, đất nước mang vết chém ngang nơi vĩ tuyến 17 – ranh giới được xác lập theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Dẫu khác biệt trong tư tưởng và thể chế chính trị, nhưng hai đầu vĩ tuyến vẫn tìm thấy điểm chung trong lòng sùng kính Vua Bà. Hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi xung trận trở thành mô-típ nghệ thuật kinh điển về tinh thần dân tộc trên các tranh cổ động, tượng đài, tem thư.

Team thư hình ảnh Vua Bà
Tem thư hình Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Tượng Vua Bà ở Công trường Mê Linh ảnh xưa
Tượng đài Hai Bà Trưng ở Công trường Mê Linh, Sài Gòn.

Nếu miền Bắc vẫn kế thừa văn hiến của cha ông bằng việc duy trì tế bái và rước bài vị Vua Bà, thì miền Nam với tư tưởng hội nhập đã đưa Vua Bà ra khỏi bệ thờ để gần gũi hơn như một biểu tượng của quyền lực và sắc đẹp. Ở đó, hai cô gái được chọn vinh dự hóa vai Vua Bà, cưỡi voi diễu hành trong không khí hân hoan buổi tưởng niệm.

Bất kể Bắc Nam và mục đích xưng tụng ẩn sau. Hòa mình vào hội lễ và ngưỡng vọng Vua Bà khiến những người con Việt được thả lỏng chính mình trong đời sống thế tục. Họ ý thức trước đấng linh thiêng mình chỉ là những người phàm, được phép yếu ớt và sai lầm, nhưng cũng được phép mong cầu và sửa chữa. Trong sự thanh lọc nguyên thủy tự tâm hồn, người ta mới có cái cảm sâu sắc hơn về thần, về câu chuyện của đấu tranh và tự chủ ẩn chứa sau thần.

Diễu hành kỷ niệm Vua Bà
Diễu hành kỷ niệm Vua Bà
Diễu hành kỷ niệm Vua Bà
Ảnh 1: Voi diễu hành nhân ngày Lễ Hai Bà Trưng năm 1961 tại Sài Gòn.
Ảnh 2, 3: Kỷ niệm Hai Bà Trưng Saigon 1950.

Tháng năm biến dời, khoa học kỹ thuật xóa nhòa những quan niệm mụ mị xưa cũ. Tinh thần dân tộc được bồi đắp và in hằn trong tâm tư mỗi người con Việt qua nhiều lần đổ máu chống ngoại xâm. Di sản Vua Bà để lại không chỉ là quyền phép thánh thần mà còn là nguồn cảm hứng bất tận, là lời hiệu triệu muôn dân. Quyền năng phép thuật lui dần nơi hương án vấn vít khói nhang cũng như những lễ hội tưởng niệm long trọng hằng năm, để nhường chỗ cho tình yêu non nước và niềm tự hào dân tộc.

Tác giả Đại Nam Quốc sử diễn ca kết thúc trường đoạn về Hai Bà Trưng bằng những câu thơ man mác thê lương:

Trưng vương vắng mặt còn ai?
Đi về thay đổi mặc người Hán quan.

Đại Nam Quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát

Nếu nghĩ sâu rộng hơn, sứ mệnh của Vua Bà không nhất thiết là tiếp diễn một chiến thắng bất khả mà chỉ cần là một phát súng quật khởi lòng người, hồi tỉnh những kẻ mơ màng trong khổ ải. Thế sự xoay vần giữa những thịnh cực, thắng bại, với những nhân tiền quả hậu phàm nhân khôn lường. Mà trăm ngàn năm sống chung với tham vọng bành trướng của phương Bắc, nếu không có thân nữ nhi xông pha trận mạc năm nào, có vẹn chăng một dải nước non chữ S giữa bản đồ năm châu?

Art Director Lê Minh
Designer Lê Nhi
Editorial
Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Đền thờ Vua Bà
Share