Đây thời kỳ chuộng hoa đến độ mà một “chuỗi trăm hoa” nàng Tống Thị cũng đủ điên đảo triều cương (3). Nhưng thế thời, thịnh cực tất phản. Khi lòng yêu cái đẹp ngoại cảnh không còn tương đồng với cái đẹp nội tâm và luân lý, nơi đó chỉ còn là một tòa thương thành xa hoa bên ngoài nhưng mục rỗng sâu trong.
Cũng Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tùy bút, đã nêu lên thực trạng tan nát bởi thú chơi vườn cảnh lúc bấy giờ:
“Buổi ấy bao nhiêu những loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, Chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì. Có khi lấy cả cây đa to, cành lá rườm rà, từ bên bắc chở qua sông đem về. Nó giống như một cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng, phải một cơ binh mới khiêng nổi, lại bốn người đi kèm, đều cầm gươm đánh thanh la đốc thúc quân lính khiêng đi cho đều tay.
Trong phủ, tùy chỗ, điểm xuyết bày vẽ ra hình núi non trông như bến bể đầu non. Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn, kẻ thức giả biết đó là triệu bất tường.
Bọn hoạn quan cung giám lại thường nhờ gió bẻ măng ra ngoài dọa dẫm. Họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay, thì biên ngay hai chữ “phụng thủ”[1] vào. Đêm đến, các cậu trèo qua tường thành lẻn ra, sai tay chân đem lính đến lấy phăng đi rồi buộc cho tội đem giấu vật cung phụng để dọa lấy tiền. Hòn đá hoặc cây cối gì to lớn quá, thậm chí phá nhà hủy tường để khiêng ra. Các nhà giàu bị họ vu cho là giấu vật cung phụng, thường phải bỏ của ra kêu van chí chết, có khi phải đập núi non bộ hoặc phá cây cảnh để tránh khỏi tai vạ.”
Sự mục rữa trong lòng người chốn xa hoa đẩy đưa đến sự sụp đổ cả một vương triều. Đề rồi lầu vàng điện ngọc, vườn cảnh, hoa viên trong Phủ Chúa Trịnh đều bị thiêu rụi thành tro theo thất bại của gia tộc. (4)