Bóng dáng vườn cảnh, hoa viên thời Lê – Trịnh

Tác giả Huyết Vy
Bóng dáng vườn cảnh, hoa viên thời Lê – Trịnh

Sau thời Lý – Trần, thú chơi vườn cảnh tiếp tục phát triển trong đời sống thượng lưu. Đến khi Lê mạt, Vườn Ngự uyển phủ chúa Trịnh trở thành nơi hội tụ tất thảy kỳ trân dị cảnh của thú chơi hoa đương thời.

1. Vườn cảnh, hoa viên Lê - Trịnh

Đã có nền tảng lâu đời từ Lý – Trần, đến đầu thời Lê, thú xây hoa viên, vườn cảnh không còn chỉ giới hạn trong cung đình, quý tộc mà đã phổ rộng sang cả tư gia quan lại. Đại Việt sử ký toàn thư năm Kỷ Dậu (1429) chép:

“Tháng 3, ngày 20, (vua) ra lệnh chỉ cho Đô tổng quản và Quản lĩnh các đạo cùng quan viên các phường trong kinh thành rằng: Hiện nay, phần đất của các quan và phủ đệ của công hầu trăm quan đều có phần nhất định, nên trồng cây trồng hoa và các loại rau đậu, không được để đất hoang, ai không theo thế thì mất phần đất của mình.”

Cho thấy, nhà vua ban lệnh khuyến nông, nhưng bên cạnh trồng hoa màu rau quả, cũng không quên dặn dò các quan trồng cả hoa.

Nhà cụ Ức Trai Nguyễn Trãi bên bờ sông Tô được người đồng liêu – tiến sĩ Lý Tử Tấn gọi là “Biệt khai thành thị nhất lâm tuyền” – Giữa nơi thành thị, mở riêng một cõi lâm tuyền. Cõi “lâm tuyền” đó neo mình bên dòng Tô Lịch, trên vườn trồng mai, dưới ao trồng sen, đạm bạc mà thấm tình, từng xuất hiện trong thơ của Nguyễn Mộng Tuân – bạn Nguyễn Trãi:

Nhất điều thủy lãnh trị Tam quán
Từ bích gia bần phú lục kinh
Mai ảnh nguyệt niên lai giáng trường
Hà phương phong đệ tống sơ linh


Tạm dịch:
Một dòng nước lạnh qua nhà Tam quán
Bốn vách nghèo sơ chỉ toàn sách vở
Trăng vẽ bóng mai lên tường đỏ
Gió đưa hương sen vào song thưa

Một ao sen đương độ nở hoa ở Hà Đông năm 1916. Ảnh của Léon Busy.
Một ao sen đương độ nở hoa ở Hà Đông năm 1916. Ảnh của Léon Busy.

Đời sống nhân sinh Thăng Long từ dạo ấy, bên cạnh hoa màu thực dụng, đã hướng tới hoa cỏ với lòng yêu cái đẹp vẹn thuần. Chính cái đẹp ấy dung dưỡng nên hồn người, dẫn dắt nhân sinh hướng thượng. Từ thưởng ngoạn hoa viên, cây cảnh bên ngoài mà bước vào địa hạt tâm linh, triết học được ký thác nơi cây.

Từng loại cây hoa, thế cây dáng cành đều riêng chảy trong mình một hệ biểu tượng. Như Phạm Đình Hổ, trong Vũ trung tùy bút, thế kỷ 18, đã viết: “Người xưa cho tinh thần đi chơi ngoài cảnh vật, trong cách chơi mà vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân.” (2)

Ảnh Léon Busy chụp các bô lão, hương chức ngồi trong khu vườn của họ trong một ngôi làng Bắc Bộ

Thú chơi vườn cảnh tiếp tục phát triển trong đời sống thượng lưu, đến khi Lê mạt, Vườn Ngự uyển phủ chúa Trịnh trở thành nơi hội tụ tất thảy kỳ trân dị cảnh của thú chơi hoa đương thời. Nơi đây có nhiều hồ lớn, quanh bờ trồng đủ loại cây lạ thu thập từ tứ phương. Đường uốn lượn quanh co, giữa đất bằng có núi non ghép cảnh; lâu đài bên hồ có thạch kiều, liễu rủ; trong vườn chim thú muôn vàn.

Chốn tiên nơi trần tục khiến Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không khỏi cảm thán trong Thượng kinh ký sự:

“Tôi ngẩng đầu nhìn, thấy bốn bề tám phía chỗ nào cũng có cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, trăm hoa đua nở, gió thoảng hương trời. Hành lang, lan can quanh co, tiếp nối song song… 

Vòng quanh ước chừng một dặm, nơi nào cũng lầu đài, đình, gác, rèm châu cửa ngọc, ánh nước mây lồng, suốt lối toàn hoa cỏ kỳ lạ, gió thoảng hương trời, thú đẹp chim quý, nhảy nhót bay hót, giữa đất bằng nhô lên ngọn núi cao, cây to bóng mát, nhịp cầu sơn vẽ bắc ngang lạch nước quanh co, lại có lan can toàn bằng đá màu. Tôi vừa đi vừa ngắm, thực chẳng khác gì cõi tiên vậy.”

Tranh giáo sĩ Phương Tây vẽ cảnh Thăng Long - Kẻ Chợ - tòa lầu cao to nổi bật được cho là lầu Ngũ Long của chúa Trịnh
Tranh giáo sĩ Phương Tây vẽ cảnh Thăng Long - Kẻ Chợ - tòa lầu cao to nổi bật được cho là lầu Ngũ Long của chúa Trịnh

Phủ chúa Trịnh ngày thường đã là bậc kỳ quan kiến trúc nhưng đến ngày lễ hội thì vẻ đẹp xa hoa của nơi đây càng nhân lên bội phần. Nguyễn Án viết trong cuốn Tang thương ngẫu lục:

“Mỗi năm đến tết Trung thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm, hàng nghìn cái đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng. Đến ngày chúa ngự ra chơi Bắc cung, cung có cái ao gọi là Long Trì rộng nửa dặm. Trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất trồng đá làm núi, chỗ cao chỗ thấp, giàn đặt có hình thế. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công ngồi đàn sáo. Bờ ao trồng hàng mấy trăm cây phù dung, treo đèn ở trên. Sóng trăng rập rờn, trông xa tựa hàng vạn ngôi sao sáng…”

Bóng dáng vườn cảnh, hoa viên thời Lê - Trịnh qua họa tiết trên đồ sứ ký kiểu phủ chúa Trịnh
Bóng dáng vườn cảnh, hoa viên thời Lê - Trịnh qua họa tiết trên đồ sứ ký kiểu phủ chúa Trịnh
Bóng dáng vườn cảnh, hoa viên thời Lê - Trịnh qua họa tiết trên đồ sứ ký kiểu phủ chúa Trịnh

Bóng dáng vườn cảnh, hoa viên thời với trường đình, mỹ nhân, liễu rũ thời Lê – Trịnh qua họa tiết trên đồ sứ ký kiểu phủ chúa Trịnh

Đây thời kỳ chuộng hoa đến độ mà một “chuỗi trăm hoa” nàng Tống Thị cũng đủ điên đảo triều cương (3). Nhưng thế thời, thịnh cực tất phản. Khi lòng yêu cái đẹp ngoại cảnh không còn tương đồng với cái đẹp nội tâm và luân lý, nơi đó chỉ còn là một tòa thương thành xa hoa bên ngoài nhưng mục rỗng sâu trong. 

Cũng Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tùy bút, đã nêu lên thực trạng tan nát bởi thú chơi vườn cảnh lúc bấy giờ:

“Buổi ấy bao nhiêu những loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, Chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì. Có khi lấy cả cây đa to, cành lá rườm rà, từ bên bắc chở qua sông đem về. Nó giống như một cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng, phải một cơ binh mới khiêng nổi, lại bốn người đi kèm, đều cầm gươm đánh thanh la đốc thúc quân lính khiêng đi cho đều tay. 

Trong phủ, tùy chỗ, điểm xuyết bày vẽ ra hình núi non trông như bến bể đầu non. Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn, kẻ thức giả biết đó là triệu bất tường. 

Bọn hoạn quan cung giám lại thường nhờ gió bẻ măng ra ngoài dọa dẫm. Họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay, thì biên ngay hai chữ “phụng thủ”[1] vào. Đêm đến, các cậu trèo qua tường thành lẻn ra, sai tay chân đem lính đến lấy phăng đi rồi buộc cho tội đem giấu vật cung phụng để dọa lấy tiền. Hòn đá hoặc cây cối gì to lớn quá, thậm chí phá nhà hủy tường để khiêng ra. Các nhà giàu bị họ vu cho là giấu vật cung phụng, thường phải bỏ của ra kêu van chí chết, có khi phải đập núi non bộ hoặc phá cây cảnh để tránh khỏi tai vạ.”

Sự mục rữa trong lòng người chốn xa hoa đẩy đưa đến sự sụp đổ cả một vương triều. Đề rồi lầu vàng điện ngọc, vườn cảnh, hoa viên trong Phủ Chúa Trịnh đều bị thiêu rụi thành tro theo thất bại của gia tộc. (4)

2. "Yêu hoa rồi lại bẻ cành bán rao"

Bao công kiến tạo, đến hồi chung cuộc chỉ còn lại một đống tro tàn. Người cười kẻ khóc với bại vọng của triều đại, nhưng cỏ cây nào khóc được trước lòng tham con người. Lúc ấy mới chợt thấm thía thế thái nhân tình ẩn tàng trong câu ca dao dân gian Kẻ Chợ:

Trách người quân tử bạc tình

Yêu hoa rồi lại bẻ cành bán rao

Sân vườn của một gia đình giàu có ở Hà Nội vào dịp Tết.
Sân vườn của một gia đình giàu có ở Hà Nội vào dịp Tết.

Sân vườn của một gia đình giàu có ở Hà Nội vào dịp Tết. Ảnh của Léon Busy

Trên diễn trình lịch sử của vũ trụ, con người là một sản phẩm của tự nhiên, luôn là một thành phần của tự nhiên. Trong suốt dòng chảy sinh mệnh, con người phụ thuộc vào tự nhiên, đấu tranh với tự nhiên, nhưng đồng thời cũng ngưỡng mộ cái đẹp vô hạn của tự nhiên. Từ lòng mến mộ mang chở “tính người” đó, mà phàm nhân mới lĩnh hội được triết lý sinh mệnh trong đất trời vũ trụ này:

Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một nhành mai.
(Cáo tật thị chúng – Mãn Giác thiền sư, bản dịch Ngô Tất Tố)

Một lối ứng xử đẹp dành cho cây cối, có lẽ chỉ có thể đến từ cái đẹp và lòng mến yêu cái đẹp tự trong lòng người. Chỉ có thứ tình cảm thật tâm, đến từ tấm lòng thấm nhuần sinh mệnh mới có thể có thể kiến tạo nên một mảnh vườn đẹp nhất.

Trong dân gian đầy rẫy những mảnh vườn bé nhỏ vô danh, nhưng đã đạt đến cực hạn cái đẹp như thế. Cái đẹp thấm nhuần minh triết của tình yêu và biết đủ.

Bức tranh tựa đề "Le Printemps" (Mùa xuân) của Mai Trung Thứ, vẽ hai thiếu nữ Việt trong vườn hoa mùa xuân.
Bức tranh tựa đề "Le Printemps" (Mùa xuân) của Mai Trung Thứ, vẽ hai thiếu nữ Việt trong vườn hoa mùa xuân.

Chú thích: 

(2) Theo lý giải của Đặng Tiến Nam, tùng, bách, la hán toát lên vẻ đĩnh đạc hiên ngang, chứa chan cái khí phách oai phong hào hùng. Những sanh, si, đề, đa lại hiền dịu, nền nã, đậm đà sắc màu bản địa, làm ấm dịu lòng người. Thế Quần thụ biểu thị sức mạnh đoàn kết. Thế Bạt phong hồi đầu cổ vũ tinh thần cương trực bất khuất. Răn dạy con cháu trung thực, tôn trọng kỉ cương là thế Trực Liên Chi. Uống nước nhớ nguồn là thế Mẫu Tử, Phụ Tử. Khuyến khích tình thương yêu đùm bọc: thế Huynh đệ đồng khoa. Thế Long Giáng cho thấy khao khát sức mạnh chế ngự. Thế Phượng Vũ hợp với người yêu thích và trân trọng cái đẹp.

(3) Tống Thị Toại (? – 1654), sử nhà Nguyễn chép là Tống Thị, là một nữ quý tộc dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh trong lịch sử Việt Nam, vợ của quan trấn thủ Quảng Nam Tôn Thất Kỳ. Câu chuyện tình ái giữa bà với người em chồng là Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan về sau trở thành một bê bối lớn trong gia tộc Nguyễn Phúc.

(4) Năm 1787, khi họ Trịnh thất bại trong việc khôi phục lại địa vị, Trịnh Bồng chạy khỏi kinh thành, Lê Chiêu Thống ngầm cho người đốt phủ chúa đi. Đám cháy lan khắp hai phần ba kinh thành và cháy trong mười ngày liền làm mất đi một quần thể kiến trúc đẹp của Thăng Long – Hà Nội. Điều này được Hoàng Lê nhất thống chí tả như sau: Sớm hôm sau, hoàng thượng mới biết là Án đô vương đã trốn đi lúc ban đêm tức thì ngầm sai người phóng hỏa đốt hết phủ chúa. Khi phủ cháy, khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt.

Share