Cỗ bài tam cúc và những kỷ niệm cũ

Tác giả Tường Vân
Cỗ bài tam cúc và những kỷ niệm cũ

Trước đây tại miền Bắc, cứ mỗi dịp sum vầy đoàn tụ, hay bất cứ lúc nào thư nhàn, cánh đàn ông lại lấy cuộc cờ chén rượu hay chiếu bài tổ tôm giải khuây, còn phụ nữ và trẻ nhỏ thì ưa chơi tam cúc bởi lối chơi đơn giản mà đem đến thật nhiều niềm vui chân thật. Đánh chơi một cỗ bài tam cúc không khi nào thú hơn vào những đêm cuối tháng chạp, đầu giêng hai trĩu nặng giá sương, người một nhà cùng quây quần bên nhau, vừa chuyện gẫu vừa ra những nước “kết đôi”, “kết ba” hay “tứ tử trình làng” thật cao tay và sảng khoái. Bầu không khí ấm áp, thân mật đó mãi là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của một thời đã xa. 

1. Vài nét chung về bài tam cúc

Tam cúc, Hán tự viết là “三菊”, với chữ 菊 trong hoa cúc. Cũng như bài tổ tôm, lai lịch và nguồn gốc tên gọi của bài tam cúc đến nay vẫn chưa được xác thực. Người viết mạn phép đoán rằng vì trên mặt mỗi lá bài đều in dấu son đỏ hình hoa cúc, và khi chơi hay ghép các bộ ba như Tướng – Sĩ – Tượng, Xe – Pháo – Mã, nên lâu dần thành tên “tam cúc” chăng? Về điểm này rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc.

Một cỗ bài tam cúc gồm 32 quân, tên gọi mỗi quân tương tự với các quân cờ tướng, gồm Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã và Tốt, chia làm 16 quân đỏ và 16 quân đen. Trong mỗi bộ đỏ và đen, mỗi quân đều có 2 lá, trừ quân Tướng chỉ có 1 lá và quân Tốt có đến 5 lá. Quân Tướng thuộc bộ đỏ gọi là Tướng Ông, còn quân thuộc bộ đen gọi là Tướng Bà, tuy hình minh họa của cả hai đều là một ông tướng cắm cờ xanh đỏ sau lưng, có dáng ngồi đường bệ. Khi chơi, người chơi gọi tên quân bài kèm màu sắc, ví như Sĩ Điều/Sĩ Đỏ hay Tốt Đen, Tốt Đỏ.

Trong tam cúc, các quân được phân bậc cao thấp như sau, theo thứ tự nhỏ dần: Tướng – Sĩ – Tượng – Xe – Pháo – Mã – Tốt, rất vần và dễ nhớ. Nếu cùng “chất”, quân bài đỏ sẽ có giá trị cao hơn quân bài đen, ví như Tướng Ông sẽ lớn hơn Tướng Bà, Sĩ Điều lớn hơn Sĩ Đen. Ngoài ra, bài tam cúc có thể ghép thành bộ với tên gọi riêng gần giống lối chơi tổ tôm. Ta có đôi cây gồm hai quân cùng màu, cùng tên, như đôi Tượng Đỏ, đôi Pháo Đen. Rồi có đôi ba  với Tướng – Sĩ – Tượng, Xe – Pháo – Mã cùng màu, song cần lưu ý rằng ngoài các bộ ba nói trên, các bộ ba tự ghép khác không được tính. Sau bộ đôi và bộ ba sẽ là tứ quý (hay tứ tử) và ngũ quý (hay ngũ tử) là bốn hoặc năm quân Tốt cùng màu đen hoặc đỏ.

2. Cách chơi tam cúc

Không nghiêm ngặt như tổ tôm, bài tam cúc có thể chơi với 4 người, 3 người hay thậm chí với 2 người. Song khi chơi 3 người cần bỏ bớt Tốt Đỏ, Tốt Đen; hoặc bỏ 5 quân Tướng Ông, Tướng Bà, Sĩ Điều, Tốt Đỏ và Tốt Đen.

Để bắt đầu chơi, cần tiến hành chọn người bắt cái. Ta đọc lần lượt theo thứ tự: Tướng – Sĩ – Tượng – Xe – Pháo – Mã – Tốt, tính theo chiều tay phải của người bắt cái. Khi dừng lại ở người nào với tên lá bài tương ứng, đó là lá bài bắt cái. Người bắt cái được quyền chia bài và ra bài đầu tiên. Bài tam cúc sẽ được chia hết cho tất cả người chơi, nếu có 2 người thì mỗi người nhận 16 lá, có 3 người thì mỗi người nhận được 9 lá (sau khi đã loại bớt một số quân), và có 4 người thì mỗi người nhận 8 lá. 

Đầu tiên, người bắt cái sẽ ra quân và gọi bài theo ý muốn, ví như một cây, đôi cây hay đôi ba. Những người chơi còn lại sẽ hạ quân bài tương ứng. Ở lượt khởi đầu thường có sự khác biệt trong lối chơi dựa trên số lượng người tham gia. Nếu ván tam cúc có 3 người chơi thì khẩu lệnh sẽ là “cấm Sĩ, cấm Tượng, lấy Xe cầm đầu”, tức quân lớn nhất được phép đánh ra là Xe Đỏ. Nếu ván có 2 hoặc 4 người chơi thì khẩu lệnh đổi thành “cấm Tướng, cấm Sĩ, lấy Tượng cầm đầu”, khi đó Tượng Đỏ sẽ là quân lớn nhất được đánh. Trong suốt ván chơi, người chơi đánh ra quân nào sẽ phải úp sấp mặt phải quân đó xuống chiếu. Thông thường, bộ đôi và bộ ba lớn hơn sẽ ăn bộ đôi và bộ ba nhỏ (về tên và về màu), ví dụ như Tướng – Sĩ – Tượng đỏ ăn Xe – Pháo – Mã đỏ. 

Khi tất cả đã ra hết bài, người bắt cái sẽ lật bài của mình đầu tiên rồi kế đến những người còn lại. Người nào có các quân với giá trị cao nhất là người thắng cuộc và giữ quyền bắt cái ở ván sau. Tuy nhiên trong trường hợp nhận thua ngay thì người chơi không cần lật bài, gọi là “chui bài”. 

Ngoài ra, khi tính tổng điểm sau mỗi ván chơi, ta thường tính điểm ăn kết. Trước khi hạ hết lượt bài, người bắt cái có thể gọi “đôi cây” hoặc “ba cây” để nếu thắng thì được tính thêm điểm ăn kết đôi, ăn kết ba. Song trong tình huống bị đè – tức là khi người bắt cái gọi đôi cây, ba cây màu đen, thì người chơi khác trình ngay ra đôi cây, ba cây màu đỏ – thì điểm thưởng lại thuộc về người đè. Có thể gọi tứ tử để ăn kết dày hơn, bởi thông thường kết đôi cộng 2 điểm, kết ba cộng 3 điểm còn kết tứ tử cộng 8 điểm. Còn người đè sẽ được cộng điểm gấp đôi.

Một vài trường hợp đặc biệt thường xảy ra khi chơi tam cúc là Tứ tử trình làng, Ngũ tử cướp cáiđi đêm. Trong hội chơi 2 người và 4 người, khi đánh 4 quân Tốt cùng màu xuống chiếu sẽ gọi là Tứ tử trình làng, có quyền ăn nhưng không được lấy cái. Nhưng nếu là 5 quân Tốt cùng màu thì được ưu tiên trình làng bất cứ lúc nào (trừ lượt đánh khởi đầu) và được cướp cái. Còn trong hội chơi 3 người, do phải bỏ bớt 2 quân Tốt nên không bao giờ có Ngũ tử cướp cái, và cũng vì vậy mà được áp dụng Tứ tử trình làng giống Ngũ tử cướp cái trong hội chơi 2 và 4 người. 

Đi đêm là việc người chơi tráo đổi quân bài với nhau để cùng được lợi. Tuy nhiên việc đi đêm phải được thống nhất trước khi bắt đầu ván tam cúc, và khi tráo đổi không được lật ngửa mặt lá bài lên. 

3. Cỗ bài tam cúc cùng những kỷ niệm xưa

Chính bởi lối chơi đơn giản, không nặng tính sát phạt mà vẫn rất lôi cuốn, nên tam cúc từng là trò chơi gia đình được ưa chuộng nhiều tại miền Bắc. Đặc biệt khi Tết đến xuân về, cỗ bài tam cúc là yếu tố không thể thiếu trong mỗi hội chơi bài của đám trẻ. Chơi tam cúc suông cũng đủ thú vị, nhưng có thêm vài đồng bạc lẻ tiền lì xì để đặt vào từng ván càng tăng thêm sự phấn khích, náo nhiệt. Đám trẻ nhỏ ham đánh tam cúc đã đành, đến những cặp đôi yêu thương nhau, họ cũng lấy thú vui này làm niềm hạnh phúc bé nhỏ cho riêng mình:

Tôi nhớ những buổi tối đi trên con đường Toà án ngan ngát mùi hoa sữa, nhớ những đêm trăng hai đứa dắt nhau trên đường Giảng Võ xem chèo, những đêm mưa ngâu, thức dậy thổi một nồi cơm gạo vàng ăn với thịt con gà mái ấp. Bao trùm tất cả những niềm thương nỗi nhớ ấy, tôi nhớ nhất một đêm cuối tháng giêng, đầu hai năm ấy, hai đứa mới quen nhau, cùng ăn chung một quả vú sữa của một người bạn phương Nam gửi ra cho, rồi đánh tam cúc cho tới nửa đêm về sáng.

(....)

Yêu cái đêm tháng hai ấy không biết chừng nào, nhớ những buổi đánh tam cúc và rút bất không biết thế nào mà nói.

Vũ Bằng, Thương nhớ Mười Hai

Hay như Hồ Dzếnh ân cần viết:

Ngày Tết mải chơi tam cúc
Không hay anh tới sau lưng
Ghé lại gần em mách nước
Kết luôn xe pháo mã hồng

(....)

Nay tóc đời ta điểm bạc
Bể dâu thời thế phôi pha
Em ạ, cỗ bài tam cúc
Vẫn thơm nguyên vẹn tình ta.

(Cỗ bài tam cúc)

KẾT LUẬN

Ký ức của một thời đã làm tươi xanh và thắm đỏ lại màu những quân bài. Giờ đây, bài tam cúc đã lùi dần vào dĩ vãng, không còn mấy ai chơi mà cũng không còn mấy ai biết chơi. Nhưng cũng thật lạ lùng, rằng biến thể của tam cúc là bài tứ sắc vẫn được chơi nhiều tại miền Trung và miền Nam nước Việt cho tới ngày nay. 

Có lẽ cũng như bài tổ tôm vậy, lối chơi cũ kỹ đã ít nhiều bị lãng quên, song biến thể mới là đánh chắn cạ hay tài bàn lại phổ biến rộng rãi. Dẫu sao thì, nếu nhìn theo một cách nào đó, hồn cốt của những trò chơi này không thật sự biến mất, nó vẫn tồn tại, chỉ là biến đổi sao cho phù hợp với dòng chảy thời đại mà thôi.

Tác Giả Tường Vân
Thiết Kế Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share